img
 
img

img
 
img

imgôi hỏi Ngô Quang Tùng - con trai của Trưởng đoàn bóng đá Thể Công Ngô Xuân Quýnh năm nào - người có công phát hiện và đưa những nhân tố ưu tú ở độ tuổi 17 -18 như Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Nhật, Phan Văn Mỵ… sang CHDCND Triều Tiên đào tạo trong khoảng 1 năm, rằng: “Trước đây và ngay cả bây giờ, anh có mong mỏi cái tên “Thể Công” trở lại hay không?”.

Câu hỏi tưởng như quá “vô tư” ấy lại được BLV có giọng nói trầm ấm, điềm tĩnh lý giải vô cùng dễ chịu: Ngày ấy, các bậc cha chú của tôi chơi bóng mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi cái tên. Thể Công là gì? Thực chất đơn giản chỉ là viết tắt của Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội, được thành lập ngày 23.9.1954. Và có lúc, cụ thể là khoảng thời gian khá dài những hơn 20 năm từ 1976 đến 1998, cái tên Thể Công cũng không được sử dụng. Đội bóng áo lính được đổi thành CLB Quân Đội cho phù hợp với bối cảnh lịch sử lúc đó.

img
 

Trong suốt thời gian đó, những cái tên như Nguyễn Thế Anh, Trần Văn Khánh, Nguyễn Cao Cường… vẫn là những người số 1. Đội bóng khoác áo lính vẫn là số 1. Tính đến lúc này, Thể Công vẫn là đội bóng vô địch quốc gia nhiều nhất (5 lần).

Ngô Quang Tùng bồi hồi nhớ lại: “Các chú, các anh của tôi, họ chơi rất bền bỉ. Ra sân vừa là nhiệm vụ, vừa để tận hưởng. Đó là niềm vui, là sự cống hiến những phẩm chất đẹp nhất, mang lại những giây phút sảng khoái nhất cho khán giả. Thời bao cấp mà, còn có thú vui nào phù hợp hơn thế đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân!”.

Theo mạch tâm sự, anh Tùng nói tiếp: Cái tên Thể Công có thể trở lại ngay ở V.League 2019 hoặc xa hơn một chút nữa, nhưng điều đó không quan trọng. Điều cốt yếu là “gen chiến thắng”, những phẩm chất của người “chiến sỹ chơi bóng” vẫn luôn được duy trì, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của bóng đá nước nhà.

Có thời điểm, người hâm mộ đọc lái Thể Công thành Thế Công, nghĩa là họ trót yêu, kỳ vọng, mong chờ một đội bóng luôn hướng lên phía trước, quyết tâm giành chiến thắng ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, tưởng như không thể vượt qua nổi. Thể Công, vì thế mang những nét truyền thống, cơ bản nhất của một đội bóng Quân đội Nhân dân Việt Nam – đội bóng của những chiến sỹ quân đội.

Nói tới đây, Ngô Quang Tùng chợt nghẹn lại, mắt hướng ra xa xăm: Dù bất cứ điều gì xảy ra với bóng đá nước nhà, tôi tin Thể Công luôn có một vị trí vững chắc trong trái tim người hâm mộ nhiều thế hệ, nhiều gia đình. Điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc và cũng rất vinh dự, tự hào khi là con trai của một cựu danh thủ Thể Công.

Tôi hiểu, đó là lúc anh đang tưởng nhớ về người cha của mình, người dù đã đi xa nhiều năm, nhưng “chất Thể Công” trong ông vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó. Và ở chính một phần trong tố chất, huyết quản của người con trai mình.

 
img
 
img
 
img
 

Nhớ về cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh – cha đẻ của BLV Ngô Quang Tùng – người hâm mộ nhớ tới ngay một trong những cánh chim đầu đàn, lứa cầu thủ đầu tiên của CLB Thể Công. Sau này khi nghỉ chơi bóng, ông Quýnh trở thành Trưởng đoàn bóng đá CLB Thể Công, trực tiếp ươm mầm và dẫn dắt các thế hệ tài năng của Thể Công “làm mưa làm gió” trong nước cũng như ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường quốc tế. Lứa này sau được đưa sang CHDCND Triều Tiên tập huấn.

