Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 2.

Chào TS Nguyễn Chí Hiếu! Sau lần lỡ hẹn trước, cuối cùng PV báo Dân Việt cũng được ngồi trò chuyện cùng với anh. Ở Việt Nam rồi lại bay sang Mỹ và giờ có mặt tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ về hành trình này?

- Trong 4 tháng qua, mình có học thêm bằng thạc sĩ về triết học và giáo dục. Mình vừa đi học,vừa dạy học và đào tạo, vừa quản lý công việc ở Việt Nam nên liên tục đi đi về về. Mệt nhưng thích vì mình như được dịch chuyển giữa 2 thế giới.Một thế giới được làm việc với học sinh, thầy cô, trường lớp; với một thế giới của thư viện, trang sách đôi khi cả ngàn năm và suy ngẫm về triết học, giáo dục, con người, cuộc sống, bản ngã. Mình thích sự xê dịch của 2 thế giới như vậy.

Chuyến bay này khác như thế nào so với chuyến bay đầu tiên của anh sang Anh Quốc sau khi đạt học bổng toàn phần A-level tại Trường Cambridge Tutors College?

- Năm 2002 là chuyến bay đầu tiên của mình và cũng là lần đầu tiên bước chân ra khỏi Việt Nam. Trước đó 1 năm, mình không nghĩ sẽ có chuyến bay này vì bố mẹ không định hướng đi du học. Mình cứ học say sưa và định lấy suất tuyển thẳng của Giải Nhì Quốc Gia Tiếng Anh để vào Trường Đại học Sư phạm hoặc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở TP.HCM. Chuyến bay đó mình khóc suốt vì ngày xưa chưa phổ biến điện thoại di động và phần mềm chat. Mình đi như kiểu cảm giác như không biết có ngày về. Vừa vui, hào hứng nhưng lại rất chông chênh, lạc lõng. Chia tay gia đình, bạn bè mà khóc như mưa.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 3.

Chuyến bay phiên bản năm 18 tuổi và năm 38 tuổi giống nhau là đều mong đợi một thế giới mới mở ra, được tìm hiểu bao la kiến thức, xã hội. Chỉ khác là năm 18 tuổi mình không biết gì, lơ ngơ như một đứa trẻ lần đầu đi xa. Còn năm 38 tuổi, mình có chủ đích hơn, biết mình đang tìm gì, theo đuổi gì nên bước đi có sự chắc chắn, bình an hơn. Ngày trước vừa đi vừa lo sợ thế giới sụp đổ. Còn bây giờ trong tâm thế là dù thế giới có sụp đổ đi chăng nữa thì mình vẫn bước đi tiếp.

Anh chia sẻ không định hướng đi du học nhưng đã giành học bổng toàn phần A-level của Trường Cambridge Tutors College năm 2002. Anh đến với học bổng này như thế nào?

- Mình học xong lớp 11 ở Quy Nhơn và được ba mẹ chuyển học lớp 12 vào TP.HCM. Tình cờ đó là vào ngày nghỉ sau 20/11, bạn mình bảo có học bổng này mà không có xe nênnhờ mình chở đi thi. Mình hỏi ban tổ chức thi bao lâu thì nhận câu trả lời là cả sáng lẫn chiều. Thế nên, trong lúc chờ đợi mình đã đăng ký thi thử cho đỡ cực công2 lần đưa đón. Kết quả là mình đỗ. Mọi chuyện cứ như sắp đặt sẵn vậy.

Từ một cậu học sinh bỡ ngỡ lần đầu bước chân ra nước ngoài, anh đã trở thành sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004; Top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006; thủ khoa MBA Đại học Oxford… Động lực nào giúp anh đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ như vậy?

- Mình không có động lực nào cả ngoài việc thích học, thích giải đáp thắc mắc, thích đi tìm tri thức và mở rộng nó. Trong đầu mình không tồn tại giải thưởng mà chỉ lao vào thư viện, sách vở. Mình học rất tự nhiên vì được bố mẹ nuôi dưỡng, nhà trường và thầy cô vun đắp, và cứ lớn lên trong niềm yêu thích học tập như vậy. Giải thưởng đến như là sản phẩm phái sinh chứ không phải chủ đích ban đầu của mình.

Vậy trên hành trình đó, đã bao giờ Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu gặp thất bại?

- Không phải là có gặp thất bại không mà là bao nhiêu lần thất bại (cười). Có thể mọi người chỉ thấy thành tích của mình mà nghĩ mình thành công. Thực tế, đi với một thành công là kèm với rất nhiều thất bại. Ví dụ như mình muốn giành học bổng phải gửi 10 trường thì bị từ chối 7-8 trường; rất nhiều lần nộp đơn thì chỉ được nhận ở trường lựa chọn số 2, 3.

Hay như mình gửi 70, 80 hồ sơ xin việc nhưng chỉ có 10 nơi gọi phỏng vấn, trong đó chỉ 1, 2 nơi cho mình công việc. Chính vì vậy,mình rất ngại nói về thành công của mình. Thực ra, với mình thành công tại thời điểm đó thích nhưng không bền vững và thường mình sẽ quên đi rất nhanh. Nhưng thất bại, khoảng thời gian xử lý sau thất bại và vượt qua nó mới là cảm giác trường tồn trong con người và làm nên tính cách của mình. Thành công chỉ có bấy nhiêu nhưng thất bại mới là vốn sống, là kiến thức, là tính cách và giá trị của bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 4.

Trong rất nhiều chia sẻ của anh, anh luôn nhắc đến bố mẹ. Bố mẹ có tầm ảnh hưởng cũng như thúc đẩy để có được một Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu ngày nay thế nào?

- Mình cảm ơn bố mẹ thì nhiều lắm. Bố mẹ mình muốn trao điều gì cho con thì chính bố mẹ sẽ làm điều đó trước. Một trong những lý do cho niềm yêu thích học tập rất tự nhiên của mình làlớn lên được nhìn thấy bố mẹ lúc nào cũng học, dù ông bà ngày trước đã là giáo viên có tiếng. Thậm chí bây giờ mẹ mình hơn 70 tuổi, bố gần 80 tuổi nhưng vẫn đọc sáchbáo, ghi chép say sưa. Tất nhiên còn nhiều điều khác nữa như sống tử tế, chân thành, đối xử tốt với mọi người, làm việc chăm chỉ. Ngày xưa mình nhìn bố mẹ làm việc thâu đêm suốt sáng, mình thấy vừa cảm động vừa được truyền cảm hứng.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 5.

Điều thứ 2 là bố mẹ không tạo áp lực cho mình. Bố mẹ chỉ đơn giản định hướng là nếu mình thích thì làm. Nhưng đã không làm thì thôi, còn làm thì phải đi đến cùng, có trách nhiệm với quyết định của mình. Không đạt được như mong đợi cũng không sao miễn là mình đã làm hết sức.

Chính vì điều đó, mình vừa yêu thích học tập, vừa đặt ra mục tiêu (nhiều khi còn lớn hơn cả mục tiêu mà bố mẹ đặt ra) và tự chịu trách nhiệm. Mình lớn lên trong tâm thế sống, làm việc, học tập tự lập chứ không đổ thừa cho ngoại cảnh hay cho người khác. Mỗi mục tiêu đặt ra cao hay thấp phải là của mình và mình là chủ sở hữu duy nhất của nó.

Anh có thể tiết lộ đã xây dựng cho mình mục tiêu ra sao?

- Mình luôn đặt ra 2 loại mục tiêu dài hạn và ngắn hạn. Ví dụ như vào lớp 6, mình có mục tiêu là phải thử thách bản thân ở cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc những mục tiêu dài hơi hơn như là vào được trường chuyên. Còn mỗi ngày vận hành, mình vẫn đề ra mục tiêungắn hạn để vận hành cho mục tiêu dài hơi đó.

Tuy nhiên, không phải đặt quá nhiều mục tiêu ngắn hạn là phải nhất kỳ thi này, nhất kỳ thi kia. Bố mẹ, thầy cô đặt ra cho mình mục tiêu mỗi ngày phải nỗ lực hết sức có thể. Thời điểm này tiến bộ hơn thời điểm trước, tháng này tiến bộ hơn tháng trước, năm sau tiến bộ hơn năm trước. Thời tiểu học hay đầu cấp 2, bố mẹ chưa bao giờ đặt cho mình phải giỏi nhất lớp, nhất trường vì hồi đó mình không phải là học sinh giỏi nhất lớp, nhất trường. Chỉ đơn giản là mình đã làm hết sức của mình.

Lên lớp 7-8, mình mới tự đặt ra mục tiêu cho mình là phải thi học sinh giỏi, vào lớp 10 chuyên Anh của tỉnh. Mỗi ngày mình đều làm hết sức có thể để thực hiện mục tiêu và cái tính đó đã theo mình đến tận bây giờ.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 6.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 7.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 8.

Nằm trong Top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới, tại sao anh lại quyết định về nước dù phía trước có nhiều cơ hội rộng mở?

- Lựa chọn về nước đơn giản là mình muốn thử nghiệm. 2 mùa hè trước đó, mình có về Việt Nam và dạy thêm cho học sinh. Sau khi tốt nghiệp mình nhận một số lời mời làm giáo sư, làm ngân hàng, tài chính và mình nghĩ con đường đi đã rất rõ ràng.Tuy nhiên, khi đang nhìn trên bàn giấy mời làm việc tự nhiên thì có một số em nhắn tin khoe được nhận học bổng du học. Thành tích dù nhỏ thôi nhưng mình thấy sao hạnh phúc, bình an thế. Công việc kia dù kiếm được nhiều tiền nhưng không cho mình cảm giác như vậy. Trong cảm giác mơ hồ đó, mình quyết định về Việt Nam.

Công việc đầu tiên của anh khi trở về Việt Nam là gì và có gặp khó khăn không sau nhiều năm ở nước ngoài?

- Hồi mới về nước, mình làm cho một trung tâm luyện thi tiếng Anh. Công việc không khó khăn và mang lại cho mình cảm xúc trong trẻo, vô tư. Bước vào lớp mình thực sự thấy hạnh phúc, vì trong lớp học là một thế giới không sân si, tính toán như thế giới của người lớn ngoài kia. Mình vẫn hay trêu đùa là mình được sống với tụi nhỏ chứ không phải dạy học.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 9.

Nhưng sau 10 năm ở nước ngoài, cách sống, suy nghĩ, mối quan hệ của mình vẫn hơi hướng của cuộc sống bên kia hơn. Về Việt Nam, mình tự nhận mình non và ngộp với cuộc sống cũng như các mối quan hệ ở thời điểm đó. Vì vậy, năm 2015 - 31 tuổi, dù công việc đang vô cùng thuận lợi và mình cũng có địa vị tiếng tăm nhất định, mình quyết định dừng lại và tiếp tục ra nước ngoài đi học.

Mình chia tay mọi người. Hồi đó thuê nhà nên mình cho bạn bè hết đồ đạc. Sang Anh học chỉ mang 2 chiếc vali tổng 33kg. Mình nghĩ ồ, hóa ra mình sống nhẹ tênh. Lần này, mình đi học với tâm thế muốn tạm tách ra khỏi thế giới cũ. Mình dành thời gian để đọc sách, tĩnh tâm, suy nghĩ và gợn lên sự giằng co là đi dạy ở Việt Nam hay sống ung dung, tự tại ở nước ngoài. Sau đó, mình đã nhận ra dù công việc hay cuộc sống thì đó cũng chỉ là môi trường thôi. Quan trọng là thế giới bên trong của mình bình an, tự tại, hiểu mình là ai. Không phải mình sống ở đâu mà sống ở nơi đó thế nào, làm gì với chính mình và bước đi con đường đã chọn như thế nào.

Từ lúc nhận ra điều đó, mình bắt đầu xử lý tất cả vấn đề, khúc mắc, trăn trở về bản thân, gia đình, cuộc sống, công việc, tiền bạc, danh vọng, thành công, hạnh phúc… Và mình trở về Việt Nam trong vui vẻ, hạnh phúc, và rất nhiều bình an trong thẳm sâu.

Mình luôn đau đáu một việc là học sinh của mình phải học thêm quá nhiều. Cả ngày học ở trường rồi buổi tối, cuối tuần lại đi học thêm. Vì vậy, mình quyết định dấn thân vào mảng giáo dục phổ thông.

Bắt đầu lại với giáo dục phổ thông khi từng là thủ khoa Toán - Thống kê, Tiến sĩ Kinh tế. Có khi nào anh thấy chạnh lòng?

- Trong giai đoạn đầu về nước mình cũng tiếc vì bỏ đi những gì đã học. Mình cũng hơi sân si, tủi thân, so sánh vì bạn bè làm mảng tài chính mua được nhà, mua xe ở nước ngoài. Mình thì cặm cụi đi dạy dù lương cao hơn so với giáo viên khác nhưng lại thấp hơn nhiều so với bạn bè. Cũng có lúc mình "giá như", "nếu mà"… nhưng rồi mình nghĩ, đó không phải là mục tiêu hướng đến. Rất nhanh sau đó, mình đã "ngộ" ra là cái mình đam mê theo đuổi chính là những vấn đề mình cần và muốn giải quyết, chứ không phải là con đường làm giàu hay đi tìm danh vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 10.

Được tiếp xúc hàng ngày với phụ huynh, anh thấy phụ huynh ở Việt Nam thế nào? Có điều gì khiến anh trăn trở?

- Không chỉ phụ huynh ở Việt Nam mà các nước khác đều vậy, luôn có những phụ huynh làm rất tốt nhưng cũng có một số phụ huynh đặt mục tiêu ngắn hạn nhiều hơn dài hạn. Ví dụ,bố mẹ bắt con phải đạt cái này, cái kiamà chưa nghĩ kỹ đến điều gì sẽ làm cho đứa trẻ hạnh phúc lâu dài. Có những mục tiêu ngắn hạn tốt nhưng thiếu mục tiêu dài hạn sẽ gây mệt mỏi, mất động lực. Có những mục tiêu ngắn hạn khiến trẻ hạnh phúc nhưng cũng có những cái đi ngược lại.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 11.

Một số bố mẹ dường như đã quên đi đời sống tâm hồn, tính cách, giá trị, tính nhân văn trong đứa trẻ. Mọi người tập trung vào đứa trẻ làm được gì, biết gì về mặt học thuật mà quên đi đứa trẻ là ai, cảm xúc ra sao, tâm tính như thế nào.

Thứ hai là thông tin mạng xã hội nhìn đâu cũng thấy học sinh giỏi, các kỳ thi học sinh giỏi, giải thưởng. Công nhận học sinh bây giờ giỏi hơn ngày xưa nhiều về mặt kiến thức, kỹ năng học tập vì đó là xu hướng phát triển của xã hội. Nhưng cùng với đó là áp lực của phụ huynh cũng lớn. Bạn muốn con mình sống hạnh phúc nhưng nhìn sang hàng xóm thấy khá nhiều"con nhà người ta" nên cũng sốt ruột, nóng vội. Điều này cũng khó cho phụ huynh.

Vì vậy, quan trọng là phụ huynh tự quản trị mâu thuẫn trong họ. Mình hay đùa với phụ huynh là hãy bớt bớt mục tiêu trường lớp, học tập lại một chút, mà hãy thật sự sống với tụi nhỏ nhiều hơn.

Vậy làm thế nào để phụ huynh phân biệt được đâu là động lực, đâu là áp lực, đâu là đang buông lỏng con, thưa anh?

- Mỗi người sẽ có quan điểm riêng nhưng với mình, cuộc sống phải luôn cân bằng: có nỗ lực và có tận hưởng, tự do trong khuôn khổ. Cho một đứa trẻ sự tự do tuyệt đối, đứa trẻ đó sẽ bị lạc hướng; còn với đứa trẻ bị khuôn khổ quá chặt sẽ áp lực, gò bó, ức chế. Vì vậy cần có những khung giờ tự do và khung giờ trong khuôn khổ, có những thứ tự do muốn làm thì làm nhưng cũng có những thứ không muốn cũng cần hoàn thành.

Mỗi đứa trẻ có sức chịu đựng khác nhau. Việc của cha mẹ là hãy tạo môi trường, điều kiện nương theo tính cách của chúng. Có trẻ làm tốt, làm được nhiều việc cùng lúc thì phải đặt ra thử thách, buông lỏng tự do quá đà sẽ lãng phí tài năng. Có những bạn thích đàn ca, múa hát, thể thao thì đừng kỳ vọng con nhất nhất phải trở thành nhà khoa học, nhưng điều đó không có nghĩa cho con suốt ngày đàn ca, múa hát, bỏ bê những chuyện học khác. Cha mẹcó thể không nhất thiết đặt ra nguyên tắc con cần phải học giỏi nhưng nên có nguyên tắc con phải học ổn, chịu trách nhiệm với việc học của bản thân.

Phụ huynh hiện nay muốn con cái gì cũng biết, nhưng hạnh phúc của một người là quản trị khoảng cách giữa năng lực của đứa trẻ với mong đợi. Hãy để con phát triển tự nhiên. Con người sinh ra không phải chỉ để học mà còn để sống, để phát triển, để yêu thương, để chơi đùa. Các em cần ngủ đủ, cần vận động để cơ thể khỏe mạnh, cần thời gian ở bên gia đình để có đời sống cảm xúc, tâm hồn phong phú và những mối quan hệ thân tình để sau này vượt qua những khó khăn, thử thách trong đời.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 12.

Phụ huynh luôn lo lắng rằng có đứa trẻ bộc lộ sở trường sớm nhưng có những đứa trẻ không biết thích gì, đam mê gì. Anh sẽ nhắn nhủ với phụ huynh này thế nào?

- Chúng ta vẫn thường vội vàng như vậy. Đồng ý là có những đứa trẻ sớm thể hiện tài năng, nhưng chúng ta cũng hãy vui vẻ và hạnh phúc nếu đến thời phổ thông con chưa bộc lộ sở trường gì. Có những người tìm thấy sở thích của mình từ năm cấp 2, 3, nhưng cũng rất nhiều người phải đến 40,50 tuổi mới biết mình thực sự thích gì. Điều này là bình thường. Và vì thế cha mẹ không nên nặng nề với việc con cần tìm ra thứ con thích sớm nhất có thể, mà hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu này.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 13.

Đời sống của một đứa trẻ không chỉ có đến lớp rồi về nhà, rồi đến lớp học thêm, mùa hè mới được đi chơi vài tuần rồi lại tiếp tục học trước chương trình trong năm. Cha mẹ hãy cho chúng được đi chợ, chơi với hàng xóm, đi bảo tàng, công viên, về quê, xếp lego, lập trình, vẽ tranh… Những trải nghiệm đó dù chưa chắc sẽ giúp tìm được sở trường của con nhưng lại mang đến đời sống phong phú. Sau khi cho con trải nghiệm, chúng ta sẽ quan sát và dần dần tìm được thứ mà đứa trẻ thích thú. Cha mẹ sau đó nên để con có nhiều thời gian hơn theo đuổi điều con thích, nhưng không phải là buông bỏ tất cả những thứ khác bằng mọi giá. Và cha mẹ cần trao đổi để con hiểu rằng, đã làm thì phải cố gắng hết sức, không làm xuề xòa, qua loa, làm một chút rồi bỏ, thử nghiệm liên tục mà chẳng có cái gì bền bỉ.

Một điều nữa là con càng lớn thì càng nên theo đuổi một mục tiêu, trải nghiệm dài hơi và có chiều sâu hơn. Làm gì cũng ít nhất trong 2-3 năm, chứ không phải là làm vài tháng rồi thôi, rồi cứ nhảy cóc từ cái này sang cái khác. Ngày xưa mình thích học đàn và muốn mua đàn. Bố mẹ đồng ý và bảo phải cam kết học 4 năm mới được nghỉ. Dù ngày mưa hay nắng bố mẹ đều đặn đưa mình đi học. Chỉ 3 lý do không đi là thiên tai, ốm đau hoặc bận thi cử ở trường. Bố mẹ luôn dặn: "Con phải tôn trọng người đứng lớp và tôn trọng quyết định của mình".

Hiện tại anh là Giám đốc học thuật Trường PTLC Olympia và Hệ thống OIS, anh có thể chia sẻ về công việc của mình cũng như quan điểm về hạnh phúc, thành công cho một đứa trẻ, mà anh hay chia sẻ, được hiện thực hóa ở đây như thế nào?

- Công việc của mình tập trung vào xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên, phát triển con người. Mình muốn tư vấn, đồng hành cùng các thầy cô và nhà trường để xây dựng chương trình học phát triển học sinh sâu sắc hơn, cân bằng giữa phát triển học thuật và phát triển con người.

Mình cũng hỗ trợ, tư vấn giúp các thầy cô để nội dung, phương pháp dạy học tiếp cận chuẩn quốc tế hơn; cùng thầy cô xây dựng những trải nghiệm đa dạng, phong phú, có chiều sâu hơn cho học sinh. Trước mỗi hoạt động học tập, trải nghiệm hoặc dự án… tất cả sẽ cùng nhau suy nghĩ để làm sao chương trình có thể vừa phát triển năng lực học thuật vừa chạm đến tâm hồn và giúp cho trẻ trưởng thành…

Ở Olympia, từ cấp Tiền Tiểu học đến hết THPT, các thầy cô đều tâm huyết, nỗ lực mang tới các hoạt động học tập trải nghiệm đa dạng và có chiều sâu, ở trong nước và quốc tế cho học sinh. Thông qua đó, các em được khám phá thế giới thực tế, khám phá bản thân để hiểu hơn về chính mình, được nuôi dưỡng trí tò mò, sáng tạo, tình yêu với việc học và phát triển các năng lực phẩm chất cần thiết. Từ đó học sinh sẽ có nền tảng tri thức, thể chất, sức khỏe tâm thần tốt, để sẵn sàng, tự tin bước ra biển lớn,hội nhập toàn cầu và thành công, hạnh phúc trong thế giới đầy biến động này.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 14.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 15.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 16.

Anh hay tư vấn cho phụ huynh về hạnh phúc, thành công. Vậy anh đã tìm thấy hạnh phúc và thành công cho chính mình chưa?

- Với mình, thành công đơn giản là việc giúp bản thânvà người khác tiến bộ hơn,chứ không phải là đạt được danh hiệu gì, kiếm được bao nhiêu tiền, giữ chức vụ gì.

Mình thấy hạnh phúc vì được là chính con người mình trong công việc, không phải gò ép đi theo mong đợi của người khác hoặc phải trở thành một phiên bản nào đó không phải là của mình. Trong cuộc sống, mình được theo đuổi thứ mình thích như dạy học, ngồi quán cà phê, đi phượt, đọc sách, viết lách, có thể hơi dị nhưng được tận hưởng công việc, cuộc sống và hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 17.

Anh vừa nhắc đến sở thích dị dị, vậy sở thích đó là gì?

Nhiều lắm. Mình thích ra nước ngoài, thuê căn hộ nhỏ nhỏ rồi sống như người bản xứ trong vòng 3, 4 tuần. Được ngủ dậy ra quán uống cà phê, ăn một miếng bánh. Hay ở Việt Nam,mình đi bộ ra rạp chiếu phim xem suất phim cuối cùng của ngày. Mình thích sự tĩnh lặng và cảm nhận bộ phim đó để lại cho mình cảm giác gì.

Hoặc đôi khi là tìm một quán cà phê và làm bất cứ việc gì hôm đó mà mình có cảm hứng, như nghiên cứu chương trình, chấm bài luận, đọc kế hoạch, viết vài trang sách, sửa bài cho học sinh và có khi là họp hành.Mình được tự do trong khuôn khổ. Ngày lễ nhiều người đi chơi, còn mình đơn giản là ngồi xem một bộ phim 2, 3 ngày, hoặc nhâm nhi café, đọc xong một cuốn sách. Nó không đạt được gì "hoành tráng" nhưng mình thấy cuộc sống luôn tràn đầy.

Đến thời điểm này, mình chưa có nhà cửa, xe cộ. Mình không có tính sở hữu quá nhiều, mà bản tính là thích tự do, thong thả, ung dung tự tại. Mỗi người có sự lựa chọn riêng, phù hợp với bản thân. Với mình, nhà và xe không phải là ưu tiên số 1. Ưu tiên của mình là đi nhiều nơi, nhiều trải nghiệm, sống ở nhiều quốc gia, nhìn thấy sự tiến bộ, thay đổi của mỗi người mình cùng làm việc, kể cả người đó có thích hay không thích mình.

Anh không nhà, không xe, mỗi lần đi đâu sẽ chỉ là chiếc vali 33kg?

- , bây giờ đi đâu 3, 4 tuần thì chỉ có 15kg và chiếc máy tính xách tay thôi. Mỗi năm mình có 70-80 chuyến bayTP.HCM, Hà Nộivà nhiều nơi khác, nhưng chỉ có chiếc vali nhỏ, nhiều khi trong vali có đủ quần áo cho 2-3 loại thời tiết khác nhau. Mình không có nhu cầu mua sắm gì nhiều, trừ cà phê mỗi ngày.

Mình không quan trọng ăn gì, ở đâu, đôi khi ngồi ở quán 100-200k nhưng cũng có khi 10k ở vỉa hè vẫn thấy thích hoặc ăn ổ bánh mì 10k, ăn xôi 5k vẫn thấy ngon và vui. Học sinh hay trêu là chúng mơ ước được sống như thầy cho tự do. Mình cho rằng tất cả những thứ đó không phải là kết quả hay thước đo cho thành công hay hạnh phúc, mà đó đơn giản chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân.

Mình muốn được sống với từng khoảnh khắc, tận hưởng bên người thân. Lúc mủi lòng mình cũng hay khóc, với học trò mình cũng khóc, bạn bè hay đồng nghiệp đang nói chuyện mà mình xúc động là cũng khóc. Nhưng thường mỗi ngày, mình hay cà khịa mọi người cho đời thêm vui.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 18.

Sau này anh có con, anh sẽ dạy con thế nào?

Mình chưa biếtnhưng sẽ làm như bố mẹ đã làm cho mình: cho con trải nghiệm, tạo điều kiện để con phát triển theo năng lực chứ không áp đặt phải thế nọ, thế kia. Cho con tận hưởng cuộc sống, dù mai sau là nhà khoa học hay là người buôn bán bình thường. Đặc biệt, mình chắc chắn sẽ tận hưởng cuộc sống bên con trọn vẹn 18 năm đầu đời, trước khi nó tung bay ra biển lớn.

Thời gian tới, anh đã lên kế hoạch cho bản thân và công việc ra sao?

- Sau chặng đường đi học 4 tháng, sắp tớimình sẽ đẩy mạnh hơn một số phương pháp dạy học mới vào nhà trường. Mình cũng sẽ theo đuổi các dự án, workshop chia sẻ với mọi người và dành thời gian cho ra một cuốn sách nào đó.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: “Hãy để trẻ được trải nghiệm cuộc sống muôn màu” - Ảnh 19.

Ngoài ra, mình có những dự án cộng đồng, chương trình cho trẻ ham đọc sách hơn, xây trường ở những vùng xa xôi…

Mình mong muốn tiếp tục những gì đã và đang theo đuổi trong gần 10 năm làm việc ở lĩnh vực giáo dục phổ thông của Việt Nam; chỉ là giờ sẽ làm sâu hơn nữa và trên diện rộng hơn. Với các nhà trường, đó là định hướng xây dựng mô hình trường và các chương trình học để giúp học sinh phát triển có nền tảng, có chiều sâu và cân bằng hơn về mặt kiến thức, kỹ năng và cả tính cách, giá trị. Thông qua đó, các em có thể bước ra biển lớn mà không bỡ ngỡ, tự tin chinh phục các thử thách.

Với các thầy cô, mình sẽ tiếp tục chia sẻ những phương pháp dạy học tiên tiến vừa chạm đến chiều sâu của tri thức và đột phá về kỹ năng cho học sinh,vừa giúp thầy cô thêm yêu và hạnh phúc, bình an với nghề dù ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Với các bố mẹ, mình vẫn muốn chia sẻ nhiều hơn để các bố mẹ vững tin và bình an, hạnh phúc đồng hành cùng con trẻ trong suốt quá trình trưởng thành của chúng. Mình mong rằng, các phụ huynh sẽ cân bằng được những mục tiêu và giúp cho trẻ con thành công theo cách riêng của mỗi đứa, đồng thời giúp chúng được trưởng thành trong hạnh phúc.

Và với học trò, mình sẽ tiếp tục dạy học và tư vấn. Đó không chỉ là việc chia sẻ tri thức mà còn là xây dựng tính cách, giá trị và nhân sinh quan cho các em, để mai kia vững bước, tự tin trên con đường của mỗi đứa. Tất cả những điều đó mình sẽ làm đến cùng, nhưng không đặt nặng chuyện mình sẽ đạt được gì, làm có thành công hay không. Bởi lẽ, đơn giản, còn được làm những điều đó, với mình, đã là thành công và hạnh phúc với nghề rồi.

Và tất nhiên, đối với bản thân, mình vẫn muốn được bay đi nhiều nơi, uống cà phê, đọc sách, viết lách và tận hưởng từng khoảnh khắc trôi qua.

Cảm ơn anh đã có cuộc trò chuyện thú vị!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem