Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 1.

Ba năm khởi nghiệp là quãng thời gian không ngắn nhưng cũng chưa dài, tuy nhiên nhìn vào những thành tích mà Y Pốt và Ê Đê café đạt được thì cũng đủ để nhiều người cảm thấy ấn tượng. Vậy tại sao Y Pốt lại chọn cà phê để khởi nghiệp cũng như chọn tên thương hiệu của mình là Ê Đê café, mà lại không phải là một cái tên nào khác?

- Là người con của Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên trên những vườn cà phê nên từ bé tôi đã gắn bó với nương rẫy, với cây cà phê. Mỗi sáng ngủ dậy mở mắt ra đã nhìn thấy cây cà phê. Lớn lên sau giờ học ở trường, tôi đi rẫy cà phê phụ giúp bố mẹ.

Bố mẹ tôi quanh năm vất vả với nương rẫy nhưng kinh tế gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Từ bé tôi đã ý thức chỉ có học thật giỏi mới có thể thoát nghèo. Sau rất nhiều nỗ lực tôi đã thi đỗ vào ngành y.

Mỗi lần về quê tôi đều mang những gói cà phê bột tự rang xay của gia đình để làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp. Nhận được nhiều lời khen, dần dần tôi nghĩ đến ý tưởng tạo nên một thương hiệu cà phê riêng của đồng bào Ê Đê.

Từng học nghành y và trở thành bác sĩ, có thể nói Y Pốt là niềm tự hào của gia đình và của bà con Ê Đê ở buôn làng. Tại sao Y Pốt lại quyết định bỏ nghề bác sĩ để khởi nghiệp với cà phê?

- Đối với đồng bào Ê Đê, nghề bác sĩ và giáo viên là những nghề rất tự hào. Nhà Y Pốt đông anh chị em, bố mẹ mình có 8 người con, tôi là con trai thứ 5. Bố mẹ Pốt đã dành hết tất cả để cho tôi theo học ngành y. Tuy nhiên tôi lại thích ngoại giao, thích tự do "bay nhảy". Thế nên thay vì ở một chỗ thì Pốt quyết định rẽ hướng "đâm" vào kinh doanh.

Khi nghe tôi thông báo đã nghỉ hẳn việc ở bệnh viện và quyết định khởi nghiệp với cà phê, bố mẹ tôi giận vô cùng, không nói chuyện trong suốt 2 tháng. Hàng xóm, bà con trong buôn làng nói rất nhiều, nói tôi dại dột, là dở, là có vấn đề…

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lúc đó - lạc lõng ngay trong chính gia đình của mình. 

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 2.

Vậy tới thời điểm nào, Y Pốt có thể chứng minh cho bố mẹ thấy là sự lựa chọn của mình là đúng đắn và có lại được sự hàn gắn với gia đình?

- Thực ra để nói cho bố mẹ hiểu là điều rất khó. Tôi chỉ còn cách duy nhất đó là chứng minh bằng hành động. Tôi phải đi khắp mọi nơi để chào hàng, ra Hà Nội, vào Đà Nẵng, tới TP.HCM. Những hình ảnh tay cầm bịch bóng cà phê để đi tiếp thị, tôi sẽ không bao giờ quên.

Lúc đó Y Pốt thiếu thốn tất cả mọi thứ, cảm thấy cực kỳ nhiều áp lực. Càng như thế, bản thân mình lại càng biến áp lực thành động lực, kiên nhẫn, quyết tâm không từ bỏ. Sau khi có một số khách hàng chịu thử cà phê của tôi thì họ đã có rất nhiều phản hồi.

Từ đó khách tìm về tận nhà tôi ở Đắk Lắk, rồi báo chí viết bài rất nhiều. Khi ấy trên mạng xã hội đã bắt đầu nhen nhóm hình thành thương hiệu Ê Đê café.

Dần dà, gia đình đã dành sự tin tưởng tuyệt đối cho Y Pốt. Từ sổ đỏ đất đai, nhà cửa đến tất cả mọi thứ, bố mẹ đều cho Pốt toàn quyền sử dụng và quản lý. Bố mẹ nói, đại ý rằng: "Bây giờ tao đủ sự tin tưởng vào mày rồi, nên mày hãy tập trung làm để xây dựng phát triển cộng đồng, cho chính buôn làng của mình". Nghe những lời đó, bản thân Pốt càng cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 3.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 4.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 5.

Số tiền đầu tiên Y Pốt đầu tư vào con đường khởi nghiệp là bao nhiêu?

- Thật sự làm bác sĩ ở một bệnh viện công của Nhà nước nên bản thân Y Pốt cũng không tích góp được nhiều. Nói là khởi nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ nhưng lúc đó tôi chỉ có vỏn vẹn đúng 5 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi mua hết cà phê của người dân. Những mẻ cà phê đầu tiên, Y Pốt rang cháy rồi thất bại và chỉ còn đúng một con số 0 trên người (cười lớn).

Thế là Y Pốt đi làm thêm ở quán cà phê. Một tháng họ trả 2,2 triệu đồng, làm được 3 tháng thì tôi nghỉ. Tôi lấy đúng số tiền đó và may mắn được một người anh cho vay 15 triệu đồng, khởi nghiệp cho tới bây giờ.

Khởi nghiệp khó khăn, có khi nào Y Pốt muốn quay trở lại làm bác sĩ thay vì đi kinh doanh?

- Thời gian đầu Y Pốt bị trầm cảm đến khoảng 2 tháng do khởi nghiệp đúng vào lúc dịch Covid-19 đang diễn ra khá căng thẳng và cũng bởi bị nghe nhiều lời miệt thị. Đêm về nằm ngủ cũng bị ám ảnh bởi những câu nói văng vẳng bên tai: "Mày là người đồng bào dân tộc thiểu số, mày làm gì có trình độ? Mày nói tiếng của mày còn chưa xong mà còn nói tiếng Việt, tiếng Việt của mày còn chưa xong mà còn nói tiếng Anh...".

Thời điểm khởi nghiệp, tôi đã đối diện với tất cả mọi thứ, vui có buồn có, thể loại gì cũng đã xảy ra. Tôi cảm thấy rất áp lực và sợ, từ 75kg mà tụt hẳn xuống còn 56kg. Nhưng vượt lên tất cả, gạt những thứ đó sang hết một bên và biến nó để làm động lực, tôi dần chứng minh cho mọi người thấy được. Tới giờ, những người từng nói những điều có tính sát thương với Y Pốt đều quay lại nhắn tin và xin lỗi vì những câu nói ngày xưa.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 6.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 7.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 8.

Thị trường có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, vậy Ê Đê café có gì khác so với những thương hiệu khác?

- Điểm mấu chốt trong sản phẩm của tôi chính là bí quyết làm cà phê của người Ê Đê. Đó là làm cà phê theo cách thủ công tức là chỉ dùng một chiếc chảo đặt trên bếp rồi rang cà phê. Củi để rang cà phê cũng là dùng chính thân cây phê. Khi rang cà phê, mùi khói quyện trong cà phê cộng thêm với chất lượng của cà phê chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ê Đê café với các loại cà phê khác trên thị trường.

Chỉ nói không thôi chưa đủ, bạn phải thưởng thức nó thì mới cảm nhận hết được sự khác biệt nha (Vừa nói Y Pốt vừa trân trọng tặng chúng tôi những hộp cà phê của Ê Đê café).

Nếu cà phê thông thường sẽ nghiêng về sắc nâu và sánh nâu thì cà phê Ê Đê lại có màu đen rất đậm. Thậm chí, cà phê thủ công của người Ê Đê sẽ đậm đặc và đen hơn một chút so với cà phê thông thường. Cà phê Ê Đê có mùi thơm thanh thanh, hậu vị ngọt, không có một chút vị đắng nào trong cổ, có mùi thơm của khói rất đặc trưng.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 9.

Hiện nay, Ê Đê café đang có những dòng sản phẩm cà phê nào?

- Từ chỉ 2 sản phẩm ban đầu, đến nay Ê Đê café đã có 8 dòng sản phẩm với hai dạng là cà phê bột và cà phê hòa tan. Cà phê bột mình có cà phê Robusta, cà phê Arabica, cà phê Mix 2, cà phê Mix 3… Cà phê hòa tan có cà phê hòa tan 3 trong 1, cà phê hòa tan sầu riêng và cà phê hòa tan khoai môn.

Năm 2022 là một năm đầy ắp niềm vui của tôi. Cùng với nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc thì sản phẩm cà phê Robusta của "Ê Đê Café" của tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Cà phê khoai môn, cà phê sầu riêng hoà tan nghe thật hấp dẫn. Ý tưởng từ đâu để Y Pốt sản xuất những mặt hàng cà phê trái cây hoà tan này? Khách hàng đón nhận những sản phẩm mới này của Y Pốt ra sao?

- Thực ra, ý tưởng để làm ra cà phê hương vị trái cây đến với tôi rất tình cờ và bất ngờ. Tôi là một đứa rất thích những thứ mới lạ. Một hôm sau bữa ăn, khi mẹ tôi mang khoai môn ra để cả nhà cùng ăn, sẵn tiện lúc đó tôi cũng đang uống cà phê nên đã nảy ra ý tưởng thử cho khoai môn vào uống chung với cà phê xem vị ra sao. Tôi phát hiện ra vị của nó rất được.

Với sầu riêng cũng thế, tôi cũng thử trộn hai thứ vốn tưởng chừng không hề liên quan lại với nhau. Cả cà phê và sầu riêng đều là hai thứ có hương vị mạnh nhưng kết hợp với nhau lại "ổn áp" vô cùng. 

Các sản phẩm mới này đang rất hot, bán rất chạy. Cà phê sầu riêng khách hàng đặt quá trời mà tôi không có đủ hàng để bán. Toàn bộ số sầu riêng và khoai môn được sử dụng để chế biến cà phê hoà tan của Ê Đê café đều là do chính gia đình tôi trồng.

Hiện tại, tôi chỉ sản xuất được 3 tấn cà phê sầu riêng/năm vì không dự trữ được sầu riêng. Bản thân Y Pốt cũng rất mong muốn sang năm có thể mua hoặc liên kết với bà con để có nhiều sầu riêng hơn và sản xuất được nhiều cà phê sầu riêng hơn nữa.

Như anh chia sẻ để làm nên thương hiệu cà phê Ê Đê thủ công thì cần phải có nguyên liệu vừa ngon, vừa sạch vừa chất lượng. Vậy Y Pốt tìm vùng nguyên liệu như thế nào?

- Đúng rồi! Y Pốt luôn chú trọng vào vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của cà phê đúng tiêu chuẩn. May mắn là gia đình Y Pốt đã sẵn có 2ha trồng cà phê. Hồi xưa, bà con Ê Đê trồng cà phê chủ yếu theo cách truyền thống đó là bón phân hóa học vào cà phê rất nhiều.  

Nhưng Y Pốt xác định làm cà phê sạch theo phương pháp hữu cơ, hái 100% cà phê chín và lựa chọn kỹ càng từng hạt.

Tôi đã liên kết với Hội Nông dân xã, huyện, tỉnh để mua lại cây giống và miễn phí cây giống, phân thuốc (phân hữu cơ) cho bà con trong 3 năm. Bà con chỉ việc tập trung chăm sóc cà phê. Về đầu ra, tôi cam kết thu mua cà phê của bà con cao gấp 3 lần so với giá thị trường...

Tôi dùng máy để phân loại hạt cà phê. Sau khi phân loại hạt cà phê bằng máy, mình tiếp tục làm sạch một lần nữa bằng cách dùng tay nhặt thủ công để có được hạt cà phê sạch nhất, tốt nhất có thể trước khi đem đi rang.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 10.

Hiện thương hiệu cà phê của Y Pốt đang tiếp cận khách hàng qua những kênh nào?

- Tôi thế hệ 8X nên nhanh nhạy trong vấn đề chuyển đổi số. Hiện tại, sản phẩm của tôi đều có mặt trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,…. Tôi đánh giá đây là những kênh tiếp cận khách hàng vô cùng hiệu quả. Qua lời nhận xét của những người xung quanh và những đơn hàng đi mỗi ngày thì Pốt cảm thấy rất tự hào. Đi được đến ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu rất nhiều.

Vậy sản lượng cà phê mà mỗi ngày Ê Đê café xuất ra thị trường là bao nhiêu?

- Năm 2022, sản lượng cà phê bột tôi xuất ra thị trường là 10 tấn, cà phê hạt rang là 10 tấn còn cà phê nhân là 25 tấn. Nếu trước đây, mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng 20-30kg, thì từ sau khi được danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc mỗi ngày tôi bán thấp nhất là 500kg, thậm chí là bán 2-3 tấn/ngày. Doanh thu tới thời điểm hiện tại cũng được sau lợi nhuận từ 80-400 triệu đồng/tháng.

Doanh số bán hàng của Y Pốt khá ấn tượng. Vậy đơn hàng nào là "khủng" nhất với Ê Đê café trong một ngày?

- Đơn hàng khủng nhất mà tôi nhận được là 13 tấn/ngày. Đó là vào một ngày đẹp trời đầu tháng 11/2022, tôi nhận được tin nhắn của một khách hàng "bí ẩn". Bạn ấy nói rằng đã được thử cà phê hạt rang của tôi và gia đình, người thân của bạn ấy ở bên nước ngoài và hàng xóm đều rất thích, yêu cầu báo giá sản phẩm với số lượng rất lớn 13 tấn. Sau khi nhận báo giá, bạn khách ấy không hề lăn tăn mà chốt đơn luôn 13 tấn.

Bạn khách hàng "bí ẩn" nói với tôi là: "Y Pốt không cần biết tôi là ai, bạn chỉ cần làm ra những sản phẩm ngon, sạch thì chúng tôi sẽ luôn ủng hộ bạn. Vậy là được rồi". Y Pốt cảm thấy rất là tự hào về điều đó.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 11.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 12.

Dõi theo Facebook của Y Pốt, tôi thấy bạn có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu. Y Pốt có thể chia sẻ hành trình đưa Ê Đê café xuất ngoại như thế nào?

- Pốt sẵn sàng tự bỏ kinh phí, mang cà phê đi dự các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để trưng bày, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ví dụ thích Philipines, Y Pốt sẽ kiểm tra xem tài khoản mình còn bao nhiêu để mua vé máy bay, đặt chỗ ở và di chuyển đến đó. Trong quá trình giao tiếp với người bản địa, nếu khó quá không biết giao tiếp thế nào thì tôi dùng body language (ngôn ngữ cơ thể), dùng goolge translate (google dịch).

Từ một người có vốn ngoại ngữ hạn hẹp, tôi dùng tất cả vốn liếng ngoại ngữ có được để viết về sản phẩm bằng tiếng Anh trên tờ giấy A4. Rất may mắn là ban tổ chức cũng đồng ý cho tôi tham dự chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm của họ cùng 96 đất nước trên thế giới tham gia tại đó.

Tại hội chợ, tôi đi gặp từng người và cầm từng túi cà phê nhỏ đi để tặng cũng như kết nối với mọi người người. Dần dần, cà phê của Y Pốt được nhiều người biết đến, yêu thích và có những phản hồi tích cực. Các bạn bè nước ngoài cảm thấy sản phẩm của tôi tốt nên đã kết nối và hẹn lịch làm việc.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 13.

Từ một người không có kiến thức về kinh doanh và về ngoại ngữ đến nay Y Pốt tự điều hành cả một công ty và tự tin giao tiếp với bạn bè, đối tác người nước ngoài. Vậy, Y Pốt đã tự học kinh doanh và tiếng Anh như thế nào?

- Thứ nhất nói về học kinh doanh, tôi phải có một sự nỗ lực rất lớn. Tôi cũng học được rất nhiều thứ về kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Những ngày cách ly xã hội, tôi ở nhà và gọi điện cho bạn bè để được chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh. Tôi cũng tự lên mạng tìm hiểu nhiều thông tin về kinh doanh...

Thứ hai là nói về ngoại ngữ, Pốt không dám nhận mình giao tiếp giỏi nhưng nếu trước kia thi thoảng Pốt vẫn cần nhờ tới bạn phiên dịch giúp thì bây giờ tôi có thể tự mình làm được. Từ nào khó quá tôi tra google.

Thời gian đầu, mỗi ngày tôi chỉ học đúng một từ vựng và tôi cứ nhấn nhá đi nhấn lại tập nói từ mới đó trong các hoàn cảnh, ngữ cảnh khác nhau. Từ đó tôi có phản xạ từ bao giờ cũng không biết.

Bên cạnh đó, với vốn tiếng Anh đã tự trau dồi trước đó, Pốt đã lên các diễn đàn kinh tế của người nước ngoài vừa để học thêm ngoại ngữ cũng vừa để tìm kiếm thêm đối tác. Qua làm việc tại một số công ty ở Nhật Bản, các nước Trung Đông, các nước này đã cử đại diện đến tận nơi tìm hiểu, khảo sát và đặt vấn đề thu mua, hợp tác phát triển cà phê hữu cơ để xuất khẩu. 

3 năm kinh doanh có những thành tích đáng kể trong tay, ngay lúc này trong tài khoản của Y Pốt hiện đang có bao nhiêu con số?

- Nói về tài sản, từ chiếc chảo rang cà phê ban đầu thì nay tôi đã có dàn máy móc chế biến cà phê cũng tương đối đầy đủ, giá trị hơn 2,5 tỷ đồng. Hiện tại, công ty của tôi có lẽ cũng được định giá hơn 10 tỷ đồng nhưng tôi tái đầu tư cho vùng nguyên liệu, máy móc, hỗ trợ bà con trồng cà phê hết trơn. Thực sự, hiện tài khoản của tôi chỉ còn đúng 1 con số, đó là số 0.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 14.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 15.

Nhìn lại thời gian đã đi qua, điều gì làm cho Y Pốt cảm thấy hài lòng nhất và điều gì còn băn khoăn, trăn trở?

- Có lẽ hài lòng nhất tới thời điểm hiện tại là mình đã rất nỗ lực và kiên nhẫn. Ban đầu Pốt là người không chịu nghe lời khuyên của bất kỳ ai. Khi bước vào môi trường kinh doanh, tôi đã thay đổi rất nhiều. Pốt thay đổi về con người, thay đổi về tư duy, cách nhìn nhận và cả phong cách.

Pốt được tiếp cận với rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước, được đi đến nhiều nơi trên thế giới hơn. Và thêm sự hài lòng nữa đó là vì mọi người đã biết đến nhiều về Ê Đê café hơn. Từ đó, tôi giúp đỡ được bà con trong buôn làng có kinh tế khấm khá hơn.

Còn điều tôi chưa hài lòng ở thời điểm hiện tại là mục tiêu lớn của tôi, đó là xuất khẩu cà phê. Thế nên, trong thời gian sắp tới tôi mong muốn sẽ xuất khẩu được nhiều nước hơn nữa và sản lượng ngày càng tăng. Sản phẩm cà phê của người Ê Đê sẽ được nhiều người biết tới hơn nữa, bà con ở buôn làng tôi sẽ có kinh tế ổn định hơn.

Dường như Y Pốt dành 200% sức lực để làm việc, vậy khi đã đạt được những thành tích nhất định rồi Y Pốt có nghĩ tới câu chuyện riêng của mình chưa?

- Bản thân Pốt cũng còn nhiều điều thiếu sót, nhiều điều chưa được hoàn thiện cho lắm. Mỗi ngày tôi luôn cố gắng tích lũy, cố gắng trau dồi và học hỏi thêm. Còn chuyện cá nhân có lẽ là duyên chưa tới nên cứ tạm gác sang một bên. Khi công việc ổn định hơn tôi sẽ tính đến chuyện cá nhân sau.

Là người truyền cảm hứng, Y Pốt Niê có lời khuyên hay chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp không?

- Tôi chưa cảm thấy truyền được cảm hứng cho nhiều người. Đó là câu chuyện thật của tôi và tôi chia sẻ thôi chứ cũng không có gì đặc biệt cả. Đối với các bạn trẻ hiện tại khởi nghiệp, khi thực sự có đam mê, hãy dám dấn thân, dùng hết sức của mình. Sự đền đáp sẽ về lại với mình. Đừng nản lòng hãy bước tiếp và đi con đường của mình. Cứ đi rồi sẽ đến, đến rồi sẽ tới, tới rồi sẽ thành công.

Chắc hẳn Y Pốt đã đặt mục tiêu gần và mục tiêu xa cho mình trong thời gian tới?

- Tôi rất thích những gì liên quan đến sắc đẹp. Tôi biết nhiều chị em sau sinh hoặc bận rộn với công việc mà chưa để ý đến việc chăm sóc bản thân. Chính vì vậy, hiện tại Ê Đê café đang có ý tưởng nghiên cứu và sẽ làm sản phẩm về cà phê collagen cho chị em. Giúp chị em khi uống cà phê collagen vừa đẹp da, làm đẹp lại tỉnh táo để làm việc.

Bên cạnh đó, trong thời gian sắp tới mục tiêu của tôi còn là hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao. Xa hơn nữa, Y Pốt mong muốn là có một chi nhánh Ê Đê café ở nước ngoài và mong muốn sản phẩm cà phê sẽ được xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn. Đồng thời xây dựng một số  homestay ngay tại rẫy cà phê để du khách đến nghỉ ngơi thư giãn, thưởng thức ly cà phê thơm ngon, tận hưởng quy trình làm cà phê, dệt thổ cẩm truyền thống và hòa mình vào không gian cồng chiêng của đồng bào Ê Đê.

Còn về tương lai gần, trong năm 2023, Ê Đê Café hướng đến mục tiêu mới là mở rộng thị trường với việc mở các chuỗi cửa hàng cà phê. Đồng thời, kết hợp với người dân địa phương để mở rộng thêm vùng nguyên liệu và mở rộng nhà xưởng để sản xuất cà phê, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 16.

Ngay sau cuộc trò chuyện với Dân Việt, Y Pốt Niê vội vã lên đường đến Sa Pa (Lào Cai) để gặp những đối tác người Trung Quốc đã hẹn từ trước cũng như làm khách mời tham dự chung kết Cuộc thi "Hoa khôi Du lịch Tây Bắc – Sa Pa 2023".

Chia tay Y Pốt Niê, nhưng hình ảnh về chàng trai Ê Đê năng động, hiện đại và tràn đầy năng lượng tích cực ấy vẫn để lại dấu ấn khó quên. Đó thực sự là điểm sáng để hứa hẹn về một bước tiến trong sự hội nhập, sự bắt nhịp với thời cuộc của người nông dân Việt Nam. Nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII hẳn nhiên cũng bắt đầu từ những con người đầy khát vọng tươi đẹp như thế.

Hành trình chinh phục khẩu vị cà phê thế giới, thu về "trái ngọt" của chàng trai Ê Đê - Ảnh 17.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem