Ninh Bình: Chủ trang trại con đặc sản tìm đủ chiêu kích cầu, thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm

Trần Quang Chủ nhật, ngày 07/02/2021 06:14 AM (GMT+7)
Dù đã dùng mọi chiêu thức để kích cầu tiêu dùng, săn tìm "thượng đế" nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm cây, con đặc sản như thịt dê núi, lợn rừng... của các chủ trang trại ở Ninh Bình vẫn khó khăn.
Bình luận 0
Chủ trang trại con đặc sản Cố đô tìm đủ chiêu kích cầu tìm "thượng đế", hàng thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm - Ảnh 1.

Người dân mua thịt con đặc sản tại siêu thị Tiến Lý ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình).

Dùng đủ chiêu kích cầu tiêu dùng

Có mặt tại siêu thị Tiến Lý ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình) khoảng gần trưa ngày 6/2 (ngày 25 tháng Chạp), chúng tôi cảm nhận thấy không khí mua sắm thực phẩm Tết ở đây khá trầm lắng. Các gian hàng thịt dê, lợn mán, lợn rừng, nai... tươi, ngon tại đây cũng chỉ có một vài khách đeo khẩu trang đến mua thực phẩm về phục vụ tiêu dùng cho gia đình.

Tại các gian hàng giò ngựa, bò, dê, nai... và các kệ hàng cây, rau đặc sản các vùng miền ở siêu thị này cũng không có mấy khách mua. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Tiến - Giám đốc siêu thị Tiến Lý, kiêm Giám đốc HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp cho biết, hiện siêu thị nông sản và giới thiệu sản phẩm OCOP vùng miền Tiến Lý đang bày bán trên dưới 1.500 sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong đó, riêng các sản phẩm nông sản đặc sản của Tam Điệp và Hoa Lư như thịt dê, nai, lợn rừng, lợn mán... rất tươi, ngon, chất lượng cao nhưng việc tiêu thụ vẫn khá chậm.

"Sau khi xuất hiện đợt đại dịch Covid-19 lần 3 đến giờ, sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản vẫn rất yếu. Dù chúng tôi đã giảm giá bán, ưu tiên ship hàng tận nhà nhưng các sản phẩm thịt con đặc sản của địa phương như thịt dê, lợn rừng... vẫn bán chậm", Giám đốc HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp than thở.

Chủ trang trại con đặc sản Cố đô tìm đủ chiêu kích cầu tìm "thượng đế", hàng thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm - Ảnh 2.

Khách chọn mua thịt con đặc sản hút chân không tại siêu thị Tiến Lý.

Theo ông Tiến, so với mọi năm, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thịt con đặc sản và giá cả các mặt hàng này giảm trên dưới 30%. 

"Không chỉ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thực phẩm cho gia đình giảm mà việc đặt mua thịt con đặc sản phục vụ liên hoan cuối năm cũng rất nhỏ giọt, khiến chúng tôi rất lo lắng", ông Tiến khẳng định.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản đặc sản ế ẩm, Giám đốc HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) cho rằng: "Lý do chính là do giá các sản phẩm đặc sản khá cao, trong khi thu nhập của người dân bị giảm khá nhiều do ảnh hưởng của đại dịch nên nhiều người e ngại hoặc hạn chế mua thịt đặc sản tiêu dùng, biếu Tết.

Bên cạnh đó, người dân tại các vùng của tích cực thực hiện giãn cách phòng, chống đại dịch nên nhiều cuộc liên hoan cuối năm bị dừng, hủy làm các chủ trang trại con đặc sản mất nhiều đơn hàng lớn".

Ông Tiến cho biết thêm, thời điểm này nhiều thành viên chăn nuôi con đặc sản trong đơn vị của ông cũng đang rơi vào tình trạng ế khách tiêu dùng. Nhiều trang trại phải chủ động thịt dê, bò, lợn đưa ra chợ để bán, mong hạn chế được thua lỗ.

Chủ trang trại con đặc sản Cố đô tìm đủ chiêu kích cầu tìm "thượng đế", hàng thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm - Ảnh 4.

Ông Trịnh Văn Tiến - Giám đốc siêu thị Tiến lý cho biết, chưa năm nào sản phẩm thịt con đặc sản ế ẩm như năm nay.

"Đỏ mắt" tìm người mua

Cùng trong tình trạng tiêu thụ khó khăn với ông Tiến, ông Trần Văn Khang, chủ trang trại chăn nuôi dê đặc sản ở Hoa Lư (Nình Bình) cũng đang chật vật tìm khách hàng.

Cũng như mọi năm, năm nay gia đình ông Khang nuôi khoảng trên 20 con dê, trong số đó có khoảng gần 10 con đủ tuổi, trọng lượng để bán nhưng đến giờ ông chủ trại con đặc sản này mới bán được vài con.

Vào ngày này, ông Khang vừa tranh thủ thả, chăn dê trên núi đá gần nhà vừa gọi tìm lại các khách thân, quen mua hàng các năm trước mong có các đơn đặt hàng mới nhưng đều vô vọng.

"Thông thường vào thời điểm này, đàn dê của tôi đều đã có khách đặt làm cỗ liên hoan hoặc làm quà biếu Tết, nhưng năm nay hàng Tết ế ẩm quá", ông Khang nói.

Chủ trang trại con đặc sản Cố đô tìm đủ chiêu kích cầu tìm "thượng đế", hàng thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm - Ảnh 6.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi dê núi đá đặc sản Ninh Bình ế ẩm.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 ông Phạm Văn Long ở Nho Quan (Ninh Bình) chủ trang trại chăn nuôi hươu, nai vẫn thường xuyên livestream quảng bá và bán sản phẩm thịt con đặc sản trên mạng xã hội nhưng việc tiêu thụ hàng vẫn kém.

"Giá đình tôi đã giảm giá kịch sàn các sản phẩm nhung hươu (lộc hươu) để ngâm rượu và thịt hươu, nai, nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà, thê thảm quá", ông Long bộc bạch.

Chủ trang trại con đặc sản Cố đô tìm đủ chiêu kích cầu tìm "thượng đế", hàng thịt dê, nai, lợn rừng vẫn ế ẩm - Ảnh 7.

Người nuôi hươu, nai ở các vùng của Ninh Bình buồn rầu vì sản phẩm khó bán.

Bà Phạm Thị Thơm, người dân mua sản phẩm đặc sản tại siêu thị Tiến Lý (Tam Điệp) cho hay: Do thực hiện phòng, chống đại dịch nên các thành viên trong gia đình tôi năm nay đã hủy, dừng tham gia các cuộc liên hoan cuối năm ở nhà và xóm, thôn. Chính vì thế, việc mua sắm Tết, nhất là mua thực phẩm đặc sản ăn Tết tại gia đình cũng nhẹ nhàng, tiết kiệm hơn các năm trước.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem