Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1)

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 04/08/2022 14:13 PM (GMT+7)
Ở Hà Nội, nói đến nữ tay kéo lâu năm bậc nhất có lẽ bà Phạm Xuân Thu đã “đứng thứ hai thì không ai thứ nhất”. Bà lão đã có hơn 60 năm làm nghề “vít đầu thiên hạ”, mang trong mình nét vui tươi, mộc mạc nhưng đầy chân thành của con gái Hà Nội gốc.
Bình luận 0

LTS: Trải hơn ngàn năm lịch sử, nét văn hoá thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đã được hình thành, vẫn được nhắc nhớ trong những câu ca, chuyện kể và cả những hồi ức một thời. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, giữ sao cho được nếp sống thanh lịch văn minh, đó là một câu chuyện dài và có lẽ cũng không phải dễ thực hiện.

Ở đó vẫn có những gia đình, con người Hà Nội còn lưu giữ "nếp ở ăn" truyền thống xưa, những nét đẹp dịu dàng thanh lịch của cô gái gốc Hà Nội hay nét tài hoa, điềm tĩnh, lãng mạn của những chàng trai chốn Hà thành...

Loạt bài "Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội thanh lịch, văn minh" của Báo Dân Việt phần nào để độc giả hiểu hơn về những người con nơi Thủ đô ngàn năm lịch sử.

Tay kéo tuyệt kỹ của lão bà lão cắt tóc lâu đời bậc nhất phố cổ Hà Nội

Đều đặn gần 7 giờ sáng mỗi ngày, bà Phạm Xuân Thu (83 tuổi) lại tất bật mở quán cắt tóc bên vỉa hè phố Hàng Buồm, Hà Nội. Tiệm cắt tóc đặc biệt của bà Thu nằm khép mình dưới gốc cây ngay sát vỉa hè phố cổ Hà Nội. Không có biển bảng, đồ nghề của bà Thu chỉ đơn giản là một hộp nhỏ đựng kéo, một chiếc gương soi và cũng chỉ mở 3-4 tiếng mỗi ngày song vẫn nhiều khách lui tới. 

Điều đặc biệt, hơn 60 năm hành nghề, bà Thu chỉ cắt tóc cho nam giới. Những vị khách của bà không chỉ người Hà Nội mà còn những du khách nước ngoài. Bao năm qua bà vẫn gắn bó với nghề bởi bản thân còn sức khoẻ và muốn lưu giữ ký ức đẹp về Hà Nội theo thời gian.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 2.

Bà Phạm Xuân Thu đã làm nghề cắt tóc tại phố cổ Hà Nội đến nay hơn 60 năm. Ảnh: Gia Khiêm

Ở tuổi ngoài bát tuần song đôi mắt bà lão vẫn rất tinh anh, không cần đeo kính. Đặc biệt, bà còn biểu diễn kỹ nghệ liếc dao cạo trên dây da điêu luyện khó ai sánh kịp.

Vừa biểu diễn tay kéo điêu luyện, sắc xảo cho khách, bà Thu vui vẻ cho biết, bắt đầu làm nghề "vít đầu thiên hạ" từ những năm 1960. Bà được xem là một trong những người phụ nữ Hà Thành đầu tiên gắn duyên với nghiệp cắt tóc. Công việc mà thời đó mọi người sẽ nghĩ ngay đến cánh mày râu, đặc biệt là người dân làng Kim Liên (nay là phố Kim Liên).

Tay kéo tuyệt kỹ của lão bà lão cắt tóc lâu đời bậc nhất phố cổ Hà Nội. Clip: Gia Khiêm

"Tôi lấy chồng làng Kim Liên, cả làng này đàn ông đều làm nghề cắt tóc từ già cho tới trẻ, phụ nữ thả rau muống. Khi tôi về anh họ bên chồng bảo: 'Mày đi thả rau chối quá, mặt lúc nào cũng nhăn nhó, mày học nghề cắt tóc đi. Anh sẽ dạy những nhát cắt đặc biệt, sau có khách thì không thợ nào địch được tay dao tay kéo này. Đặc biệt, làm phải giữ khách, có người theo mình vài chục năm'. Nghe anh bảo thế tôi đồng ý luôn. Cách đây hơn 60 năm, thời đó chưa có phụ nữ học cắt tóc, anh bày cách cho tôi học nghề. Lúc đó tôi gọi trẻ đánh giày, bán báo vào cắt, đáng ra cắt tóc phải trả tiền mình phải cho tiền vì mình học mà", bà Thu nhớ lại.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 4.

Ở tuổi 83 bà Thu vẫn rất vui tươi làm việc. Ảnh: Gia Khiêm

Từ cô gái tay chiêu (thuận tay trái) bà Thu phải chuyển sang làm quen và thuận tay phải. Chính vì vậy thay vì việc "đào tạo" bình thường chỉ kéo dài 2-3 tháng thì riêng bà phải mất 5-6 tháng mới bắt đầu quen với công việc. Tiệm cắt tóc vỉa hè của bà Thu sau đó được mở. Chính vì là phụ nữ cắt tóc cùng khiếu nói chuyện hài hước quán mỗi lúc một đông.  

Chính vì thấy phụ nữ cắt tóc như bà Thu thuộc dạng hiếm khó tìm, đã có người nhận bà vào cắt tóc trong hiệu quốc doanh trên phố Hàng Khay. Đầu những năm 90, bà được nghỉ hưu và về gắn bó với góc phố Hàng Buồm, dưới gốc bằng lăng trước cửa nhà mình. Kể từ đó, bà được mọi người biết đến là tay kéo vỉa hè độc đáo bậc nhất phố cổ.

Hơn 60 năm gắn bó với nghề này, bà Thu cho biết, chỉ cần nhìn qua kiểu đầu một lần là bà có thể cắt theo y hệt, không cần phải tập trước. Với những kiểu đầu của giới trẻ hiện tại, bà cũng chỉ cần xem hình hoặc nghe tả là có thể cắt được ngay. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 5.

Bộ đồ nghề giản đơn theo chân bà Thu nhiều năm qua được đặt ngay dưới tán cây sát vỉa hè phố cổ Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

 "Tóc của thanh niên bây giờ dễ cắt hơn xưa bởi có tông đơ hỗ trợ. Ngày trước để hoàn thành một kiểu đầu đẹp có khi phải mất cả tiếng tỉa kéo rất công phu. Nói vậy chứ hồi tôi còn làm trong hiệu quốc doanh trên phố Hàng Khay tôi nhớ một kỷ niệm vô cùng đặc biệt. Thời điểm đó tôi thi lên bậc 6, cứ vài năm thợ phải thi lên tay nghề một lần. 

Lần đó có chiếc đầu hoa gáo, tóc xoè, không một sợi tóc nào ăn khớp với nhau đã đánh đố tôi. Gặp chiếc đầu khó tôi loay hoay một hồi lâu. Khi đó hội thi giới hạn 30 phút phải hoàn thành xong tóc mà mình quá thời gian đó vẫn chưa xong, đầu đó rất khó. Tôi tỉ mẩn cắt làm sao cho tròn, có độ bóng. Tôi loay hoay cắt 45 phút mới xong. Sau ban tổ chức và đồng nghiệp đánh giá rằng tôi làm tốt trong khi chiếc đầu ấy quá khó", bà Thu chia sẻ.

Những trâm ngôn đặc biệt của bà lão cắt tóc lâu nhất Hà Nội

Hiện tại, bà Thu chỉ mở quán từ 7h sáng đến 10h mỗi ngày. Bà bảo, muốn cắt đẹp phải đúng quy trình, không vội vàng, bởi phải có sự đầu tư, chăm chút. Trước mỗi một vị khách, bà Thu đều lựa chọn, nghiên cứu kỹ kiểu tóc để phù hợp với dáng người. Giá cắt tóc ở đây cũng khá rẻ, chỉ 30.000/ đầu.

Nhiều lần thấy bà "múa kéo" trên phố, không ít khách du lịch, trong đó có khách nước ngoài tỏ vẻ bất ngờ. Họ lấy điện thoại ra quay rồi chụp ảnh chung với bà. Nhiều người còn đích thân trải nghiệm nhờ bà cắt tóc để thử tay nghề. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 6.

Từng nét kéo tuyệt kỹ của bà lão. Bà vẫn giữ thói quen cắt tóc bằng kéo thay vì dùng tông đơ như ngoài cửa hàng. Ảnh: Gia Khiêm

"Có lần một vị khách nước ngoài, đưa một tấm hình trong di động nhờ tôi cắt theo. Anh này còn quay cả video lúc tôi cắt. Xong xuôi, khi soi gương, người này rất vui, liên tục nói 'very good' và cho biết đây là kiểu đầu anh ấy ưng ý nhất. Điều bất ngờ, là hôm sau vị khách này còn dẫn theo cả bạn anh ấy đến quán của tôi", bà Thu vui vẻ nhớ lại.

Mỗi lần cắt tóc cho khách xong, bà Thu đều dùng cục phèn chua thoa cho khách sau khi cạo mặt. Bà lão U80 cho biết, đây là bí quyết riêng, trước đây các quán cắt tóc quốc doanh cũ đều dùng nhưng giờ "có tìm cả Hà Nội cũng không còn quán nào". Theo bà, với cách này sẽ giúp khách cảm thấy da dịu mát, khoan khoái không bị rát mà cũng rất lành tính. Ngoài ra, để thu hút khách, bà Thu cũng thường xuyên cập nhập các kiểu đầu mới, "model" cho khách lựa chọn.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 7.

Màn liếc dao có một không hai của bà lão ở tuổi 83. Ảnh: Gia Khiêm

"Làm công việc này mình phải chịu khó, cẩn thận. Khách đến với mình nhưng giữ được khách khó lắm, từ tiếp xúc cho đến cách làm sao khách ưng ý. Đợt vừa rồi tôi bị ốm phải nghỉ mất mấy tháng. Nhiều người đến đây cắt tóc không thấy có người còn tưởng tôi đã chết. Còn khoẻ tôi còn gắn bó với công việc này. Được làm việc và nói chuyện cùng mọi người tôi thấy vui và thoải mái hơn", bà Thu cười nói.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Bà lão "thổi hồn vào tóc" lâu đời nhất phố cổ (bài 1) - Ảnh 8.

Trên tấm gương cắt tóc, bà Thu dán câu châm ngôn: "Không có những thứ mình yêu, hãy yêu những thứ mình có". Đó là câu nói bà rất thích. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Minh Tuyền (75 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, cắt tóc ở quán bà Thu đã nhiều năm nay và chỉ tin tưởng tay nghề của bà lão. 

"Đi khắp cả Hà Nội tìm được một quán cắt tóc như bà Thu rất khó và hiếm. Bà cắt tóc chỉn chu, cẩn thận, ai cũng khen, cũng thích. Bản thân tôi cũng là khách quen của bà ấy vài năm nay, tôi rất thích cắt ở đây", ông Linh nói.

Trên tấm gương cắt tóc, bà Thu dán câu châm ngôn: "Không có những thứ mình yêu, hãy yêu những thứ mình có". Có lẽ, nhờ sinh hoạt giản dị và tình yêu cuộc sống, đặc biệt là thói quen luôn nở nụ cười trên môi đã khiến cụ bà có nhiều năng lượng sống như vậy. 

Hơn hết, các vị khách đến quán của bà, ngoài trải nghiệm nghe tiếng "lách cách" múa kéo, điều "níu chân" họ còn là ở những câu chuyện về cuộc sống, về Hà Nội xưa từ chính bà chủ quán vui vẻ, hài hước dù đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem