Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 1.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 2.

Thưa ông, để có thể trở thành người phiên dịch cho Tổng thống Hoa Kỳ Obama, hẳn từ nhỏ ông đã được học Tiếng Anh và tiếp cận với chương trình giáo dục Mỹ?

- Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ như vậy, nhưng thực tình tôi lớn lên trong một gia đình nghèo. Mặc dù bố mẹ đều là cán bộ ngành giáo dục nhưng khi xưa, trong nhà không bao giờ có tài sản gì quý giá hơn một cái xe đạp cũ và chiếc giường đôi bốn người nằm chung. Tôi lúc lớn lên gầy gò, đói ăn, học hành làng nhàng, không có một thứ gì hữu hình hay vô hình có giá trị cả.

Tôi được bố dạy Tiếng Nga ở nhà từ khi 8 tuổi, nhưng cũng chỉ biết chút ít chứ không giỏi giang gì. Hết lớp 9 là năm 1989, tôi được bố mẹ cho đi học lớp Tiếng Pháp buổi tối, nhưng 6 tháng sau kết quả học tập không ra sao nên bố phạt nghỉ học tiếng Pháp.

Lúc Đông Âu có biến động chính trị, bố tôi cho rằng "Việt Nam chắc sẽ tiến gần hơn với phương Tây" nên đã cho tôi tiền đi học thêm Tiếng Anh ở trung tâm, nhưng đang mê tiếng Pháp, nên tôi học Tiếng Anh không vào.

Tháng 5/1990, tôi và một người bạn cùng lớp phấn khởi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày khai trương. Tình cờ lúc về qua chùa Một Cột, chúng tôi gặp một khách du lịch người Anh đang sống ở Malaysia. Ông ấy khoe là nói được mấy thứ tiếng, tôi rất muốn nói một đơn giản nhưng không thể nói được dù đã học Tiếng Anh mấy tháng.

Lúc đó tự nhiên lòng tôi thấy nhói lên cảm giác áy náy và thương bố mẹ phải chật vật xoay xở tằn tiện từng đồng lương mà mình lại học hành chẳng ra sao. Xấu hổ quá nên tôi quyết định sẽ tự học bằng cách ra khu Lăng Bác và chùa Một Cột để nói tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 3.

Ồ! Tôi thực sự rất bất ngờ! Vậy ông đã tự học Tiếng Anh như thế nào ở thời điểm đó?

- Tôi đã bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp mà chỉ đi học "Đại học chùa Một Cột". Từ năm 1990 đến năm 1995, ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả năm 1992, sau khi nhập học Đại học Ngoại thương, tôi vẫn dành thời gian cả ngày chủ yếu là ở khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại này để chơi và nói Tiếng Anh với các bạn Tây ba lô. Chỉ 6 tháng sau tôi nhận ra là Tiếng Anh của mình đã tốt lên không thể tin nổi.

Đôi lúc tôi làm cả công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần gia đình. Tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 USD và một tờ 5 USD) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Trường Trung học Chu Văn An.

Vẫn biết thời điểm đó người giỏi Tiếng Anh ở Hà Nội không nhiều, nhưng tại sao khi mới 19 tuổi, ông lại được chọn là người phiên dịch cho Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam?

- Những năm 1994-1995, người nói tiếng Anh cập nhật, thứ tiếng Anh sống động của thế giới ở Hà Nội còn ít, tôi còn trẻ lại không quá coi tiền bạc, kiến thức cũng có nên được mời dịch rất nhiều.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 4.

Ngay từ năm 1994, tôi bắt đầu làm việc tình nguyện cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile) là tổ chức từ thiện của Mỹ hàng năm gửi các bác sĩ Mỹ sang mổ miễn phí cho trẻ em có dị tật mặt như hở môi, hở hàm ếch.

Cuối năm 1995, sau khi phiên dịch cho các bác sĩ Phẫu thuật Nụ cười tại khách sạn Metropole, Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson đã khen tôi dịch rất hay và mời tôi phiên dịch cho ông. Tôi thấy vô cùng hân hạnh và nhận lời ngay.

Đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, biến tôi từ một đứa trẻ long nhong vừa qua tuổi 19, chỉ giỏi chút Tiếng Anh và hay đi dịch dạo kiếm chút tiền giúp mẹ thành một người bắt đầu có ý thức xã hội, bắt đầu học cách áp dụng kiến thức lâu nay đọc được từ sách vở vào phân tích các sự việc xung quanh.

Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ trong gần 2 năm cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi được đi cùng bác đến nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng Tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam.

Từng làm việc cho Phòng Liên lạc Hoa Kỳ và Tổ chức Phẫu thuật nụ cười của Mỹ, chắc hẳn là nền tảng quan trọng để ông nhận được học bổng học cao học tại Mỹ?

- Bác Desaix là cựu sinh viên Đại học Princeton và khi quay lại Mỹ, bác đã được mời dạy một khóa học thường niên cho sinh viên đại học Princeton về Việt Nam và Đông Á. Trong chuyến đi đầu tiên của tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1997, tôi may mắn được tới thăm trường Princeton rồi được gặp Giám đốc Tuyển sinh của trường hành chính công và ngoại giao mang tên Woodrow Wilson (WWS) thuộc Princeton là ông John Templeton. Ông John đã đưa tôi đi tham quan trường và cho tôi tham gia một buổi thảo luận của các sinh viên chương trình mùa hè.

Chuyến thăm này gây ấn tượng với tôi tới mức mà mùa thu năm đó tôi quyết định chỉ nộp đơn duy nhất xin học chương trình MPA (Thạc sĩ về Hành chính Công) của trường WWS.

Mùa xuân năm 1998, ông John đã gửi cho tôi một thư viết tay thông báo về việc tôi đã được nhận vào học. Tháng 8/1998, tôi quay trở lại WWS trong vai trò một tân sinh viên cao học. Thú thực là do có được sự giới thiệu nên tôi được hưởng nhiều thuận lợi khi xin học.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 5.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 6.

Sau khi tốt nghiệp cao học, tôi được biết ông đã đi theo con đường điển hình của những thạc sĩ Hành chính công là làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Vậy tại sao sau đó ông lại làm việc cho Chính phủ Hoa Kỳ?

- Khi đang làm việc cho WB, năm 2011, tôi có thẻ xanh Mỹ thì cũng là lúc mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nóng lên nhờ chính sách xoay trục về Đông Á và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi nhớ nghề phiên dịch cũ và muốn góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ nên liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đó là một bước ngoặt khác quyết định những việc vui của đời tôi trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Obama.

Tới tuổi đó tôi cũng đã đủ lớn khôn, và cũng đã sống ở nước ngoài đủ lâu, nên tôi bắt đầu mong được dồn hết sức giúp đỡ đất nước và người dân Việt Nam chứ không phải đi giúp chung chung người nghèo thế giới nữa.

Con người chuyên môn chính sách công trong tôi cũng đã hiểu rằng phụng sự con người không đơn giản chỉ là mang tới cho họ thực phẩm, nước sạch, hay giáo dục mà tất cả những thứ đó đều cần đặt quanh trọng tâm là phẩm giá con người. Tất cả mọi thứ chúng ta làm trên tiền đề đó, dù là để mang đến cho người ta thực phẩm, sự chăm sóc y tế, hoặc dịch vụ giáo dục đều phải thỏa mãn ý niệm cao quý về cuộc sống đúng nghĩa con người.

Hai năm 2015-2016 mang đến những thành tựu cao nhất của cuộc đời tôi sau khi tốt nghiệp Princeton. Năm 2015, tôi làm phiên dịch viên của Tổng thống Obama khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Năm 2016, tôi được tháp tùng Tổng thống Obama tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 7.

Chuyến trở về Việt Nam làm phiên dịch cho Tổng thống Obama năm 2016 hẳn là chuyến đi vô cùng quan trọng trong cuộc đời ông?

- Chuyến đi về Việt Nam tháng 5/2016 đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ lúc tôi may mắn được tham gia đóng góp chút công sức nhỏ bé vào quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ khi được mời làm phiên dịch cho Đại biện Mỹ tại Hà Nội trong nhiều cuộc gặp quan trọng.

Tổng thống Obama, với tư cách là người da màu đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, cũng có xuất thân tương đối khiêm tốn và kinh nghiệm làm việc công ích, cộng đồng giống như tôi và vì thế, ngay từ khi ông nhậm chức lần đầu, tôi đã coi ông như một nguồn cảm hứng tích cực. Riêng việc tháp tùng một Tổng thống Hoa Kỳ trong một chuyến thăm kiểu "về quê" đã là một vinh dự, nhưng vinh dự đấy còn to lớn hơn khi Tổng thống Hoa Kỳ đó lại là người mà mình và người dân nước mình quý mến.

Là người có trách nhiệm chuyển tải các bài diễn văn sang tiếng Việt, tôi có quyền quyết định xem các dẫn chiếu văn hóa có "phiên dịch được" không, có ý nghĩa, có bị nhạy cảm về văn hóa, chính trị không, có phù hợp nhất quán với nhau trong chỉnh thể không.

Vài tháng trước đó, tôi đã gửi tới người được phân công viết bài diễn văn của Tổng thống ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hai câu thơ từ truyện Kiều mà tôi đã nói là "nếu Tổng thống chỉ đọc bài phát biểu chỉ gồm hai câu thì tôi muốn hai câu đó chính là hai câu thơ này". Hai câu đó chính là hai câu:"Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi" mà tôi dịch sang tiếng Anh thành: "Please take from me this token of trust/ So we can embark upon our 100-year journey together". Nghĩa là: "Xin hãy nhận từ tôi vật làm tin này/ Để chúng ta có thể khởi hành chuyến đi trăm năm cùng nhau".

Những bài phát biểu kiểu này hay bị coi là lời nói mỹ miều ít có ý nghĩa thực chất. Tuy nhiên, người Mỹ khi đã hứa thì xuất phát từ góc độ danh dự quốc gia phần nào vẫn bị trói buộc vào lời hứa đó. Một lời hứa được soạn và trình bày đúng cách có thể được coi như một thứ hợp đồng đơn phương có giá trị lâu dài giữa người đại diện quốc gia hùng mạnh thứ nhất thế giới với người dân Việt Nam. Nếu được thế thì lời hứa đó có thể trở thành nền tảng quyết định đường hướng của quan hệ hai nước trong nhiều năm sau.

Hiểu được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt thú vị của những lời hứa trong diễn văn đối với quan hệ giữa hai nước, giữa hai nhân dân, tôi đã cố gắng vận dụng hiểu biết của mình về tâm lý dân tộc của mỗi nước để tạo ra một thứ thông điệp vừa mạnh mẽ, kiêu hãnh, duy lý, hào sảng kiểu Mỹ lại vừa đằm thắm, duy tình, trọng nghĩa, rưng rưng kiểu Việt Nam.

Rất may mắn cho tôi, ông Obama là người có sẵn cái tình để hiểu những lời nhân ái tình nghĩa kiểu này để chấp nhận nói những lời hứa hẹn việc trăm năm. Nhiều năm về sau này, ngay cả khi Tổng thống Obama không còn tại vị nữa, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, vào những lúc quan hệ hai nước có khó khăn, người ta có thể mang hai câu này ra để làm bằng chứng cho lời hứa trăm năm và người Mỹ trọng truyền thống và lời hứa ở cấp cao sẽ hành xử thích hợp với tinh thần của lời hứa đó.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 8.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 9.

Thế rồi, điều gì đã thúc đẩy ông chuyển sang làm giáo dục?

- Sinh ra trong một gia đình cha mẹ đều là những người làm nghề giáo, nên mong muốn làm giáo dục là khát khao hiển hiện tự nhiên trong tôi.

Dù bận rộn đi làm việc cho những tổ chức phát triển, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ là tôi là người may mắn có được cơ hội học tập ở Mỹ thì một cách trả ơn cuộc đời là mang những cơ hội tương tự cho người khác. Với suy nghĩ đó, bên cạnh công việc chuyên môn, tôi cũng thường xuyên hỗ trợ dạy dỗ và kèm cặp khoảng 20 bạn trẻ tới Mỹ học tập và làm việc rất thành công trong 20 năm trước khi mở Trường Minh Việt.

Năm 2018 là thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump và tôi không có liên quan gì đến công việc của Chính phủ Hoa Kỳ. Lúc rảnh đọc Facebook thấy một số bạn bè viết tiếng Anh còn sai ngữ pháp. Nhân có nghề tay trái làm biên tập tiếng Anh, tôi quyết định mời các bạn bè Facebook học lại ngữ pháp tiếng Anh với tôi. Hàng ngày, tôi sẽ giảng những vấn đề về ngữ pháp theo cách dễ hiểu và học phí chỉ là 1 USD/một tuần học.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 10.

Với học phí thấp như thế, ngay lập tức có rất nhiều người tham gia học, nên tôi gọi chương trình là Tiếng Anh bạn Gấu (TABG) - Gấu là tên ở nhà của tôi. Các bạn đi học với tôi được khoảng 6 tháng là hết phần ngữ pháp, sau đó, chúng tôi chuyển sang phần ứng dụng đọc dịch.

Lúc đó, tình cờ tôi tìm được chương trình Zoom -  là công cụ hữu hiệu để tôi kết nối các thầy cô giáo ở Mỹ với học sinh ở Việt Nam. Tháng 7/2019, tôi thành lập Trường Minh Việt (Minh Viet Academy - MVA) là trường online với các giáo viên Mỹ đa số có bằng cao học và chứng chỉ giảng dạy dạy chương trình phổ thông của Mỹ cho học sinh Việt Nam. Năm nay là năm thứ tư MVA vận hành và chúng tôi giờ có 14 cấp lớp cho các học sinh từ 3 đến 17 tuổi. Năm nay là năm chúng tôi có lớp 12 đầu tiên.

Ông đã "khai sinh" một trường Mỹ dạy học sinh Việt Nam với triết lý giáo dục như thế nào?

- Chúng tôi có thể mang một nền giáo dục quốc tế đến cho học sinh Việt Nam với chi phí rất thấp. Giải pháp của tôi là làm sao để đưa các cháu ra nước ngoài bởi vì thế giới rất rộng lớn và nhu cầu cho người lao động trí thức trên thế giới hiện nay rất cao. Tức là trí tuệ của người Việt Nam mình có nhiều cơ hội phát triển trên thế giới.

Để làm được điều đó, đầu tiên, chúng ta dùng công nghệ để mang kiến thức thế giới, Tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, đến cho thật nhiều học sinh Việt Nam để họ có căn bản tốt nhất để trở thành những người lao động chất lượng cao.

Sau đó, chúng ta đưa họ ra thế giới để học hành thêm, để khai phá hết tiềm năng, tài năng của họ. Cuối cùng thì chúng ta gửi họ tới các công ty lớn của thế giới như là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây cũng là xuất khẩu lao động nhưng không phải xuất khẩu lao động như trước đây chúng ta làm với lao động phổ thông chuyên môn thấp. Tôi muốn xuất khẩu những người lao động chất lượng rất cao mà thế giới sẽ phải trả những khoản lương rất cao cho họ.

Các công ty công nghệ thế giới trả lương cho nhân viên 200.000 USD/năm là việc rất bình thường. Hãy thử tưởng tượng chúng ta gửi được 10.000 người lao động chất lượng cao như vậy ra thế giới thì lợi ích cho đất nước sẽ lớn nhường nào?

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 11.

Là một trường học với chương trình học của Mỹ, giáo viên Mỹ, nhưng học phí của MVA rất thấp, trung bình chỉ vài chục USD một tháng. Tính ra học phí trung bình một giờ học chỉ khoảng 25.000  đồng mà cha mẹ không cần đưa đón con vất vả. Bằng cách nào ông làm được điều đó?

- Khi mở trường, mong muốn của tôi là mang lợi ích giáo dục quốc tế tốt nhất đến cho các gia đình Việt Nam. Tôi tin vào lợi ích của chương trình đó đến mức mà tôi nói rằng các gia đình có thể học hết học kỳ và nếu họ cảm thấy chương trình không giúp ích cho con họ thì họ có thể yêu cầu hoàn tiền và nhận lại toàn bộ học phí đã đóng.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 12.

Trong gần bốn năm vận hành vừa rồi, tôi nhận thấy có một điều rất lạ là con nhà nghèo, không có điều kiện, lại thành công hơn ở MVA so với con nhà có điều kiện kinh tế hơn. Vì với các gia đình nghèo, học phí thấp như thế mà được học tập với giáo viên Mỹ và chương trình học của Mỹ thì đúng là chỉ có trong mơ. Khi họ tin và yêu thì lợi ích của MVA nở hoa trong những gia đình như vậy. Tất nhiên cũng có ngoại lệ nhưng mà tình hình nói chung là như vậy.

MVA cũng có chính sách là trong thời gian theo học ở trường, nếu một học sinh mất cha hay mẹ thì chúng tôi cung cấp học bổng trọn vẹn từ lúc đó cho đến lúc học sinh học hết lớp 12.

Mặc dù mạng Internet hay Youtube và Tiktok tạo ra cảm giác là bọn trẻ đã giống nhau ở khắp thế giới, thực tế là trẻ em Việt Nam vẫn cần phải tiếp cận được giáo dục quốc tế và kiến thức có hệ thống thì mới thành công được trên trường quốc tế. Điều MVA đang làm là tạo ra hiệu ứng bình thông nhau để các bạn trẻ Việt Nam vươn lên đứng ngang hàng về kiến thức với các bạn trẻ thế giới.

Những năm qua, tôi đã đạt được thành công ban đầu với MVA. Hàng nghìn học sinh MVA hàng ngày ngồi học thoải mái bằng tiếng Anh với giáo viên Mỹ. Tất cả các em giờ đã trở thành những học sinh Mỹ đúng nghĩa, trong khi vẫn ngồi ở Việt Nam. Chi phí học phí cho gia đình chỉ khoảng 2 USD/ngày là mức học phí đa số các gia đình có thể chịu được.

Năm 2022-2023 này, học phí của MVA đã giảm một nửa so với năm đầu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục giảm học phí nữa để giúp cho càng nhiều học sinh Việt Nam từ các gia đình nghèo, vùng kém phát triển có thể đi ra thế giới.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 13.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 14.

Với khát khao cháy bỏng đưa được thật nhiều học sinh, thanh niên Việt Nam đi ra toàn cầu, sắp tới Trường Minh Việt có mở rộng dự án không, thưa ông?

- Sau những thành công ban đầu, chúng tôi bắt đầu đi vào hợp tác với các địa phương. Ví dụ, ở Lạng Sơn có Công ty Xuân Cương vừa hợp tác với MVA và muốn áp dụng mô hình của Minh Việt cho con cái của khoảng 700 nhân viên của họ.

Mô hình giáo dục của Minh Việt rất rẻ, rất hợp với các công ty hay các tổ chức hay các tỉnh muốn mở rộng mô hình giáo dục quốc tế cho trẻ em với chi phí thực sự rất thấp. Học phí thấp đến mức mà bất kỳ tỉnh nào dù nghèo đến bao nhiêu cũng có thể cho học sinh học được. Và khi làm việc với các tỉnh thì chúng tôi sẵn sàng giảm học phí thấp nữa. Tôi tin rằng, bất kỳ tỉnh nào quan tâm hợp tác với MVA thì chỉ 1 đến 2 năm sau họ sẽ thấy chất lượng của học sinh tại địa phương trên thước đo học sinh quốc tế sẽ tăng lên rất nhanh.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 15.

Và tôi tin rằng, nếu như một tỉnh mở ra những chương trình đào tạo cho chẳng hạn 2.000 học sinh học, thì 2.000 người đó sau này sẽ là những người mang lại những lợi ích vô cùng lớn cho tỉnh, gấp hàng trăm, hàng ngàn lần chi phí mà tỉnh bỏ ra ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã cùng Viện Toán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tạo ra chương trình Toán cho các học sinh tiểu học và trung học phổ thông mang tên Câu lạc bộ Toán Kỳ lân (Unicorn Math Club - UMC). Đây là một hướng mà chúng tôi làm với tinh thần tình nguyện. Các chi phí ban đầu cho chương trình này do chúng tôi tài trợ để đưa toán đến cho các học sinh Việt Nam.

Đặc biệt, Minh Việt Academy đang xây dựng trường Toán lấy tên là trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Maths - MVSM). Đây là thành quả lớn nhất của tôi trong năm nay.

Ông kỳ vọng gì khi mở trường Toán Minh Việt?

- Hiện nay, cả thế giới đang là Toán, tương lai chắc chắn sẽ chỉ là Toán. Cho con học Toán là cho con một cơ hội làm chủ thế giới ngày mai.

Mong muốn của chúng tôi là mỗi năm có thể đào tạo chừng 10.000 học sinh Việt Nam giỏi toán và giỏi Tiếng Anh với hiểu biết thế giới. Sau đó đưa họ ra thế giới. Họ sẽ mang lại những nguồn lợi kinh tế hàng tỷ USD cho đất nước.

Hiện nay, trong cuộc cách mạng số, cách mạng dữ liệu, cách mạng của học máy, cách mạng của trí thông minh nhân tạo, cả thế giới cần những người lao động chất lượng cao, có tiếng Anh tốt và có hiểu biết về toán thật tốt. Đây là một cơ hội cho Việt Nam bắt kịp với thế giới và chúng tôi mong muốn đi đầu trong lĩnh vực giảng dạy Toán nâng cao bằng tiếng Anh cho học sinh. Các em sẽ trở thành những người lao động tri thức tương lai đi ra thế giới để làm vinh dự cho đất nước, mang lại những lợi ích thực tiễn cho gia đình và Tổ quốc.

Chi phí học tập trung bình mỗi học sinh với trường Toán sắp mở là khoảng 400USD/năm (12 tháng) hay chừng 5.000USD/12 năm học, dưới 1 triệu đồng/tháng cho cả lớp Toán và lớp tiếng Anh (20 buổi/tháng) và các lớp bổ trợ khác nếu có. Các gia đình khó khăn có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Minh Việt.

Các gia đình chỉ cần đầu tư cho các con vài chục ngàn đồng mỗi ngày với chương trình học Toán cộng tiếng Anh đều do các giáo viên Mỹ dạy. Số tiền đầu tư không đáng là bao nhưng học hết chương trình này với chúng tôi, học sinh có cơ hội 95% có mức lương đi làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học ở mức 200.000USD/năm. Tôi nói vui với mọi người rằng, không có vé số nào trên đời chắc ăn hơn vé số này.

Thừa nhận mình đã trải qua thời điểm vinh quang nhất của cuộc đời, giờ đây ông quan niệm thế nào về hạnh phúc?

- Đối với tôi, sự thành công và tiền bạc, danh vị và sự nổi tiếng khi mà công chúng thừa nhận kết quả lao động của chúng ta chỉ là một phần thôi.

Điều quan trọng nhất ở trong cuộc đời là một cảm giác hạnh phúc, có nghĩa là mình vững tin vào bản thân mình. Mình luôn đắm chìm trong một cảm giác bình an, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa.

Với tôi, bí quyết của hạnh phúc chính là phục vụ chứ không phải là được phục vụ. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta có một thứ hạnh phúc chỉ là được phục vụ, tức là chúng ta có vị thế cao, có tiền bạc rồi người ta phải cầu cạnh, tung hô, thán phục, thì đó cũng chỉ là thứ hạnh phúc thoáng qua, không bền vững và là thứ hình thức ở bên ngoài.

Nhưng thứ hạnh phúc ở bên trong sẽ bền, sẽ lâu, sẽ tạo ra niềm vui mãi mãi để giúp chúng ta có sức lực để vượt qua những thứ đau khổ đó chính là được phụng sự con người.

Mỗi chúng ta ở đây đều đi cùng một hành trình giống nhau là hành trình xuyên qua cuộc đời. Mỗi người đi một kiểu, nhưng hành trình đó không bao giờ là dễ với tất cả mọi người nếu không nói rất khó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hỗ trợ làm sao cho hành trình đi xuyên cuộc đời của càng nhiều người trở nên càng dễ hơn càng tốt. Chỉ khi đó chúng ta mới thể hiện được hết ý nghĩa của cuộc đời của chính chúng ta.

Cho nên, quan niệm của tôi là phải biết chia sẻ, phải gánh vác, phải đỡ đần, phải trở thành chỗ dựa cho người khác đi tốt hành trình cuộc đời của họ trong phạm vi có thể của chúng ta. Chúng ta làm hết sức có thể được, khi đó chúng ta sẽ có được hạnh phúc cho riêng mình. Khi làm cho người khác vui và đỡ bất hạnh thì chính hạnh phúc trong lòng chúng ta sẽ lấp đầy những khổ đau.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 16.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 17.

Ông Phạm Tuấn Anh, người phiên dịch cho cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama: Đi ra thế giới để hướng về phụng sự Tổ quốc - Ảnh 18.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem