Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi và nhiều người đều biết rằng, chị sinh ra, lớn lên và bắt đầu sự nghiệp thời trang ở Hà Nội. Nhưng có vẻ sự nghiệp của chị thăng hoa và rực rỡ hơn từ khi "Nam tiến". Có phải mảnh đất Sài Gòn "thiên thời, địa lợi" hơn đối với nhà thiết kế Hà Linh Thư?
- Tôi mới vào Sài Gòn được 3 năm, bước sang năm thứ 4. Đúng là vào Sài Gòn tên tuổi có bay xa hơn. Nhưng không có nghĩa là trước đó tôi không có tên tuổi. Tên tuổi của tôi trong làng thời trang được mọi người biết đến, thực ra là được xây dựng ở Hà Nội - cái nôi đã nuôi dưỡng và tạo dựng cho tôi. Thế nhưng chỉ đến khi vào Sài Gòn sự lan toả ấy mới rộng hơn, tốt hơn và rực rỡ hơn. Sài Gòn đúng là mảnh đất tuyệt vời để tôi thăng hoa và cất cánh. Nhưng nói một cách rất chân thành: Mảnh đất Sài Gòn dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng tôi. Đó là lý do mọi người thường "Nam tiến".
Điều gì ở Sài Gòn đã hấp dẫn một nhà thiết kế vốn là người Hà Nội gốc, có chiều sâu và vốn văn hoá về Hà Nội, có một gia đình giàu truyền thống với ba thế hệ đều gắn bó cùng nghệ thuật?
- Trong 3 năm ở Sài Gòn, thời gian đầu không nhiều, tôi vẫn đi đi, về về, vẫn đóng vai là một người khách. Cho đến khi dịch Covid-19 tôi mới ở Sài Gòn nhiều hơn và tôi nhận ra nếu mình chọn vào Sài Gòn sống thì nên là một người ở Sài Gòn, chứ không phải như một người khách, không biết đường, không biết phố...
Khi chuyển vào Sài Gòn, tôi đã đứng tuổi, không còn nông nổi, bồng bột hay non trẻ. Tôi vẫn có những quan sát, nhưng vẫn có sự ngỡ ngàng. Bởi nếu ở Sài Gòn, tôi vẫn là người Hà Nội. Giả sử bạn ra nước ngoài, bạn vẫn là một người Việt Nam ở nước ngoài, vẫn giữ những phẩm chất, giữ văn hoá, truyền thống của mình.
Tôi nhận ra với Sài Gòn hay với đâu cũng thế, đầu tiên mình vẫn là người nhập cư. Mình tới vùng đất đó và tìm cách để sống, tồn tại và thành công thì ở đó là một sự mới mẻ, hay ho mà mình cần phải học hỏi và thích nghi. Nhưng trên con đường học hỏi và thích nghi đó, vẫn phải giữ được chất của mình nhiều nhất. Nếu tôi ra đi vào lúc 20-30 tuổi có thể không nhất thiết phải thay đổi mình để trở thành một cái gì đấy không phải chính mình. Giờ đây, tôi có thay đổi để thích nghi, nhưng không phải thay đổi phẩm chất con người mình.
Chị nói rằng không thay đổi phẩm chất con người mình, nhưng những sản phẩm thiết kế của chị có phải thay đổi theo phong cách ăn mặc của người Sài Gòn không?
- Hiện giờ tôi chưa thay đổi mà tôi đang chinh phục người Sài Gòn bằng những thiết kế của người Hà Nội. Và tôi cũng đang thành công bởi điều ấy. Mọi người đón nhận tôi ở góc độ đấy chứ không phải tìm kiếm một nhà thiết kế Hà Linh Thư có chất Sài Gòn. Mọi người đến với Hà Linh Thư bởi tôi là một nhà thiết kế Hà Nội. Kể cả người Hà Nội, người Bắc cũng thích những tinh thần Hà Nội, tinh thần Bắc bởi họ đã sống quá lâu ở Sài Gòn; người Sài Gòn cũng thích có một kiểu dáng Hà Nội.
Một người bạn viết về tôi: "Lúc người đàn bà nhung lụa "Nam tiến", mình nói lụa thì được nhưng nhung nóng lắm, không ai mặc nhung. Không biết Thư bỏ bùa gì mà giờ Sài Gòn ai cũng mặc nhung". Tôi cảm ơn chị ấy vì điều đó. Vì vậy hiện giờ tôi nghĩ mình chưa cần thay đổi, mà phải chinh phục Sài Gòn với những tinh chất Hà Nội, của người Hà Nội.
Các sản phẩm của chị đều được thiết kế chủ yếu trên chất liệu nhung, lụa. Và dường như chị đã "định vị"được mình trên thị trường thời trang Việt Nam là "người đàn bà nhung lụa". Vậy quan điểm của chị thế nào là một "người đàn bà nhung lụa"?
- Thật ra tôi rất may mắn. Sự may mắn đầu tiên là đã có một quá trình làm việc với tư cách là một hoạ sĩ tại báo Lao Động. Ở đó có thể nói là có những "cây cao bóng cả", những con người trí thức, những tinh hoa của Hà Nội, của Việt Nam. Quá trình đấy đã tạo dựng cho tôi rất nhiều giá trị tốt, học hỏi từ những con người đáng kính, ưu tú. Tôi được hưởng và biết ơn vì điều đó.
Trong giai đoạn còn trẻ đó đã giúp tôi tìm ra con đường, đấy là nhung lụa, theo cả hai nghĩa. Nghĩa đen, tức là chất liệu vải - vải nhung và vải lụa. Nhưng nhung lụa nó cũng là một lối sống, như chúng ta hay nói rằng "sống rất nhung lụa". Nhung lụa ở đây ngoài yếu tố về vật chất để tạo nên lối sống, cũng có nghĩa là sự tinh tế, sự sang trọng, có nền tảng văn hoá. Điều đó rất phù hợp với những gì tôi đã trải qua, được tiếp xúc, học hỏi, va chạm với những con người ưu tú nhất để tạo nên một tinh thần nhung lụa.
Nhung lụa cũng có nghĩa là những cái tinh hoa nhất. Bởi lụa là thứ tinh hoa nhất của vải, nhung cũng làm từ lụa. Cũng như vậy, mình được tạo nên một phong cách sống nên cũng muốn truyền đạt phong cách sống ấy qua vật chất là chất liệu vải nhung, lụa cụ thể. Ngoài ra, tinh thần mà tôi muốn gửi gắm đến đấy là sự tinh hoa, thì đấy là người đàn bà nhung lụa.
Điều tâm đắc nhất của tôi là được trở thành "người đàn bà nhung lụa", được mọi người công nhận là "người đàn bà nhung lụa" và tôi muốn lan toả điều ấy đến tất cả phụ nữ.
Tôi nhìn thấy những thiết kế của chị ở đây, dù khai thác dáng váy suông hay bó sát cơ thể đều sử dụng những đường cắt xẻ táo bạo, những khoảng hở ở eo, ngực... giúp người mặc khoe hình thể. Nhưng có khi nào chị lo ngại sự táo bạo đó sẽ làm mất đi sự tinh tế, duyên dáng của người phụ nữ không?
- Câu hỏi này rất hay và tôi tự tin trả lời điều ấy. Tôi được học về mỹ thuật một cách rất bài bản ở Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ngày trước, những người học mỹ thuật, dù vào trường hay chưa vào trường, tất nhiên là phải học vẽ. Mà ban đầu phải vẽ người không mặc quần áo. Phải vẽ theo đúng nghĩa đen, tức là vẽ người trần trụi, vẽ cho thật đúng và không được sáng tác. Với những người học mỹ thuật ở các nước trên thế giới cũng vậy thôi.
Nói về cái đẹp của người phụ nữ, trên thế giới không có gì đẹp bằng cơ thể người phụ nữ, nên khoe cái gì ra cũng đẹp, bờ vai cũng đẹp, cánh tay cũng đẹp, khoe một chút ngực cũng đẹp, eo cũng đẹp... Tôi hiểu được điều đó bởi một phần mình là phụ nữ, cũng nhìn ra cái đẹp của chính bản thân mình. Tôi thích và vì vậy tôi tôn vinh nét đẹp của phụ nữ, tôn vinh cái đẹp của mình. Tôi biết cái nào cần khoe, cái nào nên khoe. Cái hay là tôi là người dám khoe một cách cực kỳ táo bạo.
Nhưng "nhung lụa" là ở chỗ ấy. Nó táo bạo nhưng không có nghĩa là phô trương. Đến giờ này tôi rất tự hào về bản thân và mọi người cũng công nhận là những thiết kế của Hà Linh Thư sexy gợi cảm, có thể dùng từ gợi tình, cực kỳ táo bạo, nhưng nó không hề tầm thường.
Làm thế nào có thể cân bằng giữa sự chỉn chu, thanh lịch mà vẫn rất phóng khoáng?
- Chúng ta có di tích lịch sử, có những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Cái này nó nằm ở phi vật thể, có nghĩa là chúng ta không thể phân tích được. Nó là sự tinh tế và tâm hồn của người nghệ sĩ, ở bản chất của mỗi người, sự tinh tế của mỗi người, chỉ cảm nhận được thôi.
Hãy cảm nhận, vì đó là nghệ thuật. Thật ra nhiều người bị nhầm giữa thời trang và quần áo. Thời trang chính là nghệ thuật. Cho nên với nghệ thuật chúng ta chỉ cảm nhận, không cân đong đo đếm, không rạch ròi, không định nghĩa được.
Tôi rất ấn tượng với các thiết kế của chị trong cách sử dụng màu sắc, nó là sự tươi tắn, những gam màu của tình yêu, nghệ thuật và sự lạc quan hiện hữu trong từng trang phục. Nhưng chị có nghĩ rằng sản phẩm của chị chưa phải là những thiết kế mang tính ứng dụng cao?
- Thực ra trong kinh doanh có phân khúc. Tôi không chọn phân khúc phổ thông, tức là có tính ứng dụng cao. Tôi chọn phân khúc nói nôm na là thị trường ngách. Tôi làm những sản phẩm mang nhiều tính nghệ thuật. Cũng như trong báo chí, mỗi báo vẫn có những tệp độc giả riêng. Trong âm nhạc có người thích nhạc cổ điển, có người thích nhạc Rock. Ở đây chúng tôi cũng có những người yêu thời trang riêng và yêu phong cách này nên tôi không chọn phổ cập hoá là làm cho số đông. Nhưng không có nghĩa là không có độc giả, khán giả.
Với một người làm nghệ thuật, sáng tạo có cần phải có sự kỷ luật không?
- Thật ra sáng tạo không chỉ dành riêng cho những người làm nghệ thuật, sáng tạo dành cho tất cả mọi người. Ví dụ khoa học công nghệ cũng cần có sáng tạo chúng ta mới có ngày hôm nay.
Sáng tạo chính là loại hình lao động trí tuệ. Có người nghĩ sáng tạo phải không còn kỷ luật thì mới sáng tạo được. Nhưng tôi nghĩ, điên vẫn điên, sáng tạo vẫn sáng tạo nhưng kỷ luật là điều cần thiết. Vì sáng tạo cũng là lao động, và lao động phải có kỷ luật.
Tôi luôn đặt ra cho mình kỷ luật. Ví dụ không phải hôm nay tôi thức dậy, tôi thích tôi mới làm việc. Thời trang là một lĩnh vực rất khắc nghiệt. Một năm phải ra 2 bộ sưu tập và thời trang phải là cái gì mới nhất, nếu không người ta sẽ nói lỗi mode. Lúc nào khách hàng cũng đòi hỏi cái mới, vừa mua cái váy hôm nay, tháng sau quay lại hỏi là "Có gì mới cho tôi?".
Vì vậy thời trang không dễ như những gì mọi người nhìn thấy bởi nó đòi hỏi sự sáng tạo liên tục. Tôi không muốn so sánh nhưng tôi cứ đưa ra ví dụ để mỗi người có những nhận xét riêng của mình. Một nhà văn họ có thể viết thường xuyên hoặc cả đời chỉ có một tác phẩm nhưng họ vẫn sống tốt vì sách có thể tái bản nhiều lần, một bản nhạc cũng thế thôi. Nhưng thời trang không thể nếu mình chọn đi con đường này một cách chuyên nghiệp.
Để có một show thời trang được mọi người chờ đón, tôi nghĩ nó không đơn thuần chỉ là quần áo, âm thanh, ánh sáng mà chính là sự trải nghiệm của mỗi nhà thiết kế?
- Tại sao Hà Linh Thư lại có những sản phẩm cắt cúp sexy mà lại gợi cảm, đẹp như thế là bởi từ những trải nghiệm của bản thân và chính là sự công phu như bạn vừa nói.
Để có một show diễn là cả một quá trình vất vả, khắc nghiệt. Nước ngoài dù họ đi trước mình hàng trăm năm nhưng ban đầu họ cũng y chang như mình, nhưng họ đã làm được những thứ mà Việt Nam giờ mới bắt đầu đuổi theo. Họ luôn làm bộ sưu tập (BST) trước 6 tháng. Trong khi giờ mình mới bắt đầu chuẩn bị BST Xuân Hè 2023. Muốn làm những cái đẹp, cái hay, cái tốt phải có thời gian, mà thời gian quá hạn hẹp nên quá vất vả.
Ý tưởng rất quan trọng. Ví dụ giờ này tôi phải xong ý tưởng cho BST Thu Đông 2023 rồi nhưng tôi mới nghĩ được cách đây mấy ngày, nó không dễ dàng. Cái khó nhất là nghĩ ra ý tưởng sẽ làm gì. Rồi chuẩn bị ra sao là cả một công trình công phu, từ mua nguyên liệu vải gì, tìm hoạ tiết gì để đi theo. Rồi phải phân loại mới bắt đầu đến âm thanh, ánh sáng, địa điểm, người mẫu, ai là Vedette... Không phải chọn bất kỳ người phụ nữ đẹp nào để làm Vedette mà phải phù hợp với tính chất từng BST. Phải kỹ từng tí như thế. Và tôi hạnh phúc trong từng sự kỹ lưỡng. Tôi nghĩ đó chính là tố chất "nhung lụa" của mình - một thứ gì tinh tế, khắt khe và cẩn thận, cầu kỳ.
Tôi biết chị là người rất thích đọc sách. Vốn kiến thức từ sách vở và nền tảng văn hoá đã giúp ích và ảnh hưởng đến chị thế nào trong các thiết kế thời trang?
- Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi là có gặp khó khăn không khi tìm ý tưởng thiết kế. Nhưng với tôi, không quá khó khăn bởi vì tôi có một nền tảng kiến thức nhờ việc đọc. Tôi đã đọc rất nhiều vì đó là một sở thích từ bé. Tôi không giống các bạn gái khác, không biết chơi các trò của con gái. Thời gian đó tôi dành cho việc đọc. Sự tích luỹ kiến thức từ nhỏ nên tôi luôn luôn đầy cảm hứng, có cảm hứng trong tất cả mọi việc, từ cuốn sách mình đọc, từ những chuyến đi, từ các cuộc triển lãm. Khi tới triển lãm là mình đọc các tác giả ở đó, hoạ sĩ ở đó, đó là cách thu nạp kiến thức.
Ví dụ BST Xuân Hè năm 2022 của tôi có chủ đề "Welcome to the Jungle". Nó lấy cảm hứng từ một bản nhạc Rock. Tôi thích nhạc Rock và thích ban nhạc Guns N' Roses, lúc đó bản nhạc chợt mang đến cho tôi một gợi ý: "Hay quá, mình sẽ làm một BST mang tên này, lấy tinh thần này, lấy tên là: Chào mừng bạn đến với rừng xanh". Câu truyện rừng xanh, đưa những con thú vào các sản phẩm thời trang đã được mọi người rất thích, đánh giá cao.
Cho đến BST Thu Đông năm 2022 có chủ đề là Beauty and the Beast, đây cũng là câu chuyện tình, câu chuyện cổ tích. Ai đọc câu chuyện này sẽ thấy biểu tượng của câu chuyện là bông hồng nằm trong quả cầu thuỷ tinh. Tôi cũng lấy bông hồng làm yếu tố chính cho BST. Tôi không làm gì sáo rỗng, mà thực sự nó có câu chuyện sẵn và từ đó thăng hoa theo cách của mình.
BST sắp tới là Xuân Hè 2023 được lấy cảm hứng từ ông ngoại tôi - một nghệ sĩ nhân dân, họa sĩ thiết kế sân khấu chèo Nguyễn Đình Hàm. BST lấy cảm hứng về Chèo và lời thoại trong Chèo từ cô Thị Mầu, như là: Thầy như táo rụng sân đình/ Em như gái dở đi rình của chua. Nghe thì có vẻ rất "đĩ", rất lẳng lơ, rất phóng khoáng. Nhưng văn hoá của Việt Nam cũng là phóng khoáng đấy chứ.
Thời trang hiện nay là một mảnh đất màu mỡ với rất nhiều người. Việt Nam cũng có một số nhà thiết kế nổi tiếng và các sản phẩm của họ cũng đã được nhiều người nổi tiếng trên thế giới sử dụng, ví dụ như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường. Chị nghĩ gì về nền thời trang Việt Nam những năm gần đây?
- Tôi chưa có cơ hội để làm được như Công Trí, nhưng từ những gì Công Trí đã làm được, tôi nghĩ các nhà thiết kế Việt Nam chẳng kém gì so với nước ngoài. Giống như hội hoạ, Việt Nam cũng được ghi nhận trên thế giới, thời trang cũng có thể làm được điều đó. Nhìn một cách khách quan, chúng ta có thể tự hào về nền thời trang Việt Nam trên thế giới.
Cá nhân chị đã nuôi dưỡng cái chất riêng của mình như thế nào để không bị trộn lẫn với bất cứ ai?
- Tôi không phải đặt mình vào vị trí phải giống các nhà thiết kế khác mà là họ phải không giống mình. Như tôi đã nói, tôi có quá nhiều thứ được nuôi dưỡng rồi, đến giờ này cứ thế mà tiếp tục thôi. Đầu tiên tôi có gốc là người Hà Nội, tôi học và đọc rất nhiều. Đến giờ tôi qua cái tuổi phải khiêm tốn rồi, tôi có thể tự hào để nói rằng đến giờ phút này tôi có quyền được tự ghi nhận bản thân, hoàn toàn tự tin và tự hào về bản thân là mình có nền tảng và kiến thức văn hoá vững vàng.
Vì vậy, mình cứ là mình thôi, ai giống mình là việc của họ. Vô tình họ giống hoặc muốn giống cũng không sao.
Nhiều người ấn tượng ở Hà Linh Thư bởi sự thanh lịch, tinh tế của chị, nhưng trong các thiết kế của chị luôn chất chứa sự mạnh mẽ, táo bạo. Có gì đối lập, trái ngược nhau trong con người chị không?
- Thiết kế của Hà Linh Thư sexy nhưng rất tinh tế, nên không có gì đối chọi cả. Đấy mới là cái hay bởi tôi đã đưa được sự thanh lịch vào cái gợi cảm. Mọi thứ nó toát lên rất nhẹ nhàng, tôi không phải chiến đấu với mình rằng: ôi mình là con người thanh lịch, tại sao lại làm nó sexy. Mọi thứ rất tự nhiên trong con người tôi, bởi đã là một người thanh lịch thì sản phẩm dù có sexy đến đâu nó vẫn thanh lịch.
Mọi người cũng ghi nhận rằng thiết kế của Hà Linh Thư sexy, vô cùng "láo". Nói thẳng ra là "rất láo". Thế nhưng không ai có thể nói nó thô. Láo ở đây là một từ rất hay, không phải là thiếu giáo dục, hư hỏng, hay là hỗn hào. Láo ở đây là một sự tinh nghịch, táo bạo mà thú vị. Và không ai nói gì được tôi, người ta công nhận là "láo" nhưng lại rất thích thú. Đấy cũng là một sự khen ngợi, tôi nghĩ thế.
Người ta bảo Hà Linh Thư là ẩn số thú vị - chị sở hữu thần thái xinh đẹp, năng lượng mạnh mẽ và tích cực, có một cuộc sống nhiều phụ nữ mơ ước. Nhưng hiện tại tôi thấy chị vẫn đang độc thân. Vậy chị quan niệm thế nào về một người đàn bà hạnh phúc, một người thành đạt. Chị có đang hạnh phúc hay không?
- Bạn có nhìn thấy tôi đang hạnh phúc hay không?
Giữa điều người khác thấy và những gì mình đang là, tôi nghĩ nó khác nhau. Vậy nên tôi mới hỏi chị.
- Rất vui được chia sẻ. Tôi tránh định nghĩa, vì con người mình không định nghĩa. Tôi từng nhìn thấy một người bạn của tôi ở một thời điểm nào đó cô ấy yêu liên tục, yêu say mê, hết người nọ đến người kia. Vậy họ đang hạnh phúc chứ, vì nếu không hạnh phúc họ đã không làm như vậy.
Nhưng tôi nghĩ hạnh phúc đấy không phải là thứ mình mong muốn. Nghĩa là tôi không vì nhìn thấy cô ấy có người yêu, mà muốn có giống cô ấy. Cô ấy hạnh phúc cô ấy cứ hạnh phúc, còn tôi có cuộc sống riêng của mình. Người ta muốn gì người ta sẽ làm nấy. Người ta muốn có hạnh phúc lứa đôi, người ta sẽ làm mọi cách để có lứa đôi. Còn nếu tôi đang độc thân không có nghĩa là tôi bị độc thân, mà đó là sự lựa chọn của tôi và tôi đang rất sung sướng với sự lựa chọn đó.
Tôi thấy tự do có cái đẹp riêng của nó. Người khác nhìn vào cho rằng phải có hai người mới là hạnh phúc. Mỗi người một quan niệm. Nhưng đúng là có 1-2 lần trong cuộc đời, tôi nhìn thấy một gia đình hạnh phúc, một cách mà tôi cảm thấy thuyết phục, thấy nó đẹp, chỉ khi ấy tôi mới muốn có cuộc sống như vậy. Còn không, tôi rất vui vẻ với cuộc sống độc thân của mình.
Tôi cũng hiểu chị độc thân không có nghĩa là "bị độc thân". Nhưng hẳn một người đàn bà đẹp và quyến rũ như chị, trong cuộc đời cũng có rất nhiều đàn ông yêu chị chứ?
- Tôi nghĩ mình được làm nàng thơ của khá nhiều người.
Một người đàn ông như thế nào sẽ chinh phục được Hà Linh Thư?
- Một người đẹp trai, thông minh.
Vậy trong tình yêu, Hà Linh Thư là người thế nào?
- Một câu hỏi cần câu trả lời khá dài. Vì mỗi tuổi mình yêu một khác. Và tôi là người không yêu say đắm, có thể là có đậm sâu, sâu sắc nhưng không say đắm ngất ngây. Hoặc có thể chưa say đắm ngất ngây vì luôn cảnh giác và phòng thủ. Và sau các cuộc tình thì ai cũng có thể thành triết gia.
Để nói về tính cách bản thân, Hà Linh Thư tự thấy mình là người thế nào?
- Một người khó chịu (cười lớn). Tôi là một người không dễ, rất không hề dễ.
Khó chịu tới cỡ nào?
- Giống câu truyện nàng công chúa đậu trong truyện cổ Grim, nằm trên bảy tầng đệm mà vẫn đau lưng bởi một hạt đậu nhỏ. Sự quá nhạy cảm, sự đòi hỏi tinh tế, sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết, sự kiêu hãnh ở mọi hoàn cảnh tạo nên một sự vô cùng khó nơi tôi. Vì thế rất không dễ để sống với tôi và cũng rất không dễ để tôi sống với người khác.
Tóm lại, tôi là một người khó chịu, nhưng mạnh mẽ, đầy nam tính trong một hình thể vô cùng nữ tính.
Nhưng phụ nữ cũng có những lúc yếu đuối chứ?
- Có chứ. Ngày xưa mình được giáo dục: đàn ông không được khóc, không được yếu đuối. Còn đàn bà thì phải yếu đuối.
Sau này tôi lớn, tôi được nghe Giáo sư Bùi Phụng - là một người bạn của bố tôi, ông nói rất hay rằng: "Khi một người đàn ông khóc họ mới là mạnh mẽ". Tức là họ dám khóc.
Vậy người phụ nữ yếu đuối không có nghĩa họ phải khóc mới là yếu đuối. Mà họ vẫn mạnh mẽ, nhưng họ vẫn yếu đuối vì họ vẫn là phụ nữ.
Đâu là giới hạn mà chị muốn thử thách bản thân?
- Đến giờ này tôi luôn đặt mục tiêu cho mình phải tiến lên. Ví dụ có BST này đẹp rồi BST sau phải đẹp hơn. Tôi phát triển cả lĩnh vực sơn mài. Nhưng tôi chưa dừng lại, tôi vẫn nghĩ làm thứ khác. Lúc nào con người của tôi cũng vận động, đấy là một sự thách thức bản thân. Thế nhưng tôi không đặt giới hạn bản thân, không có khái niệm đó trong đầu.
Đến thời điểm hiện tại, chị đã cảm thấy hài lòng về những gì đã tạo dựng được chưa? Hà Linh Thư mơ mộng thế nào về một sự nghiệp tiếp theo của mình?
- Tôi không mơ mộng nhưng tôi vẫn đang có những mục tiêu mà tôi phải tiến tới tiếp. Tôi chưa viên mãn và vẫn muốn đi tiếp, và đi cao hơn.
Cảm ơn chị và chúc chị mãi là "người đàn bà nhung lụa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.