“Người ta cứ nghĩ đó là giai đoạn chúng ta học hỏi nhiều về chuyên môn trực tiếp từ CHDCND Triều Tiên – đất nước vừa có đội bóng dự World Cup 1966. Nhưng thực tế, phía bạn chỉ hỗ trợ ta tối đa về công tác hậu cần, phần còn lại chúng ta tự lo. Mục tiêu lúc đó được chúng ta tự đặt ra là “1 năm ở nước bạn bằng 3 năm trong nước”. Cha tôi cùng các cộng sự mà đặc biệt là HLV Nguyễn Văn Tiền (ông Mười Tiền) đã tự mình lên giáo án, thực hiện, hoàn thành các giáo án và mục tiêu tự đặt ra đó”, BLV Quang Tùng nhớ lại.

img

Nhưng có yếu tố rất quan trọng tạo nên thành công thời điểm ấy chính là khi những “hạt giống” được tuyển chọn kỹ lưỡng, những nhân tố tài hoa, đầy tiềm năng đã được thúc đẩy để rồi “nở rộ” sau 1 năm tập huấn ở CHDCND Triều Tiên.

Những người đến với Thể Công ngày đó đều là tinh túy của bóng đá Việt Nam. Sân Cột Cờ - “thánh địa” của Thể Công nằm ở trung tâm Thủ đô - thu hút những ánh nhìn thèm thuồng nhất.

“Và họ đã tới như thể “tìm thấy nhau” vậy. Mọi thứ có thể coi là hoàn hảo vào thời điểm đó!”, BLV Quang Tùng thừa nhận.

Sau “thế hệ vàng” những năm 70 thế kỷ trước, Thể Công (CLB Quân Đội) vẫn liên tiếp sản sinh những nhân tố tài hoa cho bóng đá nước nhà.

Từ thế hệ Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Đỗ Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Thế Nam… tiếp đến là Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Hải Biên, Ngô Tiến Dũng…

Sau đó lại có Nguyễn Đức Thắng, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Minh Tiến, Đặng Phương Nam, Phạm Như Thuần… Rồi tới thế hệ sinh năm 1987 với những Trịnh Quang Vinh, Công Huy, Ngọc Duy, Quốc Long…

Và giờ là lứa của trung vệ thép Bùi Tiến Dũng – người đã góp công không nhỏ trong thành công của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo trong suốt năm 2018.

“Tôi có thể khẳng định với tư cách cá nhân, Viettel đang là Trung tâm đào tạo bóng đá toàn diện nhất của Việt Nam. Họ có đầu ra là đội bóng chơi ở V.League, có cơ sở vật chất tốt, có định hướng lâu dài, có “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là các cựu danh thủ đang làm công tác huấn luyện, miệt mài làm công tác “dũa ngọc” cho Viettel nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung”, Quang Tùng tự hào nói.

Hàng ngày, các lứa “U” Viettel được chứng kiến các đàn anh luyện tập, thi đấu, niềm cảm hứng và sự tự hào, vinh dự đó được truyền tới cho những lứa trẻ Viettel để rồi họ cũng luôn nỗ lực hết mình để rèn luyện với ước mơ một ngày nào đó được chơi cùng các đàn anh. Quang Tùng khẳng định, đó là điều không phải đội bóng, trung tâm đào tạo nào cũng có được.

img

img
 
img
 

Bóng đá thế giới những thập niên 60-70 thế kỷ trước thường tôn vinh, trầm trồ trước những pha ghi bàn đẳng cấp của Vua Pelé, những cú ngoặt bóng thần sầu của Thánh Johan Cruyff hay lối đá khoa học, thông minh của Hoàng đế Beckenbauer… Cũng chính thời điểm đó, ở Việt Nam, nhiều người được đắm say với màn thể hiện của các danh thủ trong nước.

“Vì không có đủ dữ liệu, hình ảnh, hình thái lối chơi nên mọi sự so sánh đều rất khó. Nhưng có thể khẳng định, bóng đá của Việt Nam ngày ấy là thứ bóng đá cống hiến. Đơn giản mà nói: Nó rất hay và rất đẹp!”, Ngô Quang Tùng khẳng định chắc nịch.

img

Anh phân tích, các cầu thủ những thế hệ trước vô cùng say mê trái bóng, vui với công việc của mình dù về hình thức, họ không phải cầu thủ chuyên nghiệp, không ăn lương để chơi bóng. Đồng lương của những chiến sỹ, sỹ quan quân đội khi đó cũng chỉ tạm đủ nuôi dưỡng đam mê mà thôi. Chính do vậy, ngoài giờ tập cùng đồng đội, các cầu thủ dành nhiều thời gian rèn thêm các “món tủ” để chờ tới khi ra sân trình diễn trước khán giả. Và khán giả cũng hiểu điều này khi luôn chờ đợi, kỳ vọng những màn thể hiện đẳng cấp của họ.

Mỗi người đều có ngón nghề riêng. Ví dụ cứ nhìn thấy danh thủ Ba Đẻn thi đấu là người ta chờ đợi những cú dốc bóng tốc độ cao rồi đột ngột “phanh” gấp làm đối thủ trôi trượt cả mét. Đặc biệt chú có những cú lao người đánh đầu dũng mãnh không lẫn vào đâu được.

Nói đến danh thủ Từ Như Hiển là người ta phải nghĩ ngay tới cú bắt vô-lê từ ngoài vòng cấm. Cứ mỗi khi chú Hiển vung chân trái lên và vô-lê từ cự ly 20-25m là mọi người hầu như đều có thể đoán được kết quả sẽ ra sao!

Hay như danh thủ Lê Thụy Hải (CLB Đường sắt) là người có những cú sút xa vô cùng uy lực và chính xác. Ông từng ghi nhiều bàn thắng từ cự ly 40m, không khác gì cựu hậu vệ ĐT Brazil Roberto Carlos.

Thủ môn Trần Văn Khánh được nhắc nhớ tới với những pha bay người cản phá rất đẹp mắt và mềm mại. Cũng có thể kể đến những đường phất bóng điểm rơi chính xác tới từng cm, những cú chuyền đúng vào chân trụ khiến đối phương như trời trồng của danh thủ Phan Văn Mỵ...

Ngoài ra có thể kể tới ông Hùng “xồm” (Xi măng Hải Phòng) với phong cách dứt điểm chích mũi giày. Những cú chích rất nhanh, kín, không cần đà.

Danh thủ Cao Cường thì có khả năng đột phá, dứt điểm hoàn hảo trong vòng cấm… được coi như một kẻ đi săn thượng hạng trong vòng cấm địa đối phương.

Cứ thế, BLV Ngô Quang Tùng hào hứng điểm lại đủ mặt anh tài, “dị nhân” của làng bóng đá nước nhà, không chỉ của Thể Công mà cả các đối thủ của Thể Công. Họ từ lâu nay đã sống trong trái tim, trong suy nghĩ và thậm chí ngay cả trong giấc mơ của anh – người có cả thời thơ ấu gắn với trái bóng tròn khi được cha mình đưa đi khắp các sân đấu trên cả nước.

Hướng về tương lai, BLV Ngô Quang Tùng cẩn trọng: So sánh giữa thế hệ Thể Công trước đây và lứa cầu thủ tài năng hiện nay của Viettel là việc rất rất khó. Trong bóng đá hiện đại, để có khoảng trống, có sàn diễn tạo ra dấu ấn cá nhân là không dễ.

Nhưng Ngô Quang Tùng vẫn kỳ vọng: Ở đâu đó, tôi đã nhìn thấy những nét “đặc biệt” của thế hệ đi trước trong cách chơi của những Quang Hải, Công Phượng, Phan Văn Đức… Tôi mong mỏi các em ngày càng phát huy được nhiều hơn những phẩm chất riêng có ấy để có thể đóng góp cho sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam, để những bậc tiền nhân trong làng bóng đá Việt được tự hào với thế hệ con cháu.

 
img

BLV Ngô Quang Tùng cho biết, “Viettel đang có một cơ sở đào tạo khang trang vào loại tốt nhất Việt Nam. Quan trọng hơn hết là sự tiếp nối, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt. Chưa bao giờ ý chí, tinh thần Thể Công mất đi. Viettel vốn rất nhiều tiềm năng với những con người hiện tại, được bổ sung thêm cả nội binh (Quế Ngọc Hải, Vũ Minh Tuấn – PV), ngoại binh Brazil chất lượng. Tôi tin ở V.League 2019, Viettel sẽ làm được điều gì đó mang lại niềm vui, và có thể là niềm tin cho người hâm mộ. Họ là đội bóng đáng xem ở V.League 2019. Chúng ta hãy chờ những trận “derby” giữa Viettel và Hà Nội FC. Những trận cầu “nóng” giữa Viettel – HAGL, Viettel – SLNA, Viettel – Hải Phòng…”,

img

Nội dung: Lê Đức

Ảnh: Trọng Hiếu - NVCC - Tư Liệu

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Hiếu Phạm

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem