Sốc: Một nông dân xuất sắc ở Bình Dương phải bù lỗ 12 tỷ đồng nuôi gà vì dịch Covid-19

Thu Hà (ghi) Chủ nhật, ngày 28/11/2021 13:06 PM (GMT+7)
Ông Đinh Ngọc Khương – Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ Bình Dương trong 5 tháng vừa qua phải bù lỗ tới 12 tỷ đồng do tác động của dịch Covid-19. Ông cho biết, hiện ông đang phải chịu “1 cổ 3 tròng”: Giá cám tăng, giá gà xuống thấp, tiêu thụ chậm do dịch bệnh.
Bình luận 0

Dưới đây, Dân Việt xin đăng tải những lời tâm sự đầy cay đắng của một nông dân xuất sắc này. Ông Đinh Ngọc Khương (SN 1967, ngụ ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) hiện đang nuôi 80.000 con gà lạnh; đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông phải bù lỗ tới 12 tỷ đồng.

Tôi cũng như nhiều Nông dân Việt Nam xuất sắc trong cả nước rất phấn khởi khi được tham gia các sự kiện, hoạt động của chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021. 

Điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành nhiều quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tôi có nhiều điều muốn trình bày với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp. 

Đó là những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của gia đình tôi trong nuôi gà công nghệ cao.

Bán 1 con gà chỉ mua được 1,5 kg cám, bù lỗ 12 tỷ, Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Bình Dương lên tiếng - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà công nghệ cao của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Đinh Ngọc Khương ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Tôi có 2 trang trại nuôi gà ứng dụng công nghệ cao ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Cụ thể: một trang trại nuôi đẻ rộng 25.000m2, quy mô nuôi 40.000 con gà bố mẹ; một trang trại nuôi gà thương phẩm rộng 50.000m2, quy mô nuôi 600.000 gà thương phẩm/lứa.

Ngay từ đầu năm 2012, tôi là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư nuôi gà. Nuôi gà đẻ thương phẩm áp dụng công nghệ cao với số lượng lớn đòi hỏi người chăn nuôi phải chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Chuồng trại phải đầu tư chuồng trại kín, có máy lạnh nên rất tốn kém. Hiện, tổng số vốn tôi đã đầu tư vào trang trại nuôi gà công nghệ cao lên đến 60 tỷ đồng.

Với mô hình nuôi gà công nghệ cao, bình thường mỗi tháng tôi thu về khoảng 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn đối với người chăn nuôi gà như chúng tôi khi mà gánh cảnh "1 cổ 3 tròng": giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá gà xuống thấp, khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể: giá cám hiện nay tăng lên đến 35%, khiến người chăn nuôi gà như chúng tôi rất khổ. Cùng thời điểm tháng 11/2020, giá cám chỉ khoảng 9.000 đồng/kg, thế nhưng bây giờ đã tăng lên 12.700 đồng/kg.

Cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng, liên tục 2 năm nay (2021-2021) người nuôi gà như chúng tôi cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hơn 4 tháng bị phong toả do dịch Covid-19, tôi chật vật tìm đầu ra, giá gà lông màu (gà Tam hoàng) xuống thấp tận đáy. Có thời điểm chỉ 10.000 đồng/kg gà lông màu thương phẩm.

Tôi bán 1 con gà trọng lượng 1,7kg mới được 17.000 đồng. Tiền bán gà chỉ mua được 1,5kg cám. Trong khi đó, để nuôi một con gà đến lúc xuất bán cần tiêu tốn 3,5kg cám (bình quân để nuôi lớn 1kg gà cần tiêu tốn 2kg thức ăn).

Từ tháng 4 đến tháng 9/2021, gia đình tôi phải bù lỗ 12 tỷ đồng để mua cám duy trì chăn nuôi đàn gà.

Với ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, hiện nay gia đình chúng tôi đang từng bước khôi phục sản xuất chăn nuôi trong trạng thái bình thường mới.

Bắt đầu từ đầu tháng 10/2021, trang trại nuôi gà công nghệ cao của tôi đã cắt được lỗ. Trong tháng 11 này, tôi đã bắt đầu có lãi, thu về được 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi mới chỉ khôi phục được khoảng 65% công suất hoạt động trang trại so với thời điểm trước dịch. 

Cụ thể, nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày tôi bán gần 40.000 gà giống, gà thương phẩm thì hiện nay với xuất bán được 10.000 gà giống với giá 7.000 đồng/con; 10.000 gà Tam hoàng thương phẩm với giá 43.000 đồng/kg.

Đề nghị hỗ trợ vốn, bình ổn thức ăn chăn nuôi: Theo tôi, đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, tình hình chăn nuôi gà nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung đang còn nhiều khó khăn, có nhiều biến động, rủi ro. Chính vì vậy, nếu không có những giải pháp điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay ưu đãi khôi phục sản xuất thì người chăn nuôi sẽ kiệt quệ.

Theo tôi Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá. Tôi đề nghị Bộ NNPTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận.

Phải xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành thức ăn chăn nuôi cao, qua đó xem xét việc áp giá trần và xác định mức giá trần đối với giá thức ăn chăn nuôi.

Năm 2021 được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021, tôi rất xúc động và phấn khởi. Xúc động vì những cố gắng, nỗ lực của mình đã được ghi nhận và khen thưởng. 

Đây là sẽ động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem