Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 1.

Chúng tôi gặp chị Liên (hiện là Thượng tá, công tác ở Cục GGHB) o chiều chủ nhật tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), khi chị đang trong đợt diễn tập song phương về GGHB Liên Hiệp Quốc năm 2023 (VINBAX 2023).

Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, hai lần chị rơi nước mắt khi nhắc đến những con người ở đất nước Trung Phi và nhớ đến người mẹ quá cố. Tôi nhận ra rằng, sau dáng vẻ mạnh mẽ với mái tóc ngắn cá tính kia là một người phụ nữ chân thành, ấm áp và giàu cảm xúc đến thế.

Hiện giờ GGHB đã được nhiều người biết đến, nhưng thời điểm chị đi làm nhiệm vụ thì GGHB vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Điều gì đã đưa chị đến mảnh đất châu Phi xa xôi, là nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi?

- Trong cuộc nói chuyện tại Cục GGHB hồi tháng 9/2018, đồng chí cục trưởng đặt một câu hỏi "Chúng tôi đang rất muốn các đồng chí nữ ngồi đây tham gia GGHB với chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn khi GGHB, chia sẻ những khó khăn khi khích lệ nữ giới tham gia GGHB". Khi đồng chí cục trưởng vừa nói dứt lời thì hội trường im phăng phắc, không một ai đáp lại. Tôi đứng dậy hỏi về tiêu chí cũng như tất cả sự cần thiết khi tham gia GGHB để có thể một lúc nào đó khi sẵn sàng tâm thế thì chúng tôi sẽ tham gia.

Giữa tháng 10 tôi nhận được điện thoại của đồng chí cục trưởng hỏi tôi có đi GGHB không? Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, tôi hỏi "đi bây giờ thì phải làm như thế nào ạ?", anh trả lời "em làm đơn sang đây". Tôi đáp "làm đơn thì đơn vị em không cho đi đâu ạ" thì đồng chí nói "anh sẽ có cách".

Tôi cũng không hiểu đồng chí có cách gì nhưng đến ngày 18/11, nơi tôi công tác nhận được quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, Trung tá Nguyễn Thị Liên sang Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và chuẩn bị lên đường đi Trung Phi. Đồng nghiệp biết chuyện nhưng sợ tôi sốc nên chưa cho tôi hay vì họ nghĩ "để cô ấy vui vẻ hết ngày 20/11 đã rồi báo".

Dù đã được "phím" trước, khi cầm tờ quyết định hai ngày sau đó, tôi vẫn bất ngờ và bối rối. Khó khăn lớn nhất của tôi là đối mặt với gia đình, với chồng con và bố mẹ hai bên. Càng khó khăn hơn khi mẹ ruột tôi đang chống chọi với căn bệnh ung thư còn con trai út đang trong thời gian chuyển cấp, rất cần có mẹ bên cạnh.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 2.

Một bên là nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, một bên là trách nhiệm, chữ hiếu đối với mẹ, chắc hẳn chị đã gặp không ít sự giằng xé giữa những lựa chọn đi hay ở?

- Đến thời điểm cha già mẹ héo mà mình có những quãng thời gian dành cho gia đình thì rất cần thiết. Có lẽ làm con ai cũng mong muốn là được báo hiếu lúc bố mẹ ốm đau như vậy. Nhưng giữa công việc của quân đội, của Đảng cũng như bản thân mình đã từng cam kết "khi được đứng trong đội ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi hứa quyết tâm đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần", đó là lời thề không chỉ của riêng tôi, bất cứ quân nhân nào cũng hiểu rằng nhiệm vụ phải là ưu tiên.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 3.

Lúc đó, mẹ tôi rất thông cảm, bà động viên tôi rằng "mẹ không sao đâu, con cứ đi làm nhiệm vụ đi". Quả thực, mẹ tôi là một người phụ nữ rất gan dạ, kiên cường, bà không bao giờ kêu đau hay than phiền, không trách móc số phận. Bà luôn mạnh mẽ như vậy, chính nhờ sự mạnh mẽ của bà mà tôi có một chuyến đi công tác thuận lợi.

Bây giờ bà mất rồi. Khi tôi về phép thì mẹ tôi đã rất yếu nhưng tôi không thể bỏ giữa chừng được. Thời điểm bà mất, tôi không về được vì Covid-19…

Xin chia sẻ với chị, tôi tin rằng mẹ chị đã rất tự hào vcon gái. Vậy còn những thành viên khác, chị chia sẻ như thế nào để chồng và các con có thể ủng hộ, trở thành hậu phương vững chắc để chị tự tin cho nhiệm vụ mới của mình?

- Con gái đầu của tôi cũng là quân nhân. Bạn ấy được giải Nhì trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia nên được vào thẳng đại học. Mặc dù có nhiều lựa chọn trong thời gian đó nhưng khi tôi mang hồ sơ về thì con tôi nói "mẹ ơi con chỉ xin một hồ sơ, những hồ sơ khác con cho mẹ", tôi hỏi "thế con vào trường nào" thì con nói con vào quân đội.

Trước khi con gái vào quân đội, tôi chỉ căn dặn "Con hãy chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình, cho sự nghiệp của mình. Nếu con đã chọn thì con phải chuyên tâm, hết lòng. Con như con chim đủ lông đủ cánh nhưng với những người vào lực lượng vũ trang không phải con chim nào cũng bay được về tổ. Ở đâu con cũng phải cố gắng, ở trong quân đội con càng phải cố gắng".

Con gái tôi rất mạnh mẽ, vậy nên trước khi đi GGHB tôi đã nói chuyện với con một đêm, hai mẹ con thủ thỉ tâm sự, tìm cách nói chuyện với bố. Ngày hôm sau, tôi chọn bữa cơm tối, thời điểm đông đủ nhất có 4 thành viên trong gia đình để nói ra quyết định. Tôi có nói với ông xã "Anh ạ, con mới ra trường, sự nghiệp của con bây giờ mới bắt đầu, tuy con không chia sẻ, không nói ra nhưng có lẽ từ hình mẫu của người mẹ con đã quyết tâm vào quân đội".

Tôi luôn lấy mình làm hình gương để cho con học theo. Cuộc đời binh nghiệp của con còn rất dài, để người ta đi một quãng đường dài như thế mà không bị chán, không bị đứt gánh giữa đường thì phải có nhiệt huyết. Tôi là người đi trước, là người hàng ngày tiếp xúc với con, lại cùng sự nghiệp thì phải là người luôn xông pha, luôn có ý chí. Chính những sự thuyết phục đó đã khiến chồng tôi ủng hộ vì nghĩ cho tôi và cho cả cô con gái.

Còn con trai tôi khi ấy đang học lớp 10, vừa chuyển cấp nên sự thiếu vắng của mẹ có lẽ cháu cũng rất bâng khuâng, lo lắng. Nhưng hai con của tôi, từ nhỏ tôi đã dạy các cháu tự lập. Là một người lính nếu không có hậu phương và không vượt qua được chính bản thân mình thì có lẽ tôi không tồn tại được trong quân đội, bởi thời gian của chúng tôi hà khắc lắm. Khi tôi công tác ở trường đặc công, có những khi tôi đến lớp từ 6 giờ sáng. Những ngày mùa đông, từ khi trời còn tối, tôi phải mang con đi gửi để còn kịp giờ lên lớp.

Chính những sự rèn luyện như thế, con tôi đã thấm nhuần, mẹ đi vắng nên các cháu rất chủ động. Tuy nhiên, khi đi một chuyến xa như thế, là một người mẹ, tôi thực sự day dứt, rất thương, lo và nhớ con. Sang đó, tôi có làm những vần thơ dành tặng con, nó như là sự mong muốn và một sự khẩn khoản, tha thiết của tôi dặn những người ở nhà:

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 4.

Tôi dặn con gái và con trai để làm sao chị chăm em nhiều hơn và em cũng phải cố gắng nhiều hơn để tự lực khi mẹ không có nhà. Tôi rất vui vì chính những chia sẻ, dặn dò như thế mà con tôi cũng trưởng thành hơn. Bây giờ tôi rất nhàn vì về nhà có con trai giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, kể cả giặt giũ.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 5.

Chị Liên kể, ấn tượng không thể nào quên của chị khi lần đầu tiên đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi đó là quang cảnh sân bay quốc tế ở thủ đô Bangui sơ sài và lạc hậu, những người dân đen đúa, gầy nhẳng,... Suốt quãng đường từ sân bay về trụ sở Phái bộ, nhìn những khu chợ tiêu điều họp ở bãi đất ly li, ruồi muỗi bu đầy trên những sạp hàng hoá, chị Liên chợt thốt lên: "Sao lại khổ thế này?".

Chị nghĩ ngay rằng nếu chỉ hoàn thành công việc Liên Hiệp Quốc giao phó thì mới chỉ đi bằng một chân. Với chị, GGHB là gìn giữ nụ cười, gìn giữ sự no m của người dân, mà họ đói thì họ cười làm sao được. Thế nên chị đau đáu mong muốn được góp phần rất nhỏ bé của mình để cải thiện cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Chị và đồng đội đã làm gì để giúp đỡ họ?

- Trong tháng đầu tiên, tôi trồng cho nhóm Việt Nam một luống rau mồng tơi. Khi phá luống mồng tơi cũ, tôi thấy người dân bản địa xà vào hái những lá mồng tơi còn lại, thậm chí họ còn xin tôi vào để hái mót những phần tôi vứt lại bên trong.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 6.

Tôi nghĩ, họ thích mồng tơi thế này thế thì mình sẽ có cách. Tôi mời họ ăn bánh kẹo và bảo nếu nhà ai có đất, có thể cuốc lên tôi sẽ trồng cho những hạt giống thế này. Họ rất hào hứng và dắt tôi đi khắp các nhà xung quanh nơi tôi ở. Hôm đó, từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều tôi đã làm cho 4 nhà có luống đất để trồng rau. Lúc đó tôi đã không trồng những hạt đó mà phải về bứng từng cây giống của mình cho họ. Tôi không dùng hạt vì tôi nghĩ trồng bằng hạt rau rất lâu lên, họ lại nghĩ rằng tôi lừa họ (cười). 20 ngày sau khi cấy thì mồng tơi, rau muống của họ cũng đã lên xanh, một màu xanh của sự sống.

Trước khi sang, tôi chuẩn bị 3 ngón nghề: dạy học, may vá và cắt tóc nhưng sang đó thì không có đất dụng. Còn trồng trọt tôi không có kế hoạch hay ý tưởng từ trước nhưng đó lại là cái "khởi nghiệp" đầu tiên.

Sau đó, tôi lại dành 5kg đậu xanh mang từ Việt Nam sang để làm hạt giống cho người dân. Tôi tìm được một hộ có mảnh vườn tương đối rộng và kéo được rất nhiều người dân đến giúp tôi để cùng nhau cuốc vườn, cùng nghe những câu chuyện của Châu Phi và của Việt Nam, không khí làm việc rất vui vẻ.

Quả thực tôi là nông dân một mùa vì tôi sinh ra trong gia đình có bố mẹ là giáo viên, cũng không có ruộng để trồng trọt. Nhưng thế hệ 7x chúng tôi sống trong thời kỳ rất khổ, đất nước còn khó khăn, tôi hay phải đi chăn bò ngoài ruộng, nhìn các bác trồng đậu, trồng ngô như thế nào thì tôi làm theo như vậy, cái đó ăn vào tiềm thức của tôi dù chưa lần nào tự tay trồng được một mùa đậu, mùa ngô, mùa lạc.

Khi trồng một vườn đậu bên đó, tôi thấy đậu lên rất nhanh như tuổi dậy thì của các cô thiếu nữ. Mùa đậu đầu tiên chúng tôi bội thu, thu được đến 2 nồi nấu bánh chưng đầy hạt. Tôi đã mở những cuộc dạy nấu ăn, dạy người dân làm nước đậu, bột đậu cho trẻ em, dạy làm giá, làm đậu phụ, bánh sắn nhân đậu…

Sau đợt về phép, trong hành lý mang đi của tôi hầu như là hạt giống ngô, lạc, đậu, tôi còn tiết kiệm số lượng kg hành lý bằng cách thay va li bằng hộp xốp.

Mùa thứ hai, tôi tìm được mảnh đất rộng ở triền sông, chúng tôi trồng rất nhiều ngô, lạc, đậu xanh, đậu tương, đậu đen cho người dân. Lúc đó tôi giống như một chủ nhiệm hợp tác xã thu nhỏ khi đứng ra chia, phân phối thành quả cho người dân.

Thời điểm thu hoạch ngô thì nhân viên Liên Hiệp Quốc ra thăm vườn nhiều lắm, chúng tôi có những buổi liên hoan rất vui. Tôi rất xúc động khi có anh chàng người dân nơi này giấu 3 bắp ngô rất xanh, rất non, giữa đám đông nhân viên Liên Hợp Quốc như vậy mà anh ấy dúi ngô vào tay tôi. Tôi cho rằng đây là anh ấy trả ơn mình, anh ấy quý và nghĩ rằng đây là công của mình. Tôi rất xúc động. Quả thật những khoảnh khắc như thế chúng tôi rất nhớ và rất thương người dân. Cũng chính vì mình đã thấu khổ nên sự chia sẻ của mình rất dễ. Bởi vì họ đói lắm, họ không có gì ăn cả.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 7.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 8.

Trong dịch Covid-19, Trung tá Nguyễn Thị Liên được các hãng truyền thông đưa tin: "Sứ giả hòa bình Việt Nam tham gia phòng chống Covid-19 tại Cộng hòa Trung Phi". Phóng sự về chị cũng được phát trên kênh truyền thông của Liên Hiệp Quốc (UN). Hình ảnh người phụ nữ Việt, mặc áo cờ đỏ sao vàng ngồi cm cụi may khẩu trang cho người dân Châu Phi đã chạm đến trái tim của rất nhiều người.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 9.

Chiếc khẩu trang chính là chiếc lá chắn, là chiếc bùa hộ mệnh trong thời kỳ dịch bệnh ở một đất nước xa xôi và còn nhiều thiếu thốn về y tế. Tuy nhiên, hình như thói quen đeo khẩu trang không phải ở quốc gia nào cũng có, tôi tò mò về cách chị tạo ra những chiếc khẩu trang và hành trình đưa chúng đến với người dân Cộng hoà Trung Phi…

- Hết mùa ngô, đến tháng 3/2020 thì Covid-19 đến Cộng hòa Trung Phi, trong khi đó người dân thì không hề có sự chuẩn bị nào, cả đất nước không có lấy một cái khẩu trang.

Bản thân tôi khi đeo khẩu trang cũng đều phải lấy chiếc khăn để che đi vì họ miệt thị cứ đeo khẩu trang là Covid-19, họ chỉ trỏ và miệt thị khiến tôi cũng rất sợ.

Nhưng bỏ qua nỗi sợ đó, tôi ý thức mình không thể "tay không bắt giặc", đây là lúc tôi nên phát huy ngón nghề may của mình.

Đầu tiên tôi may được hơn 300 chiếc khẩu trang. Tôi thử mang 37 chiếc khẩu trang ra ngoài khu dân cư chia cho người dân thì nhiều người chống đối, một số người nhất định không đeo, hoặc không đeo vào miệng mà đeo vào mắt, tôi nghĩ quả thực nếu mình làm như thế này thì cũng không hiệu quả.

Ngày 30/4, tôi đánh liều đi vào phái bộ, báo cáo với tư lệnh rằng tôi may được hơn 300 chiếc khẩu trang và muốn cung cấp cho nhân viên phái bộ miễn phí để phòng chống dịch Covid-19.

Khi tôi nói như vậy ông tư lệnh rất vui, ông ấy hô lên "ôi người hùng đây rồi, chúng tôi đang đi tìm khẩu trang, đang vận động tất cả nhân viên phái bộ phải đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 2/5".

Lô khẩu trang của tôi xuất hiện đúng thời điểm mà họ cần, ngay sau đó tư lệnh triệu tập trưởng phòng quân y, xem nhân sự từng phòng ban là bao nhiêu để nhận khẩu trang về cho nhân viên đeo phòng dịch.

Tôi ngồi may đến chùn cả xương sống, riêng ngồi cắt không là phải rải từ đầu nhà này sang đầu nhà kia và cũng rất mỏi. Khi đã máy được rồi, biết cách rồi thì tôi may mỗi chiếc chỉ mất 6 phút. Trong đợt dịch năm đó, tôi đã may tổng cộng 800 chiếc khẩu trang. Rất vui khi các hãng thông tấn cũng tập trung vào đó để làm truyền thông.

Mấy ngày sau đó tôi đi bộ dọc đường thì có một anh chàng người

Châu Phi dừng lại và bảo "tôi thấy bạn ở trên tivi, khẩu trang! khẩu trang!", tôi đáp "đúng, tôi là người may khẩu trang đây". Mặc dù hành động của tôi rất nhỏ thôi nhưng đó là dấu ấn của tôi. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Sỹ Tấn nói rằng "hành động của đồng chí tuy nhỏ nhưng như một quả bom tấn". Tôi rất vui vì mình đã làm những việc như thế.

Hành trình nhiệm kỳ thứ nhất của tôi khép lại, tôi trở về với một niềm vui vì tôi đã làm được rất nhiều việc hữu ích mà tôi cảm thấy rằng đây chính là những nhiệm vụ cần làm khi tham gia GGHB Liên Hiệp Quốc.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 10.

Không điện, thiếu lương thực, nguy hiểm rình rập… có quá nhiều khó khăn, vậy điều gì đã đưa chị trở lại Châu Phi thêm một lần nữa?

- Lần thứ hai đến với tôi cũng rất bất ngờ, năm 2022 đội công binh của Việt Nam bắt đầu được triển khai ở khu vực Abyei (UNISFA), vị trí của tôi trong lần hai là cán bộ phụ trách công tác quân-dân của đơn vị. Ở vị trí đó, tìm một người làm dân vận tốt, sẵn sàng với công việc cộng đồng thì có thể có nhưng không dễ.

Qua lần đầu tiên, lãnh đạo Cục GGHB thấy tôi là một người năng động, sẵn sàng cho công việc, phù hợp với vị trí đó nên đã động viên tôi và tôi quyết định tiếp tục lên đường.

Phái bộ UNISFA là vùng đang tranh chấp, chưa có luật pháp, chưa có chính quyền nên việc tranh giành, súng ống nhiều lắm, 8 người đi chăn bò thì 5 người có súng, có thể xảy ra chiến tranh và nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào.

Nhưng Việt Nam rất thân thiện, đội công binh số 1 của Việt Nam sang đó đã trở về với những thắng lợi rực rỡ, với những việc làm mà trong đầu tôi cũng không nghĩ rằng tôi làm được như vậy. Sự thành công của tôi cũng chính là sự thành công của cả đồng đội bởi tôi không làm dân vận một mình, phía sau tôi là cả một đội công binh rất chuyên nghiệp.

Sang đó tôi là cầu nối giữa đội công binh với người dân để làm những công trình thiện nguyện. Ngoài ra, tôi được đội trưởng đội công binh số 1 tín nhiệm cắm tôi vào vị trí nhân viên kế hoạch ở phòng kế hoạch tích hợp của đội công binh Liên Hiệp Quốc. Cùng một lúc tôi có rất nhiều việc. Để hoàn thành, tôi phải đi trinh sát, quá trình trinh sát tôi được tiếp cận với người dân nhiều hơn, bản nào tôi cũng đến, bộ tộc nào tôi cũng vào và điểm nào tôi cũng chạm tới.

Trong quá trình đi trinh sát tôi còn được mệnh danh là "đồng nát" nữa. Quả thực, đi trên đường tôi thấy gì tôi cũng nhặt, từ thanh xà gồ, từng bộ gọng của những vật liệu có thể sử dụng được... Cứ trường kỳ như thế, chúng tôi làm được rất nhiều lớp học cho các trường học, nhiều nhà dân, chúng tôi còn trồng trọt, dạy dân canh tác.

Tôi tự hào vì Đội Công binh số 1 Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và giành được những tình cảm đặc biệt của người dân ở Abyei. Có được sự yêu mến của người dân chính là niềm hạnh phúc và nguồn động lực to lớn để những người lính mũ nồi xanh chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Những cụ già, em nhỏ, những thầy, cô giáo không muốn chia tay chúng tôi khi kết thúc nhiệm kỳ và mong muốn chúng tôi tiếp tục ở lại. Họ gọi tôi là Madam Liên, Mama Liên rồi Mama Africa… tôi rất vui, đi đến đâu tôi cũng được chào đón.

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 11.

Về Việt Nam sau 2 lần đi GGHB Liên Hiệp Quốc, chị còn trăn trở, tiếc nuối hay còn điều gì muốn mà chưa làm được cho người dân ở những nơi chị đến?

- Còn nhiều tiếc nuối bởi ở đó họ thiếu nhiều lắm. Họ thiếu đủ mọi thứ, họ thiếu từ cơ sở vật chất đến kiến thức mà mình không có đủ thời gian và không có đủ sức để làm. Chúng tôi đã dốc sức xây dựng cơ sở hạ tầng bên đó, dù chưa hẳn đẹp nhưng cơ bản đã tương đối ổn định so với trước khi chúng tôi đến. Còn việc dạy dân trồng trọt là chúng tôi chưa làm được nhiều, trong khi đó phương tiện máy móc của chúng tôi rất sẵn. Nếu đội công binh vẫn còn ở đó, nếu chúng ta có kế hoạch, có ý định, có quyết tâm thì chúng ta có thể làm được rất nhiều. Tôi rất mong muốn mang được khoảng 4 tạ đốt sắn sang đó để nhân giống bởi sắn không tốn công chăm sóc, không tốn nước tưới… mà có thể đảm bảo lương thực cứu đói cho người dân. Tôi hy vọng các đội sau có thể triển khai công việc này.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nữ quân nhân 2 lần gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc: "Mẹ ạ, nhiệm vụ của người lính con không thể làm khác được"- Ảnh 12.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem