Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 1.

"Tuyết hoang" - cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh từng gây tiếng vang khi xuất bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2014. Nghe nói, nguyên mẫu của nhân vật đó bắt nguồn từ chính tác giả?

- "Tuyết hoang" được bắt nguồn từ một tự truyện tôi viết trên mạng xã hội, và bởi vậy dễ hiểu khi trong đó mang ít nhiều dáng dấp của tôi, cũng như những con người, những trải nghiệm mà chính tôi được chứng kiến ở ngoài đời.

Năm 1988, tôi đặt chân sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh, mục tiêu ban đầu là tu chí học hành, tiếp đó là làm kinh tế để cố gắng cải thiện kinh tế gia đình, sao cho cha mẹ, vợ con ở nhà đỡ vất vả. Thời điểm đó, người Việt tại đây vô cùng ít ỏi, có lẽ chỉ vỏn vẹn vài trăm người. Tôi còn nhớ, nhiều tháng ròng rã mình đi dưới trời tuyết rơi trắng xóa trên đường phố Warszawa, khao khát vô cùng được gặp một người đồng hương, được nói với nhau vài ba câu tiếng Việt, nhưng hoàn toàn không có. Cảm giác của tôi lúc đó rất lạc lõng và cô độc.

Thế nhưng, chỉ hai năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Là quốc gia đầu tiên từ bỏ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường, vị thế của Ba Lan đã trở nên khác biệt. Đất nước này đã trở thành "thánh địa" trung chuyển, cung cấp hàng hóa từ các nước tư bản cho cả Liên Xô, và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Người lao động Việt Nam từ khắp nơi tràn sang Ba Lan, họ chọn nơi này làm vùng đất mới để định cư. Với chúng tôi khi ấy, Ba Lan như là "xứ sở thiên đường", làm ăn, kiếm tiền vô cùng dễ dàng và thuận lợi.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 2.

Đó cũng là lý do khiến anh từng ví von: "Thời ca chúng tôi có thể dùng xẻng để xúc vàng?"

- Đúng vậy! Tôi có thể nói một cách tự hào rằng mình là một trong những doanh nhân tham gia tích cực vào hầu như tất cả các "mặt trận", các "chiến dịch" cung cấp hàng hóa cho các nước Liên Xô và Đông Âu trong khoảng thời gian đó. Cũng bởi vậy, tôi hiểu rõ việc "dùng xẻng xúc vàng" là như thế nào. Thời cơ cuốn chúng tôi vào dòng thác lũ, từ một trí thức, tôi "đắm chìm" trong việc kiếm tiền, bởi thấy cơ hội bày ra trước mắt mình quá nhiều, quá dễ!

Bạn cứ tưởng tượng mà xem, những năm 1990, hai vợ chồng tôi đều là cử nhân kinh tế, lương công chức nhà nước tính ra chỉ vỏn vẹn khoảng 5 - 6 USD mỗi tháng. Để nuôi con, chúng tôi phải nhờ tới sự giúp đỡ của cả hai bên nội ngoại. Thế nhưng, những năm đầu, khi mới đặt chân tới Ba Lan, tôi có thể kiếm được mỗi tháng hàng nghìn USD. Năm 1990 vợ tôi từ Việt Nam sang thăm tôi 3 tháng, trong thời gian đó cô ấy giúp chồng kinh doanh. Mỗi ngày vợ tôi kiếm được 400USD, gấp lương tháng cử nhân trong nước tới gần trăm lần.

Đương nhiên, kinh doanh không chỉ có thuận lợi, cũng rất nhiều nghiệt ngã. Tôi "dùng xẻng xúc vàng", nhưng có lúc số vàng đó bị cướp sạch hoặc trôi tuột mất. Năm 1998, tôi nợ tới 2 triệu đô, lúc đó tôi rơi vào tuyệt vọng, không nghĩ mình có thể trả nổi.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 3.

Nghe nói anh từng có số tài sản trong top đầu các doanh nhân Việt Nam thành đạt tại Ba Lan. Rồi tại sao anh lại có thể "rớt đài" như vậy?

- Chính bởi tham vọng làm giàu nhanh, vả lại trong đầu tôi cũng nghĩ rằng: Cơ hội "dùng xẻng xúc vàng" rõ ràng như thế này, mình không tranh thủ xúc lúc này thì khi nào mới xúc? Nhà triết học C. Mác từng viết: "Khi lợi nhuận có khả năng lên tới 300%, nhà tư sản sẵn sàng treo cổ mình lên". Thời sinh viên, học Kinh tế - Chính trị khá xuất sắc, tôi cũng thuộc nằm lòng câu này. Nhưng đến khi lao ra thị trường, vì ham lời, suýt nữa tôi cũng tự mình "treo cổ" lên thật.

Đó là mùa đông năm 1997. Tôi huy động hết tiền vốn, lại còn vay thêm tiền của bạn bè để nhập 40 container áo giả da từ Trung Quốc sang Ba Lan để tiêu thụ nội địa và tái xuất sang Liên Xô. Lúc đầu mọi việc rất thuận lợi, mỗi container tôi bán mang lại hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn đô tiền lãi. Nhưng vì bị cuốn vào cơn xoáy của lòng tham, tôi đã vay nợ quá lớn để đánh quả làm liều. 25 container cuối cùng bị quá vụ, trở nên "ế ẩm". Giá bán 1 cái áo từ 31USD, tôi bán xuống còn có 5USD. Tiền thu không đủ bù đắp chi phí sản xuất, vận chuyển, tôi còn phải bù vào tiền kho, tiền công nhân viên, phí bảo quản...

Do không muốn thất hứa, cố bảo vệ uy tín của mình, tôi ngày càng chìm sâu vào nợ nần. Tôi vay lãi để trả cho chủ nợ, cứ vay người sau trả cho người trước, với lãi suất tháng từ 3-5%, nợ chồng lên nợ. Từ có tài sản hàng triệu đô, tôi âm tới 2 triệu đô. Có lần quẫn quá, tôi bảo vợ: "Hay là em bế 2 con về Việt Nam, để anh ở đây chiến đấu với các chủ nợ".

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 4.

Không còn buôn bán, anh làm gì để vẫn có khối tài sản lớn như hiện tại?

- Qua 3 lần phá sản, tự thấy không có duyên với buôn bán, tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực dịch vụ tài chính, và sau đó là bất động sản. Chắc do hợp số, hợp tuổi, từ đó tôi trôi vào thế "phát dã như lôi", lên như sấm chớp. Chỉ vỏn vẹn 1 năm rưỡi sau, tôi đã trả xong nợ nần.

Hiện tại, kinh tế của tôi khá ổn định, vững chãi khi đồng sở hữu một trung tâm thương mại rộng 45.000 m2 cùng với 2 bạn doanh nhân Ba Lan và Việt Nam, cho gần 400 công ty Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ukraina, Litva, Latvia và Trung Quốc để bán buôn. Ngoài ra tôi còn tham gia đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính tại Ba Lan và Việt Nam.

Không phải ai cũng có thể may mắn như anh, khi có thể đứng dậy được sau thua lỗ. Trải qua những biến động trong cuộc đời, anh rút ra cho mình bài học gì?

- Bài học đau tim đó khiến tôi nhận ra rằng không bao giờ được "bỏ trứng vào một giỏ", không nên tận dụng quá đà mọi cơ hội để làm giàu. Muốn thành đạt thì phải có kiến thức, phải hiểu biết thị trường và phải biết tiết chế, kiểm soát tham vọng.

Thứ hai, cũng là điều vô cùng quan trọng, đó là phải luôn giữ uy tín để có thể huy động được nguồn vốn. Ở đời, tôi rút ra một điều là không bao giờ có thể làm giàu bằng sức lao động. Sức lực của con người là hữu hạn, có cố đến mấy cũng chỉ đến một mức độ nào đó, gọi là đủ ăn, khá giả. Ta chỉ có thể làm giàu bằng vốn, bằng chuỗi, bằng cách nhân gấp bội sức lực con người lên với trí tuệ, với mạng lưới, với quan hệ đồng nghiệp và xã hội.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 5.

Trong chuyện làm ăn, chữ tín rất quan trọng. Những lần tôi ngã ngựa đổ vỡ, nếu tôi mang tiếng gian xảo, lừa lọc, thất tín, không được bạn bè giang tay ra giúp đỡ thì chắc chắn tôi không thể đứng dậy nổi, để có cơ hội làm lại.

Cuối cùng, tôi đã biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Dù có thể làm hơn nữa nhưng tôi không còn ham hố nữa, thành quả đã có đủ cho gia đình tôi hưởng hạnh phúc và cân bằng.

Anh từng có một bài viết khá nổi tiếng mang tên "Chảy máu chất xám", ở đó nêu lên những trăn trở về việc trí thức Việt Nam ra nước ngoài thay vì trau dồi kiến thức để trở về phục vụ quê hương thì họ lại ở lại, hoặc đi buôn, hoặc phục vụ cho nước bạn. Thế nhưng, nếu bây giờ được lựa chọn lại, quyết định của anh liệu có thay đổi?

- Năm 1991, tôi trở về thăm nhà sau ba năm đi Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Ba tôi, một lão thành cách mạng hơn 50 năm tuổi Đảng đã khuyên: "Nếu con thấy bên đó chế độ đãi ngộ tốt hơn, dễ kiếm tiền hơn, tóm lại là đời sống tốt hơn thì con cứ ở lại".

Qua những gì tôi đem về cho gia đình, ông nhìn thấy rõ sự khác biệt của tôi khi làm ăn tại nước ngoài. Cũng bởi vậy, ông mở đường cho con trai lựa chọn. Khi ấy, đã có cả một thế hệ giống như tôi, đều xao nhãng chuyện học hành, chỉ chăm chú phục vụ nhu cầu vật chất của mình, của người thân. Thực tế đó tạo ra nhiều thiệt thòi lớn cho cả đất nước, mà tôi nghĩ cũng là hậu quả của chiến tranh và tác động của nền kinh tế thời bao cấp.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 6.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 7.

Anh luôn được coi là "kho tư liệu" về người Việt Nam tại Ba Lan. Vậy anh có thể chia sẻ về đôi chút về cộng đồng người Việt tại đất nước này trong những năm vừa qua?

- Như tôi có nói, trước năm 1990 người Việt ở Ba Lan chỉ có vài trăm người, hầu hết là du học sinh. Từ năm 1991, sau khi Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã và Liên Xô sụp đổ, người Việt chủ yếu là lao động từ nhiều nước như Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Liên Xô, thậm chí cả Việt Nam tràn vào Ba Lan định cư và mưu sinh. Số lượng người Việt tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2010 đạt đỉnh, lên tới chừng 40.000 người. Sau đó do làm ăn khó khăn, người Việt trở về nước khiến số lượng giảm mạnh, hiện nay còn khoảng 25.000 – 30.000 người. Những năm gần đây, do Ba Lan thiếu lao động nên lao động xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đang tăng mạnh.

Người Việt Nam sang Ba Lan, thế hệ đầu tiên chủ yếu đi học sau khi tốt nghiệp đa phần làm công chức nhà nước, trong đó có một số là giáo sư tiến sĩ khoa học cấp nhà nước. Thế hệ thứ hai mưu sinh đa phần bằng nghề bán buôn, bán lẻ hàng hóa chủ yếu là quần áo, giày dép hoặc mở nhà hàng, quán bar. Thế hệ thứ ba, lại trở lại học tập như thế hệ thứ nhất, rồi hòa nhập vào xã hội sở tại bằng kiến thức với đủ các ngành nghề như người bản địa.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 8.

Chiến tranh Nga – Ukraine có ảnh hưởng nhiều tới đất nước này không, thưa anh?

- Do là thành viên khối quân sự NATO, người Ba Lan hầu như không lo sợ chiến tranh lan sang đất nước mình dù nơi đây có chung biên giới với Ukraine. Cũng có lẽ bởi sự gần gũi về địa hình, hầu hết người dân Ba Lan đều ủng hộ nhân dân Ukraine.

i cũng được biết người Ba Lan rất sùng đạo. Truyền thống sùng đạo đó tác động như thế nào tới nếp sống của họ?

- Trước hết phải khẳng định rằng, Ba Lan là nước thuần chủng. Có tới 96% người Ba Lan sống trên lãnh thổ Ba Lan, chỉ có 4% là người các dân tộc khác. Bên cạnh đó, đất nước này cũng là nước thuần tôn giáo với 96% người dân theo đạo Thiên Chúa dòng Vatican.

Đạo Thiên Chúa có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng đến đời sống văn hóa - xã hội Ba Lan. Ngay sau khi chuyển đổi thể chế năm 1989, Ba Lan có tỷ lệ tội phạm và tham nhũng rất cao, nhưng hiện nay quốc gia này được liên minh châu Âu - EU đánh giá là đất nước có tỷ lệ tội phạm và ly hôn thấp nhất. Tham nhũng từ thứ 80, giờ lọt top các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.

Cũng bởi đặc thù của một quốc gia Thiên chúa, nhạc lễ nhà thờ được người dân Ba Lan vô cùng chú trọng. Nhờ đó, Ba Lan trở thành cường quốc âm nhạc, nhất là với dòng nhạc piano. Nhạc sĩ vĩ đại Chopin có ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa - xã hội Ba Lan, là niềm tự hào vĩnh cửu của người dân tại quốc gia này. Cho tới nay, cuộc thi piano mang tên Chopin được tổ chức 5 năm một lần vẫn là cuộc thi quốc tế uy tín nhất, giá trị nhất về piano.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 9.

Không ít người giàu bắt đầu học làm thơ, viết văn, như cách Mô-li-e ngày trước bảo: "Trưởng giả học làm sang". Xin mạo muội hỏi, cách anh đến với văn chương, có khi nào bắt đầu như thế không?

- Nói thật là rất ít doanh nhân có thể dừng lại để viết văn một cách nghiêm túc như tôi. Vòng xoáy kiếm tiền nó hấp dẫn và đầy ma lực, khó mà thoát ra được. Viết chơi chơi để đăng Facebook, thi thoảng sinh hoạt "thơ phường" thì không nói tới. Bỏ thời gian ra để sáng tác một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện, hơn nữa lại được giới chuyên môn đánh giá "không xoàng", đó mới là điều không hề đơn giản, cần rất nhiều nỗ lực.

Vì sao tôi viết được văn? Lý do là bởi từ hồi học phổ thông tôi đã học giỏi môn Văn, nhỉnh hơn hẳn các bộ môn khác. Những năm sau này, dù bươn trải làm ăn, tôi vẫn còn giữ cái gốc viết lách trong người. Cũng bởi vậy, tôi cùng bạn bè sáng lập ra tờ báo Quê Việt đầu tiên cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Cho tới bây giờ đã 24 năm, tờ báo đó vẫn còn tồn tại. Cũng nhờ khoảng thời gian này, tôi viết báo ngày càng nhuần nhuyễn, có hàng chục bài báo và tác phẩm trên các tờ báo lớn trong và ngoài nước. Có thể khẳng định rằng, nếu không làm báo sẽ không có "hot Facebooker" Trần Quốc Quân, cũng không có nhà văn Trần Quốc Quân như hiện tại.

"Tuyết hoang" - cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh đã chinh phục được nhiều độc giả khi phản ánh khát vọng đổi đời và cuộc sống của người Việt tại một xứ sở xa lạ và đầy cám dỗ. Cuốn sách cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn chương của người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, mà trước đó đa phần đến từ những khu vực khác, với cách nhìn đôi khi phiến diện. Ông đã nảy sinh ý tưởng viết tác phẩm này như thế nào?

- Cuốn sách có tựa đề là "Tuyết hoang", nghĩa đơn giản là tuyết nơi miền hoang dã. Trong tác phẩm, tôi kể lại quãng thời gian những người Việt như tôi vừa đặt chân tới Ba Lan, khi mọi thứ còn rất hoang sơ, loạn lạc. Đó là thời điểm lịch sử: Đông Âu và Liên Xô vừa sụp đổ, luật lệ chưa có gì, chuyện bắn giết, cướp giật diễn ra khắp nơi. Lúc đó có rất nhiều người Việt ở Ba Lan bị cướp - một là bị cướp trên đường, hai là bị cướp ngay trước cửa nhà, thậm chí tận trong nhà.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 10.

Việc tôi viết "Tuyết hoang" cũng bắt nguồn từ mạng xã hội. Năm 2009, tôi "ti toe" vào Facebook. Do vốn sống tại Ba Lan, cộng với việc là học sinh giỏi văn từ bé (cười), tôi nhanh chóng trở thành hot Facebooker, số người theo dõi tăng rất nhanh. Ban đầu tôi viết để mua vui cho bạn bè, thế nhưng số follow và like vọt lên khiến tôi "hăng" hơn, càng muốn thể hiện hơn. Qua Facebook, tôi gặp được nhiều bạn văn chương, nhiều người khiến tôi yêu quý và thán phục. Trong số đó không thể không kể tới Đinh Vũ Hoàng Nguyên (Tác giả thơ nổi tiếng, đã qua đời năm 2013 - PV).

Nguyên với tôi cách nhau 17 tuổi nhưng anh em quý nhau, "mê" nhau. Nhờ có Nguyên hối thúc, tôi đã viết 14 thiên hồi ký mang tên "Em ơi Ba Lan", đăng tải từng kỳ trên mạng xã hội.

Những dòng hồi ký đó đã khiến anh càng thêm nổi tiếng. Tôi nghe nói đã có hai nhà xuất bản trong nước lập tức liên hệ đặt vấn đề in sách ngay khi chúng đang được đăng tải trên mạng xã hội?

- Chính xác. Khi ấy tôi rất vui, nghĩ mình chỉ viết chơi chơi, mua vui cho thiên hạ, ai dè lại có người quan tâm, để ý. Thế nhưng, khi đang lưỡng lự về việc có nên nhận lời, một người bạn đã chân thành dành cho tôi một lời khuyên: "Hồi ký của anh có giá trị hiện thức rất cao, nhưng theo em, anh không nên xuất bản dạng này. Tư liệu hồi ký dù quý, dù hiếm, nhưng người ta đọc rồi sẽ dần quên lãng. Anh nên chuyển thành tác phẩm văn học, như thế mới để lại giá trị lâu dài trong cuộc sống".

Tôi đón nhận lời khuyên của cậu ấy, suy nghĩ và thấy rất đúng. Cũng bởi vậy, năm 2012, tôi dành một năm để viết "Tuyết hoang". Mỗi ngày tôi đều bỏ 4 đến 5 tiếng, nửa đêm nghiêm túc ngồi vào bàn viết lách, gần như không ngừng nghỉ. Tôi tự nhủ mình: "Phải đề cao tính kỷ luật. Muốn viết một tác phẩm đồ sộ, chất lượng, không kỷ luật không thể nào hoàn thành được".

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 11.

Viết tiểu thuyết là việc không hề đơn giản. Anh trau dồi những kỹ năng cho mình như thế nào, đọc sách tham khảo hay là… học mót bạn bè?

- Không! Tôi thú nhận là chưa từng đọc sách dạy kỹ năng, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi thích phát triển tự nhiên. Những gì tôi viết ra là thành quả của một quá trình lao động nghiêm túc, ở đó tôi nghiền ngẫm, chỉnh sửa, thậm chí xuất bản rồi thấy không ưng, ở lần tái bản sau tôi lại ngồi sửa tiếp.

Như đã nói, tôi viết "Tuyết hoang" trong thời gian gần một năm, chuyển thể từ hồi ký. Đến lúc hoàn thành, tôi liền chuyển bản thảo của mình tới NXB Trẻ. Họ hào hứng đề nghị xuất bản ngay, và tiến hành ký hợp đồng. Thế nhưng, vốn tính cầu toàn, tôi dành thời gian tự đọc kỹ lại tác phẩm của mình trước khi đem in, và chao ôi, đọc đến đâu thì "thất vọng" đến đó.

Tôi nhận ra mình viết chưa ổn, chưa hay, cũng bởi vậy nên tôi đề nghị NXB cho mình thời gian để sửa lại 4 chương đầu. Cứ một tháng tôi sửa 1 chương, sau 4 tháng sửa xong, tôi đọc các chương sau vẫn không hài lòng, lại muốn sửa thêm. Cuối cùng, thời gian sửa kéo dài gần một năm. Đến năm 2014, tôi gửi đi và tác phẩm được xuất bản luôn sau đó.

"Tuyết hoang" từng được bình chọn là sự kiện văn học tháng 7/2014, nằm top 5 sách bán chạy nhất của các nhà sách trong những tháng đầu mới xuất bản. Vui quá, tôi nghĩ bụng: "Mình phải viết tiếp thôi, chẳng lẽ chỉ có mỗi một tác phẩm à?". Mỗi ngày, vừa tập ở phòng gym, tôi vừa ấp ủ ý tưởng cho tác phẩm thứ hai, cũng bởi thế mà tạo nên cuốn "Bóng làng" ba năm sau đó.

So với "Tuyết hoang", "Bóng làng" mang nhiều chất văn chương hơn, với những sáng tạo thú vị, hài hước và giàu tính chiêm nghiệm. Tại đó, câu chuyện xoay quanh đời sống, sinh hoạt của một "cộng đồng làng xã" Việt tại Ba Lan hiện lên một cách vô cùng sinh động. Anh đã xây dựng tác phẩm này thế nào?

- Tôi viết "Bóng làng" trong hai năm. Tác phẩm này bao gồm 9 chương, khắc họa 9 nhân vật mang 9 nét tính cách điển hình của người Việt. Tại đó, một câu truyện được đặt ở trung tâm như chiếc nhụy hoa, 8 cánh hoa khác nhau bao bọc xung quanh, mỗi cánh hoa truyền tải một thông điệp, một ý tưởng nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Các nhân vật trong "Bóng làng" có cái tên vừa hơi hướng Hán Việt, vừa mang nghĩa hài hước. Đó là Thích Nhất Danh, Đắc Lắc Chảo, Hưởng Hoang Tưởng, Kiệt Đại Nhân, Lộc Nô Bộc… Tại đó, họ là "người làng", kết nối bởi mối liên hệ ruột rà, thân thích ở những mức độ khác nhau. Những nhân vật này từ làng Việt mà đi ra, mang "bóng làng đất lề quê thói" tới một miền đất mới, từ đó nảy sinh bao câu chuyện dở khóc, dở cười. Với tác phẩm thứ hai, tôi viết thuận tay và tự tin hơn hẳn.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 12.

Người ta cứ hay nói rằng mạng xã hội tiêu diệt văn chương, bởi từ khi có Facebook, con người quen đọc nhanh, đọc ngắn. Xem ra, thực tế cũng không hoàn toàn là như vậy?

- Phải nhìn vào những khía cạnh tích cực! Với riêng tôi, Facebook đã tạo ra nhu cầu viết, và viết một cách thường xuyên. Nói thật với bạn, trừ những lúc quá bận, giờ đây, ngày nào tôi cũng đăng bài. Bài đăng nào trong một tiếng đồng hồ mà không có nổi 100 lượt like, tôi không do dự gì mà thẳng tay ấn xóa.

Không phải tôi cay cú gì, chỉ đơn giản tôi cho đó là một bài viết không thành công, tôi cần tìm chủ đề khác sinh động, hấp dẫn hơn cho người đọc. Không ít người cứ nói họ viết bài lên Facebook chỉ là chia sẻ vu vơ thôi, chẳng cần có like. Tôi nói thật, như thế là nói dối. Số like mỗi bài đăng trên Facebook chính là thước đo sự hấp dẫn của người viết.

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 13.

Sống ở Ba Lan đã 35 năm, dường như tính cách Việt trong anh vẫn rất đậm nét. Anh có khi nào nghĩ mình sẽ quay về, hưởng thụ cuộc sống tuổi già tại quê hương?

- Tôi mang trong mình đặc chất Việt Nam. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ "Nhìn từ xa Tổ quốc": "Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng/ Cột cây số đóng từ thương tới nhớ"

Thứ giữ chân vợ chồng tôi tại Ba Lan là con, cháu. Người Việt Nam chúng ta trân trọng gia đình, chúng tôi với con trai, con gái, dâu rể đều thân thiết, gắn bó. Chúng tôi không nỡ xa con, muốn chứng kiến những ngày tháng lớn lên, trưởng thành của con cháu mình.

Thế nhưng, tuy ở xa quê hương, các con tôi đều nói thành thạo tiếng Việt, rất tôn trọng và yêu thương nguồn cội. Mỗi tối, TV nhà tôi vẫn luôn mở các kênh truyền hình Việt Nam. Với báo điện tử, tôi rất thích đọc trang Dân Việt. Không phải nói cho hay đâu, mà báo có nhiều thông tin hay, những bài viết sâu sắc, khách quan, mang quan điểm gần gũi với tôi.

Ở bên đó nhớ quê, "thèm" quê, lúc nào tôi cũng muốn xem hình ảnh, đọc tin tức về đất nước mình. Năm nay, tôi ở Việt Nam cho tới tận Tết Nguyên đán rồi mới về lại Ba Lan, để được gặp bạn bè, được ngắm quê hương cho đã!

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhà văn Trần Quốc Quân: Có lúc vì tham vọng quá lớn, tôi từng suýt "treo cổ" chính mình- Ảnh 14.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem