Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 1.

Một kỷ lục buồn được thiết lập trong vụ việc phá rừng nghiến ở Bắc Mê, Hà Giang.

Trước hết, cần nhấn mạnh một lần nữa, hàng trăm mét khối gỗ nghiến cổ thụ bị tàn sát nằm lại ở hiện trường rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là con số vô cùng đau lòng khi nghĩ về tấm áo giáp bảo vệ cuộc sống của chúng ta đang bị xé nát. 

Xin nhấn mạnh, đó chỉ là lượng gỗ sau khi bị người ta phá phách, "xẻ thịt", khiêng đi bao nhiêu tùy thích rồi… vứt lại thôi. Đó là cái còn lại sau thảm họa, chứ không phải tất tần tật di sản rừng bị đốn ngã "chỉ" có ngần đó.

Chắc chắn, Cơ quan điều tra sẽ có phương pháp tính ra tổng khối lượng gỗ bị chặt phá. Bấm tọa độ các gốc cây, so với bản đồ về lâm phận được các "Ban quản lý" đã được giao nhiệm vụ, là ra loại rừng mà cây nghiến kia đang tọa lạc. 

Chưa hết, có thể đếm mật độ cây trung bình trong khu vực, rồi đếm số gốc cây bị chặt, có thể ra diện tích rừng bị phá. Đếm các vòng thớ trên thân gỗ, đoán ra tuổi của các "lão mộc tinh" nghiến.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 2.

Rừng đặc dụng Du Già nay là Vườn Quốc gia Du Già còn có diện tích quan trọng nằm trong khu vực của Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Công viên địa chất đầu tiên và cực kỳ quý giá của Việt Nam đó, đã được cả thế giới vinh danh. 

Ngoài địa chất, địa mạo, hóa thạch, cảnh quan, tộc người, thì động thực vật – trong đó có các báu vật thiên nhiên rừng nghiến cổ, cũng là một phần của di sản. Trong các tua tuyến phục vụ khách tham quan công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có hẳn chương trình đi tham quan rừng nghiến Cán Tỷ.

Có thể, chúng ta chưa xác định được khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị tàn phá ở Bắc Mê hiện nay có nằm trong khu vực Công viên địa chất không. Song, rừng đặc dụng Du Già có phần diện tích lớn nằm trong "công viên"; nay bị tàn phá, ban quản lý có công văn cấp báo lên tỉnh về thảm trạng. 

Ai dám chắc "hạng mục" vô giá là rừng nghiến của Công viên địa chất này sẽ an toàn trong tương lai, nếu không có giải pháp căn cơ hiệu quả? UNESCO nghĩ gì về chúng ta, khi "thảm sát" các di sản nghìn năm tuổi kiên cường vươn lên như biểu tượng của núi đá tai mèo kia?

Có thể nhìn tổng thể thế này: Rừng đặc dụng Du Già, khi Thủ tướng có Quyết định thành lập Vườn Quốc gia, thì UBND tỉnh Hà Giang, đứng đầu là ông Chủ tịch UBND phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy tác dụng của rừng. Nếu rừng bị phá cần xử lý nghiêm và công khai thông tin, báo cáo Chính phủ đồng thời có biện pháp xử lý dứt điểm.

Trở lại vụ khoảng 13m3 gỗ nghiến (số lượng ít hơn vài chục lần vụ hiện nay) bị bắt giữ ở trung tâm huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ngay lập tức Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo xử lý.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 3.

Sau loạt bài trước của Dân Việt, cũng điều tra ở vùng này, Cục Kiểm lâm rồi cơ quan các cấp đã bắt nhiều xe chở gỗ nghiến, vào kiểm tra các đối tượng - mà chúng tôi ghi hình tố cáo, đăng báo - rồi báo cáo chúng… không có mặt ở địa phương. 

Nay, vẫn địa bàn Bắc Mê, vẫn buôn thớt nghiến, chúng vẫn hoạt đồng ầm ầm? Xin hỏi, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã làm việc thật tâm và báo cáo trung thực chưa?

Ai là trọng tài, ai là thanh kiểm tra các góc khuất này? Vì sao hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi phát lộ vụ này ra, mà UBND tỉnh Hà Giang vẫn im lặng trước mọi nỗ lực của chúng tôi? 

Dù đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã vào rừng kiểm tra, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo, các cơ quan cấp Bộ đã liên lạc với chúng tôi lấy tư liệu rồi. Đây là một câu hỏi mang tính mấu chốt của vấn đề.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 4.

Nhưng, mấu chốt hơn là cách quản lý.

Ông Trịnh Lê Nguyên - là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT VN - VUSTA) - sau khi đọc 3 bài viết đầu tiên của tuyến bài này - đã trả lời phỏng vấn Dân Việt: Tỉnh Hà Giang có số lượng khu bảo tồn, rừng đặc dụng nhiều nhất cả nước. Hiện tại tỉnh này đã có 1 Vườn Quốc gia và 4 khu Bảo tồn. Mục tiêu của Hà Giang, đến năm 2030 là có tới 12 khu bảo tồn. Đó là niềm tự hào, song cũng là một nỗi lo lớn.

Giữ gìn di sản thiên nhiên còn lại ít ỏi trên đất nước này là đúng, nhưng liệu Hà Giang - vốn bề bộn khó khăn "chật vật với bài toán xóa nghèo" -  có kham nổi quá nhiều Vườn Quốc gia và khu bảo tồn như thế không? 

Đòi hỏi hoàn thành mục tiêu kép vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế trong hoàn cảnh này có gì đó hơi xa xỉ",ông Trịnh Lê Nguyên nhấn mạnh.

"Với vụ vỡ trận bảo vệ rừng ở Hà Giang hiện nay, khả năng  có người sẽ vướng vòng lao lý. Nhưng nếu không có những cải tổ mang tính chất hệ thống ở lĩnh vực này, những vụ việc tương tự rồi lại tiếp diễn. Các nhà báo lại phải vất vả đi đếm gốc cây với các thớ gỗ bị bỏ lại trong rừng.

Tôi muốn nhắn nhủ thêm với người miền xuôi, rằng, trước các tổn thất quá lớn này, lần sau đi mua thớt, tránh thớt nghiến ra. Bây giờ thớt cũng có rất nhiều lựa chọn rẻ, tiện lợi và chắc chắn giá trị sử dụng còn hơn thớt nghiến rất nhiều. Còn người mua, còn kẻ bán, còn kẻ chặt đốn hạ rừng nghiến phục vụ nhu cầu thị trường"- ông Nguyên cho hay.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 5.

Một vấn đề mấu chốt nữa, cũng liên quan đến cung cách bảo vệ rừng. Suốt những ngày dài điều tra trong nhiều đợt, nhiều chuyên gia sát cánh cùng chúng tôi đều có chung một nhận xét. 

Sao vẫn các cánh rừng nghiến nghìn năm tuổi đó, vẫn là loài cây quý hiếm được bảo vệ đặc biệt trong danh mục nhóm IIA đó, cùng địa bàn xã đó, thôn đó, mà lại chia ra lắm "lực lượng" bảo vệ thế?

Rừng đặc dụng quản lý khu này, rừng phòng hộ khu kia. Anh đặc dụng có Ban quản lý riêng, anh phòng hộ cũng thế. Dự án về bên này, lại không về bên kia và ngược lại.

Như ở bài trước phân tích, hai anh tố nhau vì để xảy ra phá rừng, có ý "lái dư luận" theo mục đích của họ. Lại có diện tích rừng sản xuất cũng có các cây nghiến cổ thụ và bị chặt. Tổn thất rừng như nhau, song chẳng may ông nào chặt dính cây nghiến nào bị quy vào loại rừng "được bảo vệ cao hơn" thì "tội" của họ sẽ theo thế mà nặng hơn.

Cấp độ quan trọng được bảo vệ từ cao xuống thấp lần lượt như sau: rừng đặc dụng, rồi đến rừng phòng hộ, "vét đĩa" là rừng sản xuất. 

Tuy nhiên, cây nghiến quý hiếm bảo vệ theo nhóm IIA, thì cứ đẵn là bị xử, đẵn một cây có khi 11 năm tù giam như ở bài trước đã viết, chẳng cứ phải rừng đặc dụng.

Tất nhiên, ngành kiểm lâm và cơ quan quản lý cấp trên có quy tắc trong việc phân chia các ban quản lý các loại rừng. Song dù thế nào, thực tế cũng là chồng chéo.

Bất cập trong quản lý này bao giờ mới được tháo gỡ?

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 6.

Để tìm câu trả lời cho lĩnh vực này, chúng tôi tham vấn ý kiến của một chuyên gia nổi tiếng từng hàng chục năm gắn bó với các cánh rừng của Rừng đặc dụng Du Già hiện nay. Anh đang trở lại Hà Giang trong khi trò chuyện với chúng tôi.

Theo anh, vụ hàng trăm mét khối gỗ nghiến cổ thụ bị phá ở rừng đặc dụng hiện nay là "chưa từng có". 

"Tôi đánh giá là nếu không hành động, nhiều cánh rừng sẽ bị xóa sổ. Nhất là nghiến cổ này nằm trong rừng nguyên sinh trên núi đá vô, mà rừng nguyên sinh ở Việt Nam, Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng từ lâu. Nghiến lại nằm trong nhóm IIA được bảo vệ đặc biệt, ở mức cao nhất" – vị này nói.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 7.

Trách nhiệm thuộc về chủ rừng, thế chủ rừng là ai? Nhóm PV đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng của Hà Giang để tìm câu trả lời. Dưới đây là vắn tắt những gì chúng tôi nhận được.

Chúng tôi trao đổi với ông Bùi Văn Đông - Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Giang, ông Đông nói rừng đặc dụng thì phải hỏi Sở NNPTNT, còn rừng phòng hộ thuộc UBND huyện nên Chi cục không phát ngôn.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở NNPTNT, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Bà Củng Thị Mẩy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, đơn vị quản lý rừng phòng hộ cũng nói là chưa nắm được thông tin.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ bận đi công tác. Hai lãnh đạo cao nhất của xã Minh Ngọc cũng chưa nắm được thông tin phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Chúng tôi đem những điều trên trao đổi với ông Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và nhận được tin nhắn: "Anh bận rồi", rồi nhắn chúng tôi đi gặp ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Giang. Dẫu trước đó ông Đông bảo hai loại rừng kia phải đi hỏi Sở NNPTNT và hỏi UBND huyện.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ - Bài 4: Trách nhiệm của những công bộc giữ “báu vật trên miền đá” - Ảnh 9.

Sau khi có ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã trò chuyện với chúng tôi. Ông Đông nói: "Trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra các vụ phá rừng này là… thuộc về chủ rừng, thứ hai là chính quyền địa phương. Kiểm lâm chỉ là lực lượng chức năng nòng cốt để tham mưu cho chính quyền địa phương về lĩnh vực này, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm".

PV Dân Việt đặt câu hỏi: Tại sao phá suốt mấy tháng qua, nhiều khu vực rừng nghiến cổ thụ bị tàn phá mà kiểm lâm chưa… phát hiện? Chúng tôi vừa đề nghị với tỉnh, huyện kiểm tra các diện tích bị phá mà chúng tôi đã ghi hình.

Ông Đông cho hay: "Đã có kế hoạch đi kiểm tra từ… trong năm, nhưng do đi kiểm tra cần phối hợp với các ban ngành, mời họ; rồi dính các đợt dịch COVID-19, lại trong thời gian bầu cử nên một số chỗ chưa kiểm tra tới, nên chưa phát hiện. Phá rừng là dân, bảo vệ rừng cũng là dân, tất cả là dân hết, cả khu rừng đặc dụng có hơn 20 nghìn ha, mà có 7 viên chức, trong đó 1 lái xe, một kế toán.

Rừng giờ giao có chủ hết rồi, thậm chí họ khai thác "tự chặt", họ không báo cáo với chúng tôi đâu. Chúng tôi cảnh sát rừng thôi".

 (còn nữa)

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem