img

hưng để có được thành quả ngọt ngào đó, lão nông Hoàng Văn Chất phải nếm trải nhiều dư vị của thất bại, thậm chí phải trả giá bằng chính những năm tháng tự do của mình. Tiên phong trồng cây cà phê ở Chiềng Ban, vào tù ra tội vì cây cà phê, nhưng ông Chất không buồn sầu nản chí. Ông bảo, mỗi lần vấp ngã sẽ là bài học để đầu tư khôn ngoan và có chọn lọc hơn. Minh chứng là ông không bỏ cà phê, nhưng tìm tòi thử sức với những cây trồng mới như cam, bưởi. Và nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất, cộng với khát khao làm giàu cháy bỏng, ông nông dân người Thái đã trở thành tỷ phú cam…

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 2.

Trước khi được thưởng thức "vị ngọt" ca cây cà phê ở đất Chiềng Ban, ông Hoàng Văn Chất đã phải uống "vị đắng" của nó. Sương muối đã khiến toàn bộ diện tích mía, cà phê của ông tàn lụi và đẩy ông vào vòng lao lý.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 3.

Được biết, ông là một trong những người đầu tiên đưa cây cà phê vào trồng ở xã Chiềng Ban, tại sao lại là cà phê mà không phải là cây trồng khác?

- Trước khi làm nông nghiệp, tôi có 10 năm phục vụ quân đội, làm bác sĩ quân y từ năm 1979. Tuy nhiên, đến năm 1989, do vợ tôi bị bệnh nặng, con cái nheo nhóc, gánh nặng gia đình quá lớn, tôi buộc phải giải ngũ về quê. Lúc đó, các triền đồi của Chiềng Ban phủ kín ngô, sắn. Nhìn cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn trong khi tiềm năng đất đai quê mình còn trù phú, tôi thấy phí vô cùng.

Đọc các tài liệu tôi thấy cà phê là loại cây có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với đất đỏ bazan đúng thổ nhưỡng của Chiềng Ban nên mạnh dạn đưa cây cà phê về trồng. Hành trình làm nông của tôi bắt đầu bằng những suy nghĩ đơn giản như vậy nhưng tôi cũng không ngờ nó khiến tôi phải trả một cái giá quá đắt.

Khi đưa một cây trồng mới về Chiềng Ban, ông có gặp khó khăn gì không?

- Thú thực, về mặt kỹ thuật canh tác thì không, tôi vốn ham học hỏi nên tham khảo kỹ thuật canh tác, chăm sóc cà phê ở khắp nơi. Thời gian đầu, cây cà phê phát triển rất tốt. Nhưng sai lầm lớn nhất là tôi không tìm hiểu kỹ, cứ nghĩ cây cà phê chịu được thời tiết giá lạnh, hay có sương muối của Sơn La. "Thủ phạm" sương muối đã khiến tôi và nhiều nông dân Sơn La khốn khổ vì thực tế các vùng trũng thấp của Sơn La đều bị ảnh hưởng. Riêng tôi phải trả giá quá đắt vì đầu tư lớn mà không tìm hiểu kỹ thông tin.

Đó là thời điểm năm 1998, tôi vay ngân hàng khoảng 390 triệu đồng để trồng 4ha cà phê và 13ha mía. Ai ngờ sương muối khiến toàn bộ diện tích cà phê, mía của tôi tàn lụi hết, tôi phải rớt nước mắt đốt bỏ hơn 9.000 tấn mía.

Nhưng điều khiến tôi đau đầu hơn là khoản nợ ngân hàng 390 triệu đồng đang lơ lửng trên đầu. Tôi lên ngân hàng xin được gia hạn nhưng do cơ chế vay vốn thời điểm đó nên không được chấp thuận, tôi buộc phải đi chấp hành án 5 năm do bị khép vào tội lừa đảo tài sản. Mãi đến năm 2009 tôi mới được ra tù. Dù vậy, suốt những năm tháng cải tạo ở trại Thanh Xuân (Hà Nội) tôi luôn nung nấu suy nghĩ: Làm lại từ đầu.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 4.

Thời điểm 5 năm chấp hành án, chắc hẳn ruộng vườn, đồi nương của ông trở nên hoang lạnh?

- À không, tôi vẫn chỉ đạo sản xuất từ trong trại, khi có điều kiện là tôi xin phép giám thị trại giam được gọi điện về nhà chỉ đạo mấy đứa con khôi phục sản xuất.

Thậm chí trong thời gian chấp hành án ở trại Thanh Xuân, nhờ có kiến thức làm nông nghiệp, tôi được cán bộ bố trí làm đội trưởng đội nuôi cá, trồng lúa ở khu vực xã Vân Tảo, huyện Thường Tín (Hà Nội). Khi đó, khu đầm của trại rất rộng nhưng khai thác không hiệu quả, tôi cam kết với các giám thị sẽ đẩy năng suất lúa, cá lên. Cũng may, khi tôi phụ trách, lúa được mùa, nuôi cá cũng thắng.

Ông đúng là một phạm nhân đặc biệt?

- Tôi nhớ thời điểm chấp hành án, có đài truyền hình vào tận trại đề nghị gặp tôi. Khi đó, tôi khẳng định với họ ra trại sẽ làm lại từ những thất bại của mình bởi đất Chiềng Ban nói riêng, đất của Sơn La nói chung rất tốt, nếu biết khai thác sẽ là mỏ vàng quý giá.

Sau này, tôi chuyển một phần diện tích sang trồng cam cũng là nhờ những năm tháng chấp hành án, tôi được điều sang vùng trồng cam ở Hưng Yên làm cỏ, khi đó nhìn những vườn cam trĩu quả, tôi đã ước mong đất Chiềng Ban có những đồi cam như thế.

Món nợ lớn đó ông đã xử lý chưa hay đã được xóa sau 5 năm chấp hành án?

- Tôi tích cóp trả hết rồi, có nợ phải trả thôi, nhưng từ đó đến nay tôi và các con… sợ không dám vay khoản tiền quá lớn nào nữa. Như con chim sợ cành cong vậy.

Nói vui vậy nhưng thực ra hiện tại chính sách vay vốn tín dụng của ngân hàng đã cởi mở hơn trước rất nhiều, làm nông nghiệp bây giờ cũng khác, chúng tôi được các cấp chính quyền tỉnh Sơn La quan tâm tạo cơ chế, đến mùa thu hoạch, lãnh đạo xúm vào hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thị trường lại rộng mở, chỉ cần mình làm ra sản phẩm ngon, an toàn, chất lượng là tự khách hàng sẽ tìm đến.

Từ thất bại của mình ông có lời khuyên nào cho những người đầu tư làm nông nghiệp?

- Tôi nghĩ, phải sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hạch toán kỹ đầu vào đầu ra, tìm hiểu kỹ từng đối tượng cây trồng, vật nuôi định đầu tư nuôi trồng. Như bài học từ bản thân tôi, thất bại là do… sương muối.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 5.

Mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên ông Hoàng Văn Chất làm là "chếch" tin nhắn Zalo. Không chỉ đảm nhiệm chức Giám đốc Hợp tác xã Trường Tiến, ông còn kết nối với hơn 400 chủ vườn cây ăn trái ở 7 huyện tại Sơn La, lập ra các nhóm Zalo để tư vấn kỹ thuật, bàn bạc tìm đầu ra cho nông sản…

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 6.

Có phải những thất bại với cây cà phê đã thúc đẩy ông chuyển hướng trồng cam?

- Không hẳn, vì hiện tại tôi vẫn còn 2ha cà phê nhưng để tránh những thiệt hại không đáng có do thiên tai, sương muối, từ năm 2012 tôi chuyển khoảng 4ha sang trồng cam. Như tôi đã nói, khi còn chấp hành án, tôi đã từng mơ về những đồi cam đẹp như mơ và biết chắc chắn nó sẽ phát triển trên đất Chiềng Ban.

Ban đầu, tôi đưa các giống cam V2, cam Cara, bưởi trồng xen vào hơn 2ha cà phê. Cây giống tôi tìm mua tại các cơ sở uy tín ở Hà Nội. Đến năm thứ 3-4, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định từ cam, bưởi.

Mùa cam chín nhà tôi bận tối mắt. Sáng ra thương lái đã đến vườn đòi mua cam rồi. Thương lái thích mua cam ở đây vì đều quả, mẫu mã đẹp, chăm sóc theo quy trình VietGAP nên đảm bảo an toàn. Các giống cam tôi trồng có độ ngọt cao, ít hạt.

Đâu là bí quyết giúp sản phẩm của gia đình ông được khách hàng ưa chuộng?

- Tôi đặt tiêu chí sạch, ngon lên hàng đầu nên thương lái gần xa rất thích mua. Năm vừa rồi, tôi thu hoạch khoảng 200 tấn cam, trừ chi phí bình quân lãi khoảng 900 triệu đồng/ha. Nhìn chung từ ngày trồng cam, bưởi đến giờ, hầu như năm nào tôi cũng có lãi.

Tôi để ý thấy vườn cam của ông vẫn để những thảm cỏ xanh rờn, trong khi nhiều nơi bà con dọn sạch. Có bí quyết gì chăng?

- Tôi để cỏ nhằm giữ ẩm cho đất đó. Trồng cam sạch là phải vậy, không cần làm sạch cỏ, không cần phun thuốc trừ cỏ hóa học, phải tạo môi trường, không gian cho cam và các loài thiên địch có tích phát triển. Ngoài ra, tôi còn đầu tư nuôi hơn 20 con bò lai, mục đích là lấy phân bò, ủ thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trái trong vườn.

Cách này cực kỳ hiệu quả, vừa đỡ mất tiền mua phân bón bên ngoài, lại vừa có bò thịt bán. Như con bò lai Sind này, nếu bán bây giờ tôi bỏ túi khoảng 50-60 triệu. Thời gian qua tôi cũng đã tích cực vận động nhiều hộ kết hợp trồng cỏ, nuôi bò trong vườn cây ăn quả. Tôi nghĩ việc tiên phong thử nghiệm cây trồng mới của mình đã tạo hiệu ứng tích cực cho bà con trong vùng chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 7.

Không chỉ thành lập hợp tác xã, ông còn liên kết với 500 nông dân để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tại sao ông lại có ý tưởng này?

- Người ta nói rồi: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Nông dân không liên kết lại, làm riêng lẻ là dễ bị tư thương ép giá.

Thời gian qua, nhận thấy cây cam, bưởi phù hợp với đất đai Sơn La, tôi đã hướng dẫn, tư vấn nhiều hộ đồng bào người Thái, người Mông ở Chiềng Ban cùng trồng theo. Đến năm 2018, tôi đứng ra thành lập Hợp tác xã Trường Tiến, do tôi làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, với 12 thành viên nhằm mục đích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây của các thành viên, đích thân tôi đã lặn lội đi Hà Nội, Hải Phòng, vào tận Bình Dương tìm khách hàng. Kết quả là sau những chuyến đi đó, sảm phẩm trái cây của hợp tác xã đã được tiêu thụ tại siêu thị BigC, các doanh nghiệp buôn bán nông sản ở Hải Phòng, Bình Dương... Thấy vào hợp tác xã có nhiều cái lợi, nhiều bà con ở xã Chiềng Ban cũng góp vốn xin vào. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 32 người, diện tích trồng cây ăn quả hơn 30ha. Chủ yếu bà con trồng các giống cây có múi đang thịnh hành trên thị trường như cam Vinh, V2, cam Cara, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn...

Cũng chính vì liên kết hiệu quả nên đến nay Hợp tác xã Trường Tiến đã có mạng lưới gần 500 hộ dân tại 7 huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp... của Sơn La trồng trên 400ha cam các loại. Chúng tôi lập nhóm Zalo, trao đổi thông tin tiêu thụ tíu tít suốt ngày, ai có khó khăn gì sẽ được giải đáp ngay.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến việc tiêu thụ cam, nông sản của các thành viên hợp tác xã?

- Rất may là không, nhờ chúng tôi chủ động kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn bán được hàng nghìn tấn cam, bưởi nhờ xây dựng được "mạng lưới" các thương lái, chủ vườn. Qua nhóm Zalo do tôi thành lập, hàng ngày các chủ vườn sẽ thông tin về tình hình phát triển của vườn cam, dự báo sản lượng, ngày thu hoạch. Chúng tôi chia nhau lịch cắt bán cam để tránh tình trạng sản lượng dồn ứ vào cùng một thời điểm. Cái hay của cam, bưởi là có thể neo trên cây dài ngày, nên việc thu hoạch rải vụ dễ hơn các loại cây ăn trái khác.

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19, những khó khăn trong tiêu thụ nông sản dần được tháo gỡ, việc tiêu thụ nông sản của chúng tôi càng thuận lợi hơn.

Đơn cử như cà phê, năm vừa qua, cà phê vừa được mùa, vừa được giá, riêng xã Chiềng Ban này, nông dân thu khoảng 400 tỷ đồng nhờ cà phê. Bây giờ ở Chiềng Ban không còn đất trống đồi trọc, đâu đâu cũng phủ kín cà phê, cây ăn quả, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện. Chiềng Ban đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân của nông dân hiện đạt 41 triệu đồng/người/ha.

Hiện có nhiều người muốn "xin" vào nhóm Zalo để trao đổi kỹ thuật trồng cam, phòng trừ sâu bệnh, mua bán cây giống, kết nối tiêu thụ…, nhưng việc "kết nạp" thành viên mới cần có chọn lọc. Tôi cũng đang có kế hoạch nâng cao chất lượng các thành viên trong nhóm, hướng dẫn bà con thành lập các tổ hợp tác để làm ăn bền vững, bài bản hơn. Sau đó tiến tới thành lập hợp tác xã vì như vậy sẽ chuyên nghiệp hơn, thể hiện trách nhiệm và đem lại lợi ích lâu dài hơn cho thành viên.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 8.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 9.

Khi biết được thông tin sắp tới tại Sơn La sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, ông Hoàng Văn Chất rất phấn khởi, vui mừng. Ông bày tỏ mong muốn được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với người đứng đầu Chính phủ.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân sẽ được tổ chức tại Sơn La trong tháng 5 này, là một nông dân trọn đời gắn bó với đất đai, ông muốn kiến nghị gì?

- Cá nhân tôi rất mong Sơn La sớm có đường cao tốc, đi Hà Nội làm sao chỉ còn khoảng 2 giờ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong sân bay Nà Sản sớm được đầu tư, vì trái cây Sơn La không chỉ tiêu thụ ở Hà Nội, mà sẽ bay đi Đà Nẵng, TP.HCM, và xuất khẩu đi nước ngoài. Có đường cao tốc, nông sản sẽ đi nhanh hơn, bán được giá hơn.

Đối với việc giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất hiện nay quá cao, tôi cho rằng, điều này do thị trường quyết định bởi phụ thuộc vào yếu tố cung cầu. Đây cũng là dịp người nông dân xem lại quy trình canh tác, giảm phụ thuộc phân bón vô cơ, tăng cường canh tác theo hướng hữu cơ.

Do vậy, với riêng với phân bón, chúng tôi đề nghị Nhà nước phải giám sát chặt chẽ hơn về chất lượng. Đừng để xảy ra tình trạng bao bì một đường, trong ruột một nẻo, hay có chuyện đơn vị kiểm định và doanh nghiệp sản xuất phân bón cùng "sân" với nhau. Bởi nếu phân bón không đạt chất lượng như công bố, người thiệt hại lớn nhất chính là nông dân.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 10.

n La đang có tham vọng trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn ở phía Bắc, ông có mong muốn điều gì để nông sản, trái cây của mình làm ra tiêu thụ thuận lợi?

- Sơn La hiện là thủ phủ cây ăn quả của miền núi phía Bắc, sản lượng trái cây rất lớn, vì vậy chúng tôi cũng mong Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa vào chế biến sâu. Hiện nay trên địa bàn đã có nhà máy chế biến hoa quả tươi của TH, Nafoods và một số cơ sở khác, nhưng công suất vẫn còn thấp. Chỉ có đầu tư chế biến sâu thì giá trị của quả cam, trái xoài Sơn La mới được nâng tầm.

Xin cảm ơn ông! 

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 11.

Lão nông người Thái ở Sơn La từng vào tù vì cây cà phê, giàu lên cũng nhờ cà phê - Ảnh 12.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem