Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 1.

Cơ duyên để anh làm "người thầm lặng kết nối, tri ân, giúp đỡ cựu binh, thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma" như thế nào?

- Việc này tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất lâu rồi, không phải đợi tới năm 2012 (năm ra đời Ban liên lạc) đâu. Kể từ ngày xuất ngũ năm 1990, những người bạn, đồng đội ngã xuống ở Gạc Ma luôn ám ảnh tôi. Rồi còn đó những thân nhân liệt sĩ, các cựu binh trở về, người thì bệnh tật, ai cũng gia cảnh khó khăn. Nhưng hồi đó, cuộc sống mưu sinh không cho phép tôi có điều kiện làm được gì cho đồng đội. Có đêm, nằm nghĩ đến các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, ai nấy đều tuổi đời còn trẻ, rồi lại chứng kiến gia cảnh thân nhân của họ, rồi tới những người trở về với bao khó khăn, tôi cứ trằn trọc: "Không thể không làm gì đó".

Mãi tới năm 2011, chúng tôi vào Hội An (Quảng Nam) để dự lễ kỷ niệm của các cựu binh Trường Sa nhân ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều anh em ngồi lại với nhau, mừng mừng tủi tủi. Chợt nhận ra, vì cuộc sống mưu sinh, đôi khi chúng tôi dường như đã lãng quên nhau... Trong bữa tiệc hôm đó, chúng tôi đã thống nhất: "Phải có ngay một Ban liên lạc các cựu binh Trường Sa, mà phải là các cựu binh trong giai đoạn 1984 – 1988". Sau đó chúng tôi làm tờ trình gửi Hội Cựu chiến binh thành phố để xin phép. Tất cả đều thuận lợi chứ không khó khăn như vẫn tưởng…

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 2.

Sao lại "khó khăn như vẫn tưởng"?

- Đó có thể do chúng tôi vẫn thường sợ thủ tục, giấy tờ nhiều khê, nhưng không ngờ, khi đề bạt nguyện vọng với Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, họ đồng ý ngay.

Có một người tôi vẫn nhớ ơn đến tận bây giờ, mặc dù ông ấy không còn sống. Đó là ông Nguyễn Bá Thanh. Thời điểm đó, ông Thanh là Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Khi cầm tờ trình xin thành lập Ban liên lạc, ông ấy đã phê ngay hai chữ "đồng ý" và yêu cầu các bộ phận liên quan thực hiện khẩn trương. Nhưng phải 1 năm sau, tức năm 2012, Ban liên lạc mới chính thức ra mắt, lấy ngày 14/3 làm ngày truyền thống của Ban.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 3.

Hơn 10 năm qua, anh, với tư cách là Trưởng Ban liên lạc, đã cùng anh em thường xuyên tổ chức sự kiện tri ân các chiến sĩ Gạc Ma. Ngoài ra, anh cũng là người kết nối, tri ân… Anh thực hiện các việc đó như thế nào?

- Trong tâm tôi, có một sự thôi thúc mãnh liệt: Tôi làm vì các đồng đội của tôi, họ thực sự là những anh hùng.

Tôi kể chưa hết câu chuyện về ngày thành lập Ban liên lạc, tôi nghĩ, để những công việc được trôi chảy, thuận lợi, dường như có một sự tâm linh nào đó phù hộ chúng tôi. Để rồi bây giờ, sau chặng đường hơn 10 năm nhìn lại, tôi nhận ra, dường như linh hồn liệt sĩ Gạc Ma luôn ở bên tôi, phù hộ cho tôi hanh thông các công việc liên quan đến họ.

Nhiều năm qua, hình ảnh anh Nguyễn Văn Tấn gắn liền với các chương trình tri ân liệt sĩ Gạc Ma, rồi các chương trình kết nối tặng quà, lo cho cuộc sống thân nhân…, kỷ niệm nào anh ấn tượng nhất?

- Làm sao kể hết được, tôi ví dụ rất đơn giản mà sinh động thế này. Trong điện thoại của tôi là gần 500 bức ảnh, đó là những khoảnh khắc chúng tôi ghi lại những gì chúng tôi cùng nhau trải qua. Trong đó, những bà mẹ như mẹ Lê Thị Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc), mẹ Nguyễn Thị Trước (mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi), mẹ Trương Thị Ngò (mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Cường)… luôn để lại cho tôi những cảm xúc không thể nào quên.

Đó là những lần chúng tôi thực hiện chương trình thay di ảnh thờ của các chiến sĩ; tặng tủ thờ cho gia đình liệt sĩ Phạm Văn Lợi…

Bây giờ vào tham quan Khu tưởng niệm Gạc Ma, nhìn vào di ảnh của 64 chiến sĩ hy sinh, ai cũng nhận thấy một điều là hình ảnh các liệt sĩ Đà Nẵng rất trang trọng. Đó là chương trình phục hồi ảnh gốc mà Ban chúng tôi nảy sinh ý tưởng. Cụ thể, chúng tôi tự bỏ tiền và vận động thêm rồi tới từng nhà của 10 liệt sĩ, xin ảnh gốc để phục chế, làm lại cho đẹp hơn, trang trọng hơn. Các chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, hồi đó kỷ thuật ảnh còn sơ sài, đa phần ảnh đã xuống cấp nên cần được phục chế lại.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 4.

Ngoài Đà Nẵng tôi còn thay di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường ở Quảng Nam, đó là một câu chuyện xúc động đến hôm nay tôi vẫn không thể nào quên.Liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (Điện Bàn – Quảng Nam) không có di ảnh mà chỉ là bức vẽ bằng bút chì trên tờ giấy A4. Vô cùng xót xa. Tôi tự bỏ tiền túi, thuê thợ ở Đà Nẵng phục chế lại, vẽ bằng phần mềm, cho ra ảnh màu, sau đó vào tận nhà liệt sĩ Cường, thắp nén nhang thành kính và xin quẻ âm dương để thay di ảnh. Như có một sự thông linh, tôi chỉ xin đúng một lần là được.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 5.

Đã nhiều lần tham gia các chương trình tri ân các chiến sĩ Gạc Ma do Ban liên lạc tổ chức khi đi đưa tin, tôi vẫn nhớ hình ảnh các anh đứng vòng quanh cựu binh Dương Văn Dũng trong Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Để tìm và mời gi các đồng đội của anh Dũng về thăm anh ấy, như một lời tiễn biệt, chắc hẳn cũng không hề đơn giản?

- Anh nhắc tới làm tôi vẫn còn cay nơi khóe mắt khi hồi tưởng lại hình ảnh các đồng đội của anh Dương Văn Dũng cùng chúng tôi đứng vòng tròn, tượng trưng cho vòng tròn Gạc Ma bất tử xung quanh giường bệnh của anh ấy và hát các bài hát về Trường Sa.

Đó là vào năm 2016, cựu binh Dương Văn Dũng là người cuối cùng trong số các cựu binh Gạc Ma ở Đà Nẵng còn sống. Trong trận chiến "Vòng tròn bất tử", anh Dũng bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh ở Quảng Châu (Trung Quốc) 4 năm liền. Anh bị phát hiện ung thư não giai đoạn cuối và nguyện vọng duy nhất của anh là được sống một lần trong vòng tay đồng đội. Gia cảnh anh Dũng vô cùng khó khăn, người con trai duy nhất thì vừa mất vì tai nạn giao thông, đó như một đòn đánh chí mạng, dập tắt hy vọng sống của anh ấy.

Và rồi nhờ sự chung tay của nhiều người, chiều 19/11/2016, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã diễn ra một cuộc gặp tràn nụ cười và nước mắt. Anh Dũng hôm đó mặc bộ đồ Hải quân, đã khóc vì hạnh phúc giữa vòng tay đồng đội Gạc Ma và gia đình. Trên tấm phông in hình "Vòng tròn bất tử" là dòng chữ "Dũng Gạc Ma, cố lên". Lần đó, Dũng khóc, tôi khóc, mọi người cùng rơi nước mắt. Rồi chỉ vài tháng sau, anh Dũng thanh thản ra đi. Vợ con anh kể, những ngày cuối đời, dù vô cùng đau đớn nhưng anh vẫn vui vẻ lạc quan, bởi anh ấy biết rằng, đồng đội luôn nhớ và ở bên anh.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 6.

Chắc hẳn anh đang nhớ tới chiếc áo của mẹ Lê Thị Muộn?

- Không sai! Tôi còn nhớ chương trình kêu gọi trao tặng kỷ vật được khởi xướng, ngày 19/7/2016 chúng tôi bắt đầu kêu gọi. Kỷ vật đầu tiên tôi nhớ nghĩ tới là chiếc áo hải quân mà liệt sĩ Phan Văn Sự (con trai mẹ Lê Thị Muộn) để lại. Ngày ra Trường Sa trong sự kiện Gạc Ma bất tử, liệt sĩ Phan Văn Sự đã bỏ quên chiếc ảo hải quân ở đơn vị. Sau khi đơn vị trao trả kỷ vật, mẹ Muộn luôn bỏ chiếc áo con mình dưới gối nằm.

Rồi khi chúng tôi và các cựu binh tới thăm, mẹ mới kể chuyện chiếc áo và sau đó mẹ tự cắt tấm áo hải quân, may thành một chiếc áo bà ba để mặc bên mình, phần yếm thừa, mẹ lại cất dưới gối. Chiếc áo đó mẹ đã mặc 29 năm, cho tới 2016. Ngày chúng tôi tới, nhìn mẹ ngậm ngùi bên chiếc áo của con không nỡ rời xa, ai cũng rưng rưng. Mẹ thường nói "mặc tấm áo, như luôn cảm nhận được hơi ấm thằng Sự ở bên mình". Ban đầu mẹ không chịu, nhưng sau đó, khi tôi thuyết phục mãi, mẹ mới chịu trao tặng vì "tao nghe lời thằng Tấn". Có tấm áo này nằm trong Khu tưởng niệm Gạc Ma, anh em, bạn bè, đồng đội vào thăm còn biết câu chuyện về nó.

Ngoài tấm áo mẹ Lê Thị Muộn, chiếc áo sơ mi của liệt sĩ Trương Quốc Hùng mà mẹ Hồ Thị Lai gìn giữ cũng là câu chuyện đặc biệt. Ngay nhập ngũ, Trương Quốc Hùng bỏ quên ở nhà một chiếc áo sơ mi, đó là chiếc áo duy nhất anh để lại trước khi lên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Mẹ Lai hay nói với tôi, chiếc áo này còn thấm đượm mùi mồ hôi của con trai. Mấy chục năm qua, lúc nào mẹ cũng ôm chiếc áo này vào lòng khi đi ngủ. Đó là kỷ vật duy nhất để mẹ nhớ về con trai. Nó như khúc ruột, mẹ không thể nào dứt ra được. Anh cứ thử tưởng tượng xem, con trai mẹ hy sinh, tìm không thấy xác. Giờ chỉ có chiếc áo duy nhất là kỷ vật, là sợi dây nối tình cảm thiêng liêng. Sao nỡ bắt mẹ rời xa được. Tôi lại phải cùng anh em mất mấy ngày thuyết phục, nhiều khi nhìn mẹ khóc mà mình cũng rơi nước mắt theo luôn…

Cả hai mẹ Lê Thị Muộn và Hồ Thị Lai đã không còn nữa. Năm ngoái, ngay trong tâm điểm dịch Covid-19, khi toàn Đà Nẵng bị phong tỏa, cả hai mẹ do tuổi già sức yếu đã lần lượt ra đi. Tôi là người duy nhất đại diện cho các cựu binh, các đồng đội đến thắp nén nhang tiễn biệt hai mẹ.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 7.

Còn câu chuyện về lá thư cui cùng?

- Đó cũng là một trường hợp mà chúng tôi phải thuyết phục để mẹ trao tặng. Bức thư của liệt sĩ Lê Thế gửi mẹ Trần Thị Huệ (Sơn Trà – Đà Nẵng). Lá thư viết ngày 29/2/1988, gửi ngày 10/3 nhưng mãi tới gần 10 ngày sau, mẹ Huệ và gia đình mới nhận được thư của con. Mẹ xem bức thư như là báu vật, là khúc ruột vì đây là kỷ vật gần như duy nhất. Ban đầu mẹ Huệ không đồng ý, nhưng rồi tôi cũng phải thuyết phục mãi mẹ mới chịu trao tặng bản gốc. Rất xúc động!

Tất cả các trường hợp đi vận động trao tặng kỷ vật đều gặp khó khăn hay sao?

- Không phải. Có trường hợp tôi vô cùng ấn tượng. Đó là gia đình liệt sĩ Ngô Bá Cường ở Quảng Nam. Liệt sĩ Cường không có được một tấm di ảnh khiến tôi phải thuê thợ phục chế, vẽ in màu từ bức tranh chân dung trên tờ giấy A4, nhưng kỷ vật mà anh ấy để lại khá nhiều. Đó là tấm áo, đôi giày, ba lô, chiếc mền đắp.

Tôi còn nhớ năm 1988, lúc đó báo Quảng Nam – Đà Nẵng còn đăng bài về các kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Mẹ của liệt sĩ Cường là Trương Thị Ngò có 3 người con đều nhập ngũ. Mẹ hay tâm sự với tôi, với niềm tin mãnh liệt Út Cường (tên mẹ Ngò vẫn hay gọi liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, vì anh là con trai út – PV) sẽ trở về đất liền. Tôi vẫn thường an ủi mẹ, rồi em ấy sẽ trở về. Năm 2016, khi tôi đến, mẹ trở nên minh mẫn, mân mê từng món kỷ vật của Út Cường trước khi trao nó cho tôi để tặng cho Bảo tàng Gạc Ma. Mẹ như linh cảm được điều gì đó nên nói với tôi: Hãy để những đồ vật này của con mẹ vào bảo tàng, để anh em, đồng đội nó cảm nhận, nhớ về em nó. Một năm sau (2017), mẹ Ngò cũng về với liệt sĩ Nguyễn Bá Cường.

Anh trai của liệt sĩ Cường là anh Nguyễn Bá Hùng, người thay mẹ Ngò mang chiếc ba lô của em trai mình vào trao tặng cho khu tưởng niệm. Chiếc ba lô đó, như mẹ Ngò dặn chúng tôi, ngoài những kỷ vật của Cường như thẻ đoàn viên, tấm áo, đôi giày, di ảnh… thì còn là lời dặn yêu thương của mẹ. Rất xúc động!

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 8.

Ký ức Gạc Ma, ký ức Trường Sa 1988 đối với anh như thế nào?

- Không bao giờ quên. Mãi mãi ghi nhớ trong lòng. Bây giờ đây, ngồi nói chuyện với anh, tôi còn cảm thấy nổi da gà. Dù chỉ 3 năm quân ngũ, trong đó 2 năm nằm ở đảo Trường Sa, nhưng đó là phần đời tôi mãi mãi không quên.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 9.

Tôi còn nhớ đó là mùng 1 Tết Mậu Thìn, chúng tôi được lệnh di chuyển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) để vào Cam Ranh (Khánh Hòa). Tôi được biên chế trên tàu Đại Lãnh, chở theo vật liệu xây dựng đảo. Một số anh em ở Đà Nẵng đi trên tàu 604 ra Gạc Ma. Chuyện diễn biến như thế nào, anh em hy sinh ra sao mấy năm gần đây báo chí nói nhiều rồi. Chỉ biết rằng, với Gạc Ma, đó là những sự hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.

Nhiều lần tìm hiểu, tôi nghe được sau sự kiện Gạc Ma, nhiều cựu binh còn sống nhưng ở quê, người nhà đã lập bàn thờ. Với các trường hợp lính công binh đi xây dựng đảo như anh thì thế nào?

- Chính xác đó là trường hợp của tôi. Ngay sau sự kiện Gạc Ma, chúng tôi bị kẹt lại ngoài Trường Sa mấy tháng. Anh em nằm dài trên sà lan chờ giải cứu. Tình hình lúc đó ở Trường Sa căng thẳng lắm. Có mặt tại thời điểm đó mới cảm nhận được. Nằm chờ mấy tháng trời, lương thực thì thiếu rau xanh, người ai nấy phù nề. Tôi nói anh em phải vững niềm tin, ăn xong phải vận động cho cơ thể khỏe khoắn. May là 2 tháng sau, có tàu dân sự của Sông Thu đi qua, đưa chúng tôi về đảo Trường Sa lớn rồi theo tàu quân sự về đất liền Cam Ranh.

Từ Cam Ranh rồi sau đó tôi được về nhà, mới hay người thân đã lập bàn thờ. Họ nghe tin tức về trận chiến Gạc Ma, danh sách hy sinh lại không có tên tôi, sau 3 tháng không liên lạc được nên cứ nghĩ đã mất tích.

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 10.

Hơn 10 năm đi gom kỷ vật, đi "xin" kinh phí để lo kết nối, lo cho cuộc sống của các thân nhân liệt sĩ, cựu binh… giờ đây, điều gì khiến anh còn trăn trở?

- Tôi xin nhắc lại là tôi làm cái này vì tự nguyện, làm vì cái tâm. Nên tôi thanh thản. Năm ngoái khi họp Ban liên lạc, tôi cũng đề xuất là cho tôi nghỉ, để anh em khác lên thay, có nét tươi mới hơn. Nhưng mới nghe thông tin này, nhiều thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đã giãy nảy, họ đòi tôi phải làm tiếp. Rồi tôi lại nghĩ tới anh linh của 64 liệt sĩ Gạc Ma toàn quốc nói chung, 10 liệt sĩ Đà Nẵng nói riêng, có lẽ, họ cũng không muốn tôi nghỉ.

Điều trăn trở nhất à? Đó là kinh phí để chúng tôi tiếp tục chăm lo cho gia đình thân nhân những cựu binh còn khó khăn trong cuộc sống. Chắc rồi lại phải đi "xin" thôi… (cười).

Một câu hỏi cuối, hơi tế nhị. Anh cứ đi lo chuyện như thế này quanh năm suốt tháng, vợ không ý kiến gì sao?

- Ngược lại. Bà xã động viên tôi đấy. Không có bà xã nhiều lúc cũng nản lắm vì ăn rồi cứ đi "xin" miết. Bà xã cũng xắn tay vào giúp tôi. Như trong các dịp tưởng niệm, cầu siêu như thế này, bà đứng ra lo nấu nướng, sắp xếp mọi thứ, giúp tôi và anh em hoàn thành công việc…

 Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh luôn khỏe mạnh để tiếp tục vai trò kết nối Gạc Ma!

Cựu binh Nguyễn Văn Tấn: "Linh hồn những chiến sĩ tử trận ở Gạc Ma luôn bên tôi" - Ảnh 11.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem