Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhớ về Lam Trường thời đó, là hình ảnh một chàng trai hào hoa, ngơ ngác vì những bài hit khiến anh thăng hạng quá nhanh. Sự nổi tiếng khiến anh còn cảm thấy sốc. Nhưng ngay sau đó, Lam Trường hiểu mình là ai, đang đứng ở đâu, tự xác định con đường sẽ đi và do đó, anh không hề vướng bận về cấp bậc, thứ hạng. Tên tuổi trên băng rôn với một số người là quan trọng, còn anh, vị trí ở trong lòng khán giả quan trọng hơn. Chính vì thế, cùng với những bản hit, Lam Trường nhanh chóng trở thành "tình đầu quốc dân", "thanh xuân một thuở" của công chúng trẻ trong những năm 1990.
Anh cũng chia sẻ lý do giữ được mình trong giới nghệ sĩ vốn phức tạp và dễ rơi vào vòng xoáy tiền bạc. Đó là hãy dùng âm nhạc chữa lành vết thương cho người khác, còn với mình, âm nhạc trước hết là đam mê, là đích đến để tự hoàn thiện. Đôi khi, Lam Trường rơi vào hoài nghi về giá trị của nghề ca sĩ, khi nhiều fan quá hâm mộ thần tượng, đánh mất chính mình. Nhưng sau đó, anh hiểu ra, chỉ có tình cảm như người thân trong gia đình mới có thể giúp anh và fan giữ được mối quan hệ lâu dài.
Nhắc đến Làn sóng xanh những năm 90 như làn gió mới thổi vào thị trường âm nhạc, tạo ra sự lan tỏa của nhạc Việt trước sức mạnh lấn lướt của nhạc hải ngoại, người ta nhớ ngay đến Lam Trường. Và cái tên "anh Hai" của anh cũng không ngoại lệ. Nổi lên như một "ngũ hổ tướng", nhưng chính Lam Trường không ngờ rằng có ngày anh còn đi xa hơn những người còn lại…
Những ngày giáp Tết Nhâm dần, Lam Trường bình dị lái xe tới quán cà phê ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhìn người đàn ông đeo kính râm này, chỉ riêng nụ cười tươi và hiền hậu là có thể nhận ra ngay anh Hai Lam Trường. Và anh đã dành riêng cho phóng viên Dân Việt một buổi chiều hanh gió chỉ để nói về những điều chưa nói về đời mình.
Luôn giữ hình ảnh đẹp, né scandal có phải là bí quyết để anh được người hâm mộ yêu mến như thế, cho dù cũng không tránh được chuyện đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên?
- Sống đâu né tránh được chuyện thi phi, bản chất mình là người thế nào thì cứ sống như thế, cho dù mình có gặp chuyện gì trắc trở đi nữa, cứ hành xử, đối diện với mọi chuyện theo cách đã được học hỏi và dạy bảo thì mọi chuyện sẽ qua thôi.
Tôi giữ hình ảnh của mình một cách rất tự nhiên, không cần quá căng thẳng hay phải chuẩn bị tâm thế này nọ. Đơn giản chỉ nghĩ, con người mình sao thì mình cứ là vậy…
Cũng may là trong gia đình tôi mọi người đều yêu thương nhau. Từ bé, chúng tôi đã được dạy dỗ nhiều bài học đối nhân, xử thế. Cứ dựa vào những tấm gương cha mẹ mà mình làm theo. Kể ra, chẳng có bí quyết gì cả.
Nhưng giới nghệ sĩ cũng rất màu sắc, nhiều góc nhìn, không tránh khỏi những xét nét, đánh giá. Cho nên, bản chất của nghề ca sĩ cũng có những tương tác nên dễ bị thị phi. Tôi cũng đọc nhiều, nghe nhiều để rút kinh nghiệm xử lý tình huống khó khăn và biết cách làm cho mọi chuyện lắng lại, vì chính bản thân không phải là người chủ động khơi dậy sự tò mò của công chúng. Bản chất tôi không bao giờ thích những chuyện đó.
Cho dù không thích scandal nhưng chẳng riêng gì anh, nhiều người trong giới vẫn chịu cảnh "scandal tự tìm đến"?
