Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xuất thân từ nhân viên làm công việc về đất đai nhưng khởi nghiệp và thành công lại ở mảng sắc đẹp. Vậy, giữa đất đai và sắc đẹp có một mối liên kết gì khiến bà đã quyết định chuyển hướng?
- Từ lâu lắm, tôi rất thích ngắm mấy cô gái đẹp. Tôi hâm mộ hoa hậu Hà Kiều Anh, Mai Phương Thúy... Vì mình không đẹp, nên thấy người đẹp là mê mẩn, cuộc thi hoa hậu nào cũng coi rất kỹ, mặc dù lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng sau này mình sẽ làm về lĩnh vực sắc đẹp.
Giữa đất đai với sắc đẹp có liên quan gì không? Thật ra là không nhưng khi làm việc về bất động sản ở Công ty Phú Mỹ Hưng, tôi từng tham gia tổ chức sự kiện truyền thông.
Rồi khi lập công ty chuyên tổ chức sự kiện truyền thông, thì công ty cũng làm nhiều lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực hoa hậu, sắc đẹp. Nhưng sự kiện tôi làm đầu tiên lại tuyển chọn người đẹp đại diện cho nhãn hàng, nó như một bước tập dượt vậy cho tổ chức hoa hậu sau này.
Thực tế, hoạt động của Sen Vàng hiện nay, mảng hoa hậu chỉ chiếm khoảng 40% (trước đây là 20%). Còn lại là các hoạt động liên quan đến quảng cáo, truyền hình… Hoa hậu chỉ chiếm một phần. Dù tỷ trọng không lớn nhưng mảng hoa hậu là hoạt động bề nổi, cho nên ai cũng biết.
Tổ chức sự kiện hoa hậu, so với tổ chức sự kiện các lĩnh vực khác, cái nào khó hơn và khó hơn chỗ nào?
- Hoa hậu khó hơn. Thứ nhất, mình phải tìm được tài trợ. Sau đó, phải làm nhà tài trợ thấy có hiệu quả. Để làm có hiệu quả thì phải đầu tư về mặt ý tưởng, để khách hàng biết được nhãn hàng qua cuộc thi rồi làm sao đáp ứng được quyền lợi giữa công ty và nhãn hàng…
Giữa nhãn hàng với mình, khi làm chương trình là cả một cam kết về KPI rất chặt chẽ. Ví dụ: Có bao nhiêu bài trên các báo, số lượng view, lượng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội… Kể cả việc xuất hiện trên truyền hình trực tiếp, các quyền lợi khác sau khi hoa hậu sẽ trở thành đại sứ của nhãn hàng…
Một gói tài trợ như vậy, chúng tôi đã bỏ ra từ 50 – 60% để mua lại quyền lợi quảng cáo cho nhà tài trợ. Còn lại, để làm chương trình và chương trình đó phải lan tỏa, phải có tương tác trực tiếp với người tiêu dùng. Như vậy mới đáp ứng được mong đợi của của nhãn hàng.
Hiện nay, dư luận cho rằng, xã hội đang "lạm phát hoa hậu". Là người tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, bà nghĩ sao về nhận xét này?
- Là phụ nữ, ai chẳng mơ ước mình trở thành hoa hậu. Ngay cả trong gia đình mình hay là trong các công ty, người phụ nữ nào cũng muốn mình là người đẹp nhất. Tôi nghĩ đó là hoạt động văn thể mỹ bình thường.
Nếu mình nghĩ một cách nghiêm túc, ước mơ để vươn tới cái đẹp, để mình đẹp hơn sẽ giúp người phụ nữ hoàn thiện hơn. Điều đó là tốt chứ không phải xấu. Ngay trong công ty tôi, dù có rất nhiều hoa hậu, mỗi dịp cuối năm, đều tổ chức một cuộc thi gọi là "Miss Sen Vàng". Năm nào các bạn cũng tham gia rất hào hứng.
Tôi nghĩ, không nên quá khắt khe với các cuộc thi hoa hậu. Quan trọng là nhà nước nên có chế tài, làm sao để tổ chức cho tốt, bài bản và đa dạng. Những đơn vị có năng lực thì tổ chức cuộc thi lớn. Những đơn vị kêu gọi được ít tài trợ thì tổ chức cuộc thi nhỏ. Điều quan trọng là dù nhỏ, nhưng người ta làm chu đáo thì tôi nghĩ, vẫn cần được tôn trọng và khuyến khích.
Theo quan sát của tôi, hầu hết các đơn vị tổ chức hoa hậu trong thời gian qua đều mong muốn làm tốt. Vì đối với các đơn vị sự kiện, đó còn là miếng cơm manh áo của họ nữa. Tôi cũng vậy, làm các sự kiện để sống.
Anh bán quần áo, bán phở… cũng như thế. Đó là công việc hàng ngày của mỗi người và ai cũng muốn mình làm thật tốt công việc của mình để được công chúng chấp nhận.
Là người tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, điều gì làm bà sợ hãi nhất?
- Tôi nói tiếp ý trên, nghề của anh bán phở, bán quần áo, có lúc cũng gặp sai sót. Nhưng ít, bởi vì công thức chế biến phở, số đo quần áo nó có sẵn rồi. Còn nghề tuyển chọn hoa hậu, là một nghề rất dễ xảy ra sai sót.
Ví dụ như tổ chức một sự kiện, mình bày mâm, bày đĩa lên hết rồi, đột ngột, trời mưa hay dây điện bị đứt, thành ra không được chỉn chu. Hay với các cuộc thi hoa hậu, dù chúng tôi có kiểm tra lý lịch mọi thứ rất kỹ. Bỗng nhiên xảy ra cô nào đó có vấn đề này kia…
Rồi về mặt phát ngôn hoặc ứng xử, anh bán phở sẽ không có chuyện như vậy, nhưng hoa hậu, ca sĩ, diễn viên… là những người đối diện với công chúng, nên lúc nào cũng bị dò xét, vì thế phải chỉn chu.
Nhưng nói thật, mình cũng là con người, rất khó để hoàn hảo 100%. Ngay cả như tôi, là người lớn, chinh chiến bao nhiêu năm, đôi khi còn thấy mình lỡ lời, vạ miệng…
Mình vạ miệng không ai biết, nên còn có cơ hội để thu lại. Còn các em, đôi khi nói chuyện trước truyền thông chưa khôn khéo. Một câu nói lỡ lời thôi, nhưng mọi người sẽ quy chụp cho cả cuộc thi hoa hậu.
Tôi nghĩ đó là nỗi niềm không phải của riêng tôi, mà tất cả những đơn vị tổ chức hoa hậu, mỗi ngày đều sống trong sợ hãi kiểu như vậy. Không biết lúc nào tới lượt mình "lên thớt", nên chúng tôi cũng cần được mọi người chia sẻ và thấu hiểu hơn.
Suy cho cùng, chúng tôi không phải là thần thánh hay là những người luôn luôn đúng. Chúng tôi là người bình thường thôi, dù có cẩn trọng cỡ nào đi nữa, chắc chắn sẽ có lúc sai sót.
Và những lúc đó, rất mong được mọi người thứ lỗi. Mong mọi người nghĩ tường tận rằng, cái sai sót đó là cố tình hay vô ý và người mắc lỗi có chấp nhận sửa sai hay không.
Nói tới hoa hậu, người ta nghĩ ngay tới người đẹp, sự giàu có sau khi đăng quang. Vậy là nhà tổ chức, đào tạo các hoa hậu, những đơn vị tổ chức như Sen Vàng chắc lãi khủng?
- Cái ngành bề nổi này, rất dễ cho người ta nghĩ rằng, đó là một ngành rất giàu có. Nói sai hoàn toàn. Ngành giải trí này rất khó để mình giàu có, đủ ăn là may lắm rồi. Bởi mọi thứ đều có giá của nó.
Đơn cử như làm một chương trình, tôi phải mua thời lượng phát sóng trên đài, thông tin đăng tải trên báo chí... Mọi thứ đều được công khai hết, doanh số bao nhiêu thì mình được hưởng chênh lệch bấy nhiêu thôi.
Hoặc tôi là người đi mời nghệ sĩ về biểu diễn cho một công ty nào đó chẳng hạn, giá của người nghệ sĩ đó, công ty kia cũng dễ dàng biết được, nên mình chỉ lấy phí quản lý, phí kết nối.
Sau khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu hay những chương trình khác, giá trị tài trợ đều bỏ vào làm sân khấu hoặc thứ này, thứ kia; thu đường này thì chi ra đường khác, cái mình lãi nhất là tích lũy được khách hàng.
Ví dụ: Khách hàng A lần này tài trợ cho tôi cuộc thi hoa hậu, tôi làm làm tốt, lần sau họ lại làm tiếp chương trình khác. Rồi họ lại kêu bên tôi tổ chức sự kiện, hay kêu hợp tác các chương trình khác, ngoài hoa hậu.
Khi tôi tổ chức các cuộc thi hoa hậu, tôi quản lý các cô hoa hậu, tôi có cơ hội kết nối để họ làm đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng. Thế là tôi lại tiếp tục có quan hệ với nhãn hàng. Đó là thứ tôi lãi nhất chứ không phải tôi làm hoa hậu rồi kiếm được nhiều tỷ đồng.
Người ta đồn rằng trong các cuộc thi hoa hậu, có thể bỏ tiền ra mua giải, cái này đúng hay sai?
- Tôi không biết nơi khác như thế nào, nhưng chưa có ai có thể mua được bất kỳ một giải thưởng nào, dù nhỏ nhất tại các cuộc thi do tôi tổ chức. Bởi, tổ chức cuộc thi hoa hậu là công việc của tôi và tôi phải tạo ra những sản phẩm tốt. Nếu tôi không tạo ra những sản phẩm tốt thì sẽ không có chỗ đứng trong lĩnh vực này.
Cho nên, không thể mua danh ba vạn bán danh ba đồng và nói "mua giải", có nghĩa là mua tôi. Nhưng tôi đâu có bán, bằng bất kỳ giá nào cũng không bán, vì bán giải khác nào là bán mình?
Ở bất kì một cuộc thi nào, không riêng gì hoa hậu, kể cả trên thế giới, mọi người hay đặt câu hỏi về việc có mua bán giải hay không? Tôi cho rằng cách nghĩ vậy là chưa đúng. Tại sao khi nhìn nhận một vấn đề, người ta luôn nghĩ theo hướng tiêu cực, chứ ít khi nghĩ tới những thứ tích cực?
Tại các cuộc thi do tôi tổ chức, một thí sinh nào đó cho một bịch trái cây, kêu là bố mẹ gửi cho ban tổ chức, tôi sẽ mở bịch trái cây đó ngay lập tức, trước mặt tất cả mọi người để cùng ăn. Tôi luôn thể hiện sự minh bạch, rõ ràng, không nhận bất kỳ một thứ gì và ê-kíp của công ty cũng vậy.
Không ai được nhận bất kỳ một thứ gì của thí sinh, dù là ly trà sữa hay một cái bánh. Bởi nếu nhận, sẽ tạo ra chuyện là ê-kíp chăm sóc thí sinh này, không chăm sóc thí sinh, bị rối rối đội hình liền. Vì thế, ai cũng phải được đối xử như nhau. Vậy mới tạo một môi trường lành mạnh cho tất cả thí sinh.
Người ta thường nói, hoa hậu là của đại gia, chị nghĩ sao?
- Quan niệm đó bây giờ bị cổ lỗ sĩ lắm rồi. Bây giờ đại gia không phải ai cũng thích lấy vợ hoa hậu đâu, vì nó cũng phiền toái lắm. Lấy vợ hoa hậu xong tự dưng bị soi mói, rồi thậm chí ảnh hưởng tới công việc của họ nữa.
Tôi quản lý mấy hoa hậu, á hậu thì có đến 99,9% các bạn đều muốn có tình yêu đẹp. Họ muốn được đi chơi chỗ này, chỗ kia rồi "úp" hình với người yêu. Họ muốn được chăm sóc, đúng như độ tuổi đang yêu của các bạn, một tình yêu bình thường.
Tôi khẳng định những bạn tôi quản lý, không ai có ý định lấy đại gia hết. Ai cũng muốn có một tình yêu đẹp. Còn sau này các bạn lớn lên rồi, nhu cầu tiền bạc cao hơn thì lúc đó họ đã lớn, vượt khỏi giới hạn tuổi trẻ do tôi quản lý. Lúc đó thì thôi, mình không quan tâm nữa.
Trở lại cuộc thi "Hoa hậu thế giới Việt Nam", bà có thể cho biết, sau khi bị công chúng chỉ trích, đòi tước vương miện vì vạ miệng, thậm chí còn bị lập nhóm anti-fan với hơn 620.000 thành viên, hiện tại hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi như thế nào, đang ở đâu?
- Ý Nhi vẫn đang ở Sài Gòn, nhưng cô ấy đã về Bình Định làm từ thiện và thăm gia đình. Ý Nhi về thăm ba, vì ba cô ấy đang buồn lắm. Nói gì thì nói, dù có chuyện gì xảy ra với mình, người lo nhất vẫn là gia đình. Ba Ý Nhi lại sống một mình, gà trống nuôi con, cho nên càng có cảm giác trách nhiệm của mình quá nặng trong cái sai của con cái.
Thật ra, Ý Nhi đó là một đứa rất ngoan, rất hiền và có tâm. Đó là lý do mà tôi chọn bạn ấy, chứ không phải vì tôi hời hợt để chọn một người không ra gì. Nhưng đúng là mình chọn mà mình lại chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nên mới xảy ra chuyện như vừa rồi.
Còn về mặt chiều sâu tâm hồn, tôi tin rồi người ta sẽ nhìn thấy ở Ý Nhi sớm thôi. Bởi những gì thuộc về sự thật, mình có vùi dập cỡ nào, hay là có lên bờ xuống ruộng kiểu gì thì sự thật vẫn phải nổi lên.
Sắp tới, sau cuộc thi hoa hậu này, Ý Nhi sẽ tiếp tục bước sang một nấc thang mới, nó sẽ mở ra những điều gì nữa, nếu trong trường hợp mọi thứ thuận buồm xuôi gió?
- Mình đi tìm người giống như đãi cát tìm vàng vậy. Có những lúc ổn, mình sẽ có mấy cục vàng. Nhưng có lúc xui rủi, sẽ có một chút trắc trở. Nhưng tôi nghĩ đấy mới là cuộc sống, trong trường hợp đó mình phải có thời gian. Tôi cũng nghĩ rằng, để tạo nên một con người, chỉ 1% là bẩm sinh thôi, 99% còn lại phải do tự nỗ lực.
Có nhiều người thành công từ khi là một đứa trẻ nhưng khi thành công đến sớm quá, lớn lên lại trở nên hư. Và nếu như một người có xấu đi nữa mà mình cố gắng, họ cố gắng, rồi cũng thành người tốt.
Còn với Ý Nhi, cô ấy là một cô gái rất nỗ lực, có nền tảng, có tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Vậy nên, mọi người hãy kiên nhẫn với cô ấy một chút, cho cô ấy cơ hội.
Vừa rồi tôi đọc được status của một phóng viên ở Hà Nội trên Facebook. Bạn đó viết: "Khi tôi biết bơi, tự dưng tôi muốn hô lên cho cả thế giới biết là tôi đã biết bơi. Tôi quá tự hào khi mà tôi nổi được trên mặt nước. Hay có một ngày, con tôi thi đậu cái gì đó, tôi đã la cho cả thế giới biết rằng con tôi thi đậu". Ý Nhi cũng như vậy.
Vậy nên cũng khó trách một cô gái 21 tuổi, từ một vùng quê, sau một đêm trở thành hoa hậu, cô ấy tự hào về điều đó. Nhưng cái sai nằm ở chỗ, khi mình đã là người của công chúng rồi, mình phải biết kìm nén cái niềm tự hào đó xuống. Và cho mọi người thấy rằng, đó chỉ là một chút thoáng qua thôi. Điều quan trọng là công chúng phải nhìn được cả quá trình bạn ấy phấn đấu. Cái ngày đăng quang hoa hậu chỉ là ngày bắt đầu thôi.
Ngày đó không phải là ngày thành công đâu, mà là ngày bắt đầu tập luyện, rèn luyện bản thân, nỗ lực để rồi sau đó 1 năm, 2 năm, 5 năm sau, trả lời cho người ta thấy rằng bạn đã làm được những gì.
Tôi cũng mong công chúng hãy nhìn hoa hậu như là một cô gái đẹp. Cô ấy có một số điều đặc biệt và đang cố gắng, để có một chút giá trị cho xã hội chứ đừng kỳ vọng hoa hậu phải cao siêu, hoặc phải thế này thế kia.
Suy cho cùng hoa hậu ở những ngày đầu đăng quang mới là bắt đầu. Mong mọi người sẽ có cái nhìn thông cảm và sẻ chia hơn.
Vậy theo bà căn nguyên của những phát ngôn vừa qua của Ý Nhi là gì?
- Ý Nhi xuất thân từ huyện Hoài Ân, một vùng núi, cách TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 80 cây số. Cô ấy quanh quẩn ở vùng quê, quanh quẩn với nhóm bạn của mình cho đến lớp 12, rồi tự nhiên, một ngày đi thi hoa hậu, bước ra đại dương mà không biết mình đã bước ra đại dương.
Giống như kiểu trong vô thức, sau một đêm trở thành người nổi tiếng, dẫn đến sự ngỡ ngàng mà chưa chuẩn bị, trang bị cho đúng. Lẽ ra chúng tôi nên chậm lại một chút, dành thời gian để đào tạo thêm cho cô ấy.
Ít nhất cũng đào tạo cho cô ấy nên và không nên nói những điều gì. Nên chậm rãi, khiêm tốn ra sao và không nên nói cái gì mình không biết. Đây là việc mà công ty phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Cuộc thi mà Ý Nhi vừa đăng quang được tổ chức ở Bình Định, phải chăng mình chọn hoa hậu thiên vị theo địa phương?
- Không phải vậy đâu. Lâu nay, tôi tổ chức hoa hậu ở khắp các nơi, có bao giờ tới địa phương nào, chọn người ở đó đâu. Bình Định họ còn không biết họ có một thí sinh ở địa phương đi thi.
Tôi nói thêm chút, ở mỗi cuộc thi chúng tôi đều cho các thí sinh tự bình chọn với nhau, tại cuộc thi vừa rồi cũng vậy, có đến hơn một nửa các bạn bình chọn Ý Nhi là hoa hậu. Số thăm còn lại là các bạn tự bình chọn cho mình. Trong khi đó, Ý Nhi lại bình chọn cho một bạn khác.
Cộng đồng đang có làn sóng yêu cầu tước vương miệng của Ý Nhi, ý kiến của bà về việc này thế nào? Theo bà trường hợp không bị tước vương miện, Ý Nhi sẽ mất gì sau chuyện này?
- Tôi nghĩ cái mất của Ý Nhi chính là trách nhiệm cá nhân của cô ấy, đối với sự yêu - ghét của công chúng dành cho mình.
Ngoài ra, với trách nhiệm của ban tổ chức, chúng tôi phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng và kiên trì hàng ngày, để một thời gian nữa cho công chúng thấy được sự nỗ lực của Ý Nhi.
Cộng đồng gay gắt như vậy có phải do từ trước tới nay, trong mắt người Việt, hoa hậu luôn được xem là một người phải rất hoàn hảo?
- Đó chính là áp lực, nhưng cũng là thuận lợi, vì người ta có coi trọng mình, có quý mình thì người ta mới kỳ vọng mình. Cho nên áp lực thì phải cố gắng nhiều hơn, phải biết gò mình lại. Đã dấn thân là phải chấp nhận mình sẽ mất một chút tự do.
Mình sẽ phải kỹ lưỡng trong ăn nói, thậm chí ăn uống cũng không được thoải mái. Như việc không được để mình tăng cân, tăng cân là phản bội lại tình yêu của người ta dành cho cái đẹp rồi.
Rồi cũng không được mặc đồ xấu, bởi vì hoa hậu là phải mặc đẹp, hay thay vì bình thường, mình có tiền, mình đi chơi, thì bây giờ mình có tiền, mình phải làm từ thiện. Đó là việc mà xã hội kỳ vọng và bạn phải đáp ứng được.
Nên tôi nghĩ đã dấn thân là phải chấp nhận. Và trong những trường hợp đó, không được kêu ca tại sao mọi người lại kỳ vọng tôi như vậy, mà chỉ mong người ta tha thứ, bỏ qua và đón nhận để mình có cơ hội sửa đổi.
Tôi nghĩ mấu chốt cuối cùng trong một cái sai của người nổi tiếng, không riêng gì hoa hậu, là mình phải tự hiểu rằng, mình có thứ những người bình thường không có. Ngược lại, mình sẽ mất những điều mà người bình thường không bị mất. Như vậy là công bằng.
Từ lúc bắt đầu tổ chức các cuộc thi hoa hậu tới giờ, có bao giờ bà gặp "sự cố" giống như với hoa hậu Ý Nhi không?
- Trong quá khứ cũng có một đôi lần. Chẳng hạn các bạn mặc đồ sai, lỗi về phát ngôn hoặc lỗi về chỗ ngồi... Nhưng những tình huống đó đều ở thời điểm trước đây, khi mạng xã hội chưa quá phát triển như bây giờ, vì thế mọi chuyện rồi cũng qua.
Nhưng ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, nếu gặp lỗi sẽ bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần và có khi còn bị đẩy lên thành xu hướng (trend). Cho rằng là nó rất nặng, tự nhiên nó sẽ rất nặng.
Con người hiện nay ai cũng bận rộn hết nên rất dễ stress, dễ thương và cũng rất dễ ghét. Lần đầu bạn gặp tôi mà có người nói với bạn rằng cô Dung đó cổ được lắm, tự dưng trong lòng bạn đã có cảm tình sẵn khi đến gặp tôi rồi.
Nhưng nếu bạn chưa gặp mà đã đọc được ở đâu đó, hay có người nói lại rằng con nhỏ đó dễ ghét lắm, có khi bạn đã nghĩ về tôi với một tâm trạng rất dễ ghét ở trong đầu rồi.
Như vậy, bạn thấy không, dù tôi chưa làm gì cũng đã bị ghét, nó cũng giống như con người mình ngày nay, có định kiến sẵn do mình không có nhiều thời gian để tìm hiểu về vấn đề. Vậy nên tâm lý đám đông sẽ làm cái lỗi trở nên nặng nề hơn.
Cảm ơn bà đã dành cho Dân Việt cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.