Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2)

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 05/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, với gia đình ông Phạm Ngọc Giao (82 tuổi), ông Nguyễn Thái An (80 tuổi) cùng nhiều gia đình khác vẫn gìn giữ được cái "chất" của người phố cổ. Ở họ luôn lạc quan, tràn đầy năng lượng tích cực cho thế hệ kế cận sau này.
Bình luận 0

Gìn giữ được nếp sinh hoạt người Tràng An thanh lịch, văn minh

Nằm khuất sau phố cổ Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ồn ào, tấp nập là một không gian yên bình của biệt thự hơn 70 năm tuổi. Đó là ngôi nhà vườn số 115 Hàng Bạc, cổng phụ tại số 6 Đinh Liệt vốn thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh – Phạm Thị Tề. Khu biệt thự rộng gần 700m2 ngày nay là nơi sinh sống của 7 gia đình với gần 50 nhân khẩu. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Giao bên khu sân vườn của gia đình. Ảnh: Gia Khiêm

Dẫn PV Dân Việt vào nhà, ông Phạm Ngọc Giao (82 tuổi, con trai cụ Thanh) cho biết, sau khi cha mẹ qua đời, các con cháu đã giữ gìn sinh sống tại đây. Mặc dù tuổi cao nhưng ông Giao vẫn rất rắn rỏi. Hằng ngày, ông vẫn đam mê với công việc bào chế thuốc Đông y chữa bệnh cứu người. 

Ông Giao là con trai trưởng trong gia đình 8 người con. Trước đây, cha mẹ ông Giao làm nghề buôn vàng bạc nức tiếng ở phố cổ Hà Nội. Sau năm 1954, gia đình ông không còn theo nghề lọc vàng, các thành viên trong gia đình đều chuyển sang làm các công việc khác.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 2.

Vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh bên các con chụp bên hòn non bộ hiện vẫn còn gìn giữ. Ảnh: GĐCC

Điều đặc biệt, mọi người sinh sống trong ngôi nhà đều gìn giữ được nếp sinh hoạt người Tràng An. Những câu đối, hoành phi, những bộ bàn ghế hàng trăm năm tuổi được gia chủ gìn giữ cẩn thận.

Ông Giao kể, thời thanh niên trai trẻ cha ông là cụ Phạm Văn Thanh khôi ngô tuấn tú. Đỗ Tú tài, cụ Thanh xin vào cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn nên sống bằng nghề làm vàng rồi lập gia đình với bà Phạm Thị Tề. Cụ Tề lấy chồng khi mới bước sang tuổi 17, lúc đó cụ còn là cô gái xinh đẹp nổi tiếng nghề làm bánh kẹo ở tiệm Hồng Bích thuộc phố Bạch Mai ngày nay.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 3.

Bức ảnh bố mẹ ông Giao được treo trang trọng trong nhà. Mặc dù giàu nức tiếng phố cổ một thời nhưng vợ chồng ông Thanh sống vô cùng giản dị, không phô trương. Ông bà luôn căn dặn con cái có chí tiến thủ, tự lập. Ảnh: GĐCC

Mặc dù giàu nức tiếng phố cổ một thời nhưng vợ chồng ông Thanh sống vô cùng giản dị, không phô trương. Ông bà luôn căn dặn con cái có chí tiến thủ, tự lập. 

"Cha mẹ rất thương con nhưng không chiều chuộng ai. Đủ 18 tuổi mọi người phải đi làm tự lập cho bản thân, không phải thích đòi cái gì cũng được. Chính vì thế mà anh em trong gia đình chúng tôi luôn tự lập, không sống dựa dẫm vào ai. Điều đặc biệt ông bà luôn căn dặn con cháu phải biết giúp đỡ, yêu thương người khác, sống dung hoà và không được lớn tiếng với nhau. Chúng tôi học được ở cha mẹ về đức tính và nét đặc trưng của người Hà Nội", ông Giao chia sẻ.

Ngôi nhà ông Giao mang phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt với những mái ngói cong vút. Trong khoảng vườn này, từ thời ông nội ông Giao đã bố trí một hòn non bộ nho nhỏ với những loại cây yêu thích. Ngoài ra, trong mảnh vườn này, bố mẹ ông cũng trồng rất nhiều cây như tre, lộc vừng, cau, hồng xiêm… tạo nên một màu xanh mướt như lạc vào cõi tiên giữa phố thị tấp nập, ồn ào.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 4.

Trong nhà ông Giao vẫn gìn giữ những kỷ vật như trước đây. Ông luôn dặn con cháu phải biết giúp đỡ, yêu thương người khác, sống dung hoà và không được lớn tiếng với nhau. Ảnh: Gia Khiêm

Cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ. Điều ngạc nhiên là ở bất kỳ chỗ nào dù là cầu thang, cửa sổ hay trên cánh cửa luôn xuất hiện đan xen hình ảnh "con dơi" và chữ "Thọ".

Ông lý giải "Thọ" biểu tượng cho sức khỏe. "Dơi" có cách đọc đồng âm với chữ "Phúc". Sự kết hợp này như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà tới các con cháu. Nhiều bộ bàn ghế, câu đối có tuổi thọ hàng trăm năm vẫn được gia đình ông Giao gìn giữ như một báu vật.

Ông Giao cho biết, nếu tính thời gian thì câu đối này không có niên đại. Ông chỉ nghe kể lại, ông nội ông mang đôi câu đối ra Hà Nội từ những năm 1890. Nội dung câu đối viết: "Vũ quá cầm thư nhuận/ Phong lai lúp mặc hương". Tức: Bão táp qua đi thì tiếng đàn sẽ dịu êm, gió lành đến cuộc đời sẽ lên hương.

Bức tường hình chữ "Phúc" nằm trên tầng 3, khu điện thờ của gia đình. Từ khi xây dựng căn nhà, gia đình ông đã rất coi trọng phong thủy. Vì vậy bên cạnh điện thờ, gia đình ông còn thiết kế khoang âm dương có 9 giếng trời. Ông Giao cho biết, 9 giếng này thể hiện âm dương hòa hợp. Giếng trời tạo không gian để khi đứng đó, gia chủ sẽ thấy tâm hồn thanh thản, rửa hết ưu phiền…

Nét đặc sắc nhất thể hiện phong cách Việt trong ngôi nhà là mái ngói uốn cong vút. Ở mỗi góc đầu đao là hình mây được cách điệu uyển chuyển như đang bay lượn.

Do mảnh đất không vuông vức nên ông nội ông cùng nhà thiết kế đã sáng tạo ra một góc mái ngói có tới hai đầu giao để khắc phục khiếm khuyết đó. Phần xương cốt mái ngói chính là gỗ lim. Bên trên mái, gia đình ông dùng ngói Marseille tạo độ cong cho mái ngói. Tính đến nay, ngôi nhà đã trải qua hơn 70 năm đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến đổi. Các thế hệ con cháu của gia đình ông Giao đã và đang quây quần sinh sống trong ngôi nhà này.

"Tôi vào miền Nam hay đi Đà Nẵng,… ai cũng yêu và thích chất giọng Hà Nội"

Cách đó không xa là căn nhà rộng hơn 200m2 của gia đình ông Nguyễn Thái An (80 tuổi) ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Căn nhà 3 tầng cổ kính rộng hơn 200m2 với hơn 10 phòng được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước nằm ngay giữa phố Hàng Đào hiện là nơi gia đình ông An sinh sống. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 5.

Gia đình ông Nguyễn Thái An sinh sống ở phố cổ Hàng Đào từ bao năm qua. Ảnh: Cao Oanh

Trải qua năm tháng, mọi đồ vật trong nhà cũng như toàn bộ kiến trúc vẫn được gia đình ông gìn giữ. Ông An nói chuyện với chúng tôi bằng chất giọng nhẹ nhàng, thân thiện. Ông cười bảo "người ở phố cổ Hà Nội xưa vẫn rất luôn mến khách".

Ông An là con cả trong gia đình có 12 anh em. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hàng Đào (Hà Nội). Còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng cũng được xem là giai nhân với vẻ đẹp dịu dàng, hiền thục thời bấy giờ.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 6.

Nhà ông An có tổng cộng 12 anh chị em, trong đó ông là con trai cả. Bức ảnh hiếm hoi ông còn lưu giữ lại. Ảnh: GĐCC

"Tôi có hai người con giờ chúng nó thành đạt lập gia đình có công việc ổn định rồi và đều có nhà riêng nên không sống ở đây với bố mẹ. Cứ cuối tuần các con lại cho cháu về đây chơi. Các em của tôi thì cũng đều có cuộc sống khá giả đều ở cách đây không xa", ông An chia sẻ.

Ông cho biết, trước đây dù gia đình đông anh em nhưng trong nhà rất nề nếp, quy củ. Cuối năm, xem thấy hoàn cảnh ai khó khăn, ngoài tiền lương mẹ ông cũng không quên thưởng thêm tiền để họ về nhà ăn Tết.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 7.

Ông An đứng bên góc nhà chia sẻ: "Bố mẹ tôi luôn dạy các con tính tự lập, không bao giờ được ỉ lại". Ảnh: Gia Khiêm

"Bố mẹ tôi luôn dạy các con tính tự lập, không bao giờ được ỉ lại. Trong kinh doanh ông bà luôn có 4 quy tắc: chí, đức, tín, nghĩa. Tức phải có chí làm giàu, khi làm giàu thì phải có đức, phải san sẻ những cái kiếm được cho người nghèo khổ hơn mình. Tín là coi trọng chữ tín và quan trọng là phải nhớ đến ơn nghĩa của tổ tiên đã cho mình cuộc sống như hôm nay. Chúng tôi học được đức tính đó từ cha mẹ", ông An cười nói.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Gìn giữ từng nếp nhà, chất giọng (bài 2) - Ảnh 8.

Gia đình ông Giao quây quần bên nhau dịp Tết. Ảnh: GĐCC

Theo ông An, sau ngày Hà Nội giải phóng, quân Mỹ bắn phá miền Bắc, nhiều người gốc ở phố cổ Hà Nội đã di chuyển vào Nam làm ăn, sinh sống. Thế nhưng, gia đình ông vẫn quyết bám trụ lại Hà Nội cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975. Ông làm cán bộ tại Sở Thương Nghiệp Hà Nội (nay là Sở Công Thương Hà Nội). Được đi nhiều nơi, ông An được nhiều người yêu mến bởi chất giọng đặc trưng của người Hà Nội gốc.

"Tôi vào miền Nam hay đi Đà Nẵng,… ai cũng yêu và thích chất giọng Hà Nội. Nói tiếng Hà Nội mọi người thấu hiểu, muốn giao lưu. Tôi nhớ một lần vào Đà Nẵng công tác, cán bộ thành phố nói "Biết đồng chí là người Hà Nội nên nhiều người rất muốn nghe chia sẻ".

Nghe thấy vậy tôi mừng lắm. Tôi thấy hãnh diện mình là người Hà Nội. Lúc về nhiều người bảo "sao tiếng Hà Nội hay thế?", có người còn ghé tai nói "tiếng Hà Nội của các anh đĩ thế!". Lúc đó tôi sợ mình sơ xuất điều gì để người ta chê bôi. Sau đó, có một cô gái nói nhỏ với tôi "tiếng Hà Nội làm em say đắm!". Lúc ấy, mình mới chột dạ à thì ra là vậy! Tất cả bởi tình yêu với Hà Nội", ông An nhớ lại.

Theo ông An, người dân phố cổ Hà Nội có nét đặc trưng rất đặc biệt, tại các gia đình con cháu phải tự thân vận động để lo cho cuộc sống, không ỉ lại hay trông chờ vào người khác. Đó cũng là nét văn hoá người Tràng An.

Trải qua rất nhiều những thăng trầm, biến động của lịch sử, đến nay ngôi nhà gia đình ông An sinh sống vẫn được các thành viên cố gắng gìn giữ trọn vẹn. 

"Ngôi nhà không chỉ là ký ức tuổi thơ mà đây còn gửi gắm rất nhiều tâm huyết của bố mẹ nên dù thế nào anh em chúng tôi cũng cố gắng để lại nguyên bản. Hết đời tôi rồi đến đời con cháu sẽ gìn giữ ngôi nhà này, đây là kỷ vật ông bà để lại mà con cháu có phúc được hưởng. Đây cũng là những nét kiến trúc đặc biệt về phố cổ Hà Nội mà chúng tôi luôn nhắc nhở nhau gìn giữ, phát triển", ông An chia sẻ thêm.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem