Đa dạng sinh kế dưới tán rừng
Gia đình ông Trần Văn Mới- Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có 2.000ha diện tích rừng ngập mặn. Từ khi được sự hỗ trợ của dự án, ông đã thả nuôi 840kg con giống vọp, 160kg ốc len. Sau 4 tháng, hiện giờ ông đang thu hoạch những lứa ốc đầu tiên. Giá ốc của ông được thương lái thu mua từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cho gia đình cả chục triệu đồng/vụ.
Mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng.
Ông Mới cho biết: "Mỗi mô hình có diện tích 2.000m2, trong đó phía dự án hỗ trợ 70% giống, sau 4 tháng nuôi tôi thấy ốc phát triển rất tốt. Vọp nuôi từ 12-18 tháng sẽ thu hoạch. Hiện nay, giá vọp ở mức từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Bà con nuôi vừa nhàn rỗi, đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn thức ăn trong tự nhiên. Từ ngày thành lập tổ hợp tác tham gia mô hình này, người dân sống cũng được bởi vì bảo vệ rừng vừa nuôi dưới tán rừng cũng phát triển, dân cũng ổn định, có cuộc sống sinh kế bền vững".
Còn ông Nguyễn Văn Rí ở xã An Thạch Nam, huyện Cù Lao Dung cho biết, gia đình tôi được chính quyền địa phương và dự án chọn tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản dưới tán rừng trên diện tích 2.000m2. Tham gia vào mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 1.200kg vọp, 320kg ốc. "Gia đình tôi chỉ phải bỏ ra 30% vốn đối ứng, phần còn lại do dự án hỗ trợ. Tôi nhận thấy, điều kiện mở rộng nuôi nuôi thủy sản ở đây rất phù hợp với lượng phù sa lớn, rất thích hợp cho vọp và ốc sinh sống"- ông Rí tâm sự.
Theo ông Phạm Kiên Trung - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch Nam, huyện Cù Lao Dung cho rằng, những mô hình trên rất có hiệu quả vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, vừa giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân. "Từ mô hình này, người dân tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có từ tự nhiên để nuôi thủy sản mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, người dân còn kết hợp với làm du lịch sinh thái tăng thêm thu nhập"- ông Trung đánh giá.
Nông dân Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã dần thích ứng với điều kiện BĐKH khắc nghiệt, chuyển đổi cơ cấu sản xuất linh hoạt, phù hợp dưới tán rừng ngập mặn
Chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả
Với sự hỗ trợ của dự án MD-ICRSL, từ năm 2019, Cù Lao Dung được triển khai thực hiện tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng BĐKH vùng Cù Lao Dung (gọi tắt là TDA 7) với mức đầu tư 942 tỉ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục nâng cấp đê biển, xây dựng mới 2 tuyến đê Cồn Tròn và Bến Bạ, cải tạo xây dựng mới hệ thống điện. Đặc biệt là các mô hình sinh kế khai thác giá trị từ tự nhiên. Với sự hỗ trợ từ TDA 7, vài năm trở lại đây bà con nông dân trong huyện Cù Lao Dung bắt đầu thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang trồng cây ăn trái để có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Bà Lương Thị Diễm Trang, Tư vấn cá nhân hỗ trợ các hoạt động sinh kế TDA 7 tỉnh Sóc Trăng, cũng được xem là người gắn bó với bà con nông dân Cù Lao Dung trong suốt quá trình triển khai dự án. Bà Trang cho rằng thay đổi rõ ràng nhất của địa phương khi TDA 7 đến với vùng đó là nhận thức và hành vi của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện tăng lên đáng kể, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo bà Trang, đối với TDA 7, tỉnh thực hiện 7 hoạt động sinh kế chia vùng đất Cù Lao Dung ra 2 phân vùng, một phân vùng làm sao áp dụng phương pháp bảo vệ diện tích rừng ngập mặn bên trong là mình áp dụng các biện pháp canh tác tốt như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.