img img
 
img img

img img

Là con nhà nòi, cha là hiệu trưởng đầu tiên của trường Nghệ thuật sân khấu II, Xuân Hương vừa giỏi diễn xuất và đạo diễn, vừa viết nên những tiểu phẩm trào lộng mang tính dự báo từ rất sớm. Cho đến thời điểm này, dù 2 thập kỷ đã trôi qua, nhưng xem lại những tiểu phẩm hài của chị, người ta vẫn thấy thời sự, những vấn đề đương đại từ tham nhũng, mua danh bán chức, y đức xuống cấp, phá rừng, ô nhiễm không khí, phẫu thuật thẩm mỹ, tràn lan thi nhan sắc, đến việc hám danh lợi, quên tình nghĩa, bạc ác…

Đóng góp của chị và nhóm “Những người thích đùa” là không nhỏ khi thổi luồng sinh khí mới vào hài kịch có trí tuệ trên sân khấu TP.HCM. Song điều đáng buồn là khi tìm kiếm tên của Xuân Hương trên google, người ta chỉ thấy nổi lên vụ khai thác bi kịch hậu ly hôn của Xuân Hương với MC Thanh Bạch, hay màn “cãi vã” bị vu oan giá họa với người mẫu Trang Trần. Phải chăng, cuộc sống hôm nay quá vội, người ta chỉ kịp nhớ những gì không cần thiết trước khi tất cả đi vào quên lãng, thay vì nhìn nhận một chân dung nghệ sĩ, hay những cống hiến của họ?

Trong trang phục nền nã sắc vàng, dường như chị đã dần lấy được thăng bằng sau những chương đoạn hé lộ cuộc sống hôn nhân đau khổ gây bão mạng vừa qua. Có người nói, phải vì Xuân Hương sắp ra sản phẩm mới nên “PR” cho bản thân, nhưng ai chứ với Xuân Hương, điều đó hoàn toàn không phải.

Chị quá đủ nổi tiếng để gây dựng thanh thế cho mình, vả lại cũng chẳng muốn “vạch áo cho người xem lưng”, hay biến mình thành trung tâm đàm tiếu của thiên hạ. Đơn giản là vì chị sống thật nên không chấp nhận dối trá hay “đá xoáy”. Và chị muốn trả lại đúng nghĩa của cụm từ “tình yêu lãng mạn” thay vì sự chịu đựng và bùng nổ vì bất hạnh sau hôn nhân.

Nói đến Xuân Hương, dù muốn hay không, người ta nghĩ ngay đến Thanh Bạch – cặp đôi nghệ sĩ như hình với bóng nổi lên trong thập niên 80. Cả hai đều cùng du học ở Nga chuyên ngành sân khấu, và sau này về nước cùng làm nhiều tác phẩm gây tiếng vang, đặc biệt là chùm tiểu phẩm “Những người thích đùa”.

Trên sân khấu, bao giờ Xuân Hương cũng nhún nhường, để phần chính cho chồng cũ của mình và các đồng nghiệp, còn chị chỉ giữ vai phụ, hoặc dẫn chuyện. Thế nhưng chỉ cần một tiểu tiết, một cái nhếch mày, vung tay, trong khoảnh khắc, người ta bỗng bị hút hồn nhìn về phía chị và từ đó chăm chăm vào nhân vật do chị làm cho sinh động hẳn.

Là bởi chị diễn có thần thái, có điểm nhấn, kiệm động tác và kiệm lời, chỉ khi nào cần chi tiết đắt thì mới đưa vào. Chị là người sáng tạo trong kịch bản, sáng tạo ngay cả khi đang diễn và mỗi một lần diễn lại đem lại một cảm giác khác nhau cho khán giả.

img img
img img

Sau những trải lòng về hôn nhân sóng gió, những tưởng có một Xuân Hương buồn bã, u sầu, song dường như chị đã cân bằng trở lại?

- Tôi hiểu mình phải nhìn cuộc đời mình như nhìn cuộc đời người khác, nhìn một cách khách quan, để hiểu mình phải làm thế nào, có thể đối phó với nỗi buồn và những trò hèn của thiên hạ ra sao. Đương nhiên, tôi đối phó bằng cách tôi không trả thù. Và tôi chỉ cố gắng vượt lên hoàn cảnh khốn cùng mà người khác mong muốn tôi phải chịu vậy.

Tôi cũng biết rằng, cái thua bằng nhân cách mới khó gỡ được, chứ thua về tiền bạc, địa vị trong xã hội, kiến thức… thì dễ lắm, chỉ cần mình cố công học, rèn luyện, thanh lọc lại những điều tốt, điều xấu để biết mình nên làm gì. Cho nên, mỗi khi tôi bị người khác coi thường, bị người khác nhận chìm xuống thì đó là liều doping mạnh mẽ, hữu hiệu để tôi cười trên nỗi đau của mình, cười vào thói đời đó để luôn luôn ngẩng cao đầu bước tiếp.

img img
img img

Nói thẳng, nói thật có phải là một trong những phẩm giá và chân giá trị làm nên con người nghệ sĩ Xuân Hương, cho dù đôi khi là những sự thật mất lòng?

- Hồi xưa, khi thấy con thích đồ hiệu, tôi từng nói với cháu: Con sống ở đời làm sao coi miếng ăn, tấm áo không là gì cả, mình có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồ hiệu ai cũng thích nhưng đừng chạy theo đồ hiệu. Thứ đồ hiệu cần nhất chính là con người mình. Con người mình là món đồ hiệu mà con phải vươn tới và đạt được. Con mặc đồ hiệu nhưng con người của mình không là gì cả thì món đồ khoác lên người cũng chẳng giúp gì hơn.

Ngày trước, tôi đi chiếc xe 84 cà tàng dù lúc đó tôi đã nổi tiếng rồi. Nhiều người ngạc nhiên, hỏi tôi sao lại đi xe tệ vậy, tôi chỉ cười. Sau đó người ta cứ nói hoài tôi mới đùa khi trả lời: Tôi là người phải nâng cấp mình qua từng bước. Quan trọng là người ngồi trên xe đó là ai chứ không phải chiếc xe hiệu gì.

img

Trong những năm khổ sở, bị vùi dập vì dựng vở chống tiêu cực, chị làm gì để vượt thoát lên khỏi hoàn cảnh và viết những tiểu phẩm mang tính dự báo mà đến hôm nay vẫn chưa mất tính thời sự?

- Azit Nexin là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi rất ngưỡng mộ, mọi người thường đọc tác phẩm của ông, nhưng có một câu chuyện mà chắc là ít người biết. Ông bảo rằng, có một kép hát chuyên diễn vai hài, một hôm bị stress quá nặng vì cuộc sống kém may mắn, nên mới tìm đến bác sĩ tâm lý. Ông muốn bác sĩ giúp mình cười được, còn ông bác sĩ tâm lý lại khuyên ông hãy đến xem một anh hề chuyên diễn hài rất hay, ai buồn cách mấy rồi vô đó coi cũng cười được. Ông kép hát liền nói, tiếc rằng người đó chính là tôi!

Có nghĩa là cuộc đời của một diễn viên, nhất là diễn viên hài, chuyên viết những kịch bản hài không hẳn là một cuộc đời suôn sẻ. Bởi vì nếu như cuộc đời của anh ta suôn sẻ thì không có chất liệu để viết. Là một nghệ sĩ, phải có trải nghiệm, phải có một cuộc sống thăng trầm thì tác phẩm của anh ta mới có thể lay động đến trái tim của khán giả được.

Nói điều này nghe hơi cay đắng. Chẳng lẽ muốn viết nên những tác phẩm đem đến cho người xem tiếng cười và giọt nước mắt, người diễn viên phải khổ đến thế à? Nhưng tiếc là cuộc đời tôi là như vậy!

Các bạn có thể tưởng tượng tôi từng viết những tiết mục hài trong nước mắt, có nghĩa là tôi vừa khóc, vừa viết. Trong những chương vừa rồi tôi viết trên Facebook của mình, có nhiều khi tôi viết kịch bản, mà người sống chung với tôi lại la mắng, bảo tại sao viết kịch bản toàn chuyện chính trị, toàn chuyện khô khan, chuyện bê tông cốt thép thì ai cười, ai coi? Anh vừa nói, nước mắt tôi đã tuôn rơi, nhưng tay tôi vẫn bấm bàn phím, dù tai phải nghe những lời đau lòng nhưng khối óc vẫn phải nghĩ những câu chuyện cười. Điều đó rất đau đớn.

Tôi cũng không hiểu sao những tiết mục của tôi giờ xem lại gần 30 năm, 20 năm vẫn còn tính thời sự. Không hiểu do dự đoán hay do sự phá phách khiến tôi dám tưởng tượng nhưng có một điều, với tôi, bất cứ câu chuyện gì, tôi đều tiếp nhận bằng sự nghiêm túc nhưng đồng thời cũng nghĩ ra những câu chuyện hài đằng sau đó.

img img

Bí quyết để chị nghĩ ra các câu chuyện hài đằng sau những bi kịch là gì?

- Hồi tôi còn học cấp 2, có một hôm cùng đi cắm trại với các bạn trong trường, tôi thấy cái áo khoác thầy tôi mặc, bên ngoài đẹp mà bên trong không lót gì cả, lòi ra nào túi, đường may, chỉ… Tôi nói với thầy, “thầy ơi, bề trái của cuộc đời nè thầy”. Thầy nói, “con nhỏ này toàn nghĩ những điều mà người khác không nghĩ”.

Sau này, tôi hiểu thầy nói đúng. Tôi luôn tìm thấy bề trái sau những bề mặt hào nhoáng. Chính vì thế, những điều tôi thể hiện trong kịch bản luôn đúng với thực tế, đúng với bản chất của vấn đề.

Lời thoại của chị sắc sảo nhưng chua cay, lúc làm người ta bật cười sảng khoái, lúc làm người ta thấm thía. Đó là nét đặc sắc nhất của hài kịch Xuân Hương. Vì đâu chị làm được điều đó?

- Tôi được nhiều người ban tặng cho những từ ngữ thể hiện chất hài của tôi. Cố nhà báo Lý Quý Chung từng bảo: Hài của Xuân Hương là hài trí tuệ, còn người trong nghề thì bảo tôi thiên về chơi chữ nhiều hơn. Tôi thấy điều đó cũng đúng, dù tôi không biết có trí tuệ hay không, nhưng đã là hài kịch thì nên sạch sẽ, đừng đưa vào những điều quá thấp kém. Thực tế là một chuyện nhưng phải chọn lọc và khi viết là chuyện khác.

Tôi hay nhìn cuộc đời bằng bề trái của nó nhiều hơn bề mặt và sự chua cay đã làm nên một cái gì sâu sắc trong con người của tôi. Những suy tư hình như đã in sâu trong tiềm thức của tôi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng tự động nói ra những lời đó bằng những ý tứ sâu sắc. Người ta nói kịch bản của tôi nói chuyện ở đây mà… chết cây trên rừng.

img img
img img

Tiểu phẩm “Thẩm mỹ viện di động” và “Nhà thương, nhà ghét” cũng khiến người ta nhớ mãi vì tình huống hài hước. Để viết nên những hài kịch thú vị như vậy, hẳn chị phải trang bị vốn đọc cũng như tích lũy, cập nhật kiến thức xã hội để ra những câu chuyện đời sâu cay như thế?

- Kể từ khi tôi ý thức về vốn sống xã hội thì bắt đầu đọc báo. Nhất là khi tôi bước vô nghề, lại càng đọc báo nhiều hơn nữa. Mỗi ngày tôi đọc qua nhiều tờ báo (4-5 tờ báo), kể cả tuần san, nguyệt san, rồi lọc lại những gì cần để đem lên sân khấu.

img

Tôi ăn, ngủ, trăn trở cũng vì những vấn đề đó. Nên khi được hỏi tôi sống thế nào để vượt thoát khỏi nỗi buồn của tôi, rõ ràng nhờ nghệ thuật, nhờ những bài báo, nhờ những vấn đề khơi gợi cho tôi suy nghĩ, sáng tạo mà tôi thoát khỏi con người khốn khổ của đời thường.

Thêm nữa, vấn đề mà báo chí đã cất công điều tra, đúc kết là những tư liệu rất quý. Tôi thay họ biến những điều thời sự họ thể hiện trên thực tế thành thời sự trên sân khấu. Có người nói tôi là “nhà báo trên sân khấu” và có một nhà báo đã nói rằng “Xuân Hương là nghệ sĩ dũng cảm, vì dám đem những điều nhạy cảm, đôi khi là những điều cấm kỵ lên sân khấu một cách trực diện với khán giả".

Tôi không sợ, dù nhiều bạn trong nghề lo lắng cho tôi, và nghĩ nếu vì sợ 1, 2 người nào đó mà mình bỏ bao nhiêu khán giả đang chờ mình thì rõ là hơi bị hèn. Nên đã làm thì phải làm đến cùng, làm cho ra ngô ra khoai, đừng nói mà không đi đến đâu. Vì đó không phải là Xuân Hương.

Chị nghĩ thế nào về vai trò nghệ sĩ với thời cuộc, khi khán giả thời nay rất tinh ý và thông minh, họ có thể nhận ra ngay ai là người có tâm, ai không có tư cách và sẵn sàng tẩy chay những kẻ đó?

- Tôi thường có những status về vấn đề thời cuộc trên trang cá nhân của mình. Đó là quan điểm của tôi, cũng như tấm lòng của tôi đối với xã hội.

Tôi nghĩ, đã là nghệ sĩ, nhất là một người nghệ sĩ chọn hài châm biếm làm lẽ sống, làm con đường nghệ thuật bất cứ ở đâu, không riêng gì trên sân khấu, phải tỏ rõ quan điểm khách quan, đúng đắn của mình đối với công chúng và với cái tâm của mình nữa.

Ngày xưa, khi tôi còn học ở Moscow, thầy tôi bảo, nếu bạn nào mai mốt ra trường mà chọn ngành châm biếm làm nghề, làm lẽ sống thì hãy coi chừng nồi cơm của mình, vì nghề này nguy hiểm lắm, tai họa khôn lường. Bởi vì đã châm biếm thì phải nói về tiêu cực, mà nói về tiêu cực thì sẽ đụng chạm rất nhiều thế lực.

Tôi không nghĩ câu nói của thầy lại vận vào đời mình, nhớ câu nói đó nhưng tôi không sợ, và nghĩ rằng mình nói cho chính nghĩa, nói cho lẽ phải, cho số đông và nói cho lương tâm mình không hổ thẹn thì chẳng phải sợ ai hết. Và như bạn thấy đó, đến giờ tôi cũng vẫn còn sống và sống một cách hiên ngang.

img img
img img

Từ năm 1997 đến 2006, “Những người thích đùa” 1, 2, 3 đã thổi luồng không khí mới vào sân khấu kịch, thay đổi toàn bộ phong cách tấu hài của thời bấy giờ. Nhìn lại thành công đó, điều gì khiến chị hài lòng nhất?

img

- Phong cách hài Xuân Hương mang đến cho khán giả và người trong nghề suy nghĩ khác về tiếng cười trên sân khấu, cũng như đem đến khái niệm khác về hài kịch. Hài kịch có nhiều chức năng khác nhau, đôi khi chỉ để giải trí, mang tiếng cười sảng khoái đến với khán giả cả khi họ ra về. Nhưng tôi không chọn con đường suôn sẻ đó mà chọn cái hài đánh thẳng vào tiêu cực của xã hội một cách không khoan nhượng, không sợ sệt.

Cho đến bây giờ, tác phẩm của tôi không nhiều, nhưng tôi đã chọn đúng đường. Tôi đã tạo được niềm tin và cảm tình nhất định với khán giả. Tôi hài lòng vì nói được tiếng nói của khán giả, của số đông quần chúng mà không phải ai cũng có cơ hội để nói ra.

Nhưng tôi cũng buồn vìmình áp dụng những gì học được quá ít. Do hoàn cảnh gia đình, tôi không bon chen, mặc dù tôi sống với một nghề khá bon chen giữa hào quang và danh vọng, và cũng không màng điều đó.

Tôi chỉ nghĩ rằng trong nghệ thuật, tôi cống hiến tất cả trong khả năng để thể hiện tính công dân của mình. Tôi hài lòng vì khán giả hiểu được khả năng và cái tâm của tôi nên yêu mến tôi.

Thế còn điều đáng tiếc mà chị chưa làm được?

- Điều tôi thất vọng về mình là tôi lo cho gia đình nhiều quá, lui về phía sau, nghĩ rằng sự hy sinh sẽ mang đến hạnh phúc gia đình, để người bên cạnh tôi cống hiến được nhiều hơn, người đó thay tôi làm những việc tôi chưa làm được. Rốt cuộc, không những tôi không làm được nghề của mình, không cống hiến được nhiều mà ngược lại, nước mắt tôi rơi nhiều hơn.

Nhưng tôi ước ao, hy vọng, tự hứa với lương tâm của mình, làm sao tôi sẽ trở lại với khán giả trong chương trình của mình sớm nhất, dù chỉ một lần trước khi chết.

img img

Nghệ sĩ hài ngày nay kiếm tiền giỏi, chạy sô nhiều nhưng lại thiếu nền tảng học vấn, thích mua vui theo kiểu rẻ tiền. Khi mở các kênh truyền hình ra xem, cảm giác của chị ra sao? Câu nói của chị “hài thế này thì giết chết truyền hình” cũng đã một phen gây tranh cãi...

img

- Câu hỏi này nhạy cảm, tế nhị lắm. Ngày xưa, tôi từng nói thẳng, nói thật, dù không muốn làm ai buồn, hay xúc phạm ai, chỉ muốn nói cho mọi điều tốt đẹp hơn thôi. Tiếc rằng, khi nói ra thì không được như mình mong muốn, mà ngược lại, còn bị tai bay họa gởi. Thật sự hai năm qua tôi đã cắt cáp truyền hình để không phải coi nữa và để khỏi… buồn.

Bởi vì tôi nghĩ, kiếm tiền cũng có muôn vạn cách kiếm tiền, tất nhiên làm nghệ sĩ cũng là một cách kiếm tiền, nhưng đó còn là một nghề đặc thù hơn nghề khác, nên mình phải chọn lựa cách kiếm tiền để còn tự hào về thành quả của mình nữa.

Người nghệ sỹ không được coi thường nghề của mình, không được coi thường đồng tiền mình làm ra và không được coi thường khán giả. Đồng tiền làm ra phải sạch.

Tôi thường từ chối hơn là nhận lời dù lúc đó tôi rất cần tiền. Có những lúc tôi không đủ 20 ngàn trong túi mà vẫn cười, vẫn sống hiên ngang, dẫu uống nước lạnh mà sống. Là bởi lương tâm tôi không cắn rứt.

Ngay lúc đó tôi có thể từ chối một công việc nào đó tôi thấy không phù hợp với mình về quan điểm làm nghệ thuật, về đạo đức. Tôi sẵn sàng sống vui vẻ với cái bụng rỗng của mình và với cái tâm sáng và tự hào về điều đó.

Điều gì khiến chị trăn trở nhiều nhất?

- Trở lại vấn đề về tiếng cười, tôi nhìn qua nghệ thuật của các nước và cảm thấy rằng nước mình sao… tệ quá.

Nghệ thuật phải bắt đầu bằng sự thật, và sau sự thật đó, người ta có thể sáng tạo hoặc hư cấu, nhưng đừng thoát khỏi sự thật xa quá mà thành sáo rỗng.

Trong kịch có logic về câu chuyện, về lịch sử, về tâm lý, về mối quan hệ… Vì khán giả không có học thuật như những người làm nghệ thuật mà họ xem người ta nói có lý hay không, hay hay dở, từ đó họ mới coi tác phẩm của mình. Và việc mua vé hay không quyết định sự tồn tại của một vở diễn và suy rộng ra, nhiều vở diễn sẽ quyết định không khí nghệ thuật cần có.

Tôi mong chúng ta bớt gò bó trong lĩnh vực sáng tác, bớt gò bó trong việc kiểm duyệt. Ngày xưa, mỗi lần tác phẩm của tôi đưa lên Sở VHTT kiểm duyệt, cả một hội đồng lật bề này, lật bề kia, lật bề chéo, lật bề tròn, lật bề trái, lật bề phải để coi và chẻ từng con chữ coi tôi có nói cái gì kinh khủng không, có vi phạm về mặt chính trị hay không.

Tôi là một con người sống trong một gia đình có truyền thống yêu nước, và tôi yêu nước từ hồi mới biết đọc, biết viết. Thì bây giờ tôi là một công dân, một nghệ sĩ, không có ngu dại gì mà phản bội cả một đất nước, một dân tộc.

Tôi chỉ phản ánh bằng tác phẩm của mình để nói lên quan điểm công dân - nghệ sĩ của tôi, để muốn rằng những điều tiêu cực đó phải bị triệt tiêu đi. Nhưng tiếc rằng hễ mỗi lần nói đến tiêu cực là nói đến ai đó và đụng đến người ta thì rõ là coi như tôi bị “phạm huý”.

Còn những tác phẩm nói tục, nói bậy, đem khuyết tật, khuyết điểm của nhau ra chọc cười thì cho qua, nên cuối cùng, những điều nhỏ nhặt ấy góp phần làm cho ngành sân khấu mới thành ra như vậy. Ngoài chuyện quản lý ra, còn có ý thức của người nghệ sĩ, vì nói tục thì dễ kiếm tiếng cười hơn.

Và người diễn viên trên sân khấu chỉ để ý việc khán giả cười nhiều hay cười ít trong tiết mục của họ mà thôi, chứ không bao giờ tự xem lại họ cười vì cái gì và để làm gì, tiếng cười đó tác động đến công chúng đến đâu, có ý nghĩa thế nào với xã hội.

img img
img

Sau tất cả, có thể cảm nhận chị vẫn là người lãng mạn?

- Lãng mạn hình như bao gồm nhiều nghĩa, nhiều khía cạnh khác nhau. Bạn đề cập đến chữ “lãng mạn” trong hoàn cảnh của tôi cũng rất xác đáng. Đến tôi cũng không tưởng tượng nổi trong một hoàn cảnh như thế mà tôi có thể cười được, sống sót được, sáng tác được.

Đôi khi tôi không nghĩ mình mạnh mẽ như thế, lãng mạn như thế, nhưng qua những lời của người khác nói về tôi, tôi cũng thấy… nể mình thật. Làm sao để trong bùn lầy lại mọc lên một bông hoa, làm sao để trong vũng nước đục mà lại lấy được giọt sương tinh khiết?

Tôi đã sống như vậy, sống với nỗi nhọc nhằn của mình bằng tiếng cười chua chát. Tôi cũng luôn lãng mạn trong đời, luôn ước ao có một ai đó mang đến cho tôi sự lãng mạn để thấy cuộc đời mình mơ mộng hơn một chút, màu sắc hơn một chút.

Cuộc đời tôi hình như là sắt, thép, những viên đá cuội chưa được mài nhẵn, nhưng qua đó may cho tôi là tôi thấu hiểu cuộc đời này, thấy cuộc đời còn những điều tốt đẹp dù không lãng mạn chút nào;có chăng chỉ còn lại chút lãng mạn trong nghề của tôi mà thôi. Và tôi tìm thấy đó là lẽ sống.

Tôi khổ bao nhiêu cũng chịu được, chỉ cần một câu nói làm ấm lòng là tôi có thể sống tiếp dầu cho xung quanh còn bão bùng, động đất hay sóng thần…

Mọi người hỏi tôi, khi tôi viết những chương về cuộc đời mình, chắc hẳn tôi đắm chìm trong nước mắt bởi vì lại có một dịp nhìn lại nỗi khổ trong cuộc đời của mình. Thì tôi bảo rằng, không, có khóc, có rơi nước mắt đó nhưng điều tôi xúc động nhất là những lời an ủi, động viên của công chúng dành cho tôi.

Xin cảm ơn nghệ sĩ và chúc chị tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm hay.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem