Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo lịch sử môn phái, Bình Định Gia là môn phái võ được lưu truyền trong gia tộc họ Trần ở vùng đất Tây Sơn, tỉnh Bình Định từ thế kỷ XVIII. Tổ sư sáng lập môn phái là võ sư Trần Đại Chí. Trải qua các đời chưởng môn Trần Đại Si, Trần Đại Y, võ phái gia đình này ngày càng phát triển với một hệ thống các bài quyền thảo, các loại binh khí ngày càng phong phú.
Những năm 80 của thế kỷ XX, lão võ sư Chưởng môn đời thứ tư Trần Hưng Quang và con trai, võ sư Chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp (chồng của võ sư Lê Minh Thu) xin ý kiến các bậc lão thành trong dòng họ để mở rộng môn phái, đem tuyệt nghệ công phu của dòng họ truyền dạy cho người ngoài gia tộc. Từ đó, Bình Định Gia trở thành một môn phái phát triển mạnh mẽ với hàng vạn môn sinh đăng ký theo học trên toàn quốc. Rất đáng tiếc, năm 1996, võ sư Trần Hưng Hiệp qua đời trong một tai nạn giao thông. Vì vậy, năm 2014, sau khi võ sư Trần Hưng Quang qua đời, Hội đồng gia tộc và Ban Lãnh đạo môn phái đã quyết định giao chức Quyền Chưởng môn phái Bình Định Gia cho võ sư Lê Minh Thu - vợ cố võ sư Trần Hưng Hiệp. Cũng từ đó, võ sư Lê Minh Thu thay chồng làm quyền Chưởng môn của Bình Định Gia, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm Quyền Chưởng môn trong môn phái Bình Định Gia.
Từ một cô gái Hà Nội không biết gì về võ thuật, chị đã trở thành một người phụ nữ dành trọn cuộc đời mình cho nghiệp võ. Lý do liệu có phải vì chị đã yêu và lấy một võ sư?
- Thật sự là khi yêu anh Hiệp (cố võ sư Trần Hưng Hiệp - PV) tôi chỉ biết anh Hiệp là một thanh niên rất thư sinh. Tôi không biết anh ấy có võ và cũng không biết anh là một diễn viên cải lương. Đến khi yêu rồi thì anh ấy mở luôn một lớp võ dưới chân cầu thang nhà tôi. Việc đó gần như là để khẳng định với tất cả mọi người là "người yêu tôi ở đây", cũng như để không có chàng trai nào tiếp cận được với tôi.
Thế nên, thực sự lúc đầu tôi không thích võ. Tôi chỉ nghĩ là yêu rồi thì phải chấp nhận thôi. Nhưng sau đó, trong thời gian yêu nhau, chúng tôi không được đi chơi xa, chỉ đi đến lớp võ. Vậy nên, những cuộc hẹn hò lại là những lúc dạy võ cùng anh. Lâu dần, trong các buổi học, thấy các em đứng chân tấn hay đứng thế chuẩn hay không chuẩn tôi đều nhìn ra. Rồi những khi lớp đông quá, tôi hỗ trợ anh sửa thế cho từng môn sinh. Lúc đầu, anh Hiệp nói tôi học võ, tôi dứt khoát không chịu. Nhưng theo anh đi dạy võ ở các lớp về, tôi lại quyết định tập.
Tôi cũng không biết tự bao giờ, tình yêu võ ngấm vào máu mình.
Có thể hiểu ân tình của chị đối với võ thuật lớn lên cùng tình yêu của của chị từ khi là một cô gái đôi mươi đến khi trở thành vợ của một võ sư? Quãng thời gian đó với chị, có điều gì đáng nhớ?
- Đó là quãng thời gian hạnh phúc với quá nhiều điều để tôi phải nhớ. Thời gian tôi sống với anh Hiệp không nhiều nhưng đó là thời điểm đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc. Anh Hiệp là một người có rất nhiều tài lẻ. Nên sống với anh, lúc nào cũng cười thôi. Không bao giờ buồn được với anh ấy!
Có lúc, chỉ cần tôi ốm là anh ấy đi sẽ đi ra phố mua một món quà gì đó về đưa cho vợ, nói: "Đây mới là thuốc khỏi nhanh nhất này", sau đó mới đến mua thuốc bệnh. Thế nên, sống với anh ấy, tôi thấy thực sự hạnh phúc và kỷ niệm nào về anh ấy cũng là kỷ niệm đẹp.
Đến giờ, khi anh em trong môn phái gặp nhau, lúc nào cũng nói về những câu chuyện, về cuộc sống ngày xưa của chúng tôi. Dường như, không bao giờ hết chuyện. Nhớ nữa là những khi phát triển phong trào, gần như là đi mãi võ ấy. Ví dụ, mình muốn mở lớp ở tỉnh nào thì anh em cũng rần rần kéo nhau đi, cầm loa, đài thông báo, biểu diễn. Sau biểu diễn là chiêu sinh. Tôi cũng cứ lăn lộn với anh em trong từng chuyến đi gần xa như vậy.
Năm 1996, chồng chị - võ sư Trần Hưng Hiệp mất khi chị mới tròn 26 tuổi và đang nuôi con nhỏ. Điều gì khiến chị quyết định chấp nhận gánh vác trọng trách lớn là thay chồng Chấp Chưởng môn phái Bình Định Gia khi mà khó khăn chung của môn phái cũng như nỗi đau riêng của cá nhân chị chưa nguôi ngoai?
- Thời điểm tôi nhận Chấp Chưởng môn sau đó mới là quyền Chưởng môn của Bình Định Gia. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng đó là duyên nghiệp mình phải gánh vác.
Khi chồng tôi mất, tôi có một giai đoạn gần như buông xuôi tất cả, chỉ lao vào làm kinh tế để nuôi con. Sau khi môn phái có nhiều vấn đề, anh em trong môn phái có đến nói là muốn tôi quay lại.
Giai đoạn đầu khi tôi quay lại, nước mắt chảy rất nhiều. Vì quá nhiều mối bất hòa và quá nhiều việc mình phải xử lý. Tôi mới nhận việc, chưa quen, còn rất nhiều bối rối. Và cũng có nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình.
Nhưng tôi cũng đã nhận được sự động viên của rất nhiều anh em. Có số anh em không đồng tình với tôi, nhưng cũng có rất nhiều anh em tâm huyết. Mừng là số lượng anh em tâm huyết còn nhiều hơn không đồng tình. Anh em nói với tôi: "Chị cứ lên gánh vác vai trò, chúng em sẽ hỗ trợ chị bằng tất cả những gì tâm huyết nhất!". Vậy nên tôi cũng mạnh dạn, tự tin hơn.
Hơn nữa, cũng may mắn, khi tôi nhận trọng trách ba tôi (cố võ sư Trần Hưng Quang - PV) vẫn còn sống. Vài năm sau, khi ba mất thì công việc đã vận hành trôi chảy. Quan trọng nhất là nhiều anh em lúc đầu không đồng tình thì sau này đều vui vẻ đồng tình với tôi.
Cho đến thời điểm này, tôi rất mừng vì mọi thứ đang phát triển tốt. Môn phái ngoài việc phát triển nội bộ, đã được mở rộng hơn, kết giao và tạo dựng mối quan hệ thân thiết hơn với các môn phái khác trong làng võ, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Đáng quý nhất là anh em trong môn phái đang rất đoàn kết và môn phái cũng đang phát triển rất tốt.
Trong những năm tháng khó khăn đó, có khi nào chị mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi?
- Nhiều chứ. Có lúc tôi cũng tự hỏi tại sao mà mình phải như thế! Cuộc sống của mình đã có rất nhiều nỗi buồn rồi, tại sao mình cứ phải đi buồn thay cho một cá nhân nào đó. Hoặc có những công việc đang xử lý gặp chướng ngại vật, tôi cũng nản. Tôi nghĩ tại sao mình cứ phải làm cái việc mà người ta nói là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" này chứ? Thực sự, tôi cũng nhiều khi thấy mệt mỏi, cũng muốn dừng chân.
