Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 1.

Thưa Sư Minh Niệm, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ biết thầy là một người có nhiều năm kinh nghiệm về trị liệu, chữa lành về tổn thương tâm lý. Tôi xin hỏi một câu mang tính số học, đã bao giờ thầy thống kê độ tuổi những người đến gặp thầy để chữa lành chưa?

-  Giai đoạn đầu tiên tôi bắt đầu tư vấn rồi mới đến chữa lành. Lúc đầu các bạn trẻ mới lập gia đình thường đến sinh hoạt, thiền tập cùng tôi. Sau đó, các bạn có khó khăn trong mối quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Đến giai đoạn chữa lành, những người tìm đến đa phần là các bạn trẻ mới vào đời, chưa lập gia đình.

Trở về Việt Nam tôi gặp các bạn trẻ hơn nữa, vừa mới tốt nghiệp đại học, hoặc vẫn còn trên giảng đường, kể cả các em học sinh. Nói về tổn thương tâm lý, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy các bạn trẻ bị tổn thương nhiều nhất. Vì vậy, khi về nước, tôi tập trung chủ yếu vào việc chữa lành, dù có nhiều dự án khác. Trước đó, tôi dạy thiền, tư vấn tâm lý hôn nhân, khi về Việt Nam mọi người biết đến tôi nhiều hơn với vai trò người chữa lành.

Vậy nên, nếu thống kê số lượng người đến với tôi nhiều nhất chắc là giới trẻ, ở độ tuổi mới lập gia đình, với rất nhiều khó khăn; các bạn trẻ mới vào đời, thiếu quá nhiều hành trang và bị tổn thương về tâm lý.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 2.

Thầy có lý giải được vì sao ngày càng nhiều người trẻ lại bị tổn thương về tâm lý không? So với thế hệ của thầy thì sao?

- Thời nào con người cũng có vấn đề về tâm lý. Ngày xưa người ta không gọi từ chuyên môn là "tổn thương tâm lý", chỉ nói là đang có vấn đề không vui, không hạnh phúc. Nhưng có lẽ bây giờ nhiều hơn, ngày càng trở nên rầm rộ hơn. Có thể lý giải một cách dễ dàng là phẩm chất đời sống của con người thời nay không có nhiều dưỡng chất, hoặc nó đi xuống so với các thế hệ trước. Đời sống kinh tế có thể đi lên, con người có thể văn minh hơn, với sự bùng nổ của nền kinh tế hay sự lên ngôi của nền công nghệ làm cho chúng ta biết được nhiều thứ, thâu tóm được nhiều thứ, đạt được nhiều giá trị hơn nhưng chúng ta phải trả giá quá đắt. Phẩm chất đời sống tốt là làm sao phải vui vẻ, hài hoà, thư giãn, bình an, yêu thương, giàu giá trị...

Giới trẻ hiện nay mắc kẹt với nền công nghệ. Họ có rất nhiều khả năng đặc biệt, được cha mẹ dành cho mọi sự ưu tiên để phát triển, được học hỏi, được vươn ra thế giới. Nhưng cơ hội để quay vào thế giới bên trong, chăm sóc tâm hồn của giới trẻ là rất ít, vì bên ngoài quá hấp dẫn.

Thêm nữa, sự liên đới là gia đình ngày nay không như xưa. Cha mẹ bận rộn mưu sinh, không có nhiều thời gian cho nhau, sự nuôi dưỡng tâm hồn lẫn nhau cũng rất hạn chế. Rồi tình làng nghĩa xóm, sự liên hệ giữa dòng họ, gia đình, bạn bè cũng yếu hơn ngày xưa. Nói chung là môi trường có dưỡng chất để nuôi dưỡng tâm hồn người trẻ là quá ít. Người trẻ ít có cơ hội được đào luyện bản thân, cho mình một nghị lực sống, trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để vào đời. Trong tâm hồn họ rất chênh vênh, lạc lõng, hoang hoải, trống trải mà chính họ cũng không biết. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những vấn đề tâm lý ra đời.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 3.

Những giới nhà giàu, trí thức, quan chức, doanh nhân..., họ có tìm tới thầy không? Bởi theo hiểu biết của tôi, chính người ở tầng lớp này sẽ gặp tổn thương nhiều hơn, vì họ trải qua nhiều biến cố, thăng trầm ca cuộc sống hơn?

- Trước tiên phải ghi nhận ở độ tuổi của tôi, hay lớn hơn nữa, sức đề kháng tốt hơn là các bạn trẻ Gen Z, hay thế hệ 8X, 9X. Vì thời thế khó khăn, quá nhiều thách thức nên bản năng sinh tồn phát triển, sức chịu đựng tốt. Mà sức chịu đựng tốt thì sóng gió cuộc đời có ảnh hưởng nhưng ít hơn và mau chóng chấp nhận được.

