Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chúng ta bắt đầu từ những ngày "hồi đó" nhé! Đàm Vĩnh Hưng bước chân vào nghiệp ca hát như thế nào?
- Ca hát có trong máu tôi từ nhỏ. Tôi hát trong trường học, hát ở phường, ở quận. Hát để thỏa đam mê chứ chẳng nghĩ sẽ làm ca sĩ. Rồi rất tình cờ, năm 1995, thời điểm mà "cơn sóng" Làn sóng xanh ồ ạt. Tôi xem, tôi nghe, và thấy nữ ca sĩ Thanh Lam hát đúng kiểu mà bản thân tôi rất mê, là cách hát rất nội lực, vô cùng phá cách, đầy tràn sự phóng khoáng, tự do. Nên tôi đâm... "ghiền". Đến năm 1997 thì tôi mò đăng ký học hát ở Nhà văn hóa Thanh Niên suốt hai năm với thầy Hoài Nam. Học vì thích thể hiện chứ cũng chưa mộng mơ làm ca sĩ.
Tôi mê hát đến nỗi đăng ký thi hát khắp nơi, thi loạn xạ. Tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình, rồi thi tuyển vào Trung tâm ca nhạc nhẹ... Tôi may mắn trúng tuyển cả hai nơi. Đạt giải 4 Tiếng hát truyền hình. Rồi lên Trung tâm ca nhạc nhẹ, đọc thấy tên mình được tuyển vào. Tôi vui khủng khiếp.
Nhưng quả thật tôi cũng chẳng dám nghĩ sẽ ăn đời ở kiếp với nghề này. Vì ngày đó tôi làm tóc, tôi xác định nghề làm tóc mới là cái nghề nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Còn con đường ca hát thuở ấy tôi thấy bấp bênh, chưa rõ ràng, chưa thấy tương lai.
Sau đó ca sĩ Vũ Hà khuyên tôi chỉ nên chọn một. Vũ Hà nói phải hy sinh tiệm tóc luôn. Để theo đuổi niềm đam mê ca hát. Nhưng tôi cũng chẳng dám nghe lời. Vì phải có show thì mới dám buông tiệm tóc. Đằng này có show diễn đâu mà dám? Hồi mới đi hát, tôi tự in hẳn card visit màu xanh, in tên Vĩnh Hưng, nghề ca sĩ, rồi số máy nhắn tin chứ thời gian đấy chưa có điện thoại. In thế thôi chứ tôi... không dám phát hành, chỉ giấu riêng.
Tôi cứ "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước"đến mãi năm 2001. Tự nhiên gặp anh Hoài Linh. Anh ấy nói giọng tôi lạ lạ, khàn khàn, hãy phát huy. Tôi nghe và tự tin hơn hẳn. Để rồi, tôi bắt đầu con đường ca sĩ chuyên nghiệp đến mãi hôm nay...
Anh còn nhớ những khoản cát-sê đầu tiên nhận được là bao nhiêu không?
- Thuở đi học hát ở Nhà văn hóa Thanh Niên, tôi thường được thầy Hoài Nam dẫn đi hát ở Quân Đoàn 4, Quân Đoàn 5 và nhiều nơi khác. Sau mỗi đêm diễn là được phát tiền. Mỗi lần 20.000, 30.000 đồng. Thấy vui lắm. Vì vừa được hát lại có tiền.
Còn khi đã là ca sĩ danh chính ngôn thuận của Trung tâm ca nhạc nhẹ tôi còn nhận được lương tháng. Tôi với các ca sĩ khác như: Quốc Đại, Mỹ Tâm, Vũ Hà, Nhất Thiên Bảo, Huỳnh Lợi, Nhã Ca, Hoàng Thanh... có mức lương như nhau, 220.000 hay 230.000 đồng gì đó. Sau mỗi show lại có thêm vài chục ngàn đồng. Cảm giác thích, sung sướng, tự hào và thấy... oách lắm. Bởi lẽ giọng ca của tôi được thừa nhận, chứ không quan trọng về vấn đề tiền bạc, cát-xê.
Thử nhớ lại, đâu là giai đoạn đỉnh cao nhất của Đàm Vĩnh Hưng trong sự nghiệp?
- Thật ra mỗi năm đều có những diễn biến về sự nghiệp khác nhau. Có thời điểm chỗ nào ở Sài Gòn tổ chức show ca nhạc cũng đều có tên tôi. Trong một đêm tôi đi diễn khắp Sài Gòn... Rồi phòng trà, sân khấu nào cũng có hình tôi. Đến khi chuyển qua nhạc bolero, đó cũng là giai đoạn đỉnh cao về sự săn đón của báo chí, truyền thông... Thế nhưng tôi chọn cột mốc những năm 2005, 2006. Bởi thời điểm ấy tôi có nhiều show diễn lớn rất thành công. Chưa kể khi ra album Giọt nước mắt ra đời thì có đến 8 bài hit như: Xin lỗi tình yêu, Chén đắng, Không phải em, Đừng thương tôi, Tình tuyệt vọng, Tiếng gió xôn xao...
Với Đàm Vĩnh Hưng, đâu là kỷ niệm đặc biệt ấn tượng, không thể quên?
- Kỷ niệm thì vô vàn, nhiều lắm. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là năm 2011, tôi hát show Sinh viên họ Đàm, tôi biểu diễn ở 10 trường đại học. Tôi vô cùng thích, thích kinh khủng. Đó là dấu ấn không thể nhòa phai trong cuộc đời. 2011, tôi hát cho sinh viên nghe đã đời, rồi giúp gây quỹ hỗ trợ cho sinh viên nghèo. Giờ nhớ lại là tôi nổi da gà với bao cảm xúc ùa về. Show ấy, tôi được hò hét cuồng nhiệt với sinh viên sướng kinh hoàng, sướng khủng khiếp. Đưa micro xuống là các sinh viên cùng hát đồng thanh. Một kỷ niệm khó quên và rất khó lặp lại.
Không thể phủ nhận Đàm Vĩnh Hưng có nhiều ca khúc đi vào lòng người. Nhưng để tự nói ra 5 ca khúc anh hát hay nhất, đó là ca khúc nào?
- 5 bài hả? Không đủ! Phải 50 bài. Nhưng nếu là 5 bài mà cảm thấy hát tự tin trước khán giả và trước đồng nghiệp của mình đó sẽ là: Xin lỗi tình yêu, Dạ khúc cho tình nhân, Có những niềm riêng, Tiếng gió xôn xao và ca khúc bolero mang tên Giã từ. Rồi có những bài mà tôi hát hết ruột gan của mình như: Hỡi người tình, Kiếp đam mê... Tôi dám thi đấu luôn đấy. Tôi sẵn sàng nhận lời thách đấu với nhiều người.
Thế còn ca khúc nào giúp Đàm Vĩnh Hưng kiếm tiền nhiều nhất?
- Đó là hai ca khúc: Xin lỗi tình yêu và Say tình. Mặc dù nó không phải là những bài đưa tôi lên vị trí đỉnh cao giống như những bài: Bình minh sẽ mang em, Tình ơi xin ngủ yên. Nhưng đó là hai ca khúc cứ "ăn hoài ăn mãi". Đêm nào cũng hát, đêm nào cũng được yêu cầu. Đó là hai bài giúp tôi kiếm tiền thiệt là nhiều.
Quan sát và thấy được, khán giả hâm mộ anh ở đủ mọi lứa tuổi. Anh thử lý giải, vì sao nhiều người mê giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng thế?
- Tôi cũng hay tự hỏi mình câu hỏi đó. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải ai cũng đều yêu thương tôi. Cũng có người chưa hài lòng hay khó chịu với tôi, nhưng số ấy rất, rất nhỏ.
Để lý giải tình yêu thương ấy, có lẽ có một phần từ giọng hát của tôi. Giọng hát của tôi không phải là một giọng hát quá xuất sắc "mê hồn trận". Nhưng tôi biết cách hát làm sao để đi thẳng vào trái tim của người nghe. Và tôi có khả năng biết cách chọn bài. Tôi biết chọn câu nào đổ xuống một cái là 'hốt' liền. Nói chung tôi có chút xíu món quà trời cho về tâm lý, đoán biết bài nào sẽ hợp với lứa tuổi nào, đối tượng khán giả nào và phù hợp với bao nhiêu người trong đám đông. Tôi chỉ cần quan sát là biết họ đang cần nghe nhạc gì.
Một lý do nữa là... tôi thật sự dễ thương. Tôi nói thiệt. Mọi người cứ đồn đoán là thấy ông này làm ra tiền nhiều quá, nhà cao quá, đi xe to quá, nổi tiếng quá rồi cho rằng tôi khó gần, chảnh chọe. Không. Tôi không hề khó gần, tôi rất dễ gần gũi.
Sở dĩ đến giờ phút này tôi vẫn được yêu thương suốt một thời gian dài như thế là có lý do. Từ con người, cách sống, tính cách nên mới được mọi người yêu thương lâu dài như vậy. Dĩ nhiên tôi hay các ca sĩ khác không phải là thánh thần, không biết giận hờn, không biết nổi điên, không biết cáu gắt. Có chứ. Nhưng đúng chuyện, đúng chỗ. Những ai đã tấn công mình, làm cho mình tổn thương, khiến hình ảnh bị chà đạp bôi nhọ thì có phản ứng và phản ứng ấy bình thường thôi. Nhưng mà nó không đáng kể so với những gì tốt đẹp dễ thương mà mọi người đã biết.
Món quà giá trị nhất là fan tặng anh là gì?
- Phải thừa nhận là tôi rất hay được tặng quà. Có khi là giỏ cam, có khi là ly nước chanh đá, có khi là hũ yến, có khi là quần áo, đôi giày, chai nước hoa, con gấu bông. Có khi là vàng, có khi là tiền.
Nhưng món quà giá trị nhất ư? Là một căn nhà. Nó không ở Sài Gòn, nhà ấy nằm ở... ngoài kia. Với tôi, món quà ấy vừa ý nghĩa có giá trị về vật chất và cả tinh thần. Có thể họ thấy tôi... khổ quá, phải lo cho mẹ già con thơ, gồng gánh cho biết bao người khác nữa, đơn thân độc mã gà trống nuôi con, thấy cứ làm hoài, làm hoài nên người ta thấy tội, họ thương. Nên người ta cho mình một cái chỗ để an yên, làm bãi đáp sau này cho tôi nuôi các con. Cuộc đời này đâu ai nói trước được điều gì. Có khi ông trời ổng muốn lấy lại là ổng lấy lại hết sạch luôn, thì ít ra mình cũng còn được cái nhà đó để làm mái ấm che mưa che nắng.
Còn đâu là món quà mà anh cảm thấy thật sự xúc động?
- Nhiều lắm. Nhưng tôi sẽ kể 4 món quà "siêu"ý nghĩa. Có khán giả hâm mộ lưu ý lưu tâm đến từng khoảnh khắc trong con đường ca hát của tôi như album đó ra ngày nào, họp báo ở đâu. Họ lựa chọn các hình ảnh tôi đi diễn ở nhiều nơi theo từng năm. Sau đó đem in hình và xếp thành hình một cái hộp. Khi mở ra là những cột mốc trong sự nghiệp theo từng năm. Tôi xem mà xúc động thật sự. Tôi không nghĩ họ thương mình dữ vậy.
Một món quà khác làm tôi như bật khóc. Đó là sinh nhật của tôi nhưng họ tặng cho má tôi một chiếc ghế mà có thể tự nâng má lên xe hơi chứ không phải mắc công di chuyển. Má tôi đi đứng khó khăn nên tôi xúc động khi thấy món quà ý nghĩa ấy. Nó thể hiện sự tinh tế, vì không có má tôi thì làm sao có tôi.
Món quà nữa đến từ "fan siêu đặc biệt". Là vào ngày sinh nhật, họ tặng một chiếc bánh được lót... mấy chục cây vàng. Mấy chục ở đây là bằng số tuổi của tôi. Hơn bốn mươi mấy cây vàng, lấp đầy nguyên mặt bánh kem. Nhận xong, nhìn, khóc ngon lành luôn vì xúc động.
Và thêm một món quà gây xuyến xao lòng tôi đến từ một chủ tiệm vàng ở Vĩnh Long. Anh ấy đúc chữ ký của tôi thành vàng. Đặc biệt ở chỗ nét đuôi cuối cùng của chữ ký là một hột xoàn nước E cực kỳ xịn xò. Biết tôi khi biểu diễn hay đeo sợi dây thun màu đen nên anh ấy cũng đeo "cái chữ ký vàng và hột xoàn" vào sợi dây thun màu đen. Ngày tôi xuống miền Tây hát, anh ấy đến nghe rồi tháo dây chuyền đang đeo và nói xin phép được tặng Đàm Vĩnh Hưng. Lúc mở ra tôi "hết hồn hết vía luôn". Đó thật sự là món quà vô giá, được đặt để bao nhiêu tình cảm vào trong đó. Sau khi chúng tôi thân nhau, có lần tôi xuống nhà thăm, phát hiện thêm hầm rượu khắc toàn chữ H dù trong nhà không ai tên H cả. Hỏi mới biết đó là viết tắt của tên tôi. Anh ấy khắc cả logo Đàm Vĩnh Hưng trong hầm rượu. Tôi "rụng tim" thật sự với tình yêu thương đó.
Trở lại với sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng. Người ta thấy Đàm Vĩnh Hưng dường như luôn thành công, luôn là ngôi sao. Nhưng chính xác thì có bao giờ anh thất bại không?
- Có chứ. Tôi cũng có thất bại trong sự nghiệp này. Nhưng vì tôi không cho phép mình được thất bại, vướng vào những cái dở, cái tệ, nên thất bại xảy ra hơi ít. Xác xuất xảy ra hơi ít. Bởi đã được tôi khống chế ngay từ đầu. Nhưng tôi cũng không phải là thánh thần. Nên có những sự cố, những diễn biến trong công việc, trong sự nghiệp không như ý muốn. Chừng ấy năm mà nói không có thất bại là nói xạo. Nhưng tôi là người không bao giờ để người khác thấy thất bại của mình. Tôi sẽ tự nuốt lấy, tất cả mọi thứ tôi chịu được hết, nhưng không ai thấy được. Tôi tự ôm và tự gặm nhấm. Tôi thừa nhận có thất bại nhưng sẽ không kể cho mọi người nghe đâu. Thất bại ở đâu còn lâu mới nói.
Giới ca sĩ, nghệ sĩ trong showbiz Việt có rất nhiều người thần tượng anh. Còn anh thì thần tượng ai và hay nghe nhạc của ai?
- Thần tượng của tôi vẫn chưa bao giờ thay đổi. Tôi thần tượng nhiều người chứ không phải một người.
Là chị Thanh Lam, người cho tôi cái sự kích thích mạnh nhất để hát theo nội lực. Là chị Khánh Hà với cách hát tinh tế. Là chị Ý Lan, một người thông minh trong sự nghiệp, tôi thấy giống thật nhiều về sự điệu đà, chỉn chu. Là chị Hương Lan, thánh mẫu của bolero. Là chị Mỹ Linh với sự mượt mà, rất giỏi trong cách hát mà tôi muốn có được. Là Sơn Tùng MTP với sự dễ thương và màu sắc đặc biệt.
Giờ nói về danh xưng "ông hoàng nhạc Việt". Là anh tự xưng hay do người khác gán cho anh?
- Có rất nhiều thắc mắc, thậm chí những nghi ngờ rồi ác cảm với tôi, nói tôi là tự xưng "ông hoàng nhạc Việt". Tôi có thể khẳng định mình nhỉnh hơn những người cùng trang lứa với mình một chút xíu về đầu óc. Nên tôi không có dại dột tự vỗ ngực xưng tên của mình là ông hoàng này ông hoàng kia.
Nguồn cơn của danh xưng đó là vào năm 2007, tôi làm đêm nhạc về nhạc xưa. Sau đó tôi được thừa nhận là người có công mang lại sự hồi sinh của bolero. Thời điểm đó bolero hay nhạc xưa còn nằm trong bóng tối. Ca sĩ hát nhạc xưa hàng đêm không có chỗ đứng, khó lắm. Đến khi tôi quyết định tấn công bằng một liveshow, một sự kiện, một chuỗi dự án mang tên Thương hoài ngàn năm thì được báo chí, tất cả dân chuyên môn, dân trong nghề đánh giá rất cao. Thành công tuyệt đối và được báo chí khen ngợi. Trong đó có một bài báo đặt tít là "Quý ông nhạc Việt đã xuất hiện". Nguyên xi là như vậy.
Rồi sau đó họ mới tìm những câu từ, những danh xưng để gọi cho khỏi bị đụng nhau. Có người gọi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng, siêu sao Đàm Vĩnh Hưng... Nhưng những cách gọi ấy có quá nhiều rồi, tầm thường lắm rồi, nên họ tự nghĩ ra và tôi cũng không biết người nào gọi ra danh xưng đó luôn. Chắc họ thấy trước năm 1975 có ông vua đĩa nhựa, hoàng đế bolero... nên cuối cùng họ tự nghĩ ra "ông hoàng nhạc Việt" tặng cho tôi. Tại vì tôi toàn hát nhạc Việt. Hát nhạc Việt khá ổn với những nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc vàng, bolero, nhạc trẻ, hiphop... Họ thấy tôi khống chế và làm chủ được hết tất cả màu sắc các thể loại nhạc đó nên tặng cho tôi cái danh xưng đó. Tôi khẳng định một lần nữa, tôi không tự vỗ ngực gọi mình là ông hoàng nhạc Việt.
Đồng ý rằng trong quãng đời làm nghề, có những scandal là họa vô đơn chí. Nhưng hỏi thật, có bao giờ Đàm Vĩnh Hưng tự tạo scandal không?
- Với danh dự của một con người, danh dự của một người cha, danh dự của một người ca sĩ là người công chúng, tôi chưa bao giờ tự tạo scandal. Đó là lời khẳng định duy nhất. Tất cả scandal đều tới hoàn toàn tự nhiên cả.
Đối với một ngôi sao sẽ luôn luôn đi kèm với scandal, tai tiếng. Tất cả những màu sắc đó, chất liệu đó mới tạo nên một ngôi sao. Điều đó là điều đương nhiên. Khi hiểu được như vậy thì sẽ thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn. Nhưng tôi hiểu theo cách tích cực. Nghĩa là không phải thấy vậy rồi tự làm tùm lum tà la để scandal đến cho nổi tiếng.
Trong đời này ai cũng muốn vui vẻ bình an. Sóng gió tới thì ai cũng điên tiết, ai mà không buồn. Nhưng tôi biết cách để đón nhận chấp nhận những chuyện buồn dễ dàng hơn. Biết cách đón nhận không phải ai cũng làm được, rất khó. Có nhiều người không chịu nổi áp lực.
Và có một điều, khi tôi tự tìm lại quãng đời sự nghiệp của rất nhiều ngôi sao khác mới thấy là không có một ai lành lặn, ai cũng có đầy sẹo đầy vết thương.
Đàm Vĩnh Hưng của ngày xưa và Đàm Vĩnh Hưng của bây giờ giống và khác nhau như thế nào?
- Đầu tiên là khác về tuổi. Khác về sự bình tĩnh trong con người của tôi. Ngày xưa tôi nóng lắm. Cần là tôi "quất" ngay lập tức luôn. Rất dữ dội, thẳng thắn, mạnh mẽ kinh khủng. Và cách hát cũng khác. Không có "lạng lách" và phiêu thoải mái muốn làm gì thì làm nữa. Tôi quan sát và nghĩ lại sao hồi đó tôi gan và dám làm như thế. Khác trong suy nghĩ về cách làm nghề, rồi cách nhận xét về ai đó, về mặt bằng chung, diễn biến trong showbiz. Tôi thấy mình khác, khác nhiều lắm.
Còn giống thì vẫn là một Đàm Vĩnh Hưng tham hát nhiều, hay xin hát thêm, hát bất chấp giờ giấc và số lượng bài, luôn luôn nhiệt tình với khán giả, các fan và chiều fan. Vẫn đam mê và làm tận cùng bất kỳ điều gì liên quan đến nghề của mình, với cái tên của Đàm Vĩnh Hưng.
Không phải một mà khá nhiều người nhận định, rằng "Đàm Vĩnh Hưng" khá ngông cuồng. Anh nghĩ gì về nhận định này?
- Nếu ai cũng chọn những câu hỏi đàng hoàng, thì tôi đâu có bị điên không mà tôi sửng cồ lên, hay thách thức? Không có lửa thì sẽ không bao giờ có khói. Còn cứ hỏi sốc, chạm nọc tôi, thì với tính cách mạnh mẽ của thời trẻ, mà khoảnh khắc đó tôi không đủ độ chín, đủ độ bình tĩnh để lướt qua hay chọn một hướng khác thì tôi "táp" liền ngay lập tức. "Táp" tôi là tôi "táp" lại. Cắn tôi là tôi cắn lại liền. Vồ tôi là tôi vồ lại ngay. Đó là kiểu của Đàm Vĩnh Hưng nhiều năm trước. Nên nó hình thành ra những câu trả lời mang dạng thách thức. Mà khi chuyển tải lên báo chí với văn viết, thì không có ngữ điệu, không có cảm xúc, khiến người đọc rất là khó ưa, cho là Đàm Vĩnh Hưng khá ngông cuồng.
Mà nhiều khi phóng viên lại khoái những "ca" như Đàm Vĩnh Hưng như vậy hơn là với những ca hoa hậu thân thiện. Gặp những đứa có máu điên như tôi thì mới có điểm nhấn trong bài viết... Tôi thừa nhận là tôi có trả lời những câu rất sốc. Nhưng đầu đuôi sự việc câu chuyện thế nào họ không quan tâm, họ chỉ làm gọn lại, họ để ý những câu nhấn. Và chính điều đó vô tình khiến tôi trở thành một kẻ ngông.
Sau mỗi câu chuyện, mỗi sự việc, người ta tự ngẫm ra được điều gì đó làm bài học kinh nghiệm cho mình. Vậy với anh, bài học đó là gì?
- Rất nhiều. Cái chung nhất là bình tĩnh hơn, sự chậm lại, đừng nhanh quá, vì nhanh quá sẽ luôn phát ra tất cả những phản ứng gây ra những scandal sự cố.
Tôi biết dằn lòng mình xuống. Điều đó khó lắm đấy. Với một người điên như tôi thì không có dằn đâu. Nhưng quãng thời gian gần đây, tôi tự dằn mình xuống thật nhiều. Tôi vì con của tôi, tôi không muốn con tôi lớn lên sẽ phải đọc thêm những thứ không hay nữa.
Sao anh hay nhắc đến con thế? Cũng thấy có bài báo bảo anh có con rồi. Đàm Vĩnh Hưng có con rồi ư?
- Bài báo nào mà có cái tên Đàm Vĩnh Hưng gắn liền vào là hot ngay lập tức. Nên bị thêu dệt, đặt nhiều tiêu đề khác nhau. Cho đến giờ phút này, vẫn nhiều người có sự nghi ngờ và tò mò về Đàm Vĩnh Hưng lắm. Nhưng hạnh phúc, một mình tôi biết là đủ rồi. Biết nhiều bị phá nhiều. Theo tôi là như vậy. Nên nói tôi có 5 đứa con cũng được, 7 đứa con cũng được, 9 đứa con cũng được, ai muốn nói gì thì nói. Còn tôi, tôi thích là người được bí mật. Luôn luôn là người khó hiểu, đó là sự lựa chọn của tôi. Tôi luôn luôn là người khó hiểu và không cho mọi người biết tôi đang là ai. Có người cho tôi là gay, là đàn ông, là người đã có vợ rồi ly dị, có vợ từng có bầu rồi... Sao cũng được. Miễn sao một mình tôi biết là đủ. Tôi thích được là người bí mật và luôn luôn khó đoán.
Những người nổi tiếng trong showbiz có những niềm đam mê riêng. Còn Đàm Vĩnh Hưng thích hay đam mê gì?
- Tôi đam mê decor nhà và kim cương. Tôi mê thiết kế, trang trí, mê kinh khủng luôn. Tôi biết cách sắp đặt, để cái này ở đâu, vật kia để ở đâu. Có hai thứ trên đời này không mua được bằng tiền là cái duyên và cái gu. Có nhiều tiền cách mấy mà không gu cũng như không.Người có gu thì quăng vô thùng rác cũng sẽ tìm cách kiếm cái này cái kia thiết kế làm cái áo cái quần để mặc. Còn người không gu thì quăng vô kho đồ hiệu cũng lượm rác để mặc. Tôi có thể đi lựa từng viên gạch, ngọn cỏ, biết cách bài trí sao cho đẹp mắt. Và tôi mê kim cương. Ra tiệm không mua cũng được, nhưng tôi có thể ngồi hàng giờ, hỏi tới hỏi lui các kiểu. Nói chung tôi giờ thành một người rất rành về kim cương, bán kim cương được luôn. Sắp tới tôi có mở bán kim cương luôn. Tôi đang hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để hàng hóa đi về danh chính ngôn thuận và hợp pháp. Tôi nói nghiêm túc. Bạn (PV Dân Việt) là người biết đầu tiên.
Với Đàm Vĩnh Hưng, hạnh phúc trong cuộc sống là như thế nào?
- Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm. Có khi chỉ là một tràng pháo tay của khán giả đã là hạnh phúc. Có khi là một tin nhắn yêu thương quan tâm biết nghĩ cho tôi cũng là hạnh phúc. Cho dù nhận một món quà nhiều tiền hay một lời nhắn an ủi cũng cho tôi cảm xúc xúc động. Ai biết nghĩ cho tôi, quan tâm đến tôi… thì tôi thấy hạnh phúc. Cho tôi một cái bánh, đem cho tôi một tô cháo khi tôi đang bệnh, thấy tôi hát cực tặng cho chai nước chanh… Tất cả đều là hạnh phúc.
Vậy anh có thật sự đang hạnh phúc không?
- Cuộc sống cũng có cái này, cái kia. Tôi cũng những cái chưa hạnh phúc. Như tình yêu của tôi khi tôi gặp người đó, tôi yêu thật yêu, tôi muốn được sống cùng người đó, ở cùng người đó, đi khắp nơi cùng người đó nhưng không đạt được. Nên đâu có hạnh phúc. Nhưng tôi có hạnh phúc khác để che lấp, đè bẹp cái hạnh phúc cá nhân đó. Cái hạnh phúc nhiều hơn nên tạm lấn át lên cái chưa hạnh phúc.
51 tuổi, Đàm Vĩnh Hưng vẫn cháy hết mình trên sân khấu. Anh dự định hát đến khi nào?
- Có ba sự lựa chọn trong suy nghĩ. Một, là tôi sẽ không bao giờ nghỉ hát vì tôi đến với nghề hát là đam mê. Chỉ muốn bước lên sân khấu hát thôi. Chỉ cần được hát cho khán giả, được sung sướng khi khán giả đón nhận, khen tặng... Tôi chỉ ngừng hát khi cho tới lúc mà cây đinh của quan tài đóng lại là sẽ không hát được nữa, khi đó sẽ im hơi lặng tiếng.
Hai, là tôi phân vân và đấu trí với bản thân rất nhiều, đó là chọn dừng lại ở nơi cao nhất của sự nghiệp và lòng yêu thương của khán giả. Để hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng đẹp, trẻ hoài, sẽ được mọi người nhớ hoài. Chứ không cố ráng hát mà hết hơi, giọng hát thì yếu đi.
Ba, là khi Đàm Vĩnh Hưng thật là giàu, thì sẽ sẵn sàng nghỉ đi hát kiếm tiền. Thôi thì tôi chọn phương án sẽ nghỉ đi hát khi thật là giàu, rồi tôi tự hát trong nhà cũng được, hát chơi chơi với bạn bè.
Cảm ơn Đàm Vĩnh Hưng về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.