- Quan trọng là cái cách mình muốn scandal dịu xuống hay bùng lên mà thôi. Có những người không ngại va chạm, có thể biến scandal thành cơ hội để khán giả nhớ tới. Còn tôi thì nghĩ khác. Có thể, cách nào cũng có hiệu quả truyền thông hợp thời. Nhưng đối với tôi, ngoài sự nghiệp, tôi còn có những giá trị cần gìn giữ nữa. Bởi cái gì cũng phải có giá để trả. Do tính cách khá an toàn, tôi không muốn để sự nghiệp và đời sống riêng tư của mình làm ảnh hưởng tới người thân và gia đình. Nhiều người nói an toàn quá cũng không tốt…
Người ta nói Lam Trường "an toàn" trong âm nhạc quá. Gần đây anh đã có các chuỗi series Lam Trường 9 PM live gây chú ý với những bản hit một thời và sự kết hợp với các ca sĩ khác. Vì sao anh không thử sức thay đổi, tạo sự bứt phá trong âm nhạc, như một ngày nào đó không chỉ hát ballad chẳng hạn?
- Tôi nghĩ, nếu có thay đổi thì cũng chỉ là dạng cưỡi ngựa xem hoa. Vì mỗi ca sĩ đều theo một dòng nhạc riêng của mình, chứ không nên nhảy theo nhiều hướng. Ngay cả những ca sĩ nổi tiếng thế giới bậc đàn anh, đàn chị cũng vậy. Khi đã khẳng định được tên tuổi nhờ chất nhạc nào thì họ sẽ giữ dòng nhạc đó.
Lam Trường có thể đổi sang một thể loại âm nhạc mới, có thể có rất đông khán giả nhưng những khán giả từng yêu thương mình sẽ không tới nữa vì họ đã thích cái cũ của mình. Cho nên, tôi đẩy nhiều sản phẩm mới, chất lượng hơn để con đường mình đi luôn ổn định và không bao giờ lạc lối. Nhất là với một người từng đi hát hơn 25 năm rồi. Thêm nữa, tôi cũng hiểu rõ bản chất con người mình cũng như chuyên môn và hình ảnh nên giữ.
Những năm 2000, anh nổi lên như một hiện tượng, là thanh xuân của nhiều người trẻ và chiếm sóng truyền hình cũng như rất nhiều sân khấu ca nhạc. Gần đây, có Đen Vâu đang tạo làn sóng mới, so ra, cả hai đều có sự chân tình trong từng câu hát. Vậy anh có sự kết hợp nào với Đen hay với một rapper nào đó để làm mới, bắt trend không?
- Những sự kết hợp như vậy rất hay. Tôi cũng thích nghe Đen nhưng chuyện kết hợp thì chưa nghĩ tới. Và đó có thể là một gợi ý. Còn cái tình trong câu hát thì phải xuất phát từ nội tâm của mình. Giống như mình đang nghĩ về cái gì thì sẽ vẽ trong đầu bức tranh như vậy. Người ta hay nói nội tâm quyết định số phận.
Tuổi trẻ bây giờ mỗi ca sĩ đi theo một gu riêng, có khán giả riêng. Ít ra, họ cũng thấy được năng lượng tích cực của giới trẻ. Điều đó rất hay. Tôi thấy các bạn ngày nay rất giỏi, thông minh, có nhiều cơ hội tiếp cận với âm nhạc thế giới chứ không chỉ âm nhạc khu vực.
Trước đây, việc kiếm được tư liệu để học hỏi khó khăn lắm, còn giờ chỉ cần ngồi tại nhà là đã có đủ. Các bạn cũng học hỏi rất nhanh. Cách đây 10 năm, có thể thấy khoảng cách nhạc trẻ (nhạc teen) giữa châu Á và thế giới có một khoảng cách nhất định, bây giờ thì khoảng cách đó đã rút ngắn lại.
Vậy theo anh, vấn đề của nhạc trẻ hiện nay là gì?
-Thực ra, các bài nhạc kiểu Hàn Quốc nếu nghe ra rất giống nhau. Các bạn cũng nên cẩn thận, cái gì cũng giống con dao hai lưỡi. Nghệ sĩ, ngoài vấn đề tìm đến những bài hát hay, giai điệu hay, kỹ thuật cao, ca từ đẹp… thì cần phải có cả tố chất riêng. Nếu hay mà giống thì tốt rồi nhưng đó chưa phải là điểm cuối cùng của các bạn.
Vì thế, người ta nói nhạc bão hòa, 1 bài người ta chỉ nghe vài tháng là xong, rồi nghe những bài mới. Thì đó là cái khó của các bạn.
Thời của tôi có thể không được tiếp cận đa dạng như các bạn nhưng chúng tôi hát bằng tất cả tâm hồn, bằng hơi thở của mình và bằng suy nghĩ tự nhiên, thành ra tạo những nét rất khác biệt.
Thời đó, Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Lam Trường, Phương Thanh… mỗi người đều có một dấu ấn, không ai giống ai. Nhờ Làn sóng xanh mà mọi người thích nghe lại nhạc trong nước.
Nói chung, giữa thế hệ chúng tôi và các bạn trẻ bây giờ có những cái nên học hỏi lẫn nhau. Các bạn chưa bước tới những bước như tôi, nhưng ngược lại, đã có ê kíp đi kèm, lo cho tất cả, chỉ cần nhảy đẹp, hát hay mà thôi. Thành thử cũng dễ bị ỷ lại, hoặc quăng vào môi trường nào đó mà không có phụ tá thì dễ bị hụt hẫng, phải lấp được khoảng cách đó thì mới tốt.
Người ta vẫn thích nghe những ca khúc một thời của tuổi trẻ, cho dù âm nhạc thời nay đã đổi thay rất nhiều. Trong đó, Lam Trường thành một cái tên bền bỉ gìn giữ sức sống của nhạc trẻ Việt trong những năm khởi sắc đầu tiên. Giữ cho được danh hiệu "tình đầu quốc dân" có khó không, theo anh?
- Để giữ danh hiệu đó, một phần lớn là nhờ những bài hát của mình. Thời đó, tôi có bài hit liên tục, các nhạc sĩ ra bài rất chất lượng, đến bây giờ nghe lại vẫn thấy hay và nhiều cảm xúc. Như nhạc của Bảo Chấn, Thanh Tùng, Dương Thụ, Trường Huy, Việt Anh, Nhất Huy… Đó cũng là may mắn của thế hệ ca sĩ chúng tôi.
Hãy để ý chương trình Lam Trường 9PM live, ở phiên bản 1,2, tôi tập trung vào những bài một thời được yêu thích, vì kho bài hit khá nhiều. Chỉ cần lấy lại một bài hát là mọi người đã có cảm xúc dâng tràn. Cho nên, rất thoải mái và dễ dàng tạo ra list bài theo từng mùa, chỉ cần cập nhật cho mới hơn thôi.
Nhờ những bài hát đó mà tôi dễ giữ được cảm xúc của khán giả. Có những khán giả gặp tôi chỉ cần nghe "Từ khi quen anh em đã biết bối rối…" là đã nổi da gà. Bởi vì bài hát đó đi liền với năm tháng, cảm xúc và hoàn cảnh của mỗi người. Có người nghe ca khúc đó khi đang quen bạn gái, có người tình cờ nghe ca khúc khi bầu chọn Làn sóng xanh hay thậm chí, đang thất tình… Mỗi lần nghe lại là họ nhớ tới tuổi trẻ của họ. Mà con người sống thiếu tuổi trẻ là một thiếu sót lớn. Vì đó là cả một kho tàng của đời người. Đó cũng là lý do tại sao được sống với ký ức đẹp của mình là điều may mắn.
Chính vì thế mà đến nay, tôi vẫn giữ được danh hiệu "tình đầu quốc dân". Tất cả những điều đó là phần thưởng vô giá dành cho tôi.
Nói chung, tôi rất hạnh phúc vì danh hiệu đó nhưng cũng có những điều làm cho mình dở khóc dở cười, chẳng hạn, nhiều bạn nữ đến giờ vẫn chưa có bạn trai, có bạn vẫn đang tìm kiếm một người nào đó có hình ảnh giống như tôi. Tôi mong thời gian đó sẽ qua và mọi người sẽ tìm được nửa kia của mình.
Là ca sĩ không mắc bệnh ngôi sao, ngược lại, luôn biết ơn, tri ân khán giả của mình, đó có phải là truyền thống trong gia đình của anh?
- Tri ân khán giả không phụ thuộc vào xuất xứ hay gốc gác bạn là ai. Tôi luôn tri ân khán giả của mình và tâm niệm trong lòng mỗi khi đi hát, khán giả luôn ở một vị trí đặc biệt. Nên đó là lý do tại sao có những show diễn, nhiều khi tập với ban nhạc 12-13 bài nhưng khi lên hát, tôi hát liền tù tì 25 bài! Khán giả cứ nấn ná ngồi lại yêu cầu, mình không thể từ chối được. Hát thêm 5 bài xong cũng chưa được về, họ lần lượt xin lên chụp hình và tôi chụp với nguyên cả khán phòng mấy trăm người. Chụp cho tới khi không còn ai nữa mới thôi. Thói quen đó cho đến bây giờ vẫn vậy.
Ngay cả đầu mùa dịch Covid-19, ra diễn ở các phòng trà Hà Nội, có đêm hát 25-30 bài, khán giả lên tặng hoa và tôi vẫn chụp hình chung với tất cả mọi người dù không khỏi e ngại lây nhiễm dịch bệnh.
Anh có thể kể lại câu chuyện khiến anh day dứt nhất trong đời đi hát của mình?
- Đó là chuyện về fan. Có lẽ, ngày xưa fan dễ thương hơn bây giờ. Thời nay, fan cuồng theo kiểu chiếm hữu. Fan ngày xưa hay viết thư, gửi thiệp chứ không gửi mail hay Facebook như hiện tại. Có những fan viết những cuốn nhật ký từ ngày theo tôi diễn lần đầu cho tới tận sau này, viết rất tình cảm khiến tôi rất xúc động.
Cũng có những bạn học rất giỏi nhưng vì mê tôi hát mà sao nhãng việc học, tinh thần không ổn định, có khi ôm hình tôi đi ngoài đường. Điều đó làm tôi không vui. Tôi còn nhớ, có một bạn đi học ở Sài Gòn, trên đường về nhà ở Biên Hòa không may bị xe tải cán. Khi hấp hối, bạn gọi tên tôi. Sau khi biết tin, tôi cùng fan club xuống nhà thắp nén hương cho bạn. Vào phòng thì thấy toàn treo hình tôi.
Sau đó, tôi bị khủng hoảng một thời gian. Nói là trầm cảm cũng không đúng nhưng nhiều khi thấy hoàn cảnh của fan như vậy, tôi mất phương hướng, tự hỏi mình có đi đúng hướng hay không? Mình có cần thiết đối tốt với các bạn như vậy để họ si tưởng mình không? Thậm chí, tôi không biết cách hành xử của mình với fan có đúng không. Bởi vì tôi đối với họ rất nhẫn nại, chịu lắng nghe dù quỹ thời gian rất ít. Bao nhiêu khó khăn cứ dồn lên mình. Bạn bè, đồng nghiệp thường trêu tôi là ca sĩ "nhận giải vô địch" vì chiều fan.
Giờ suy nghĩ lại thì thấy đó không phải là mất mát, mà đúng hơn là phần thưởng Không phải ai cũng dễ dàng có được điều đó.
Trước khi nổi tiếng, cuộc sống của anh ra sao? Trở lại ca khúc "Mưa bụi" đưa anh lên top ca sĩ của nhạc Việt – đôi khi một ca khúc có thể đổi chiều số phận một con người?
- Ba tôi làm nghề vận tải hàng hóa, một mình nuôi cả nhà. Má tôi cũng phụ ba và chăm sóc các con ăn học đàng hoàng, mở thêm quán nước. Cuộc sống không khó khăn nhưng dư dả thì không. Tôi nhớ cứ mùa Trung thu, má chỉ mua về đúng 1 hộp bánh thôi, cắt ra từng miếng chút xíu cho 11 anh em tôi ăn. Có những lúc tôi thèm ăn vì đang tuổi lớn. Lâu lâu bị bệnh, bác sĩ dặn má bồi dưỡng thì mừng lắm, vì như thế mình được quyền yêu cầu ăn món này, món nọ.
Hồi đó tôi tâm niệm, nếu mình đi làm có tiền thì việc đầu tiên sẽ… lên list những món ăn mình thích. Sau khi đi hát "Mưa bụi" (từ năm 1996), tôi nhận được nhiều hợp đồng, trong đó có hợp đồng thu 100-200 bài hát với giá 20 triệu đồng (khoảng 4 cây vàng). Lúc ấy, tôi cảm thấy mình như đã thỏa mãn ước mơ, cuộc sống của mình đang thay đổi. Tôi tậu ngay chiếc xe dream, không quên mua cái bánh trung thu, leo lên sân thượng, uống trà và ăn ngon lành, đã đời lắm!
Lúc mới nổi, âm nhạc anh chọn mang tính bắt trend trào lưu nhạc Hoa và thế giới. Nhờ đâu anh có bước đi dài trưởng thành cho tới ngày hôm nay?
- Tôi rất chăm chỉ. Và chuẩn bị rất kỹ từng dự án, từng show diễn. Từ chọn bài, đến tập duyệt… Hồi đó, tôi có những người bạn thuộc hàng "dữ dằn" trong nghề, như các nhạc sĩ Hoài Sa, Đức Trí, Vĩnh Tâm… Lúc mới nổi, hay hát "Mưa bụi", "Tiếng sáo phiêu bồng", "Tiễn bạn lên đường"... Lúc ấy, những sân khấu như 126, Trống Đồng, Sơn Trà… bắt đầu mời tôi, nhưng tôi không hát và nói với họ cho tôi một thời gian vì cảm thấy chưa có đủ kinh nghiệm. Đêm về, tôi đi hát ở vũ trường là chính. Tối hát 8 chỗ, mỗi chỗ 4 bài, 1 đêm hát tới 32 bài, mà hầu như đêm nào cũng hát!
Thành ra, tôi luyện được sức hát và nội lực khủng khiếp. Đam mê đến mức bị bệnh cũng không bỏ hát. Thằng bạn tôi bị ngã xe không hát được, tôi năn nỉ cõng nó lên lầu hát rồi chở về. Hát liên tục mấy năm trời như thế, đến khi thấy đã ổn rồi mới bước ra sân khấu lớn.
Khi được lọt top bầu chọn Làn sóng xanh, tôi bị sốc vì những gì đang diễn ra với mình. Chỉ biết cơ hội tới thì mình nắm lấy và làm thật nhiều. Trong các giọng ca, tôi là ca sĩ trẻ, biết chơi đàn… Làn sóng xanh nâng đỡ chúng tôi. Đến giờ, tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra những thành công mà mình đạt được. Nghĩa là mình rất may mắn. Thực sự, để làm lại được như vậy khó lắm. Giống như đêm "Nghe mưa" của chú Dương Thụ và Bảo Chấn… đi diễn xuyên Việt. Chú Chấn vẫn còn nhắc, nhiều khi khách sạn chúng tôi ở, khán giả bao vây, gọi tên Lam Trường. Có những đêm không diễn được vì khán giả đông quá, cả hai chục ngàn người kẹt cứng trong sân vận động.
Tôi còn nhớ lần đầu tôi xuất ngoại sang Mỹ vào năm 2003. Khi đó, khán giả đông đến độ không còn chỗ đứng. Họ chỉ cần nghe đúng giai điệu của "Tình thôi xót xa" là gào thét, chỉ muốn tận dụng thời gian đó để nắm tay tôi. Thời đó thật hạnh phúc!
Đúng thời điểm, đúng giọng ca, đúng giải thưởng, đúng thời kỳ đỉnh cao của nhạc Việt đã tạo ra cơn sốt quanh tên tuổi Lam Trường, mà như anh nói là thiên thời địa lợi nhân hòa… Nhưng phi lý ở chỗ chính bài hát đưa tên tuổi anh lên top lại là tai nạn của người khác… Thời đó anh có bị liên đới nhiều không?
- Nói không bị liên đới thì không đúng… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng rất tội cho chú Bảo Chấn. Thật ra, là một nghệ sĩ, tôi nắm rõ chuyện đó. Chú Bảo Chấn có một thời gian dài cộng tác với Kim Lợi, ngoài việc nhạc sĩ viết bài đẩy sáng tác cho trung tâm, còn có việc được đặt viết lời cho những bài hát. Một lần gửi cả chục bài.
Khi gửi bài cho trung tâm, có thể họ ghi nhạc và lời Bảo Chấn. Khi họ gửi tiền thù lao, chú cũng nhận vậy thôi. Đến khi bài hát quá nổi, người ta lôi lại chuyện cũ, thành ra "tình ngay lý gian" không biết tính sao. Bây giờ chuyện đó cỏn con, còn nhiều chuyện khủng khiếp hơn nhiều. Trong khi tài năng của chú, nhạc sĩ Hoài Sa còn gọi bằng thầy.
Mỗi người có một kiếp nạn. Cũng có chút khiếm khuyết trong đó, nhưng dù sao đó là một bài hát tôi luôn mang ơn. Mang ơn dù chỉ là một chữ của chú trong ca từ, nói chi đây là cả bài. Lời quá hay, quá dễ thương.
Đối với tôi, mỗi ca sĩ đều có sức sống riêng. Ca khúc dù người này hay người kia viết, nhưng đầu tiên khán giả sẽ nghe giai điệu, ca từ. Sau khi nghe, họ mới tìm hiểu bài đó do ai viết. Bài "Tình thôi xót xa" mỗi lần hát lại như có luồng điện chạy trong người, tôi bắt đầu nhớ lại quãng thời gian lần đầu đi hát, bắt đầu thu băng rồi quay video. Bài đó đứng top trong vòng 2-3 năm, trong khi ngày nay, một ca khúc đứng top trong tuần, trong tháng đã là rất thành công rồi.
Một thời, bài hát "Tình thôi xót xa" chiếm lĩnh thị trường, không ai qua mặt. Thời đó, may là bên anh còn có một Phương Thanh mang màu sắc khác biệt, với "Ta chẳng còn ai", "Một thời đã xa", "Giã thời dĩ vãng", "Xin làm người hát rong"…, làm nên diện mạo, gu âm nhạc mới cho nhạc trẻ. Tuy nhiên, thường hay có hiện tượng ca sĩ nổi lên nhờ một bài sau đó nhòa nhạt. Trong khi đó, anh có bí quyết gì để duy trì độ nóng của mình?
- Tôi tập thiền, nhờ cơ duyên với một võ sư. Ngoài ra, người ta nói giữ tâm hồn đẹp thì giọng hát mới bền được. Đỉnh của tôi là các bài hát "Tình thôi xót xa", "Mưa phi trường", "Ánh sáng đời tôi", "Katy Katy"… Sau đó tôi đóng phim nhựa "Nữ tướng cướp", phim truyền hình "Ngôi nhà hạnh phúc"… Nói chung làm cái gì cũng do duyên.
Nói về mối quan hệ trong giới showbiz vốn khá phức tạp, sao anh có thể dung hòa và vẫn có tình bạn đẹp như với Phương Thanh?
- Phương Thanh chân tình, chúng tôi thân nhau dù tính cách trái ngược. Nhìn chung, tôi đứng ngoài mối xung đột của mọi người trong showbiz. Nếu có bàn thì tôi bàn vô chứ không bàn ra. Tôi thấy lứa ca sĩ của tụi tôi rất dễ thương. Ngoại trừ một số xung đột chưa tháo gỡ được gút mắc, đa phần cách chơi với nhau rất thật.
Có lẽ vì thế mà tôi đứng ngoài thị phi, vì cách đối xử với đồng nghiệp chừng mực, vừa phải, tôn trọng người đi trước, hòa đồng vui vẻ với các bạn đi sau. Lúc nào tôi cũng thân thiện, không hề tự cao, tự kiêu, hay nhường cho các anh chị cần thì hát trước. Tôi quan niệm, lúc mình ra sân khấu, khán giả nghe mình hát chứ đâu biết bên trong cánh gà ai dành trước sau gì đâu, họ chỉ cần gặp được mình thôi. Nên chuyện lúc ra mình hát thế nào, giao lưu với khán giả ra sao mới quan trọng. Còn chuyện sắp xếp bên trong chỉ là tiện nghi thôi.
Có chuyện khá tế nhị, là chuyện băng rôn, poster, sắp xếp vị trí thế nào. Tôi ít khi phàn nàn về chuyện đó, không phải là không biết nhưng chuyện đó đòi hỏi sự khéo léo của ban tổ chức. Có những ca sĩ không nổi đình đám nhưng họ đi trước, cần xếp chỗ cao hơn mình, tôi chấp nhận vì đó là đạo đức trong nghề. Còn nếu hành xử theo kiểu mình nổi tiếng, bất chấp họ là đàn anh, đàn chị mà dành đứng trên tôi cũng cảm thấy kỳ.
Tôi nghĩ, các ca sĩ khác cũng nên như vậy. Tôi thường giải thích với fan, đừng để tâm chuyện đó quá, mình sáng thì mình sáng, không có chuyện khán giả yêu anh thì sẽ ghét người khác, hoặc yêu một người khác thì sẽ ghét anh.
Thời đang ở đỉnh cao, có thể hình dung thu nhập của một ngôi sao như anh thế nào?
- Tôi kinh doanh, mua nhà cửa. Má tôi cũng mát tay về địa ốc. Tôi đưa tiền để má tính toán, hơn nữa, má cũng rất giỏi. Thời đó, nói về quảng cáo tôi rất hot. Có thời gian tôi thống kê những nhãn hàng mình từng quảng cáo, hóa ra nhiều kinh khủng. Đi ra trung tâm sài Gòn, có thể thấy những bản Billboard nổi trên building. Rồi hình tôi treo đầy thành phố. Ra tới Bình Dương, các tỉnh, tới Hà Nội.
Âu đó cũng là việc tự nhiên, mình gặt hái được khi làm việc hiệu quả. Người nhận quảng cáo phải có ảnh hưởng tới công chúng, mối quan hệ hoàn toàn sòng phẳng.
Chuyện từ thiện trong showbiz đang nóng rẫy... Anh nghĩ sao?
- Chuyện từ thiện là việc của xã hội. Chuyện của ai, người đó sẽ tự chịu trách nhiệm với vấn đề mình làm. Tôi chưa nói đến chuyện làm tốt hay chưa tốt vì cái đó phải học hỏi nhiều và trưởng thành. Giống như một số người hỏi tôi, người ta tin tưởng ca sĩ và gửi tiền rồi thì sẽ không quan tâm người đó làm thế nào. Có người nói, họ muốn tiền của họ tới từng người. Cho nên, dù tâm thế của người gửi tiền tin tưởng mình thế nào, làm từ thiện là phải thoát ra khỏi hình ảnh của người ca sĩ, diễn viên, mà phải cực kỳ chuyên nghiệp. Ở Việt Nam bị vướng nhiều chuyện như vậy chứ ở nước ngoài thì không.
Văn hóa Việt Nam khiến cách làm từ thiện rất cảm tính, xuất phát từ cái tâm của mình, nghĩ là làm mà không biết có những phương pháp khác tốt hơn nhiều. Ở nước ngoài, ca sĩ kêu gọi, sau đó có công ty chịu trách nhiệm, có kiểm toán để khỏi phải làm việc không đúng chuyên môn của mình. Tôi biết nhiều bạn bè ca sĩ sau này sẽ làm như thế, rút kinh nghiệm chuyện vừa qua.
Trong chuyện này, tôi không phán xét ai đúng, ai sai. Trước đây, tôi cũng làm nhưng không theo quy mô lớn. Chúng tôi có fan club, mỗi lần gom góp vài chục triệu đổ lại, mà hơn phân nửa là tiền của tôi. Hầu hết các fan là học sinh. Tôi chỉ muốn cho các bạn thấy mình sống cần quan tâm những mảnh đời khó khăn. Vài chục triệu hay gần trăm triệu đem tới cô nhi viện, bệnh viện, nơi chăm trẻ bị dị tật, giúp hết số tiền đó thì thôi, nên tôi không bị nhức đầu vì chuyện này.
Tuổi Dần lận đận tình duyên...
- Tôi thấy nhiều tuổi khác còn lận đận hơn tôi nữa. Tôi cũng không muốn đổ cho tuổi Dần, mà đó là do quan niệm cuộc sống, do môi trường nữa. Thực sự, nghề của tôi cũng bay bổng. Nghe bài hát đã rung động, huống hồ thấy những cái đẹp, nét duyên dáng... Thành ra, chỉ đến khi trưởng thành thực sự, tôi mới hiểu đó là rung động kiểu gì. Mình phân loại rung động để biết cái nào an toàn, cái nào không.
Tôi lấy vợ vào năm 30 tuổi vì nghĩ, tính cách mình khá đa đoan, hay thương người. Thành ra, tôi sợ mình sẽ khổ. Một người nào đó thương mình và mình thương lại thì phải hết lòng. Đó là một trong những quyết dũng cảm tại thời điểm đó, nhất là với một ca sĩ đang nổi. Tôi nghĩ, mình phải biết cân bằng cuộc sống của mình và biết chấp nhận. May mà không mất show.
Từ đó, tôi rút ra một điều là khán giả vẫn yêu thương tôi. Là vì tôi thấy tình cảm khán giả dành cho tôi không phải chỉ có tình trai gái. Nhiều bé gọi tôi là anh Hai (như báo Hoa Học Trò dành tặng cho tôi). Thành thử, tôi hướng tình cảm đó thiên về gia đình, mọi người quý nhau và đối đãi như trong nhà.
Đôi khi cũng có "tai nạn" vì có những bạn không phải như vậy. Có nhiều bạn cố tình tới gọi má tôi là "má", bồng con tới nói "đây là con của anh Trường". Má tôi hết hồn muốn xỉu. Mà lúc đó tôi không có ở nhà. Tôi nói với má, "má ơi đừng tin, con không vậy đâu. Có thể người ta tơ tưởng nghĩ đến con mà làm như thế".
Nếu làm lại cuộc đời, anh vẫn chọn đi hát?
- Vẫn là ca sĩ. Bởi khi hát, tôi được sống trong niềm đam mê của mình, được hát, được phiêu, bay bổng cùng giai điệu, được làm cho người khác đồng cảm với mình. Có thể đó là một điều mê hoặc mình, nhưng hơn hết, âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, chữa lành những vết thương, có thể là động lực để vượt qua nhiều thứ. Nếu nhìn về tác dụng của âm nhạc, có những bạn người Việt sinh ở Mỹ không nói được tiếng mẹ đẻ, vì nghe bài hát của tôi mà học lại tiếng Việt, biết nói tiếng Việt. Âm nhạc giúp gìn giữ văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt. Có những lúc đi diễn, tôi thấy cặp vợ chồng nghe tôi hát mà ngồi quay lưng với nhau vì giận hờn. Nhưng khi tôi hát một bài xong, lại nhìn thấy hai người nắm tay nhau và khóc. Bài hát hàn gắn mối quan hệ của con người, nối kết tình bạn và se duyên cho nhiều đôi lứa.
Tôi nghĩ, âm nhạc đặc biệt vô cùng, đẹp đẽ vô cùng. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn sẽ đi hát vì đó là điều tuyệt vời, không phải vì danh tiếng, tài chính mà còn hơn thế nữa, đó là sức mạnh tinh thần. Ba má rất hãnh diện về tôi.
Âm nhạc, dù là bác học hay thị trường chăng nữa, đều có tác dụng chữa lành cho nhiều người đã đành, riêng với anh thì sao?
- Tôi thấy mình không dùng âm nhạc để chữa lành cho mình vì cảm nhận rằng khi cần chữa lành thì mình không giống như mọi người. Người ta tìm đến một bài hát để tự chữa lành, còn tôi thì được hát, nên đôi khi để chữa lành cho chính mình, tôi phải dùng cách khác ngoài âm nhạc. Khi buồn, tôi không hát nổi và đắm chìm trong đó triền miên. Thành ra, tôi tìm cách khác. Vết thương đau chỗ nào thì mình tự chữa lành ngay chỗ đó. Ví dụ gặp vấn đề chỗ nào thì nhìn thẳng, nói thẳng. Cũng tùy theo vấn đề tuổi tác, thời gian nữa. Có những thời điểm tôi chọn sự im lặng, né tránh nỗi đau, không dám đối mặt trực diện, hy vọng thời gian sẽ xoa dịu mọi thứ. Nhưng tới lúc trưởng thành hơn thì biết phải nói chuyện cho ra lẽ.
Nghĩ lại, tôi sắp bước sang tuổi 50 rồi (trước đây tôi sẽ không nói tuổi mình ra). Mình trưởng thành hơn, thấy không có vấn đề gì ngại ngùng nữa. Đỉnh điểm tôi cũng đạt được, theo biểu đồ của ca sĩ, khi lên đỉnh điểm sẽ thoái trào. Còn mình giữ dốc thoai thoải càng lâu, càng tốt, không bị ngắt quãng đã là mừng. Bây giờ, tôi vẫn được đánh giá là ca sĩ bán vé. Tôi không có gì phải phàn nàn về chuyện được hay mất. Trái lại, tôi được nhiều quá.
Nhiều người hỏi tôi có bí quyết gì để trẻ mãi thế, tôi nói, có lẽ, "các bạn coi tôi như thanh xuân của các bạn nên tôi cố gắng phải trẻ".
Xin cảm ơn Lam Trường và chúc anh sáng tác nhiều bài hát mới, có nhiều chương trình hay trong năm tuổi của mình!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.