Nhưng sau những mệt mỏi, có sự động viên kịp thời của anh em hoặc nhận được tin nhắn của các em rất nhỏ tôi lại thấy dịu lòng. Các em nhắn bảo: "Cô ơi, con thần tượng cô lắm. Con thấy từ khi cô làm cô mang lại được lợi ích, việc tốt cho môn phái. Cô đừng nghỉ cô nhé!". Đọc những tin nhắn như thế tôi cảm động lắm. Từ đó quyết tâm lại lên!
Thêm nữa, trong võ, tình cảm luôn là chính. Sau những buồn phiền, khi lấy lại thăng bằng, tôi thấy võ gắn bó với mình, là nghiệp của mình, mình không từ chối được. Rồi trong mọi việc, tự nhủ mình phải nhẫn. Trong nghiệp võ chúng tôi, chữ nhẫn phải đặt đầu tiên vì có chữ nhẫn mới làm được nhiều điều.
Trong 10 năm gánh vác trọng trách của người thuyền trưởng, chị đã làm những gì để lèo lái môn phái trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, để phát triển môn phái và đặc biệt giữ vững tôn chỉ "Võ đạo vị nhân sinh – Võ công khai trí tuệ"?
- "Võ đạo vị nhân sinh – Võ công khai trí tuệ" (Rèn luyện võ công để nâng cao sức lực, khai tâm, mở trí, tự tin vào bản thân và tự tôn dân tộc - PV) là tư tưởng thống nhất xuyên suốt của toàn môn phái. Hai câu nói đó quá ý nghĩa đối với Bình Định Gia. Dù đi đến bất kỳ đâu, logo của Bình Định Gia và 2 câu nói này là niềm tự hào của tất cả môn sinh. Các em môn sinh dù ở nông thôn tỉnh xa hay thành phố đều tự hào và vì logo đó, vì 2 dòng chữ đó luôn luôn phát triển và hoàn thiện bản thân mình.
Hiện nay, Bình Định Gia có khoảng 30.000 võ sinh trên toàn quốc, phủ sóng các tỉnh phía Bắc. Bình Định Gia cũng phổ cập được vào các trường học phổ thông nên các môn sinh đa dạng và trẻ tuổi hơn. Có cả những em bé 3-4 tuổi cũng đã được bố mẹ cho theo học.
Sau 10 năm đúc kết, tôi thấy về phát triển phong trào thì tất cả môn sinh Bình Định Gia vẫn phát triển tốt theo năm tháng. Còn về quản lý, anh em trong môn phái gắn kết, đoàn kết hơn, thành một khối như trong một gia đình. Đó là điều khiến tôi tự hào nhất. Bởi bất kể ở xa hay gần, anh em môn phái đều luôn có tâm hướng về Bình Định Gia. Các em đang sinh hoạt phát triển phong trào cũng như các em môn sinh đã nghỉ rồi, khi môn phái có việc, dù ở đâu, các em cũng đều trở về. Những ngày đó, cảm động và vui lắm, đúng nghĩa như sự đoàn viên của một gia đình. Cảm xúc dâng trào khiến nhiều khi tôi đã rơi nước mắt. Nhất là khi có những anh em ở xa lâu ngày mới quay về hoặc những anh em trước đó có những khúc mắc mà trong những ngày vui đó được gỡ bỏ, giải tỏa cho nhau.
Một người phụ nữ có thể nói "không đánh roi cũng chẳng đi quyền", làm cách nào để chị có thể lãnh đạo các môn sinh, HLV Võ sư… trong đó, có rất nhiều người đã là thầy, rất "cứng" cả về chuyên môn lẫn cá tính?
- Võ khác các ngành nghề khác ở điều đó. Vì bạn kinh doanh giỏi bạn phải có kiến thức về kinh doanh. Bạn làm công tác giỏi bạn phải qua trường lớp học hành. Nhưng với võ, thứ không gì quý bằng đó là tình cảm hoặc là sự tôn trọng. Tôi thấy mình được tôn trọng và chính vì được tôn trọng nên tôi làm được điều đó. Bởi vì tôi làm tất cả những việc ở môn phái là xuất phát từ tâm của tôi, vì tình cảm anh em gắn bó với nhau từ rất lâu. Tình cảm đó không phải với tôi mà là với chồng tôi.
Thực ra, quản lý võ là cái khó nhất. Tất cả các anh em, cũng có người trưởng thành hay chưa trưởng thành nhưng đều đã là một người thầy, đều có chính kiến riêng của họ. Vậy nên, trước mỗi sự việc không tránh khỏi việc có các quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Nhưng cũng có thể các bạn ấy cũng yêu quý tôi nên lời nói của tôi luôn luôn được đón nhận. Điều tôi tự hào nhất, là tất cả các anh em trong môn phái đều rất sợ tôi khóc và rất rất sợ tôi buồn. Chính vì thế, khi tôi đứng ra hòa giải thì các em rất nghe. Đó là điều mà tôi làm được và tôi tự hào.
Như vậy không phải vấn đề là kỹ năng hay kinh nghiệm điều hành mà là vấn đề tình cảm?
- Đúng vậy, là vấn đề tình cảm!
Một trong những việc đầu tiên chị làm khi tiếp nhận quyền Chưởng môn của Bình Định Gia là mở lớp học kỹ năng sống cho môn sinh. Điều gì khiến chị thực hiện công việc đó?
- Xuất phát từ chồng của tôi – võ sư Trần Hưng Hiệp. Trước đây khi còn sống, kỹ năng giảng dạy, tư duy của người thầy trong anh đã định hướng cho các môn sinh rất rõ ràng. Đó là lý do tại sao bao nhiêu năm rồi, các môn sinh vẫn luôn hướng về thầy.
Thứ nữa, tôi nhận thấy, trong môn phái có rất nhiều các thầy giỏi, có cả các giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy ở các trường đại học tên tuổi. Vậy tại sao không tạo cho văn và võ song hành cùng nhau để hỗ trợ các môn sinh có thêm kỹ năng tốt hơn trong rèn luyện cũng như trong cuộc sống.
Trở lại một chút về chuyện của quá khứ. Chồng chị - cố võ sư Trần Hưng Hiệp ra đi rất bất ngờ trong một tai nạn giao thông. Khi đó, chị mới 26 tuổi và bé Trần Hưng Đạt – con trai duy nhất của anh chị còn quá nhỏ. Đó có phải là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của chị hay không?
- Sau khi anh Hiệp mất, cứ 4,5 giờ chiều, tôi lại ngồi nhìn đường phố thế này này và không bao giờ cầm được nước mắt. Trong 3 năm trời, không một ngày nào không ngừng nước mắt. Nhớ!
Thực sự thời điểm đó khó khăn lắm, khó khăn vô cùng! Tại vì khi đó, chưa nghĩ là cuộc sống của mình như thế nào. Chỉ nghĩ đến những ngày tháng đó, tôi đã thấy mình không thể vượt qua được rồi.
Vì khi sống với nhau, anh Hiệp chiều tôi quá. Anh lo cho từng tý một. Có thể nói là một bước chân cũng đã có người đưa đón. Các em ở trên nhà cùng tập luyện khi đó cũng chăm chút tôi rất kỹ càng.
Vậy nên, khi anh Hiệp mất, tôi rất sốc. Chỉ có 3 ngày chờ đưa tang anh ấy, tôi đã sút từ 53kg xuống còn 48kg. Ăn cơm bữa nào cũng chan nước mắt. Nghĩ là mình sống thế nào đây, vượt qua được thế nào đây?
Có những giai đoạn, vì ngày xưa tôi đi đâu, anh Hiệp cũng đưa đón nên đến lúc phải đi xe máy, tôi nghĩ cả đêm, lo sợ mình đi kiểu gì, làm sao mình đi được đến đấy. Cuối cùng hôm sau đi, vừa đi vừa khóc…
Nhưng cuối cùng, mọi chuyện rồi cũng qua.
Tất cả mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, với chị và có lẽ cũng với nhiều người phụ nữ khác đã và đang phải đối mặt với những khó khăn. Chị nghĩ điều gì đã tạo nên sức mạnh của một người phụ nữ trong biến cố?
- Tôi nghĩ, đầu tiên đó là nghị lực. Không chỉ khi anh Hiệp mất mà ngay cả sau khi anh Hiệp mất cũng có rất nhiều biến cố đến với tôi. Có lẽ, những biến cố luôn đến cùng một lúc. Vậy nên, nếu không có nghị lực để cố gắng thì thực sự không thể vượt qua được. Khi đó tôi đã nghĩ, không biết đang có bao nhiêu rủi ro đổ dồn xuống đầu một người phụ nữ như mình, chúng nhào lộn mình, cả về cuộc sống, vật chất, tinh thần. Thực sự kinh khủng. Vậy mà cuối cùng, tôi vẫn vượt qua. Đó là nhờ nghị lực.
Hai nữa, phụ nữ thường coi con là điểm tựa. Tôi nhìn vào con và thấy mình phải cố gắng vì con. Có thể nói nghị lực và điểm tựa là con đã khiến tôi bứt phá, vượt qua được những tháng ngày đó.
Hôm nay, hiện diện trước mặt tôi là một người phụ nữ trẻ trung, khỏe khoắn, năng động, vui vẻ. Chị có chơi Tiktok, đi du lịch, tham gia các lớp học nhảy và rất nhiều khi làm một vài câu thơ. Mỗi ngày của chị dường như tràn đầy năng lượng. Liệu đó có phải là kết quả của một quá trình vượt lên những nhào nặn của thử thách và biến cố của chị?
- Đúng thế! Tôi nghĩ rằng không có gì bằng năng lượng sống, bằng sức khỏe cả. Phải có những điều đó mình mới giải tỏa được tất cả những vấn đề đằng sau đó. Ngày xưa, lúc nào mọi người nhìn tôi cũng bảo là ánh mắt lúc nào cũng buồn. Nhiều người nhìn thấy tôi cứ nói: "Vui lên đi, đừng buồn. Mặt mũi cứ buồn thế kia thì làm sao cuộc sống vui vẻ, may mắn được".
Vậy nên, tự tôi thấy, mình phải cải thiện, phải thay đổi trước hết thần sắc của mình. Tôi đi tập yoga, tập zumba, erobic. Từ đó, có những đám bạn cùng sở thích và tôi vui vẻ với những điều ấy. Cuộc sống cũng thăng hoa hơn và tôi làm được nhiều việc một cách nhẹ nhàng hơn, thành công hơn.
Một chút tò mò về mái tóc của chị - một mái tóc đen truyền thống rất đẹp!
- Thực ra, tôi là người thích thay đổi nên trước đây cũng từng thích tóc ngắn, uốn xoăn, đổi kiểu tóc rất nhiều. Nhưng cuối cùng thì vẫn thấy vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp của sự đơn giản vẫn là vẻ đẹp vĩnh cửu. Hai nữa, mái tóc phù hợp với đi tập, thuận lợi với công việc của tôi hơn… Quan trọng nhất là tôi thấy nó phù hợp với mình và tôi yêu thích nó.
Khi nói chuyện với chị, tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh trong bài thơ "Sóng" rất nổi tiếng:
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ,
Sông không hiểu nổi mình,
Sóng tìm ra tận bể"
Hình như trong con người võ sư Lê Minh Thu cũng tồn tại những thái cực đó? Nó là mâu thuẫn hay là sự đa dạng và rộng mở khiến chị có thể cùng lúc làm tròn rất nhiều vai trò với những tính chất khác nhau, thậm chí là đối lập nhau trong cuộc sống?
- Đúng! Tôi cũng thấy mình như thế. Sống với anh em, tôi rất thẳng thắn, rất đàn ông. Cách sống và cách quan hệ giao tiếp với anh em đồng môn, đồng nghiệp tôi thấy mình cũng rất đàn ông. Vì tôi rất rõ ràng, rành mạch và cũng khá quyết đoán. Nhưng mà lúc nào điệu thì cũng rất là điệu (cười). Tóm lại là khi nào cần nữ tính tôi vẫn nữ tính. Lúc nào cần là một người mạnh mẽ gánh vác, tôi vẫn gánh vác làm tròn vai trò của mình được.
Vậy chị có nghĩ, phụ nữ chúng ta hiện nay, đang bị áp một cách cứng nhắc một vai trò nào đó trong suốt cuộc đời mình mà quên đi, đôi khi chúng ta cần thoát vai để thực sự được sống là mình?
- Tôi nghĩ là ở độ tuổi của tôi, chưa phải chín lắm nhưng cũng ương ương rồi (cười), cũng có thời gian để mình đúc kết. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đừng nên quá gò bó bởi một điều gì. Luôn luôn mở lòng và đón nhận. Đón nhận cả những điều tích cực và không tích cực. Và khi mình đã đón nhận rồi thì mình cũng có một thái độ tích cực để thấy thoải mái hơn. Cứ nặng nề với tất cả những điều xung quanh mình thì chính mình đã tạo áp lực cho bản thân mình. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng sống theo quan điểm mà nói như trong Phật pháp là buông bỏ. Nói theo nghĩa đời là sẵn sàng một thái độ tích cực sống cho mình. Nhận cái gì và không nhận cái gì, phải luôn luôn đưa ra sự lựa chọn và sàng lọc một cách nhanh nhất.
Đi qua hành trình rất dài của những hạnh phúc, biến cố, buồn vui, nụ cười, nước mắt, chị có thấy cuộc sống hiện tại của mình hạnh phúc không? Và theo chị, thế nào là một cuộc sống hạnh phúc với một người phụ nữ?
- Thực ra cuộc sống của tôi thời thanh xuân, giai đoạn hạnh phúc rất ngắn. Ngắn đến nỗi tôi còn chưa cảm nhận được nhiều, thậm chí, lúc đó còn chưa hiểu mình có được hạnh phúc hay không. Giai đoạn "bầm dập" lại quá dài.
Nhưng đến thời điểm này thì tôi mình thực sự là một người phụ nữ hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì tôi có một gia đình luôn luôn hỗ trợ, yêu thương mình. Có rất nhiều anh em luôn kính mến và đồng hành cùng với mình qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. Hạnh phúc đó của tôi không phải ai cũng có được.
Nhiều người nói, biến cố trong cuộc đời mang hai giá trị khác nhau tùy vào cách chúng ta tiếp nhận. Có người cho rằng, biến cố khiến cuộc đời của họ bất hạnh và đó là điều không may mắn. Nhưng cũng có người cho rằng, biến cố khiến cho cái nhìn về cuộc sống của họ thay đổi, bản lĩnh của họ tăng lên và sự bao dung đối với con người, đối với cuộc đời của họ cũng tăng lên.
Chị thuộc trường hợp nào trong số đó?
- Tôi nghĩ đến thời điểm này tôi đã bao dung được với tất cả những thứ quanh mình, những điều xảy ra với mình.
Nhìn lại hành trình vừa qua, chị thấy mình được gì và mất gì?
- Những mất mát thì cũng đã mất rồi và mình đã vượt qua rồi. Tôi nghĩ đến giờ phút này, tôi thấy mình được nhiều hơn. Tôi được tình cảm của anh em, tôi được sự tôn trọng và hơn nữa là tôi đang định hướng và gây dựng cho con tôi gánh vác trọng trách đối với môn phái Bình Định Gia.
Vậy lời chúc mà người phụ nữ hạnh phúc Lê Minh Thu gửi tới cho tất cả những người phụ nữ thông qua cuộc trò chuyện hôm nay nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là gì?
- Chúc cho tất cả các chị em chúng mình luôn tỏa sáng, hạnh phúc và luôn là những người đẹp trong ánh mắt của những người đàn ông xung quanh mình.
Xin cảm ơn chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.