Tuy nhiên họ có một khiếm khuyết là rất sĩ diện. Họ là những người thành đạt, giàu có, có tiếng tăm, có quyền lực, địa vị trong xã hội nên sẽ khó thừa nhận mình gặp khó khăn về tâm lý.

Những người này tự tin và rất chủ quan vì họ nghĩ họ thành công, tài giỏi nên việc chăm sóc bản thân đâu thể nào ngoài tầm tay họ được. Nhưng sự thật, đôi khi họ rất kém trong việc làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc hay làm chủ cái tôi. Những người này thừa nhận với chính mình "có vấn đề" đã là khó, huống hồ gì nói ra với người khác. Họ sợ để cho gia đình, vợ, chồng, con cái biết... Vì vậy họ dễ từ chối gặp chuyên gia để giúp đỡ. Thành ra, rất nhiều người là chủ doanh nghiệp lớn, người giàu có, thành đạt... sống chung với trầm cảm lâu năm để rồi chuyển qua những trạng thái nặng nề hơn, có khi chọn con đường kết thúc. Đó là chuyện thường xuyên xảy ra trong đời sống.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 4.

Quan sát từ thực tế cuộc sống tôi thấy rằng, rất nhiều người dù ở đỉnh cao quyền lực, hay ở đỉnh cao về sự giàu có, nhưng thực tế họ vẫn không hài lòng về bản thân, họ vẫn đau khổ. Theo thầy thì nguyên nhân vì sao?

- Khi bạn đạt được thành công, bạn phải bỏ qua rất nhiều mục tiêu nhỏ trước đó. Tức là bạn đã từng có những mục tiêu đặt ra, đạt được nhưng không có thời gian để tận hưởng. Và bạn cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, muốn vươn lên những đỉnh cao hơn. Theo đó sẽ hình thành trong tâm thức cơ chế rất dễ mau chóng nhàm chán những gì mình đạt được và luôn khát khao tìm kiếm hạnh phúc ở những thứ chưa đạt được. Bạn luôn sống trong trạng thái đi tìm hạnh phúc mà không có ý thức rằng mình đang có những điều kiện để hạnh phúc. Chúng ta đang huấn luyện cho mình thói quen "chụp bắt, bỏ, chụp bắt, bỏ".

Thêm nữa, hành trình đi tới thành công không phải ai cũng giỏi để giữ được một tâm hồn khoẻ mạnh, lành lặn, nhiều giá trị. Vì chính đời sống tâm hồn mới làm nên hạnh phúc lâu dài, không phải là vật chất, quyền lực. Vật chất, quyền lực có thể đóng góp lớn cho việc cảm nhận hạnh phúc, nhưng một khi tâm hồn khi bị thương tổn, lúc nào cũng căng thẳng, nghi ngờ, lúc nào cũng muốn chứng tỏ quyền lực, muốn hơn người, thì sao cảm nhận được hạnh phúc?

Và hành trình đi tới thành công phải trả giá quá đắt, nó làm cho bạn trở nên bận rộn hơn, muốn mọi người kính trọng nể phục, tâm bạn có rất nhiều thứ rác rến, đó gọi là tham sân si. Khi những tham sân si ở trong bạn, dù bạn là ai, bạn thành công tới đỉnh cao nào thì bạn nhất định cũng không thể hạnh phúc được vì tham, sân, si luôn là những con quái thú, lúc nào cũng có thể trỗi dậy.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 5.

Như thầy nói con người không vượt thoát được khổ đau bởi suy cho cùng, chúng ta hầu như ai cũng dính mắc vào tham sân si. Nhưng làm thế nào để từ bỏ được tham sân si thì không phải ai cũng làm được, ngay kể cả một số vị tu hành. Vậy theo thầy, then chốt của vấn đề này nằm ở đâu?

- Chúng ta xuất hiện trong trời đất này đều được thiết kế sẵn là có ưu và có khuyết. Ông bà tổ tiên mình hay nói "trời cho thứ này sẽ lấy đi thứ khác". Ví dụ có những người tài năng, thông minh, đẹp đẽ nhưng họ lại có tật như ích kỷ, nhỏ mọn, toan tính. Hoặc có người lanh lẹ, sắc sảo nhưng ở góc nhìn sâu khác, hiểu biết khác thì họ lại rất bất ổn, họ dễ phản ứng, nhạy cảm hơn người bình thường. Và những người sắc sảo ấy sẽ ít được bình an hơn so với những người giản dị, ít sắc sảo, ít thông minh hơn.

Trời sinh ra mỗi người đều có sẵn tham sân si. Tham là bản năng sinh tồn, sân là bản năng tự vệ. Tức là con người phải biết tranh đấu để đem lại những tiện nghi cho đời sống, trong đó có ăn mặc, ngủ, nghỉ và sinh hoạt khác. Con người phải có những khát khao mong muốn đó, gọi là tâm tham.

Còn tâm sân có nghĩa là phản ứng chống trả lại những gì mình cho là nguy hiểm, có hại đối với chính mình, thì đó là bản năng tự vệ đối với mỗi con người. Tuy nhiên con người không chỉ là một động vật bình thường chỉ có ăn, ở, sinh hoạt hay sinh con đẻ cái mà họ muốn vươn tới tầm mức cao hơn, như là muốn có bình an, hạnh phúc chân thật, muốn có yêu thương chân thật, muốn tự do. Mà muốn đạt được những thứ quý như vậy thì phải có sự đánh đổi.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 6.

Như vậy bạn phải tu luyện, làm sao để cô lập hoá tham, sân, si vừa đủ cho nhu cầu của mình. Còn nếu bạn muốn nó lớn hơn thì phải triệt tiêu luôn tham sân si. Khi triệt tiêu tham, sân, si nghĩa là bạn đạt đến Niết bàn, Tịch diệt, tức là chấm dứt phiền não, thì đó là nhu cầu quá lớn.

Tham sân si luôn làm con người ta phiền não, khổ sở. Ngay cả những vị tu hành không khéo cũng vẫn có tham sân si. Vậy phải làm sao đây? Phải đặt ước mơ nhỏ xuống thôi, ít nhất là cô lập hoá 50% tham sân si, hoặc nhiều hơn càng tốt. Khi bạn cô lập hoá tham sân si thì bạn phải chấp nhận giảm bớt ham muốn, giảm bớt phản ứng chống trả lại người khác, để nhường chỗ cho những giá trị về sự tự do, bình an, hạnh phúc, yêu thương lên ngôi.

Bạn phải là người chăm sóc tâm rất giỏi, để tâm phải đẹp hơn, cao thượng, rộng lớn hơn. Muốn được vậy người đó phải là người làm vườn chăm sóc tâm hồn mình giỏi, phải thường trực trong khu vườn đó, lúc nào cũng thấy được tâm mình đang vận hành, trong lời nói, trong hành động, trong mọi suy nghĩ. Kế tiếp đó là họ phát hiện kịp thời những dây mơ, rễ má, cỏ dại mọc lên, siêng năng dọn dẹp. Còn người nào tu luyện mà không quản chế được tham sân si, để cho tham sân si "lừng lẫy" hơn thì gọi là tu chưa khéo hoặc chưa thành công, nhầm đường.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 7.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 8.

Thầy đã có gần 30 năm đi tu và thiền tập. Theo thầy thì từ bỏ tham sân si có dễ không?

- Tôi bắt đầu đi tu tính tới bây giờ là trên 30 năm, nhưng nếu hành thiền chỉ mới trên 20 năm. Và dĩ nhiên trong quá trình mới bắt đầu, giai đoạn giữa cho tới bây giờ lúc nào cũng có tham sân si, có điều là khắc chế được nó từ từ. Kể cả bây giờ tôi vẫn còn tham sân si, nhưng ở mức độ chấp nhận được.

Tôi biết mình vẫn còn khiếm khuyết và vẫn tiếp tục phải tu luyện. Điều đó vẫn chính là tham sân si đó.

Con người ta tin rằng khi họ đạt được một địa vị nào đó, bằng cấp nào đó, thành quả nào đó, thì họ mới là người có giá trị. Có những giá trị nào mà thầy đặt ra cho mình mà thầy chưa vượt thoát được không?

- Đối với những người tu hành tất nhiên không đi tìm giá trị ở bên ngoài, kể cả sự ngưỡng mộ, kính trọng của người khác. Tôi không tham cầu mình được nổi tiếng hơn hay có nhiều hào quang hơn. Nếu có chăng, tôi chỉ mong muốn được nhiều người biết đến để mình được kết nối, để được giúp đỡ mọi người. Ấy vậy mà có những lúc cũng không muốn điều đó vì mình không đủ năng lượng để phục vụ đại chúng.

Nếu tôi có thời gian tu luyện nhiều hơn, trí tuệ rộng lớn hơn thì có thể giúp được nhiều người hơn.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 9.

Người ta hay nói đi tu là con đường khổ hạnh, là khó. Nhưng thực ra tôi thấy tu ngay chính trong cuộc sống, môi trường ở ngoài đời thực mới khó? Bởi nỗi khổ, niềm đau nó rất dễ dàng khởi phát khi gặp hoàn cảnh. Thầy nghĩ sao?

- Tôi thấy mặt nào cũng khó. Tu mệt gần chết luôn: Ăn chay, trì giới, giữ giới, sống trong môi trường tĩnh lặng, cắt hết nguồn "thức ăn" của bản ngã như là cảm xúc yêu đương, sự công nhận, kính trọng, nể phục... Thậm chí người tu hành đôi khi phải "cắt bỏ" cả tài năng, sự thông minh để làm một người giản dị nhất, bình dị nhất, trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất. Đến giờ này tôi vẫn miệt mài tu luyện. Nhưng trong đó chỉ có khó thôi, chứ không có khổ đâu. Vì khổ là cảm xúc, mình chống lại cái khó, nó mới sinh ra cái khổ. Nhưng những người đi tu chấp nhận điều đó. Và bù lại họ có những trạng thái an lạc, trở thành con người tự do, rộng lớn hơn.

Còn ngoài xã hội tuy có nhiều quyền lợi: được sống theo bản năng, thích gì làm đó, có danh lợi, có sắc dục, có rất nhiều thứ có thể thoả mãn bản ngã của mình nhưng cái gì cũng có giá phải trả. Tình cảm cũng có những nỗi khổ, niềm đau. Đạt đến đỉnh vinh quang thì cũng phải trả cái giá rất đắt như: tuổi tác, về thời gian, năng lượng, sự bào mòn của tâm hồn. Cái nào cũng có cái khó.

Để nói tu ở đâu khó nhất, thì tu ở ngoài, ở chợ là khó nhất. Thế nên mới có câu là: "Nhất tu thị, nhị tu gia, tam tu tự".

Theo các bậc thánh, kể cả Đức Phật cũng nói, phải đi từ dễ đến khó, đi từ trong ra ngoài, sao cho "trong ấm thì ngoài mới êm" hay "tu thân, tề gia, trị quốc rồi mới bình thiên hạ". Nhưng con người sinh ra đời đâu có ai dạy mình tu ngay đâu? Lẽ ra khi con người lớn lên, trong hệ thống giáo dục của nhà trường, hay trong gia đình phải khuyến khích những người chưa lập gia đình phải tu thân trước. Tức là học cách kiểm soát bản thân, kiểm soát cảm xúc, chữa lành mọi vết thương rồi mới bước vào đời, nhận trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ thì mới cân bằng cuộc sống được.

Muốn yêu thương người khác thì phải yêu thương chính mình. Nhưng chúng ta hiện nay chỉ chú trọng mình là ai, mình thể hiện như thế nào, mình được cái gì, ai công nhận, nể phục mình, đỉnh cao nào đạt tới? Theo đó con người cứ lao ra ngoài chụp bắt mà vẫn cứ muốn bình an và hạnh phúc.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 10.

Thầy nói rằng, thông thường người ta bắt đầu nhận ra giá trị thật của cuộc sống sau khi thoả mãn đủ với những gì theo đuổi, lúc đó mới bắt đầu đi tìm những giá trị bên trong sâu sắc hơn, đúng đắn hơn; rồi con người về miền quê sẽ thấy hạnh phúc hơn ở thành thị... Nhưng nhu cầu con người biết thế nào là đủ và thực chất mấy ai có thể làm được như vậy? Vậy theo thầy giải pháp cho những người thành thị là như thế nào, khi người ta phải đối diện với đủ thứ phiền não, tcuộc sống chộn rộn, áp lực công việc?

- Cái gì cũng có giá của nó. Có người chọn cách sống ở miền quê là họ thấy thích hợp. Nhưng cũng có người vì bất đắc dĩ, không thành công ở thành thị, không cắm rễ được, thất bại hoặc không chịu nổi áp lực chốn thành thị. Về quê, họ thấy vừa vặn với con người họ hơn, ít áp lực và họ thưởng thức cuộc sống, hạnh phúc hơn. Nhưng họ cũng phải trả cái giá là từ bỏ xa hoa, hào quang, từ bỏ nhiều cơ hội.

Còn ở thành thị, người ta sẽ thụ hưởng nhiều giá trị hơn về mặt vật chất, về mặt hào quang. Chưa nói là giá trị nào hơn giá trị nào nhưng phải trả giá là sẽ chịu áp lực nhiều hơn và bị tham sân si quấy nhiễu thường xuyên hơn, dễ bị các vấn đề về tâm lý hơn. Như vậy người ở thành thị phải tu luyện nhiều hơn, đời sống tinh thần phải mạnh gấp đôi những người sống ở dưới quê. Vậy thì thách thức ở đây là với áp lực đời sống kinh tế như vậy, bao nhiêu vấn đề bủa vây, bạn phải có đủ sự thông minh mới vực dậy được.

Cách sắp xếp cuộc sống khôn ngoan nhất là làm sao để có cho đi cũng phải có nhận lại. Rất nhiều bạn ở thành phố lớn nhưng rất siêng năng hành thiền, bỏ bớt một số ham muốn không cần thiết... Để rồi khi sống nơi thành phố ồn ào, bát nháo mà bạn biết được trạng thái tĩnh lặng là gì, an trú ngay trong căn nhà của mình, cảm nhận được một ngày đang lên và sự sống đang diễn ra, bạn trân quý từng việc bạn đang làm. Mục đích hành thiền hay sống đời sống tỉnh thức chứ không phải là kêu gọi mọi người từ bỏ cuộc sống bận rộn, ồn ào, nhiều áp lực, nhiều trách nhiệm để trở về núi rừng ở.

Thật ra trở về núi rừng, miền quê chỉ là giai đoạn ban đầu thôi. Phải tu ở nơi dễ tu nhất, khi tu có phẩm chất rồi mình phải đi tiếp bước nữa là hoà nhập vào cộng đồng và xã hội. Người tu không bị tan chảy, tan biến, hay bị nhấn chìm, bị tổn thương trong các cuộc tương tác hay là va chạm đó mà còn đứng lên trên đó, tạo ra nhiều giá trị trong cuộc đời. Sự tu luyện phải ghê gớm lắm mới có thể làm được. Và có rất nhiều người làm được.

Vấn đề ở đây là bạn chọn cái nào thì bạn phải chấp nhận cái giá của nó. Sau khi chấp nhận thì bạn phải nỗ lực rất nhiều để trả giá thấp nhất có thể. Ai trong chúng ta cũng có năng lực ấy.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 11.

Lý thuyết như thầy nói là chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, mà phải thay đổi chính mình. Nhưng làm thế nào để thay đổi chính mình là điều không dễ dàng. Thầy có lời khuyên thế nào, làm thế nào để có thể thay đổi chính mình, có thể chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau?

- Trước hết xin giải thích thêm, rằng chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh, có thể chọn lối sống vừa vặn, có thể yêu cầu ai đó bớt khó chịu, bớt sân si, bớt ích kỷ để có sự hợp tác, có sự cộng hưởng, có sự hoà điệu với nhau. Tức là đôi khi chúng ta tác động vào hoàn cảnh để làm cho nó tốt hơn. Chúng ta cũng có niềm tin là có thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Nếu lực của cộng đồng, của tập thể đều dồn về hướng đó thì hoàn cảnh sẽ thay đổi, tuy nhiên cũng chỉ ở mức tương đối thôi.

Chúng ta biết rằng có những thứ nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Ví dụ như trận đại dịch vừa qua, nếu dùng sức mạnh của một quốc gia, liên quốc gia, cả thế giới cũng không ăn thua gì. Bao nhiêu trí tuệ, chất xám, thông minh của nền văn minh hiện đại không thấm vào đâu so với đại dịch. Vậy thì ai đã làm ra điều này?

Chúng ta đều biết có một cơ chế vận hành của vũ trụ giữa con người với vạn vật. Có những thứ mà trí tuệ của con người không biết hết được, đó là cơ chế điều hành rất tự nhiên của tạo hoá, của vũ trụ. Chúng ta đang sống trong tầm nhìn hạn hẹp thôi, chịu sự chi phối rất lớn của trời đất. Sự bệnh tật, già nua, cái chết chúng ta không kiểm soát được. Chúng ta có thể tác động hoàn cảnh nhưng chỉ ở mức tương đối. Theo đó chúng ta hãy bớt tin rằng cái gì cũng thay đổi được, hoặc thay đổi không phải lúc nào cũng thành công. Vì vậy chúng ta phải học cách chấp nhận và chịu đựng.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 12.

Khi việc lựa chọn thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh là rất khó, thì hãy lựa chọn thay đổi chính mình (chút ít hoặc thay đổi tất cả). Thay đổi tất cả con người mình chắc chỉ dành cho những vị tu luyện chuyên nghiệp, hoặc phải có một biến cố nào đó xảy ra đủ lớn để bạn tỉnh ngộ, thì mới có khả năng "mời" một con người khác ở trong mình ra. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nên như thế và có khả năng làm được như thế.

Sự thay đổi ở đây đôi khi là chỉ cần một ít thái độ. Ví dụ như là ít cố chấp, mở lòng, hiền dịu, thông cảm, bao dung hơn. Hoặc dám thu lại ý kiến của mình, để cho ý kiến của người kia được bước ra. Chỉ cần nhường một chút, có bao nhiêu giá trị tốt đẹp sẽ hiện bày ra.

Đức Phật nói, giữa hai sự thay đổi, thì thay đổi chính mình dễ hơn là thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh. Vì tâm thức mình từ trạng thái không dễ thương trở thành dễ thương là có thể xảy ra. Từ một tâm đầy sân, si nó có thể lắng dịu xuống. Từ một tâm rất căng thẳng có thể trở về với sự thư giãn. Nếu bạn có công phu luyện tập là có thể làm được trong tích tắc. Đức Phật nói rằng khi tâm mình bình rồi, mình nhìn thế giới xung quanh sẽ bình liền. Cho nên tội gì mà mình không thay đổi chính mình?

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 13.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 14.

Như tôi thấy, thường khi người ta chọn con đường tu hành, là những người gặp nỗi khổ niềm đau hay một cú sốc tâm lý nào lớn trong cuộc đời mà không thể chịu đựng nổi. Còn thầy thì sao?

- Tôi nghĩ tôi sinh ra để đi tu, bởi tôi thấy mình không giống ai. Các bạn cùng thời tôi có những quan tâm khác, còn tôi quan tâm đến nhân sinh quan, vũ trụ quan, quan tâm đến cảm xúc của con người, nỗi khổ niềm đau của những người xung quanh, nghĩ làm sao để có thể giúp họ. Tôi mơ ước mình trở thành một bậc vĩ nhân, hay một vị thánh, một bậc siêu phàm để làm cho con người bớt khổ. Rất ảo tưởng nhưng điều đó cho tôi một niềm tin mình là một cái gì đó đặc biệt, cần phát triển để giúp đời, giúp người, chứ không phải để thoả mãn cho bản ngã. Tôi đọc rất nhiều sách triết từ lúc 13-14 tuổi. Năm 16 tuổi, tôi thấy hoa trong lòng mình đã nở, tức là thấy mình chỉ thuộc về thế giới của tu luyện. Năm 17 tuổi, tôi đã chính thức đi tu.

Lúc đó gia đình thầy đã phản ứng như thế nào?

- Mẹ tôi xỉu lên xỉu xuống vì bà kỳ vọng tôi trở thành bác sĩ. Cha tôi thì đồng ý vì cha biết và hiểu con người tôi đặc biệt, khác thường. Cha tôi có nghiên cứu nhiều về triết học, về tôn giáo nên rất cảm thông và ủng hộ.

Mẹ tôi sau 3 tháng tôi đi tu, bà thấy rất hạnh phúc và đi khoe mọi người là con tôi đi tu, trở thành người sống một đời sống thanh tịnh. Mẹ tôi mơ ước một ngày nào đó ngồi ở dưới nghe tôi thuyết giảng. Tiếc là năm tôi 24 tuổi, cha mẹ tôi qua đời trong một tai nạn.

Thầy có một thời gian khá dài ở nước ngoài mà thầy hay gọi là "tu bụi". Ở nước ngoài, những người trẻ họ nhìn nhận về phương pháp tu thiền của người phương Đông thế nào?

- Tôi tu ở nước ngoài trên 10 năm, nhưng có khoảng thời gian 10 năm ở Mỹ, không về nước. Tôi vẫn ở trong các môi trường rừng thiền, các thiền viện là chính. "Tu bụi" là quãng thời gian tôi ra khỏi thiền viện để sống một đời sống bụi bặm như một gã hành khất, một gã giang hồ đi đây đó khắp nhân gian để tìm hiểu đời sống của con người, cho mình cơ hội trải nghiệm bản thân với một đời sống không an toàn và nhiều thách thức. Tôi vẫn giữ giới, ăn chay, có khi đói khát cả tuần lễ mà không dám sát sinh gì cả dù ở núi rừng, và cũng tính đến khả năng chết có thể xảy ra. Có thể nói giai đoạn đó là tu nhiều nhất. 3 năm sống lang bạt như vậy có quá nhiều điều mới mẻ và chạm mặt cả tử thần rất nhiều lần.

Những người trẻ ở nước ngoài họ đến với đạo Phật khá muộn, nhưng lại tu có chất lượng. Họ chịu khó tìm kiếm và sàng lọc cái gì đáp ứng được nhu cầu thiết thực của họ. Nổi bật nhất là họ tìm tới Thiền chánh niệm. Thiền chánh niệm phổ biến ở xã hội Tây phương đến mức là có luôn trong trường học, bệnh viện, trại giam, các trung tâm chữa lành. Cho nên họ đến với đạo Phật chủ yếu là đến với thiền. Họ chỉ thực tập những gì đem lại hiệu quả thực tế.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 15.

Sau này khi về nước, thầy "gây chấn động" với giới trẻ, những người ham đọc khi xuất bản cuốn sách Hiểu về trái tim. Lẽ ra với một nhà tu hành, tôi sẽ không hỏi câu này. Nhưng bởi đã từng nghe có người hỏi thầy, và tôi cũng biết câu trả lời, nhưng vẫn thấy chưa thoả mãn. Thầy nói rằng thầy chưa từng yêu, nhưng tại sao thầy li có thể "hiểu về trái tim", giảng về tình yêu một cách "ngọt", "thấm" như vậy?

- Bạn thấy rằng ai yêu nhiều mà viết thành sách đâu. Có mấy chục mối tình nhưng càng yêu càng mụ mị hơn. Cũng có người qua nhiều cuộc tình rồi họ rút ra bài học kinh nghiệm, mỗi cuộc tình là mỗi khác nhau, mà đôi khi ứng dụng nó một cách máy móc, kiểu như thành kiến. Người ta đem kinh nghiệm trong khi yêu không có nhiều sự thành công đâu.

Tôi không trải qua nhiều trạng thái đó. Tuy nhiên, chúng tôi lại có khả năng khám phá cấu trúc vận hành tâm lý. Ngoài ta, Trời sinh ra cho tôi một khả năng đặc biệt, rất nhạy cảm trong việc nắm bắt tâm lý người khác, có thể thấy được vài lớp bên trong thay vì chỉ nhìn thấy những gì họ đang thể hiện ra bên ngoài. Khi còn nhỏ thôi mà bản thân tôi đã lý giải được một vài thứ mà tới bây giờ tôi thấy cũng đúng.

Người xưa có câu "chân nhân bất lộ tướng". Có khi nào mà thầy cảm thấy ánh hào quang của sự nổi tiếng làm phiền đến tâm trí, đến quá trình tu tập của thầy không?

- Có giai đoạn ban đầu, khi mà cuốn sách "Hiểu về trái tim" ra đời và trở thành Best seller. Thật ra từ nhỏ tới lớn tôi cũng là luôn là tâm điểm, cũng được nhiều người mến mộ. Nhưng "Hiểu về trái tim" là cú hit bùng nổ, làm cho quá nhiều đối tượng chú ý vào tôi và thậm chí là họ thần tượng hoá, họ vẽ vời tôi nhiều hơn năng lực vốn có. Điều đó làm phiền tôi hơn. Bận rộn chú ý vào chuyện đó, tôi cũng thấy thích, cảm thấy sung sướng. Nhưng cảm giác lớn hơn, đó là tôi mừng, hạnh phúc vì được công nhận. Công nhận đây không phải là sự thoả mãn về bản ngã mà là thấy tất cả những nỗ lực, những khó khăn mình đã vượt qua, con đường mà mình có được ngày hôm nay, chất liệu mình có được, được đền bù. Tôi hạnh phúc vì mình có gia tài mình hiến tặng cho mọi người rồi, mình đã đi đúng đường và đang là một người giàu có tâm hồn.

Và tôi biết nếu mình ở trạng thái này sẽ bị phiền dài dài và sẽ bị bào mòn công phu tu luyện nên tôi đã quyết định tách ra và đi về rừng ở. Sau này trở ra gặp đại chúng, trở lại Việt Nam tôi nhìn nhận bản thân thấy không bị lôi cuốn theo ánh hào quang đó nữa. Khi gặp đại chúng, tôi thấy mình quan tâm nhất đến việc là họ đến để nhờ mình giúp đỡ điều gì, nghe cách họ vượt thoát khổ đau như thế nào, phải giúp họ chữa lành thế nào, chứ không chú tâm đến điều gì khác nữa, không bị hấp dẫn bởi năng lượng yêu thích của mọi người nữa.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 16.

Thực tế cho thấy, gần đây, đền chùa được xây nhiều hơn, to lớn hơn, giáo lý cũng được đưa đến công chúng nhiều hơn qua nhiều hình thức như internet, sách... Tuy nhiên, tội ác thì vẫn xảy ra nhiều hơn, sự sân hận, ganh đua, tranh đấu vẫn tồn tại nhiều hơn, đời sống của con người dường như càng nghèo nàn, cằn cỗi nhiều hơn. Ví dụ như hiện nay nhiều người thích các loại tin giật gân, gây sốc, chuyện ngoại tình nọ kia..., trong khi những thông tin, sách báo mang tính giá trị sâu sắc thì ít có người đọc. Xin hỏi, thầy nghĩ gì về thực tế ấy?

- Tôi nghĩ những đối tượng vừa nêu ra, những người đi tìm thức ăn về cảm xúc không lành mạnh đó cũng có lúc họ cũng cần bình an, hạnh phúc, cần một đời sống giàu giá trị. Nhưng những thứ độc hại kia hấp dẫn hơn, tiện lợi, dễ đưa tay tới chụp bắt hơn. Họ đã không chiến thắng được mình. Có thể nói cuộc chiến chọn lựa một cuộc sống như thế nào, cách tiếp cận trong đời sống như thế nào, đặt mình trong một môi trường như thế nào luôn luôn thách thức con người hiện đại.

Bên cạnh đó, có những người làm về công tác tâm linh, những người có cơ hội dành cả đời để tu luyện, tôi biết có vị cũng đánh mất luôn những giá trị của sự tu tập. Có vị xuất gia tu tập nhưng có thể từ đầu họ không may mắn có được phương pháp thực tập hiệu quả, vì lý do gì đó mà họ chưa vượt thoát để rồi họ đồng nhất họ với một nếp sống chưa đẹp lắm, chưa hay lắm cho nên tuy họ có mặt ở đó nhưng chưa giúp đỡ được đại chúng.

Giáo pháp Đức Phật rất cao siêu. Có những vị thầy thẩm thấu rất tốt, tu luyện rất tinh tấn nhưng lại chưa biết cách chia sẻ đến đại chúng trong thời đại bây giờ. Chia sẻ đến giới trẻ ngày nay cần nhiều kỹ năng hơn, phải biết cách nắm bắt được tâm lý, diễn tả ngôn ngữ sao cho trong sáng, dễ hiểu, thậm chí là bắt kịp ngôn ngữ của người trẻ hiện đại... Vì vậy nếu các vị thầy tâm linh, những người có nhiều duyên, nhiều khả năng để phát triển đời sống tâm hồn mà quan tâm nhiều hơn đến chúng sinh ngoài kia, đau đáu với việc luôn muốn giúp đời, giúp người tìm ra giải pháp thoát được nỗi khổ, niềm đau thì sẽ phải thay đổi cách tu của mình để sao cho có phẩm chất hơn.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 17.

Đa số chúng sinh đến cửa Phật chỉ để cầu cạnh, xin xỏ, tâm thế cầu lợi ích. Một số người đến với Phật mà không hiểu thực sự Phật là ai, giáo lý sâu xa của đạo Phật. Rồi một số nhà chùa hiện nay cũng chạy đua theo vật chất. Thầy nghĩ gì về hiện trạng này?

- Tôi không chọn hướng nhận xét, đánh giá hay chỉ trích. Tôi chỉ mong muốn làm tốt phần của mình, để phần tốt nhất đó được lan toả. Còn nếu chọn hướng chỉ trích, chê bai nhau chỉ gây hiềm khích mà nó không khuyến khích được sự thay đổi ở bên kia.

Tôi chọn khuynh hướng tìm nhiều người bạn hơn để cùng đi con đường của mình, thay vì choảng nhau hay làm xa lánh nhau. Thời nào cũng vậy, xã hội trong các giai đoạn đều có cái này, cái kia. Chúng ta đừng nên tạo ra trận chiến giữa tốt với xấu, cao với thấp. Chúng ta phải tạo ra sự hoà ái, nâng đỡ lẫn nhau.

Tôi tin rằng mọi người sẽ nhận ra rằng việc mình đến với tôn giáo, có những lúc cần đến vì niềm tin, cần chỗ dựa về tinh thần nhưng rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ tìm hiểu nhiều hơn những giá trị cốt lõi mà tôn giáo mang lại. Người ta sẽ tìm đến môi trường nào, thầy nào đó, có năng lực đó để giúp khai phá bản thân.

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 18.

Cửa Phật là nơi người ta thường gửi gắm niềm tin, tìm những giây phút an lạc cho tâm hồn... Nhưng hiện nay nhiều Phật tử đang bị "khủng hoảng niềm tin" vào những vị khoác áo tu hành, nhất là nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây. Nếu có một người đến hỏi thầy rằng họ sẽ phải đặt niềm tin vào đâu, lúc ấy câu trả lời của thầy sẽ là gì?

- Đức Phật khuyến khích mọi người không nên tin vào Đức Phật, tin vào giáo pháp. Có nghĩa là đừng có chạy theo, đừng dựa dẫm, đừng tạo một liên hệ tình cảm tôn sùng, lễ bái, điều đó không mang lại nhiều lợi ích. Đức Phật khuyên hãy nên thực hành theo giáo pháp mà các vị thấy phù hợp, chân chính.

Còn nếu chạy theo bất cứ một vị thầy tâm linh nào, dù là người đó nổi tiếng, là thần tượng của ai đó, dù là dựa dẫm hay chỉ để tạo ra cảm xúc ưa thích, quý trọng hơn thì trước sau cũng sẽ thất bại vì không có ai làm chúng ta hài lòng mãi mãi.

Bản chất mọi liên hệ tình cảm đều vốn rất vô thường. Nếu bạn đến một vị thầy tâm linh, vị thầy tâm linh đó phải có trách nhiệm giúp bạn hiểu rằng việc bạn đến nương tựa chỉ có thể chấp nhận trong giai đoạn bạn còn yếu. Khi bạn ổn định rồi phải bước lên những bước thang cao hơn, đó là phải tìm hiểu giá trị cốt tuỷ của đạo Phật, tìm đến phương pháp thực tập hiệu quả, tránh trường hợp đến với đạo Phật chỉ để dựa dẫm. Bản chất của đạo Phật là sự tu tập chuyển hoá. Vậy bạn phải làm sao tìm ra được giá trị cốt lỗi đó mới xứng đáng là một Phật tử.

Bạn đáng được đòi hỏi, yêu cầu vị thầy cung cấp phương pháp giúp bạn giảm bớt tham sân si, làm thế nào để có bình an hơn, giúp có dung lượng trái tim rộng lớn hơn. Nếu nơi đó không đáp ứng được điều đó, bạn có thể chọn một nơi khác. Vẫn có rất nhiều pháp môn, có nhiều vị thầy giỏi khác nhau mà không nên đi theo các thầy theo dạng thần tượng hay là sự mến mộ. Chỉ cần chúng ta đến chùa, được gặp các vị đó thôi, các vị đó toả năng lượng đó cũng đủ để giúp cho an yên, có sự thư giãn, có sự trở về với chính mình rồi. Và các vị thầy như vậy vẫn còn ở khắp nơi trong đời sống, chỉ cần chúng ta quyêt tâm đi tìm thì sẽ gặp thôi.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện đầy thú vị và nhiều giá trị!

Sư Minh Niệm: Giới nhà giàu, trí thức, quan chức... bị stress bởi họ quá chủ quan, tự tin mình tài giỏi - Ảnh 19.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem