Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xin được chúc mừng ông nhân ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, dịp này chắc hẳn mang lại cho ông rất nhiều cảm xúc?
- Cảm ơn bạn, thông thường vào dịp 22/12 điều khiến tôi hay nghĩ tới nhất là các đồng đội đã cùng chiến đấu, đã hy sinh. Tất nhiên, không chỉ riêng gì ngày 22/12 hay 27/7 tôi mới nhớ tới đồng đội, nhưng những dịp này bao giờ cũng thấy xúc động hơn. Từ ngày về hưu, tôi cũng hay được mời đi nói chuyện, kể chuyện chiến đấu tại các đơn vị, trường học nên dịp này cũng càng trở nên ý nghĩa khi được ôn lại những tháng ngày gian khổ nhưng tự hào.
Ông từng được anh em trong trung đoàn đặc công tặng danh hiệu: "Người đi bộ, chui rào nhanh nhất trung đoàn", danh hiệu này chắc hẳn phải dành cho người xuất sắc nhất lúc bấy giờ?
- (Cười) Anh em ưu ái tôi thôi. Đặc sản của lính đặc công là đi bộ, sau này sang chiến đấu tại Campuchia, nếu tính quãng đường đi bộ thì chúng tôi đã đi vòng quanh nước Campuchia 4 lần. Nên khi đó việc một đêm đi bộ 50km đối với tôi hết sức bình thường. Còn đã là lính đặc công, ai cũng đều xuất sắc cả.
Tôi còn nhớ ngày vào quân ngũ là 25/10/1968, khi đó tôi 18 tuổi. Trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh, sau Tết 1969, tôi được chuyển về Trung đoàn Đặc công 367. Tôi tiếp tục được huấn luyện 2 đợt là: Đặc công bộ và đặc công nước. Đặc công nước lại chia làm 2 loại, một là chuyên đánh dưới nước, hai là thông qua nước để đánh trên bộ. Nhờ những ngày huấn luyện đặc biệt đó mà sau này khi tham gia các trận đánh lớn, tôi đều có thể tác chiến ở mọi địa hình, mọi điều kiện thời tiết.
Nhập ngũ cuối năm 1968, giữa năm 1970 ông đã tham gia trận đánh gây chấn động lúc bấy giờ và được coi là một trong những trận đánh "huyền thoại" của lực lượng đặc công Việt Nam trên đất Campuchia. Thực hư như thế nào, thưa ông?
- Trận đánh mà bạn nhắc tới là trận đánh sân bay Pochentong. Lúc đó quân ngụy Lon Nol chỉ có 2 sân bay, trong đó sân bay Pochentong chứa 95% máy bay các loại. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó được gọi tên chính xác là "đánh Mỹ trên đất Campuchia" chứ không phải đánh Campuchia như các luận điệu xuyên tạc thời bấy giờ.
Tháng 6/1970, chúng tôi hành quân về tới miền Đông Nam Bộ, khi đó tôi thuộc Đoàn 2170. Theo mật lệch sẽ đi vào S9-B2 (tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long – PV) nhưng do cuộc đảo chính Sihanuok vào tháng 3/1970 của Campuchia nên Nhà nước ta đã quyết định điều động Đoàn 2170 lên đường sang chiến trường Campuchia. Và trận đánh sân bay Pochentong cũng là trận đánh đầu tiên của tôi trên mảnh đất này.
Pochentong là sân bay được xây dựng kiên cố với hệ thống tháp canh, hàng rào kẽm gai rồi hàng rào chống tăng dày đặc. Muốn đánh được sân bay này phải trinh sát thực địa nhiều lần để nắm rõ vị trí, các điểm xung yếu và các hướng đánh có thể triển khai.
Mà mỗi lần đi trinh sát là mỗi lần chúng tôi phải ngụy trang theo các cách khác nhau. Lần thì giả làm ngụy quân Sài Gòn, lần thì phải cởi trần, mặc quần lót, trát nhựa lá khoai lang lên khắp cơ thể. Sợ nhất là những lần trát nhựa khoai lang, về tắm cả cân xà phòng mới tẩy được chất nhựa dính hơn keo ấy.
Trước khi đánh chúng tôi phải trinh sát rất nhiều lần, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10/1970. Có lần tôi đã lọt vào bên trong hàng rào của sân bay thì bị một người đi soi ếch bắt gặp, rất may lần đó chúng tôi cải trang thành quân ngụy Sài Gòn nên dù đi 8 tiếng trong vùng địch nhưng vẫn an toàn trở về.
Trong lần trinh sát cuối cùng, Thiếu úy Phạm Như Ý, Đại đội trưởng Đại đội 2 bất ngờ tìm ra được một cống ngầm dẫn vào sâu bên trong. Đây là phát hiện rất quan trọng, giúp rút ngắn cả tiếng đồng hồ cho việc khắc phục chướng ngại vật để có thể luồn sâu vào gần sào huyệt của địch.
Ban đầu quân ta định dùng Tiểu đoàn 367 tham gia trận đánh. Tiểu đoàn 367 còn gọi là Tiểu đoàn đặc công biệt động, gồm 2 đại đội đặc công và 1 đại đội biệt động. Sau đó, Quân ủy Trung ương chỉ đạo: để đảm bảo cho chắc thắng thì điều động thêm Tiểu đoàn 27, cũng là đặc công về tập trung đánh sân bay.
Tiếng là 2 tiểu đoàn nhưng nhân sự rất ít, tổng có 76 chiến sĩ, trong khi lúc đó tổng lực lượng quân địch ở sân bay Pochentong là khoảng 5.000 tên. Nhưng đã là lính đặc công phải xác định là 1 đánh 100, thậm chí 1 đánh 1.000, nên chúng tôi cũng hiểu đây là nhiệm vụ khá khó khăn.
Và nhiệm vụ khó khăn đó đã được ông và đồng đội hoàn thành như thế nào?
- Hôm đánh là ngày 2h sáng 21/1/1971, sân bay Pochentong có 115 máy bay, trong đó có 20 chiếc là của quân ngụy Sài Gòn. Tôi được phân công mang bộc phá lệch và đánh bộc phá lệch cho toàn mặt trận. Chỉ huy trưởng trận đánh này là ông Bảy Dũng; ông Năm Vân (Anh hùng Tống Viết Dương) là chỉ huy phó nhưng lại chịu trách nhiệm chính lực lượng đặc công.
Tiểu đoàn 25 của chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh vào khu vực máy bay, khu giặc lái, khu sửa chữa máy bay, khu nhà giặc lái của ngụy Sài Gòn, trung tâm radar và kho bom đạn, xăng dầu hậu cần. Còn Tiểu đoàn 27 sẽ đánh vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh không quân của quân ngụy Lon Nol và một phần chỉ huy không quân của quân ngụy Sài Gòn.
Tổ của tôi gồm 3 người: đồng chí Hải, đồng chí Thắng và tôi. Vũ khí lúc đó chỉ có một khẩu B40 và khối bộc phá lệnh 7kg, 25 quả pháo thủ loại 1kg do tôi mang. Chúng tôi vượt đầm sen rồi trèo qua hàng rào B40 cao khoảng 2,5m để vào sân đỗ. Khi chúng tôi vượt qua sân đỗ cảm giác rõ rệt địch đã phát hiện ra lực lượng của ta. Chúng dùng xe quân sự và chó nghiệp vụ đi tuần quanh đường băng phụ, nơi có 9 chiếc máy bay vận tải chỗ chúng tôi bắt đầu tiếp cận. Chúng tôi chui vào gầm một chiếc máy bay vận tải đối diện với khu giặc lái để chờ thời.
Đến giờ nổ súng, đồng chí Hải giương súng bắn vào đám lính canh của khu nhà giặc lái. Sau phát súng mở màn đó tôi ôm bộc phá lao lên ngay. Tôi vào được khu nhà giặc lái bằng đường cửa sổ, đặt bộc phá, châm dây cháy chậm rồi nhanh chóng chạy ra.
Khi ở nhà chúng tôi đã tính toán dây cháy dài 7cm thì phải chạy được 50m bộc phá mới nổ, nhưng lúc đó luống cuống thế nào mà tôi mới chạy được khoảng 30m bộc phá đã nổ. Tôi bị sức ép nằm ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy máu chảy ra ở ngực, ở tai, tôi tự băng lại vết thương rồi tiếp tục đánh 4 quả bộc phá 1kg vào các nhà giặc lái xung quanh. Tổng cộng có 16 chiếc máy bay quanh sân đỗ bị tổ của tôi tiêu diệt, một mình tôi đánh 9 chiếc.
Hoàn thành nhiệm vụ ở khu nhà giặc lái, chúng tôi tiếp tục đánh lên phía Bắc, hợp nhất với tổ của đồng chí Chính đánh khu nhà sửa chữa. Thú thực lúc đấy cũng không biết khu nhà sửa chữa mà chỉ thấy nhiều dây điện thì đặt bộc phá thôi, ai ngờ lại đều là những nơi quan trọng của địch. Và quan trọng nhất là đánh 9 kho xăng dầu bom đạn nổ. Khi chúng tôi đi trinh sát thì thấy đó là nhà để xe ô tô, nhưng hôm đánh thì khu đó lại toàn bom đạn nên địch bị tổn thất rất nhiều.
Trận đánh đó chúng ta giành thắng lợi, tiêu diệt 115 máy bay, 1.000 tên địch. Sân bay nổ và cháy lớn trong 3 ngày. Trận đánh có ý nghĩa rất lớn khi một bộ phận của binh chủng đặc công Việt Nam đã tiêu diệt một quân chủng của quân ngụy Lon Nol thời bấy giờ. Sau đó, toàn bộ lực lượng không quân của quân Lon Nol gần như "biến mất", phải sau vài năm đào tạo thì quân ngụy Lon Nol mới gây dựng lại được một phần lực lượng chiến đấu phòng không cũng như các loại máy bay quân sự, vận tải đường hàng không.
Nghe ông kể có thể hình dung ra những chiến sĩ đặc công thực sự là những người "xuất quỷ nhập thần", đi không ai biết, ở không ai hay. Có phải chính sự xuất sắc đó đã làm nên chiến công vang dội?
- Người lính nào cũng đều hội tụ những phẩm chất kiên cường, can đảm; lại qua rèn luyện nữa thì đều tinh nhuệ, xuất sắc. Có điều lính đặc công chúng tôi mang đặc thù riêng. Ví dụ khi tác chiến thì phải ngụy trang. Như trận đánh sân bay Pochentong, nhờ ngụy trang mà chúng tôi đã bảo toàn được lực lượng trước khi trận đánh bắt đầu. Hôm đánh là quá nửa đêm, do trời tối nên ánh đèn ở căn cứ của địch như càng sáng hơn. Bọn lính cần mẫn đi tuần tra giữa các tháp canh. Thỉnh thoảng, chúng rọi đèn pha khắp lượt. Nó sáng tới mức các chiến sĩ có thể cảm nhận thấy hơi thở của nhau, phập phồng. Đôi lúc, chúng lại quét đèn soi từng bụi cây. Có lần, ánh đèn của chúng lướt trên lưng chúng tôi, nhưng không thể phát hiện được gì. Nghệ thuật ngụy trang giúp chúng tôi hòa vào cỏ cây, đất đá ngay trong vùng địch.
Với người lính đặc công, quá trình rút ra mới thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, chịu nhiều thương vong nhất. Đánh trong căn cứ, nguy hiểm phải đối mặt là các kho bom đạn, kho xăng dầu của địch phát nổ, còn bọn địch cơ bản bị tiêu diệt hoặc chết trong các vụ nổ. Nhưng khi ra đến vòng ngoài, chúng tôi sẽ phải chiến đấu với lực lượng địch đông hơn gấp cả trăm lần, đặc biệt là những trận đánh luồn sâu vào hậu phương của địch. Do đó, nhiều trận anh em đặc công an toàn tuyệt đối khi tiêu diệt được mục tiêu, nhưng khi lui quân lại chịu nhiều tổn thất.
Và với lính đặc công thì trận đánh nào cũng có thể là trận đánh cuối, thế nên trước các trận đánh tôi và đồng đội đều được làm lễ truy điệu, đến giờ tôi cũng không nhớ mình được "truy điệu" bao nhiêu lần (cười).
Những năm 1972-1973, bộ đội Việt Nam nổi danh trên đất Campuchia nhờ những trận đánh vào kho bom đạn Mon Đuol gây tổn thất lớn cho quân địch, những trận đánh đó chắc hẳn có sự góp mặt của lính đặc công Ngô Văn Lủi?
- Sau nay tôi cứ hay tếu táo là có "duyên nợ" với kho bom đạn Mon Đuol, bởi tôi đi trinh sát 2 lần và tham gia đánh 3 lần.
Tổng kho bom đạn Mon Đuol thời ấy là khu vực trữ rất nhiều bom đạn của ngụy quân Lon Nol, gần giống kho bom Long Bình của ngụy quân Sài Gòn, nhưng kho Long Bình còn để rải rác ở nhiều nơi như: Liên Chiểu, Quảng Trị, Nha Trang, Long Bình… nhưng riêng quân Campuchia thì tập trung hết ở Mon Đuol với trữ lượng 500.000 tấn bom đạn các loại. Đây chính là nhiệm vụ chính trị mà mãi sau này chúng tôi mới biết là phục vụ cho việc ký kết Hiệp định Paris.
Trước khi bước vào trận đánh bao giờ cũng phải đi trinh sát, thông thường sẽ từ 3h chiều hôm nay đến 9h sáng hôm sau mới về. Mỗi lần trinh sát địch lùng sục khắp nơi để tìm lính Việt cộng, máy bay quần suốt ngày đêm trên trời, bom B52 rải như rải thảm.
Một ngày đầu năm 1972, tôi đi trinh sát cùng đồng chí Trà. Đang đi lên dốc, ngoái lại không thấy đồng chí Trà đâu mà trước mặt là bụi cây mâm xôi đường kính cỡ 2m, tôi bèn trườn lên nằm đó 30 phút để đợi. Khi tôi tụt xuống thì thấy có bàn tay túm tóc mình ghì lại rồi thì thào: "Mày định giết tao à?. Ngay trước mặt mày là thằng lính chỉ cách một bụi cây". Hóa ra đồng chí Trà tiến ngay sau lưng tôi, nhìn thấy tôi tiến đến ngay cạnh tên địch nhưng không dám gọi.
Những lần đi trinh sát kho bom nhiều không kể hết, có đồng chí cũng đi trinh sát rồi lạc và bị địch bắt sống… Khó khăn là thế nhưng lệnh ở trên chỉ đạo xuống "bằng mọi giá phải đánh bằng được kho bom để phục vụ mục đích chính trị" nên chúng tôi càng phải nỗ lực đánh kho bom này bằng mọi cách.
Một lần khác tôi đi trinh sát với đồng chí Hống. Sát đến khu vực kho bom đạn, tôi có nói với đồng chí Hống: "Anh bị thương một chân thì ở ngoài, để tôi vào kiểm tra". Tôi tiếp cận từ góc hướng Đông Nam, trước mặt là 2 lô-cốt, tôi cứ loanh quanh giữa 2 cái lô-cốt và tránh lính gác là cũng gần hết giờ.
Cách lô cốt 20-30m tôi nằm úp mặt xuống một gốc cây cưa sát đất. Hôm ấy trời mưa rất to, kiến ở xung quanh cũng tránh nước mưa bò lên cả người tôi bu kín. Lúc đó địch ném pháo sáng liên tục, mà pháo sáng thì còn sáng hơn đèn măng-xông. Tôi đợi pháo sáng vừa tắt là vùng dậy nép sát vào lô-cốt, má tôi áp vào lỗ châu mai lạnh toát. Cả người run rẩy nhưng tôi vẫn nằm chờ thời cơ, lúc đó một toán lính gọi nhau sau lô-cốt đối diện, nghĩ đây chính là thời cơ thích hợp, chúng vừa rủ nhau đi khỏi thì tôi nhỏm dậy chạy vụt qua bờ đê, ngay sau toán lính đó chỉ độ 10m.
Trước khi đi trinh sát tôi được giao nhiệm vụ tìm khu để xe nhưng vào trong vùng địch rồi thì lọt vào khu vực nào cũng đều phải ghi nhớ và có thời cơ là tiêu diệt. Lần trinh sát này của tôi đúng theo ý nghĩa đó, loanh quanh một hồi tôi phát hiện ra một bức tường khá lớn, giống như khu kho bom hơn là nhà xe. Tôi đi vòng quanh tìm cách trèo qua hàng rào đơn để vào bên trong tìm hiểu, nhìn thấy rất nhiều tấm ván vuông vức xếp chồng lên nhau, tôi tự hỏi: "Quái, là kho bom sao lại chứa toàn tấm ván", hóa ra là từng quả bom một để trong hộp gỗ, nhìn như những tấm ván. Tôi lẩm nhẩm đến số hộp gỗ rồi tiếp tục đi sang phía trái bức tường thì thấy có thêm 3 khu tương tự, ngoài ra còn một số lượng lớn bom để dã ngoại ngay gần đó. Nhìn đồng hồ thì quá giờ quy định, tôi hẹn đồng chí Hống vào trong vòng 2 tiếng rồi sẽ quay ra mà hiện tại đã quá 15 phút. Tôi quyết định rút ra ngoài. Buổi trinh sát hôm đó tôi đã tìm ra 4 kho bom, 2 kho đạn, và hàng chục bãi bom dã ngoại. Tôi đã vẽ lại sơ đồ tỉ mỉ để đơn vị lên phương án tác chiến.
Đó có phải là sơ đồ mà ông vừa giới thiệu với chúng tôi không? Và việc kho bom đạn cháy nổ liên tục trong 3 ngày đêm là thế nào, thưa ông?
- Ngày chúng tôi tiến đánh kho bom là 30/10/1972, với 104 chiến sĩ tham gia bảo vệ cho mũi cảm tử đánh bom. Mũi này do đồng chí Ý làm mũi trưởng, tôi làm mũi phó và 4 chiến đấu viên. Mũi cảm tử có nhiệm vụ gắn kíp tức thì (bây giờ họ gọi là đánh bom liều chết - NV), ôm bộc phá vào các kho bom. Cắt rào xong thì trăng đã lên cao rồi nên không thể huy động thêm lực lượng từ bên ngoài vào hỗ trợ, chỉ có tôi và đồng chí Ý vào khu để bom. Đồng chí Ý vào kho để loại bom 1 tấn, còn tôi đột nhập vào kho bom 250kg.
Gắn kíp hẹn giờ xong chúng tôi rút ra và bị địch phát hiện, chúng hô to "Việt cộng pháo kích. Việt cộng pháo kích" rồi chúng bắn đạn rát tai từ trong lô cốt bắn ra. Lúc này quân bảo vệ của ta từ ngoài bắn 2 quả B40 vào 2 lô cốt của địch để chúng tôi rút ra an toàn. Chúng tưởng ta đánh từ ngoài vào nên chỉ tập trung đối phó bên ngoài mà không để ý tới kho bom. Khi quân ta rút về cách 3km thì kho bom bắt đầu phát nổ, do các nhà kho và bãi bom dã chiến đều ở gần nhau nên chỉ cần kích nổ một địa điểm là cả tổng kho đều cháy hết, liên tục trong 3 ngày đêm; thậm chí ở cách xa gần chục cây số vẫn nhìn thấy lửa bốc lên ngùn ngụt.
Trận đánh đó chúng ta tiêu diệt 1.500 tên địch, 300 ô tô bị cháy và toàn bộ kho bom 500.000 tấn của địch. Quân ta an toàn tuyệt đối. Sau trận đánh này chúng ráo riết truy tìm Việt cộng để tiêu diệt, thậm chí treo giải cao cho những ai chỉ điểm tìm ra được chúng tôi. Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên thay đổi căn cứ, ở chỗ này vài ngày lại phải chuyển chỗ khác.
Bị truy lùng ráo riết nhưng đặc công Việt Nam vẫn có 2 lần tiếp cận kho bom sau khi địch xây dựng lại, nhiệm vụ đó được ông thực hiện ra sao?
- Sau khi kho bom Mon Đuol bị tấn công đánh phá tan tành, địch lại san ủi, xây dựng lại sau một thời gian ngắn. Tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ trinh sát để đánh kho bom lần nữa.
Do đã có kinh nghiệm từ các lần trinh sát trước nên tôi không lạ gì địa hình nơi này, nhưng tôi chọn cách tiếp cận từ hướng khác để tránh sự chú ý của địch. Và cũng chính vì có kinh nghiệm nên đi trinh sát tôi cõng theo khối thuốc nổ trên lưng để có thời cơ thích hợp là hẹn giờ phá kho bom luôn.
Đúng như tôi dự tính, tôi lọt được vào kho bom và đặt khối thuốc nổ nhưng tiếc là kíp nổ hẹn giờ có thời gian quá dài, tận 9 tiếng nên đã bị địch phát hiện và tháo gỡ. Sau khi báo cáo lên cấp trên, cả Trung đoàn đều tiếc nuối. Chính vì thế tôi càng quyết tâm phải đánh bằng được kho bom này một lần nữa.
1 tháng sau tôi cùng đồng chí Nhâm lại ôm bộc phá quay lại kho bom, vượt qua hàng rào đầu tiên tôi dặn đồng chí Nhâm ở ngoài đợi, "nếu quá giờ không thấy tôi quay ra thì nhớ ngày này là ngày giỗ của tôi". Nói xong tôi ôm bộc phá bò vào một mình.
Do đã quen thuộc địa hình từ trước nên tôi dễ dàng tiếp cận khu bom của địch, được xếp theo hình chữ F mà ở lần trinh sát trước tôi đã phát hiện ra ngoài bom đạn còn có cả hợp chất C4 – một hợp chất có thể phát nổ nhanh và mạnh gấp 5 lần thuốc súng. Tôi đặt bộc phá ở ngã ba của chữ F và lần này thì thành công. Kho bom bị đánh nổ lần thứ 2, phá hủy 250.000 tấn bom đạn, cháy ròng rã 13 giờ đồng hồ, 350 tên địch thiệt mạng.
Với những chiến công lừng lẫy đó ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cảm xúc của ông thế nào khi đón nhận tin vui đó?
- Hôm được tuyên dương anh hùng tôi đang đi đào củ mài trong rừng. Sau trận đánh kho bom đạn Mon Đuol tôi được điều vềchiến trường miền Nam. Tôi nhớ là tháng 7/1973, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Campuchia về miền Nam.
Lúc đó hành quân đói lắm, tiêu chuẩn của chúng tôi chỉ được 3 lạng gạo mỗi người, mà đậu xanh chiếm tới 50% nên chúng tôi phải đi đào củ mài mới có thêm thức ăn chống đói. Mãi sau này về miền Nam, qua đài phát thanh tôi mới biết mình đã được phong anh hùng, và tận khi tập kết ra Bắc tôi mới nhận được giấy khen rồi được mời đi dự Đại hội anh hùng thi đua toàn quân cuối năm 1974.
Hầu như sau mỗi trận đánh lớn nhỏ tôi đều được tặng huân, huy chương, nhưng cũng mãi sau này mới biết, chứ ở chiến trường chỉ tìm mọi cách đánh thắng giặc, đâu có nghĩ tới ngày nhận huân huy chương hay được phong tặng anh hùng.
Sau khi về hưu ông còn tích cực đóng góp và tham gia các hoạt động của địa phương. Kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu đã được ông "vận hành" thế nào trong thời bình?
- Ra Bắc tôi đi học văn hóa, đi học ở Trường Sĩ quan lục quân, rồi về Trung đoàn 113. Tôi tiếp tục đi học ở Đà Lạt rồi về Trung đoàn 820 (Lữ đoàn 5 bây giờ); sau đó lại quay về Trung đoàn 113 (sau là Lữ đoàn 113) cho đến khi nghỉ hưu năm 2001 với chức danh Lữ đoàn phó, mang hàm Đại tá.
Thú thật sau khi về hưu tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, bởi trong thời gian dài tham gia quân đội, tôi gần bặt vô âm tín, gia đình cũng không biết tôi đang ở đâu, làm gì, còn sống hay đã hy sinh. Thế nhưng các đồng chí lãnh đạo địa phương, thủ trưởng các đơn vị động viên ghê quá nên tôi có tham gia cấp ủy Đảng, cụ thể là làm Bí thư chi bộ tổ dân phố số 6, phường Tiền Phong (TP.Thái Bình) nơi tôi sinh sống.
Thời điểm đó tình hình ở phường Tiền Phong còn nhiều bất ổn, Chi bộ tổ dân phố 6 thuộc diện yếu kém. Tôi về nhận nhiệm vụ phải xây dựng và vực dậy tổ chức Đảng ở cơ sở sao cho vững mạnh, tiên tiến. Nhiệm vụ cũng khó ngang với làm lính đặc công vậy (cười).
Cũng may là tôi nhận được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và bà con trong tổ dân phố nên mọi việc dần trở nên ổn thỏa. Chi bộ Tổ dân phố 6 nhiều năm liền là tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2014 trước khi tôi nghỉ làm Bí thư thì còn Chi bộ còn đạt danh hiệu tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tổ dân phố 6 cũng là đơn vị duy nhất có Chi đoàn thanh niên với hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi, có buổi biểu diễn thu hút tới 500-600 người xem; rồi là tổ duy nhất có nhà văn hóa. Ngày hội đại đoàn kết dân tộc, các gia đình trong tổ tham gia làm mấy chục mâm cỗ, vui và đoàn kết lắm; nề nếp đó duy trì đến tận bây giờ và ít cơ sở nào làm được như Chi bộ 6.
Hiện tại, một ngày bình thường của cựu chiến binh đặc công diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Cũng bình thường như bao người khác. Sáng tôi thường dậy từ 5h sáng để đi tập dưỡng sinh, tôi còn là Chủ nhiệm CLB dưỡng sinh nữa. Sau đó về ăn sáng rồi giúp bà nhà tôi những việc lặt vặt. Giờ con cháu đều lớn và trưởng thành rồi nên 2 ông bà nhàn nhã hơn, vợ tôi có nhận trông thêm em bé cho những gia đình có nhu cầu, nhà có thêm tiếng trẻcon cũng vui vầy hơn.
Những hôm nào đẹp trời tôi lại đi câu cá. Tôi mê đi câu, dành riêng con xe máy Dream để đi câu. Đồ câu lúc nào cũng buộc sẵn ở xe, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Trước tôi câu ao nhưng giờ thích câu ở sông, cá sông tuy khó câu hơn nhưng câu thành công thì sướng lắm. Có ngày tôi đi câu cách nhà tới 30-40km. Nói chung cuộc sống của tôi đơn giản và bình thường như bao người khác, không có gì đặc biệt.
Người chiến sĩ đặc công năm xưa nay đã 73 tuổi, nhưng vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, trí nhớ rất đáng khâm phục khi ông kể từng chi tiết về những trận đánh đã qua hơn nửa thế kỷ. Xin được chúc ông sức khỏe và bình an, để mỗi lần nhắc đến một trong những lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của quân đội, vẫn còn đó người lính già và những dòng ký ức đẹp đẽ, đã góp nét bút vẽ nên huyền thoại về lính đặc công Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.