Nam Định: Nuôi thập cẩm các thứ cá trong 1 cái ao, toàn con to bự, ông nông dân này thành tỷ phú
Nam Định: Nuôi thập cẩm các thứ cá trong 1 cái ao, toàn con to bự, ông nông dân này thành tỷ phú
Phạm Quân
Chủ nhật, ngày 20/09/2020 06:36 AM (GMT+7)
Nuôi thập cẩm đủ thứ cá trong 1 cái ao, ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) mỗi năm thu hơn nửa tỷ đồng. Cái ao rộng của ông Quyên nuôi cá lóc, cá koi, cá trắm đen, cá trắm cỏ...Mỗi khi nhà ông Quyên kéo lưới bắt cá nhiều người đến xem cho đã con mắt...
Clip: Mô hình nuôi cá thập cẩm của ông nông dân Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định). Mỗi khi gia đình ông Quyên kéo lưới bắt cá, rất đông người đến xem...
Những ngày giữa tháng 9, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có dịp ghé thăm trang trại nuôi các loại cá của gia đình ông Trần Văn Quyên xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).
Muốn giàu nuôi cá
Trang trại nuôi cá của gia đình ông Quyên nổi tiếng trong vùng bởi ở đây nuôi được những con cá trắm đen, cá trắm cỏ to bự. Và đặc biệt, ông Quyên có cách thả cá khá đặc biệt, ông thả nuôi thập cẩm các loài cá, trong đó có cả cá koi Nhật Bản. Chính điều này khiến mỗi lần gia đình ông dùng lưới kéo bắt cá khiến nhiều người tò mò đến xem.
Trong khuôn viên trang trại nuôi cá rộng hơn 2 ha, được ông chia làm 9 ao to nhỏ khác nhau. Ao nào cũng được kè bờ kiên cố, lối đi được đổ bê tông phẳng phiu, dưới ao lao xao cá quẫy, xung quanh được trồng cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, rau xanh mát mắt...
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tới trang trại nuôi cá thập cẩm đúng lúc ông Quyên đang giở tay với công việc.
Vừa làm ông Quyên vừa bảo: " Anh chị thông cảm đợi tôi một tý, tôi đang phải xử lý nguồn nước ao nuôi cá. Nếu không làm ngay thì sẽ ảnh hướng tới sức khoẻ của đàn cá. Nuôi con cá giống như nuôi con mọn, sễnh ra không để ý là dở hơi ngay, nhiều khi khách tới chơi mà phải bắt đợi cả tiếng".
Trong cuộc trò chuyện phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN mới biết ông Quyên trước đây làm nghề thợ xây. Gắn bó với công việc này một thời gian dài, thấy vất vả mà đồng công lại thấp nên ông tính chuyển sang làm nghề khác.
Đầu năm 2003, khi UBND xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, ông Quyên đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 2ha đất để xây dựng mô hình kinh tế mới.
Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng gia đình ông quá "liều" khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm.
"Tôi sinh ra là con nhà bắt cá, nuôi cá vì các cụ nhà tôi ngày xưa sống bằng nghề nuôi cá. Sau đó do gia đình không có ao để chăn nuôi tôi mới đi làm nghề thợ xây. Ngay sau khi biết, xã có chủ trương cho chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại, tôi mạnh dạn thuê ruộng rồi chuyển đôi sang trang trại nuôi cá", ông Quyên nhớ lại.
Ban đầu ông Trần Văn Quyên nuôi theo mô hình lúa-cá, nhưng càng về sau ông thấy cách làm này không hiệu quả và tốn nhân công nên đã chuyển đổi hẳn sang nuôi cá chuyên canh, nuôi cá thâm canh. Đầu năm 2007, ông chọn nuôi con cá trắm đen, vì đây là loài cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Cả chục năm gắn bó với con cá trắm đen, năm nào ông cũng xuất bán được vài chục tấn cá trắm đen đặc sản. Cá trắm đen của ông Quyên xuất bán đều to bự, đều hơn 10 kg trở lên.
Mấy năm đầu cá trắm đen có giá cao nên chuyện ông Quyên bỏ túi vài trăm triệu mỗi năm là khá bình thường. Nhưng đến năm 2017, giá cá trắm đen xuống thấp nên hiệu quả không cao nên ông quyết định nuôi thêm một số loại cá khác, nuôi xen canh cùng với con trắm đen.
Tỷ phú nuôi cá năng động, sáng tạo
Đối với các ao, ông Quyên vẫn nuôi cá trắm đen như trước đây nhưng thả mật độ thưa hơn để thả xen canh thêm các loại cá khác như: cá trắm cỏ, cá chép và đặc biệt là ông thả cả cá chép koi Nhật Bản. Gọi là thả xen canh, nhưng trong đó con cá trắm đen vẫn là loài cá mang lại nguồn thu chủ lực, thả thêm các loại cá khác để gia tăng thêm thu nhập.
"Trung bình mỗi năm tôi bán khoảng hàng chục tấn cá các loại, trong đó cá chép koi Nhật Bản là có giá bán cao nhất, mỗi kg cá chép koi có giá 180.000 đồng, tiếp đến là cá trắm đen là có giá bán là 80.000 đồng/kg. Các loại cá khác như cá chép, cá trắm cỏ có giá bán trên dưới 50 ngàn đồng/kg", ông Quyên vui vẻ nói.
Để chủ động nguồn cá giống, ông Quyên dành 3 ao để chuyên ươm cá giống tự phục vụ nhu cầu của gia đình mình. Nhờ vậy mà ông tiết kiệm được kha khá chi phí tiền mua cá giống và đặc biệt có nguồn cá giống chất lượng và tránh được hoa hụt khi vận chuyển.
Ông Trần Văn Quyên tiết lộ, trong các loại cá mà ông nuôi thì con cá chép koi là một loại cá có giá bán cao nhất. Cá chéo koi loại trên dưới 2 kg/con có giá bán 180 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm ông xuất bán ra thị trường cá cảnh khoảng gần 5 tấn cá chép koi. Cá chép koi ông Quyền có đủ loại màu sắc và kích cỡ khác nhau, thỏa mái cho khách hàng lựa chọn.
Ngoài ao cá nuôi thập cẩm các thứ cá ra, ông Quyên dành riêng một ao rộng 2.000m2 để thả nuôi gần 5 vạn con cá lóc đầu nhím. Năm nào ông Quyên cũng thu về được trên dưới 25 tấn cá lóc thịt thương phẩm, doanh thu cả tỷ đồng.
Ông Quyên cho hay, nuôi cá lóc đầu nhím cũng hay, nuôi được mật độ dày, cho ăn thức ăn công nghiệp, giá bán phải chăng nên người tiêu dùng dễ mua...
"Tính bình quân, mỗi năm tôi xuất bán gần 50 tấn cá khác nhau, trong đó cá trắm đen khoảng 12 tấn, cá lóc đầu nhím hơn 25 tấn, cá chép koi là gần 5 tấn, một số loại cá khác khoảng trên 5 tấn. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm tôi lãi khoảng 600-700 triệu đồng", ông Quyên tiết lộ.
Theo ông Quyên, trong quá trình nuôi cá cần chú ý tới khâu xử lý nước định kỳ. Vì nguồn nước là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất cá và hiệu quả của cả một năm chăn nuôi. Ông thường xuyên sử dụng men vi sinh sục khí do ông tự ủ để xử lý nước ao nuôi.
Trong loại men vi sinh này có nhiều vi sinh có lợi giúp cải thiện môi trường nước ao nuôi, từ đó giúp con cá sinh trưởng tốt hơn. Theo ông Quyên, nếu không ủ được men vi sinh, người nuôi cá có thể đi mua sẵn ngoài thị trường. Cứ một tuần dùng men vi sinh một lần xử lý nước ao thì đảm bảo đàn cá luôn khoẻ mạnh.
"Làm nông dân, nuôi con gì có hiệu quả kinh tế cao thì nuôi. Nhu cầu thị trường thay đổi thì nông dân cũng nên phải nghĩ ra cách thích ứng. Hãy nắm bắt quy luật thị trường để tìm loại vật nuôi cho hợp lý. Trong quá trình nuôi cá cần tục cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, cách làm mới, diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời...", ông Quyên chia sẻ.
Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, ông Trần Văn Quyên được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.