Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gia đình tứ đại đồng đường và món ăn xưa
Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gia đình tứ đại đồng đường và những món ăn xưa (bài 3)
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 06/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Mặc dù sống chung mái nhà chật hẹp nơi phố cổ Hà Nội, ra vào "chạm mặt nhau" nhưng bao năm qua gia đình cụ Nguyễn Thị Tề (81 tuổi) vẫn sống hoà thuận. Mẹ chồng cùng 3 con dâu còn thường xuyên rủ nhau đi ăn sáng, cà phê, du lịch… Đặc biệt, Hà Nội còn nổi tiếng với nhiều món ăn cổ xưa.
Nếp sống gia đình tứ đại đồng đường đặc biệt ở Hà Nội
Phố cổ Hà Nội xưa nay nổi tiếng với những ngôi nhà mọc lên san sát, chật hẹp. Bao năm qua nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính của những ngôi nhà có niên đại thậm chí cả trăm năm tuổi. Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị Tề (91 tuổi, ở phố Hàng Cân, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chật hẹp là nơi sinh sống của gần 20 nhân khẩu. Bao năm qua cụ Tề vẫn sống vui vầy bên 3 con dâu cùng các cháu chắt.
Chia sẻ với PV Dân Việt, cụ Tề kể, vợ chồng sinh tất thảy 3 con trai, 2 người con gái và đã sinh sống tại phố cổ Hà Nội gần hết đời người. Sinh thời cụ ông Nguyễn Viết Tường (SN 1931, chồng cụ Tề) là người hiền hoà, bao dung. Hai vợ chồng không bao giờ to tiếng bao giờ, đối với các con luôn nhỏ nhẹ khuyên bảo, không xưng hô mày, tao với nhau. Ngay cả các con, cụ đều gọi tên lịch sự. Chính vì đức độ, hiền từ nên là tấm gương cho con cháu noi theo.
Hơn 20 năm trước, ngày chồng qua đời, cụ Tề buồn rầu không nguôi. Cụ được con cháu động viên. Phải mất một thời gian dài bà mới phần nào nguôi ngoai những mất mát khó bù đắp. Cụ Tề nghĩ con người sinh lão bệnh tử qua đời ắt trời định. Vậy nhưng sống sao để cho con cháu noi theo đó mới là điều mình luôn nghĩ tới. Có lẽ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của hai cụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hôn nhân của các con sau này. Vì vậy, tới nay cụ bà đã có hơn 40 người con, cháu, chắt sống vô cùng hòa thuận dù 4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà.
Hai cô con gái lấy chồng, ở chỗ khác nhưng 3 người con trai lấy vợ vẫn sống cùng bố mẹ từ năm 1974 tới nay. Không ai nặng lời với ai bao giờ. Cụ Tề cũng luôn nghiêm khắc nhắc nhở các con cháu nếu ai làm sai điều gì. Với cụ trong nhà luôn giữ được cái nếp từ trên xuống dưới thì mọi người sẽ đồng lòng, hoà thuận vui vẻ bên nhau.
Bí quyết để gia đình êm ấm, cụ Tề bộc bạch, phần chi tiêu sinh hoạt, hai cụ đều chủ đạo. Hàng ngày, tiền bán hàng cụ để một khoản trong tủ, các con ai đi chợ thì lấy tiền mua bán không cần hỏi. Ngược lại, ai ở nhà sẽ phụ trách nấu cơm, dọn dẹp. Nếu ai bận không nấu được cơm nước sẽ chủ động quét dọn, rửa bát… Chính vì không bao giờ tính hơn thiệt nên các con dâu của cụ luôn sống hòa thuận, chẳng bao giờ xảy ra cãi vã.
Chỉ vào chiếc bàn gỗ đã phai màu theo thời gian, cụ Tề xúc động bảo đây là nơi cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Bà kể, có lúc nhà chật cứng con cháu cũng dùng bàn đặt mâm cơm. Các con cháu người đứng, người ngồi nhưng ngồi ăn uống đều vui vẻ. Tuổi cao nhưng cụ Tề có tính hài hước. Cụ kể những câu chuyện vui khiến không khí ngôi nhà thêm rộn ràng.
Do con cháu đông nên cách đây ít năm cụ Tề khuyên các con cháu ra ăn riêng nhưng phải thời gian dài sau các con mới thực hiện. "Những ngày đầu con cháu những lúc nhớ nhau vẫn tập trung ăn uống. Nhưng làm thế cũng tiện cho các con cháu hơn. Tuy vậy, vào các dịp giỗ Tết, việc đại sự hoặc trong nhà có chuyện vui, tất cả các thành viên lại quây quần, hẹn ăn một bữa cơm chung. Đặc biệt, ngày 30 Tết, dù ai bận bịu ra sao con cháu cũng tụ tập đông đủ ăn uống vui vẻ cùng nhau", cụ Tề tươi cười nói.
Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Quy (68 tuổi, con dâu trưởng của cụ Tề) tự nhận mình may mắn nên bà được làm con dâu cụ Tề. Từ khi về nhà chồng đến nay đã gần 50 năm nhưng chưa bao giờ mẹ chồng nàng dâu tiếng to tiếng nhỏ. Đặc biệt, đi đâu làm gì mẹ con cũng sát cánh cùng nhau.
"Tôi rất vui vì là con dâu bố mẹ. Mẹ rất công bằng, các em trong nhà đều hiểu biết nên rất vui, có gì chị em chia sẻ với nhau. Ba chị em chúng tôi có công việc gì cùng chia sẻ, không ai tị nạnh ai. Thi thoảng chị em vẫn rủ nhau đi ăn sáng, cà phê nói chuyện vui vẻ. Mỗi dịp hè chị em lại cùng nhau đi du lịch", bà Quy vui vẻ.
Người lưu giữ, "thổi hồn" món ăn cổ xưa Hà Nội
Nói đến đặc sản Hà Nội chắc hẳn nhiều người cũng như du khách thập phương sẽ nghĩ đến các món ăn phở Hà Nội, bún chả, cốm làng Vòng… Tuy nhiên, từ xa xưa Hà Nội đã nức danh với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn món ăn gây xao xuyến nhiều người.
Nhiều năm qua bà Nguyễn Thị Lâm (77 tuổi, ở làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có sở thích miệt mài chế biến những món ăn cổ xưa. Bà Lâm có tiếng ở làng gốm Bát Tràng bởi là nghệ nhân ẩm thực. Những nguyên liệu dân dã hay cầu kỳ, qua bàn tay bà đều trở thành những món ăn sắc sảo, đẹp mắt và vô cùng hấp dẫn. Có những ngày hầu như bà kín lịch nhận làm giúp cỗ bàn cho làng, chế biến những mâm cỗ đậm vị xưa tại nhà.
Chia sẻ với PV Dân Việt, sinh ra ở phố cổ Hàng Than, Hà Nội. Lớn lên bà Lâm thừa hưởng nét dịu dàng, đậm chất thiếu nữ phố cổ Hà Nội thanh lịch. Bà có niềm đam mê vô tận khi tự tay nấu các món ăn.
Sống trong gia đình nề nếp, thêm nữa lại được người dì khéo nấu ăn nên bà Lâm có niềm đam mê âm thực từ thủa thiếu nữ. Cô gái Lâm xinh đẹp khi ấy tỉ mẩn bỏ hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày để làm món ăn.
Rời bỏ cuộc sống của cô gái thị thành, bà Lâm về làm dâu gia đình mang đậm dấu ấn phong kiến ở ngoại thành Hà Nội. Trải qua nhiều công việc Nhà nước, bà Lâm về làm việc tại xí nghiệp gốm Bát Tràng và gắn bó với nghề nấu các món ăn cổ truyền đến nay đã hơn 40 năm.
Bao năm qua bà Lâm vẫn luôn dành thời gian chăm chút cho gia đình, con cháu. Bà cũng thường xuyên nấu những món ăn cổ xưa mang đậm nét tinh túy ở Hà Nội. Mỗi khi có khách đặt ăn, bà lại dậy sớm, đi chợ quê, tự tay lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất để chế biến khiến người thưởng thức nhớ mãi.
"Tôi muốn mọi người biết và thưởng thức những món ăn Hà Nội xưa. Các món ăn như đứa con tinh thần của mình nên tôi rất chăm chút và cầu kỳ trong từng công đoạn. Các món cổ xưa Hà Nội làm rất kỳ công, cẩn thận. Bất kỳ cỗ bàn nào ở Bát Tràng sẽ đều có 2 món măng mực và su hào xào mực. Với món măng mực, phải có bí quyết riêng mới ngon, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi", bà Lâm chia sẻ.
Bà Lâm kể, món ăn đậm nét cổ xưa từng được dâng vua chúa này rất kỳ công, phải chọn loại mực ngon ở Thanh Hoá, măng phải là loại hảo hạng. Mực khô ngon bà rửa sạch bằng nước sôi ấm sau đó bọc sạch màng, tẩy gừng khử mùi tanh rồi mang nướng, xé nhỏ, măng cũng được xé mỏng tang.
"Đặc biệt măng phải được luộc bằng nước mưa, điều này giúp bát măng mực trong. Để nấu được món này, cần phải có bí quyết riêng mới thực sự hấp dẫn", bà Lâm nói.
Một món canh nữa được bà Lâm chế biến khéo léo là món canh bóng. "Món này có 12 nguyên liệu chính như bóng (bì lợn), nấm hương, cà rốt tỉa hoa, súp lơ xanh, trắng, thịt thăn xé thành thớ dài… bát canh bóng ngon nhất có nước dùng.
Tôi dùng nước luộc gà lần thứ 2 và nước luộc tôm đun lên lọc lấy nước thơm. Cùng với đó bóng phải có bí quyết làm để giòn, ngon, thơm. Đặc biệt, nấu món này dùng nước mưa sẽ giúp bát canh bóng sáng quắc, có thể soi nhìn thấy rõ, không có gợn mỡ nào, giúp nước ngon vô cùng", bà Lâm vui vẻ chia sẻ.
Cứ thế, nhiều người truyền tai nhau hễ trong làng có công việc hiếu hỉ, giỗ làng… thì lại gọi tên bà Lâm. Nhiều bạn bè, con cái và cả du khách nước ngoài trước đây khi chưa có dịch thường xuyên ghé tới thưởng thức những món ăn cổ đích thân bà nấu.
Sợ rằng những món ăn cổ ngày mai một, bà Lâm đã chỉ dạy thêm cho người con dâu. Bà mong muốn ngoài những lúc công việc bận rộn thì còn gì tuyệt vời hơn những ngày giỗ, chạp cả gia đình mọi người quây quần bên mâm cơm đậm nét Hà Nội xưa.
"Hà Nội vốn là thành phố vì hoà bình, là điểm đến du lịch hấp dẫn, con người thân thiện. Tôi mong rằng nét văn hoá đó sẽ mãi được gìn giữ từ cái nếp ở ăn tới cách nói chuyện nhẹ nhàng của những người con Hà Nội. Là điểm đến cho nhiều người và du khách.
Ở đó mọi người sẽ thấy Hà Nội – thành phố phát triển nhưng xen lẫn ở đó còn có những nét cổ kính của phố cổ… xây dựng văn hoá thanh lịch, văn minh", bà Lâm chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.