Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những năm trước, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã gây ấn tượng mạnh với kỹ nghệ "chăn" 1010 chú trâu tuyệt đỉnh, hay "nuôi" đàn hổ 2022 con, năm nay liệu có phải là "vũ điệu" 2023 chú mèo không, thưa anh?
- Đúng vậy, bộ sưu tập điêu khắc sơn mài mèo của tôi năm nay có 2023 con, tương ứng với số năm. Mỗi bức tượng có một câu chuyện, một cuộc đời riêng, và những sản phẩm ấy đã trở thành tác phẩm. Qua bộ sưu tập, tôi muốn gửi thông điệp tôn vinh tính sáng tạo, vì chỉ có sáng tạo mới giúp phát huy được giá trị trong mỗi con người.
Tại sao anh lại cố định số lượng tác phẩm như vậy?
- Đôi khi mọi người thắc mắc tại sao làm nghệ thuật lại ấn định về số lượng. Quan điểm làm nghệ thuật của tôi là mong muốn nghệ thuật thủ công phải bằng cách nào đó dễ dàng tiếp cận đối với đời sống của người Việt. Muốn vậy, người nghệ sĩ sáng tác phải tạo nên những sự khác thường. Số lượng tác phẩm lớn và có ý nghĩa với năm mới chính là sự khác thường tôi tạo ra. Bởi lẽ, tôi khẳng định, để làm được số lượng 2023 tác phẩm mà mỗi tác phẩm đều là độc bản và làm thủ công hoàn toàn một cách tỉ mỉ, đều đặn hàng năm thì rất hiếm nghệ sĩ có thể làm được.
Tôi cũng không làm nhiều hơn 2023 tác phẩm vì việc giới hạn số lượng như vậy chính là cách tôi thể hiện sự tôn trọng khách hàng, nhà sưu tập. Dù mỗi tác phẩm của tôi đều là độc bản, thì việc giới hạn số lượng sẽ càng nhân lên giá trị và khẳng định đó là tác phẩm chứ không phải sản phẩm thủ công thuần tuý.
Ngoài ra, tôi muốn dành nhiều hơn cho những kế hoạch khác như các cuộc triển lãm, chăm chút cho không gian nghệ thuật sơn mài ở tầng 65 tòa Lotte Hà Nội… Năm 2023, tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc quảng bá, giới thiệu nghề thủ công của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Với bộ tượng điêu khắc mèo đồ sộ năm nay, anh có gặp khó khăn gì khi sáng tác không?
- Mèo là loài vật rất gần gũi, thân thuộc với đời sống hiện đại cũng như trong dân gian Việt Nam nên tôi không gặp khó khăn nào khi tìm kiếm đề tài. Tuy nhiên, với người làm nghệ thuật như tôi thì cái khó ở đây chính là tạo được sự mới lạ cho bộ sưu tập để không bị dập khuôn hay na ná với những bộ sưu tập trước về kiểu dáng, cách làm, cách bố cục…
Vậy điểm nhấn của bộ sưu tập mèo năm nay là gì, thưa anh?
- Bộ sưu tập mèo của tôi năm nay gắn liền với văn hóa dân gian của người Việt. Mỗi tác phẩm sẽ chứa đựng câu chuyện dân gian liên quan đến hình tượng mèo, ấn phẩm của hội họa về mèo như: đám cưới chuột, vinh quy bái tổ, cái Tết của mèo con, đeo chuông cho mèo…
Điểm nhấn của bộ sưu tập năm nay là bộ bàn ghế "bữa tiệc ngày xuân" gồm 7 ghế mèo và 1 bàn cá mang đậm âm hưởng tranh dân gian Đông Hồ gửi gắm tình đoàn kết cùng những hy vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người Việt trong năm mới…
Bộ bàn ghế được tôi gửi gắm thông điệp: Sang năm Quý Mão, với đặc tính thông thái, linh hoạt, nhanh nhẹn của loài mèo cũng là thể hiện cho tinh thần của người dân Việt Nam, khi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cuối cùng sẽ có được bữa tiệc chiến thắng.
Phần tựa lưng của mỗi chiếc ghế, tôi tạo những bức điêu khắc gỗ bằng cách phối lại bố cục của những bức tranh dân gian như: tranh Đám cưới chuột phối lại thành bố cục hình tròn hay bức tranh cậu bé ôm mèo, cậu bé chăn trâu thả diều… Những bức tranh đó chính là những điểm nhấn chở đầy văn hóa dân gian Việt được tôi lưu giữ qua những tác phẩm của mình một cách mới lạ, gần gũi hơn.
Đây là bộ ghế được tôi gửi gắm rất nhiều tìm cảm, tâm huyết, tình yêu quê hương, đất nước, chế tác trong đúng 1 năm, độc nhất vô nhị, không tái bản, có giá khoảng 1 tỷ đồng.
Bộ bàn ghế mèo "bữa tiệc ngày xuân" của anh không chỉ đồ sộ, mà còn đẹp tinh tế. Mỗi chiếc ghế lại mang một màu sắc, kiểu dáng, hoa văn, ở giữa là một bức tranh dân gian Đông Hồ ấn tượng được điêu khắc sơn mài tỉ mỉ, thật khiến người ta thèm muốn được mang về làm của riêng. Không chỉ bộ ghế, dường như tượng mèo của anh không chỉ để trưng bày mà đều có công năng sử dụng?
- Cũng như những bộ sưu tập trước đây tôi luôn luôn khai thác tối đa, đưa công năng sử dụng vào những bức tượng nghệ thuật mèo của mình. Chẳng hạn như gắn chuông, làm đèn ngủ, đốt trầm, khay đựng trái cây, lọ cắm hoa,…
Tôi muốn gửi gắm vào sản phẩm của mình những câu chuyện sống động về văn hóa Việt Nam. Luôn cố gắng đưa tạo hình cổng làng, gác chuông, hoa văn cổ,... hiển hiện trong các tác phẩm một cách sinh động. Tôi luôn chọn cách nhấn mạnh đến văn hóa quê hương xứ Đoài như một lời tri ân. Có lẽ vì thế nên các tác phẩm điêu khắc sơn mài của tôi được nhận xét là mang hơi thở của làng quê Việt Nam.
Mỗi tác phẩm điêu khắc sơn mài của anh đều chứa đựng thật nhiều tâm huyết như vậy, kỳ công như thế, tôi băn khoăn liệu giá thành có là rào cản khi tiếp cận khách hàng hay không?
- Hiện nay đối tượng khách hàng của tôi khá đa dạng. Tôi có những vị khách tìm đến để sưu tầm và một số khách khác mua về để trang trí nhà cửa. Các tác phẩm của tôi luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng vì nó có tính độc bản, nhỏ gọn, dễ vận chuyển và có công năng sử dụng. Đặc biệt nhất là mang được bản sắc văn hóa Việt trong đó nên giá trị thương mại được đánh giá khá cao.
Vì là người có kỹ năng nghề nên chi phí sản xuất đã được tôi giảm xuống tối đa. Ngoài bộ bàn ghế "Bữa tiệc ngày xuân", các tác phẩm khác chỉ có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, không quá kén khách. Thậm chí nhiều nhà sưu tập, nghệ sĩ còn cho rằng mức giá đối với một tác phẩm điêu khắc sơn mài như vậy là thấp đến khó tin.
Để tạo ra một tác phẩm điêu khắc sơn mài, như anh nói, nhanh cũng phải cả tháng mới "chào đời" vì phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đến đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên chả chục lớp sơn, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo phần hồn,… Nhọc nhằn là thế, tại sao anh vẫn cứ bền bỉ và miệt mài với sơn mài truyền thống?
- Từ nhỏ, tôi đã may mắn được theo ông và bố vào các đình, đền, chùa, tôi yêu nghệ thuật điêu khắc, yêu những hoa văn thuần Việt. Tôi vẽ mọi lúc, mọi nơi, lớn lên thì theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam rồi bén duyên với sơn mài truyền thống. Làm nghề thủ công, mỗi người sẽ chọn một lối đi riêng. Ngay từ đầu tôi đã chọn gắn chặt với nghề thủ công truyền thống, mỗi tác phẩm luôn luôn chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp gửi đến cộng đồng. Bởi thế, tôi bền bỉ với cách làm thủ công và tôn trọng sự sáng tạo. Khi kết hợp sơn mài với các chất liệu thân thiện với môi trường như gỗ, đá ong, tre, tôi luôn tìm cách để tác phẩm của mình vừa đạt giá trị thẩm mỹ, công năng sử dụng lại vừa có độ bền cao, chứ không đặt nặng giá trị kinh tế.
Đi theo cách làm độc bản và sáng tạo gắn với nghệ thuật thủ công và những sự kiện lớn của đất nước luôn nhọc nhằn và không đạt lợi nhuận cao như sản xuất hàng loạt. Nhưng đổi lại, những "đứa con" của tôi có sự lan tỏa đến với cộng đồng nhanh hơn, bền vững hơn. Đó cũng là cách tôi đưa nghệ thuật thủ công, nghệ thuật sơn mài đi ra quốc tế nhanh hơn.
Khi kết hợp sơn mài với các chất liệu khác nhau sẽ tạo ra sự phong phú về kiểu dáng và đa dạng về chất liệu, tạo được hiệu ứng thị giác đối với người xem nhưng trong quá trình làm, thành công cũng nhiều và hỏng cũng không ít. Nhưng tôi tự hào vì mình là người dám mạo hiểm, dám thử nghiệm, dám chấp nhận thất bại nên đã có được nhiều kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới và sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn.
Tìm ra được một hướng đi riêng luôn là điều khó khăn. Anh đã làm thế nào để đưa sơn mài lên sản phẩm điêu khắc? Và làm thế nào để sản phẩm điêu khắc ấy trở thành tác phẩm hấp dẫn?
- Từ quan niệm "nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người", tôi cứ làm và rút kinh nghiệm, qua thời gian bền bỉ, thành công đưa chất liệu sơn mài lên gỗ cũng đến. Trong quá trình thử nghiệm làm sản phẩm, công đoạn nặng nhọc nhất thuộc về quá trình điêu khắc và tỉ mỉ nhất thuộc về việc sơn mài. Đưa sơn mài lên trên những bức tượng khó hơn rất nhiều so với khi làm trên bề mặt tranh phẳng. Các tượng gỗ có bề mặt cao thấp, lồi lõm khác nhau ít nhiều sẽ khiến quá trình sơn mài bị cản trở. Vậy nên nếu người nghệ sĩ làm không khéo thì khi mài sẽ dễ bị chạm đến phần cốt của sản phẩm.
Để thành công đưa được sơn mài lên chất liệu gỗ điêu khắc như hôm nay cần sự kiên trì bền bỉ, cùng tài năng và tâm huyết của người nghệ nhân. Yếu tố nghệ thuật luôn được đặt lên hàng đầu nhưng bên cạnh đó tôi cũng xác định phải tồn tại song song giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Tôi lựa chọn một bên là làm nghệ thuật để sống và một bên làm nghệ thuật mang tính hàn lâm. Vẫn cần có chất nghệ thuật đậm đặc trong sản phẩm thì khi hoàn thiện mới mang lại chiều sâu, và các sản phẩm mới có tính thực tế để phục vụ con người. Qua các sản phẩm của mình, tôi mong muốn người dùng thấy được giá trị của sơn mài khi đưa lên sản phẩm điêu khắc đã được nhân lên nhiều lần.
Được biết, mỗi năm anh đều tham gia rất nhiều cuộc thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm và thường đạt nhiều giải cao. Những cuộc thi đó có ý nghĩa như thế nào với cá nhân anh?
- Có lẽ tôi sẽ tham gia các cuộc thi thiết kế về mỹ thuật cho đến khi nào không thể sáng tạo được nữa. Bởi điều đó không chỉ giúp tôi định vị được sự sáng tạo của mình đang đứng đâu trong xã hội mà còn thôi thúc tôi sáng tạo nhiều hơn nữa.
Những cuộc thi thiết kế, triển lãm mỹ thuật sẽ giúp quảng bá nghệ thuật sáng tạo và thúc đẩy các nghệ nhân, họa sĩ chịu khó mày mò, sáng tạo để cho ra những tác phẩm, sản phẩm mới phục vụ cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, những cuộc thi cần được tổ chức định kỳ và thường xuyên hơn.
Được biết, những tác phẩm đạt giải của các cuộc thi, triển lãm anh đều cất giữ chứ không bán, vậy chắc hẳn anh sẽ có những phòng trưng bày đồ sộ lắm?
- Không gian trưng bày những sản phẩm đạt giải và những chiếc giấy chứng nhận ở Làng cổ Đường Lâm đến giờ phút này nó đã không còn đủ chỗ nữa rồi. Với một người nghệ sĩ, những khoảng lặng cho riêng mình rất quý giá. Tôi thường ngồi lại, nhìn nhận lại những thành tựu, thành quả mình đạt được trong 20 năm qua để khích lệ bản thân làm việc nhiều hơn nữa, phát huy nhiều hơn nữa khả năng, sự sáng tạo trong cuộc sống.
Không gian trưng bày các tác phẩm cũng đồng thời là lớp dạy nghề miễn phí của tôi mang nghề sơn mài đến với nhiều người, và quan trọng hơn nữa là nó gợi mở cho mọi người những góc nhìn về thẩm mỹ. Đến nay, không ít người đã trở thành những trợ thủ đắc lực của tôi.
Là họa sĩ, nghệ nhân đồng thời cũng là doanh nhân. Thời gian Covid-19 vừa qua Công ty TNHH Dola Việt Nam của anh bị ảnh hưởng như thế nào?
- Tôi là một họa sĩ thiết kế, một nghệ nhân, mô hình công ty tôi mở ra chỉ nhằm đảm bảo tư cách pháp nhân, chứ không hoạt động về lĩnh vực sản xuất hàng hóa hàng loạt.
Thời gian Covid-19 tác động mạnh đến mảng xuất khẩu và kinh doanh quà lưu niệm phục vụ du khách nước ngoài ở trong nước gần như đóng băng. Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Sau nửa năm chống đỡ và xoay sở tìm con đường mới, may mắn là trong tay tôi có nghề, được học hành bài bản tại trường Mỹ thuật nên tôi đã chủ động đẩy mạnh sáng tác những bức tượng điêu khắc sơn mài con giáp để phục vụ cho người dân Việt Nam.
Có thể nói, 3 năm Covid-19 vừa qua là 3 năm tôi "thăng hoa" trong sáng tạo và khá thành công trong lĩnh vực làm ra những bức tượng điêu khắc sơn mài. Tôi đã tạo được một con đường riêng trong thể loại này. Tôi thấy, đây có thể là một cách làm rất thuận lòng người. Tác phẩm của tôi mang trong mình những hơi thở của người Việt, có yếu tố dân gian, có những câu chuyện khơi gợi lại niềm tự hào của người Việt. Ngoài những giá trị thẩm mỹ còn có cả công năng sử dụng. Và quan trọng hơn nữa là giúp lan tỏa giá trị truyền thống nên nó đã đi vào đời sống của người Việt rất nhanh.
Như anh nói thì dường như Covid-19 đã giúp nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có được miếng bánh thị phần trong nước?
- Covid-19 đã khiến tôi và rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nhận ra mình đang mải mê với thị trường xuất khẩu mà quên mất thị trường trong nước 100 triệu dân đầy tiềm năng. 3 năm qua, tôi nhận thấy đời sống của người Việt đã được nâng cao hơn rất nhiều. Tư duy và gu thẩm mỹ, phông mỹ thuật của mọi người cũng rất tốt. Cho nên, khi đưa ra được những sản phẩm đạt đủ yếu tố về tính thẩm mỹ, giá trị sử dụng, giá trị về tinh thần thì họ sẵn sàng chi tiền.
Một trong những yếu tố để tôi có được những thành công trên là bởi, tác phẩm của tôi thuận theo dòng chảy nghệ thuật ứng dụng đương đại. Từ ngày xưa, tác phẩm nghệ thuật bị ấn định là để nhìn chứ không phải ứng dụng. Tuy nhiên, tôi luôn đưa tính ứng dụng vào tác phẩm của mình. Các sản phẩm làm ra phải có tính ứng dụng. Tôi có may mắn là hoạt động trong cả hai vai trò họa sĩ và nghệ nhân nên luôn chủ động đứng vững trước khá nhiều thách thức, quan trọng nhất vẫn là tự mình làm chủ công việc, tự tìm hướng phát triển.
Có lẽ vì thế các sản phẩm đồ lưu niệm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát không chỉ có mặt tại các đại lý lớn ở những khu du lịch trên cả nước, mà còn được bán trên các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia. Đơn hàng đều đặn được xuất sang các thị trường nổi tiếng khó tính như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Đức… Anh đã quảng bá, maketting sản phẩm như thế nào để đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình ra thế giới?
- Mỗi ngày tôi đều dành khoảng 18 giờ để làm việc. Tôi ngủ rất ít và không có thời gian đi du lịch. Đổi lại, khi tạo được những sản phẩm ưng ý, mọi người sẽ giới thiệu cho nhau và những "đứa con" của tôi nhanh chóng được lan tỏa. Tôi may mắn được đông đảo các bạn bè trong giới truyền thông, nghệ sĩ, nghệ nhân, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam truyền tai nhau. Nhờ đó tôi kết nối được với đối tác nước ngoài và khách hàng.
Theo anh, để có thể kích thích và tạo được động lực sáng tạo cho người nghệ sĩ, nghệ nhân, chúng ta cần phải làm gì?
- Đây là điều vô cùng quan trọng. Theo tôi, trước tiên bản thân mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân cần dám hy sinh vì nghề. Tức là, phải luôn luôn tìm tòi, dám thử nghiệm để sản xuất ra những tác phẩm, sản phẩm mới, phải chấp nhận rủi ro, thất bại, dám bỏ những sản phẩm lỗi, hỏng, bỏ cả thời gian và giá trị vật chất. Tôi cũng có không ít tác phẩm làm ra chỉ để cất đi thậm chí… để hỏng. Nhưng hiện nay, những người dám hy sinh vì nghề như vậy không nhiều.
Những sáng tác mới sẽ cho ra được những sản phẩm bất ngờ. Chẳng hạn, không phải cứ khảm trai hay dát vàng lấp lánh là được yêu thích, ngay cả mẩu gỗ lũa mộc bị bỏ đi, nếu có thiết kế tốt cũng sẽ trở thành một sản phẩm được nhiều người ta yêu thích. Ở đây tôi muôn nói đến 3 yếu tố sáng tạo gồm: Sáng tạo về mẫu, sáng tạo về cách làm và sáng tạo về tính ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống.
Còn ở góc độ nhà nước, tôi thấy vẫn thiếu những chế độ, chính sách, chương trình đãi ngộ cho những người dám hy sinh vì nghề. Mặc dù hiện nay nhiều bộ, sở, ngành đã tổ chức những cuộc thi thiết kế, triển lãm, sáng tác quà tặng, quà lưu niệm, sản phẩm thủ công… nhưng chỉ mang tính chất phong trào. Các tác phẩm đạt giải cao không được đặt hàng để sản xuất thì không có ý nghĩa.
Trong khi đó, nhu cầu về quà tặng của các cơ quan nhà nước rất lớn nhưng những tác phẩm đạt giải lại không được ngó ngàng. Điều đó đồng nghĩa, những người nghệ sĩ, nghệ nhân không có động lực để sáng tạo. Họ chỉ cần làm theo đơn đặt hàng thôi cũng đã không hết việc, thậm chí lợi nhuận cao, không bị rủi ro. Vô hình chung, những nhân tài của Việt Nam bị chảy máu chất xám. Đặc biệt, chuyện ăn cắp mẫu sản phẩm rất phổ biến và nan giải nhưng không ai giải quyết. Thế nên bao năm qua, nghề thủ công truyền thống của Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhưng lại không có sự bứt phá.
Bên cạnh đó, không ít nghề thủ công truyền thống đang ngày càng bị mai một dần. Nhà nước cần mở những lớp đào tạo nghề mà ở đó những nghệ nhân tài giỏi có khả năng thực sự sẽ cầm tay chỉ việc để tạo ra đội ngũ thiết kế, thợ lành nghề kế cận. Đơn cử, hiện nay Thành phố Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng Thủ đô của chúng ta vẫn chưa có một trung tâm sáng tạo nào để lớp trẻ vừa thể hiện có khả năng sáng tạo, vừa học hỏi những nghệ nhân, thợ giỏi đi trước.
Quan trọng hơn, nhà nước cần có quy hoạch phát triển các làng nghề, nghề thủ công truyền thống một cách dài hơi. Tôi nhấn mạnh yếu tố dài hơi vì theo quan sát của cá nhân tôi, chúng ta đang bị "bệnh" tư duy nhiệm kỳ nên rất nhiều dự án bị dở dang.
Tại không gian đặc quánh nghệ thuật chúng ta đang ngồi cũng là lớp dạy nghề miễn phí của anh. Anh mong muốn điều gì qua hoạt động ý nghĩa này?
- Với triết lý làm nghề vì cộng đồng, ngoài việc theo đuổi đam mê, tôi luôn phát triển nghề lồng ghép với việc truyền nghề. Tôi mong muốn giúp cho những thế hệ trẻ có mong muốn học nghề có thể nắm được cách làm sơn mài, lịch sử của nghề sơn mài, qua đó mọi người thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, đời sống của người Việt để thêm trân quý, nâng niu nghề thủ công truyền thống của cha ông. Đồng thời làm tốt hơn nữa sứ mệnh quảng bá, gìn giữ những vốn quý của dân tộc.
Năm 2018, tôi khai giảng lớp học về sơn mài cho những người yêu nghệ thuật và muốn phát triển nghề thủ công. Hiện tại tôi còn đứng lớp truyền nghề cho một số người dân địa phương hoàn toàn miễn phí.
Riêng với việc truyền nghề miễn phí cho người dân làng cổ Đường Lâm, tôi mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ, để du khách đến đây có một nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp. Việc truyền nghề đã tiếp cận được nhiều người, nhưng khó lòng giữ họ ở lại và bền bỉ theo đuổi nghề sơn mài. Trong thời gian tới, tôi mong được địa phương hỗ trợ, để việc dạy và học nghề miễn phí được đẩy mạnh, góp phần giữ được làng nghề truyền thống.
Tôi cũng mong muốn được sự giúp sức của chính quyền, cơ quan quản lý trong việc liên kết với các công ty du lịch để cùng xây dựng điểm đến, hình thành tour du lịch làng nghề tại Sơn Tây. Bởi, việc phát triển du lịch đồng nghĩa với thúc đẩy kinh tế, tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ đào tạo nghề. Và biết đâu sau này, Sơn Tây cũng nổi danh với làng nghề khảm trai, sơn mài.
Hiếm có nghệ sĩ, nghệ nhân nào mới tròn 40 tuổi đã khẳng định được tên tuổi, vị thế và một lối đi riêng như Nguyễn Tấn Phát. Bây giờ ước mong lớn nhất của anh là gì?
- Khát khao lớn nhất của tôi là đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu. Tôi luôn đau đáu làm sao để không chỉ phát triển bản thân và doanh nghiệp của mình, mà còn hỗ trợ nghệ nhân ở các làng nghề thiết kế, tạo ra những sản phẩm đẹp, độc, lạ, mang đậm bản sắc để chiếm lĩnh thị trường quà lưu niệm thế giới.
Với 20 năm làm nghề, đến giờ phút này thành quả lớn nhất của tôi không phải là giá trị vật chất hay số lượng tác phẩm mà tôi đã góp phần giới thiệu những tinh hoa nghề thủ công, những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến với đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.