Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 1.

Công việc của một bác sĩ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc có gì khác biệt so với khi chị làm việc tại một bệnh viện ở Việt Nam?

- Khi ở Việt Nam một ngày tôi có thể thăm khám cho cả trăm bệnh nhân, công việc rất bận rộn. Còn khi sang đây, bệnh nhân ít hơn nhưng áp lực lại gấp đôi so với khi làm công tác chuyên môn ở quê nhà.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 2.

Nhiệm vụ của tôi cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đó là: khám, điều trị, chăm sóc cho các nhân viên của Liên hợp quốc, ngoài ra còn có dân địa phương nếu được sự cho phép của chỉ huy. Nhưng công việc chuyên môn chỉ là một phần, ở đây chúng tôi còn là những chiến sĩ thực thụ khi tham gia cùng đồng đội đi gác, bảo đảm an ninh cho bệnh viện; rồi tham gia phụ bếp cùng anh em hậu cần để có thể đảm bảo bữa ăn đầy đủ với các món ăn đa dạng, hợp khẩu vị của cán bộ nhân viên bệnh viện.

Bên cạnh những công việc diễn ra hàng ngày mà tôi vừa kể trên, chúng tôi cũng tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội với người bản xứ hoặc những người bạn đến từ các quốc gia khác trong Phái bộ. Nói chung, đó là một cuộc sống đa sắc màu và rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Chị có nhắc đến những cung bậc cảm xúc về một cuộc sống mới ở một đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như Nam Sudan, chắc hẳn chị vẫn nhớ cảm giác của mình khi đặt chân sang bên này chứ?

- Trước khi sang chúng tôi cũng đã được các đồng đội đi trước chia sẻ kinh nghiệm và cũng đã mường tượng được rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đang đón chờ ở phía trước. Tuy nhiên khi đặt chân từ sân bay xuống đất Bentiu, trực tiếp nhìn cuộc sống của những người dân nơi đây, tôi thực sự "choáng".

Nam Sudan là đất nước đang có nội chiến, người dân ở đây - đặc biệt là ở Bentiu nơi chúng tôi đóng quân vẫn còn nghèo đói, các quyền tối thiểu của một con người đều dưới mức có thể. Thời tiết vô cùng khắc nhiệt, nhiệt độ giữa ngày và đêm có khi chênh lệch tới 20 độ. Nam Sudan cũng là đất nước không có hệ thống kênh ngòi thủy lợi nên chỉ cần một trận mưa lớn là ngập lụt. Chúng tôi đã từng bơi thuyền trên sa mạc rồi đấy (cười). Chưa kể dịch bệnh, sốt rét, rắn độc, gián… bò lúc nhúc khắp nhà. Đó thực sự là nỗi khiếp sợ và là thử thách không nhỏ với các nhân viên bệnh viện.

Đường bên này toàn là đường đất, từ chỗ chúng tôi đóng quân muốn lên Thủ đô phải di chuyển bằng máy bay vì không có đường bộ; mấy anh em còn hay tếu táo đùa nhau "cuộc sống sang chảnh, một bước lên máy bay". Khi tiếp quản công việc từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đầu năm 2022, chúng tôi còn khó khăn khác là hàng hoá, vật tư y tế thiếu thốn đủ thứ; cơ sở vật chất được xây dựng từ container nên bắt đầu xuống cấp, cũ và dột…

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 3.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 4.

i có thấy một giàn hoa giấy nở rực rỡ ở cổng chính của bệnh viện, màu xanh cũng đã xuất hiện nhiều hơn giữa mênh mang đất đỏ bụi mù. Có vẻ như mọi thứ đã khác rất nhiều so với thời gian đầu khi chị và các đồng nghiệp tiếp quản nơi đây?

- Chúng tôi là bộ đội cụ Hồ mà nên anh em trong đơn vị đều lạc quan, yên tâm, suy nghĩ tích cực để cải tạo môi trường, cảnh quan đơn vị, nơi làm việc; khắc phục những thiếu thốn về vật chất, tinh thần để mọi người có thể yên tâm công tác.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 5.

Khuôn viên nhà ở cũng như nơi làm việc của bệnh viện luôn được cải tạo, sửa sang nâng cấp, trồng thêm cây xanh. Ngoài những nỗ lực nội tại của cán bộ nhân viên bệnh viện, chúng tôi còn nhờ đơn vị bạn hỗ trợ sửa chữa, san lấp những hố sâu, lầy lội do những trận mưa to trút xuống nền đất đỏ nhầy nhụa kèm với những vết lún sụt cho xe container vận chuyển ra vào thường xuyên.

Hơn nữa, chúng tôi còn được tiếp thêm sức mạnh từ chính sự lạc quan của người dân nơi đây. Dù họ còn nghèo đói, lạc hậu nhưng luôn nở nụ cười, trẻ con tuy tắm trong vũng nước đen ngòm nhưng vẫn hồn nhiên, vui vẻ; một tinh thần lạc quan hiếm có.

Trong các câu chuyện và bức ảnh chị kể trên Facebook cá nhân, tôi thấy xuất hiện rất nhiều hình ảnh thân thiết với người dân bản địa, họ chào đón bộ đội Việt Nam như thế nào?

- Người dân rất thân thiện, đặc biệt là đối với bộ đội Việt Nam. Mỗi lần thấy bộ đội Việt Nam đi qua, người dân bản địa đều dành những lời chào thân thiện, những cái vẫy tay nồng hậu, chào đón. Khi xe của Liên hợp quốc chở đoàn của bệnh viện tới gần làng thì trẻ em nơi đây đã chạy ra vẫy tay chào đón bộ đội Việt Nam, bập bõm nói hai từ "xin chào", rồi chạy theo xe. Khi xe vào tới làng thì già làng và nhiều người lớn tuổi khác đã ra đón tiếp rất nồng hậu. Bởi trong những năm qua, sự có mặt của bộ đội Việt Nam trong đội hình Bệnh viện dã chiến số 1, số 2 và số 3 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và tình cảm yêu mến của người dân địa phương. Có người dân chia sẻ rằng, họ rất biết ơn bộ đội Việt Nam vì đã giúp đỡ, hỗ trợ họ nhiều trong cuộc sống hằng ngày.

Họ giúp chúng tôi cảm nhận rõ ràng hơn những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Càng trong gian khó, mầm xanh hy vọng càng được nuôi dưỡng, nảy nở. Họ cũng giúp chúng tôi cảm thấy công việc ở nơi đây thật ý nghĩa, được góp phần công sức nhỏ bé duy trì hòa bình tại đất nước này. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để chúng tôi vượt mọi khó khăn, thiếu thốn.

Nghe lời tâm sự của chị, tôi cũng lây cảm giác xúc động và tự hào về hình ảnh những chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam. Cơ duyên nào đưa chị đến với nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang này, và để trở thành một chiến sĩ mũ nồi xanh đích thực, cần phải có những tiêu chuẩn gì?

- Tôi nhận nhiệm vụ này rất bất ngờ. Tôi là người cuối cùng nhận quyết định trực tiếp của Bộ trưởng Bộ quốc phòng nhập quân tham gia huấn luyện để chuẩn bị làm nhiệm vụ thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 vào giữa tháng 7/2021 khi mà bệnh viện đã đi vào huấn luyện được gần 1 năm. Để trở thành lính mũ nồi xanh, bạn đương nhiên phải có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm công tác và đặc biệt phải có sức khỏe tốt để hoàn thành khóa huấn luyện kéo dài 1 năm rưỡi.

So với các đồng đội tôi phải nỗ lực gấp 2 gấp 3 lần, trong đó thử thách lớn nhất với tôi chính là học ngoại ngữ. Tôi đã "cày ngày cày đêm" liên tục trong vòng 4 tháng để có thể hoàn thành chương trình ngoại ngữ theo yêu cầu của Liên hợp quốc (UN). Bởi việc khám chữa bệnh cho các nhân viên trong Phái bộ UNMISS không hề đơn giản. Thăm khám xong chúng tôi phải giải thích, trò chuyện để bệnh nhân hiểu vì sao dùng thuốc này, vì sao không điều trị cách này mà dùng cách kia…

Chúng tôi còn được huấn luyện rất nhiều nội dung về các luật cơ bản của nhân viên UN, tình huống xử lý thảm hoạ, dịch bệnh, các hoạt động thể chất ở mức độ phải đạt chuẩn của UN. Chúng tôi cũng được học về nuôi trồng, kỹ năng mềm để sinh tồn, làm tranh lụa, tranh giấy, văn hoá văn nghệ để có thể đi giao lưu cùng với các bạn bè trên thế giới.

Ở nơi đóng quân có rất nhiều nhân viên liên hiệp quốc (UN) đến từ các nước khác nhau trên toàn thế giới với nền văn hoá, tôn giáo khác nhau. Để có thể hoà nhập, đem văn hoá của Việt Nam đi giới thiệu với các bạn bè trên thế giới chúng tôi còn phải tìm hiểu văn hoá tôn giáo của nước bạn, tránh những điều cấm kỵ, ảnh hưởng đến hoà khí chung của nhân viên UN.

Là một bác sĩ, điều chị trăn trở nhất khi công tác tại Bệnh viện dã chiến là gì?

- Đó là trang thiết bị y tế đang dần xuống cấp và hỏng, trong khi đồ thay mới chưa được vận chuyển để thay thế, điều này cũng ảnh hưởng đến việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều ca bệnh khó không có phương tiện theo dõi phải chuyển đi lên tuyến trên mặc dù điều kiện vận chuyển hầu hết là máy bay trực thăng.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 7.

Khi đi làm việc, chúng tôi phải độc lập tác chiến mà không có nhiều sự trợ giúp từ các phương tiện máy móc, con người như ở Việt Nam. Ngôn ngữ cũng như văn hoá tôn giáo có sự khác biệt khá lớn nên việc chăm sóc, thấu hiểu với bệnh nhân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khám chữa bệnh ở một nơi "thiếu và yếu"đủ đường, đã có trường hợp nào khiến chị cũng như các bác sĩ khác phải "toát mồ hôi" chưa?

- Với các trường hợp bệnh nặng mà bệnh viện không đủ trang thiết bị, thuốc men để cứu chữa chúng tôi buộc phải chuyển lên cấp trên. Chính vì thế khâu thăm khám ban đầu rất quan trọng. Bác sĩ cần chẩn đoán đúng và ra quyết định chính xác để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng của bệnh nhân.

Bạn có thể hình dung việc cấp cứu cho sản phụ chuyển dạ ở một cơ sở y tế đáp ứng đầy đủ trang thiết bị sẽ hết sức bình thường, nhưng việc thực hiện một ca mổ đẻ tại chính Bệnh viện dã chiến là một kỳ tích.

Đơn cử, những ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi đã cấp cứu, mổ thành công cho một sản phụ và chào đón bé gái chào đời tại Phái bộ. Bệnh nhân là người quốc tịch Gambia, vào viện với triệu chứng chuyển dạ, thai 39 tuần. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành thăm khám, kết quả siêu âm bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân mang thai 39 tuần, tim thai tốt, không có tiền sử bệnh nền. Tuy nhiên, bệnh nhân đã có những dấu hiệu chuyển dạ, cơn đau co thắt cấp.

Nhận định đây là trường hợp nguy cấp, không thể chuyển lên tuyến trên bằng máy bay, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định xin phép chỉ huy y tế Phái bộ mổ cấp cứu "bắt" con ngay tại bệnh viện.

Ca mổ đã thành công, bé gái đầu tiên ra đời tại Phái bộ nặng 3,5kg. Em bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, sự hân hoan của toàn thể cán bộ, chiến sĩ của bệnh viện. Sau đó, bệnh viện cũng nhanh chóng nhận được sự đánh giá cao từ chỉ huy y tế Phái bộ về chẩn đoán nhanh, chính xác, quyết định phẫu thuật an toàn, chăm sóc và hỗ trợ sản phụ và cháu bé rất tốt.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 8.

Từ chỗ làm việc ở một nơi có trang thiết bị đầy đủ, khang trang; giờ phải công tác tại một nơi khó khăn như Bệnh viện dã chiến, chị và các đồng đội đã cùng nhau vượt qua như thế nào?

- Như tôi đã kể trên, chúng tôi vượt qua bằng tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực (cười). Không chỉ riêng Bệnh viện dã chiến số 4 mà các đồng đội đi trước của tôi cũng đều chung sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất và trang thiết bị y tế, thuốc men… Mọi người đều đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì không lý gì chúng tôi lại "đầu hàng".

Chưa kể, Ban giám đốc Bệnh viện cũng trăn trở suy nghĩ tìm mọi cách để có thể đảm bảo khám và điều trị bệnh nhân an toàn. Ngoài ca mổ đẻ cấp cứu như tôi vừa kể trên, nhiều ca bệnh khó các bác sĩ vẫn dám làm dám chịu, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị chủ quản tại Việt Nam như Học viện Quân Y, Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam… cung cấp trang thiết bị y tế, thuốc men cũng như các vật chất hậu cần khác.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 9.

Nhận nhiệm vụ ở tuổi 40 – độ tuổi không còn trẻ, động lực nào khiến chị quyết tâm lên đường và tuổi tác có phải là trở ngại và thách thức với chị không?

- Tôi quan điểm tuổi tác chỉ là con số, bằng chứng là trước tôi cũng đã có rất nhiều chị em tầm tuổi như tôi lên đường sang Nam Sudan thực hiện việc gìn giữ hòa bình. Thay vì áp lực, tôi thấy mình vinh dự và tự hào khi được lãnh đạo bệnh viện cũng như lãnh đạo Bộ Quốc phòng tin tưởng trao nhiệm vụ bởi không phải bác sĩ nào cũng có được vinh dự này.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 10.

Hơn nữa, bản thân tôi cũng muốn làm việc gì đó góp phần nhỏ bé công sức của mình mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những mảnh đời còn bất hạnh, cũng như được chăm sóc cho những con người đang ngày đêm phục vụ cho việc gìn giữ hoà bình thế giới. Sang đây, tôi được gặp nhiều đồng đội đến từ các vùng miền, các thanh niên trẻ trung, sống tràn đầy nhiệt huyết cống hiến khiến bản thân tôi thấy mình như đang được sống lại thời thanh niên tươi trẻ cách đây hơn 20 năm: sôi nổi, nhiệt huyết và hết mình.

Không còn trẻ có thể với nhiều người là nhược điểm, nhưng với tôi lại có không ít ưu điểm: đó là tôi đã đủ từng trải để có thể dễ dàng thích nghi và chấp nhận một môi trường sống khó khăn, thiếu thốn. Tôi có thể bình tĩnh và vững tâm trước những biến đổi không hề thuận lợi…. Tôi nghĩ sự từng trải của tuổi gần trung niên như tôi mang lại những lợi ích nhất định mà tuổi trẻ chưa có được, đấy cũng là lợi thế đấy chứ nhỉ?

Là mẹ của 3 cô "công chúa", trong đó bạn lớn nhất mới 15 tuổi, độ tuổi rất cần có mẹ ở bên, chị có sợ các con mình thiệt thòi vì vắng mẹ không?

- Khi tôi chọn nghề bác sĩ thì đồng nghĩa với việc gia đình tôi sẽ chịu nhiều thiệt thòi rồi. Chồng con tôi cũng đã quen với việc mẹ vắng nhà vì khi làm việc ở Bệnh viện 108, tôi cũng thường xuyên phải đi trực. Rồi khoảng thời gian huấn luyện tập trung trước khi sang bên này, tôi cũng không ở nhà.

Các con đang tuổi lớn, việc không thể đồng hành thường xuyên với con là điều mà bất cứ người mẹ nào cũng trăn trở và luôn canh cánh trong lòng. Nhưng xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm với quốc gia tôi đã nói chuyện với gia đình nội ngoại 2 bên, tâm sự với chồng, con, được cả gia đình hiểu và ủng hộ. Tôi là người luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan nên tôi cũng có nói với các con rằng: "xa mẹ cũng là cơ hội để các con tự lập, trưởng thành hơn". Tôi tin các con tôi hiểu, thông cảm và chắc có chút tự hào về công việc của mẹ.

Ngoài gia đình, tôi còn nhận được sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp tại Bệnh viện 108 nữa. Khi tôi vắng nhà, gia đình có vấn đề cần chăm sóc sức khoẻ chị em trong khoa đều giúp đỡ tận tình, chu đáo. Tôi biết ơn vì những tình cảm đẹp đẽ, chân tình đó.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 11.

Thế còn ông xã chị đã phản ứng như thế nào khi biết chị lên đường nhận nhiệm vụ?

- Tôi may mắn có được người chồng hiểu và luôn ủng hộ vợ. Nghề nghiệp của ông xã cũng thường xuyên phải đi công tác xa, khi biết vợ phải đi làm nhiệm vụ quốc tế, tự bản thân chồng tôi đã xin lãnh đạo tạo điều kiện cho được ở gần gia đình để có thể chăm sóc các con.

Ngoài thời gian làm việc thì trên từng cây số đưa đón các con đi học, anh chỉ yên tâm nghỉ ngơi khi đêm đã bắt đầu. Sau khi tôi thưa chuyện và nhận được sự ủng hộ của hai bên nội ngoại, chồng đã nói một câu mà chắc cả đời tôi không thể quên: "Đi sớm về sớm, giữ gìn sức khoẻ, mọi việc có anh lo". Thế là một bà mẹ 40 tuổi thoả chí quyết tâm lên đường, khám phá nhiều giới hạn của bản thân, tìm đến những cái chân thiện mỹ trong môi trường khổ cực.

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 12.

Ngoài chuyên môn là bác sĩ khoa sản, chị có tham gia các công việc chuyên môn khác tại Bệnh viện dã chiến không?

- Bên cạnh chuyên môn chính là khám và điều trị sản phụ khoa, tôi còn đi mổ cùng anh em bác sĩ khoa ngoại. Bản thân tôi cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật nên cũng đã trao đổi, truyền đạt nhiều kỹ thuật, phương pháp điều trị mới cho các bác sĩ trẻ trong khoa. Ngược lại các bạn trẻ lại truyền cho thế hệ đi trước như mình một nhiệt huyết cống hiến hết mình vì mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngoài ra tôi còn là tổ trưởng tổ phụ nữ có 12 thành viên, số lượng người tuy ít nhưng công việc liên quan đến phụ nữ cũng rất nhiều, chúng tôi phải phân công hợp lý để tránh chồng chéo công việc, sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hoá tinh thần để làm cho cuộc sống xa xứ vui vẻ hơn, đỡ cảm giác nhớ gia đình, quê hương.

Những tháng ngày tại bệnh viện dã chiến dường như đã thay đổi rất nhiều quan điểm, suy nghĩ của chị về cuộc sống. Nếu được chọn một mong ước, chị mong muốn điều gì?

- Đúng là quãng thời gian này đã, đang và sẽ trở thành quãng thời gian đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh hơn mình, chứng kiến những phụ nữ không có quyền trong gia đình, không được chăm sóc sức khỏe sinh sản… tôi có cảm giác mình quá may mắn.

Phụ nữ ở đây có thể nói là thiệt thòi nhất thế giới, họ không có quyền nhưng lại là lao động chính. Họ gần như không tiếp cận được các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ nhiễm HIV rất cao; trẻ con không được chăm sóc, tự sinh tự lớn… nhìn xót xa lắm.

Thế nên nếu có mong muốn, tôi chỉ mong sao phụ nữ và trẻ em ở đây được chăm sóc, được nuôi dưỡng để có cuộc sống tốt hơn. Và sự có mặt của tôi cũng như các đồng nghiệp ở đây cũng góp phần để thực hiện mong ước đó.

Cảm ơn chị! Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúc chị và các anh chị đồng nghiệp thật nhiều sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!

Nữ bác sĩ - chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: "Tôi có vinh dự mà không phải bác sĩ nào cũng có được" - Ảnh 13.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem