Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Còn nhớ khi mời bạn bè, đối tác đến khánh thành Khách sạn dát vàng bên Hồ Giảng Võ (Khách sạn Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake), ông đã dẫn khách đi thăm từng phòng, từng vòi nước, từng chiếc gương. Nhìn bàn tay ông vuốt ve từng đồ vật, có thể thấy ông rất yêu công trình này. Có vẻ nó không chỉ là chuyện tiền bạc nữa mà như là một đứa con tinh thần. Vậy khi quyết định bán nó đi, cảm xúc của ông thế nào? Vì sao ông lại quyết định bán khách sạn này?
- Khách sạn Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake được chúng tôi xây dựng trong vòng 1 năm (từ năm 2019 đến năm 2020) thì xong. Có thể nói đây là khách sạn thi công nhanh nhất thế giới và đúng vào dịp Việt Nam hướng tới tổ chức giải đua công thức 1. Mục đích xây dựng khách sạn này là để giới thiệu với bạn bè thế giới về một khách sạn dát vàng ở Việt Nam. Tuy nhiên sự kiện này đã bị hoãn vì ảnh hưởng bởi Covid-19 và điều này cũng khiến việc kinh doanh khách sạn gặp khó khăn và thua lỗ.
Năm 2020, 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều nước đóng cửa du lịch, cách ly và phải đến hết quý I/2022 Việt Nam mới mở cửa trở lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch và dịch vụ, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn và Tập đoàn Hoà Bình cũng không ngoại lệ.
Tôi có 3 khách sạn (Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham – HaNoi Golden Lake, Khách sạn Somerset Hoa Binh Hanoi và Khách sạn Danang Golden Bay), thì năm 2022 cả 3 khách sạn kinh doanh đều thua lỗ bởi không có khách du lịch nước ngoài. Ba khách sạn này đều chủ yếu phục vụ khách nước ngoài và tôi buộc phải bán khách sạn dát vàng này để bù lỗ cho 3 khách sạn.
Ngoài ra, dự án làm nhà ở xã hội của Tập đoàn Hoà Bình vẫn chưa được cấp chủ trương đầu tư nên công nhân không có lương. Đây cũng là một trong những lý do tôi quyết định bán khách sạn dát vàng này.
Một lý do nữa để tôi quyết định bán là muốn dành tiền để xây trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á và miễn phí thuê mặt bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ thời điểm ông thông báo bán khách sạn dát vàng đến nay đã có đối tác nào đến tìm hiểu chưa? Họ phản hồi thế nào về mức giá 250 triệu USD mà ông đưa ra?
- Thực tế, mức giá 250 triệu USD là mức giá cách đây 6 tháng đã có đối tác đàm phán để mua. Nhưng năm ngoái tôi thực sự chưa muốn bán vì nghĩ nó là niềm tự nào của riêng Việt Nam và tôi khẳng định phải rất lâu nữa cũng không có một khách sạn như thế này ra đời.
Vì vậy, khi quyết định bán tôi lấy 250 triệu USD làm mức giá khởi điểm để đấu giá và đã có một đối tác từ Châu Âu đến gặp tôi, đặt vấn đề tha thiết mua lại khách sạn dát vàng với mức giá này.
Ông đã chuẩn bị bao lâu khi xây dựng khách sạn này?
- Khi bắt đầu kinh doanh, tôi đã suy nghĩ mình sẽ làm cái gì. Vì trên thế giới, rất nhiều khách sạn độc đáo và tôi nghĩ mình cần phải làm được một trong những khách sạn như vậy. Nghĩ là làm. Đầu tiên tôi làm toà nhà có cửa thang máy mạ vàng. Năm 2004, khi làm toà nhà ở Hoàng Quốc Việt tôi đã tìm một thợ mạ người Nga để nhờ ông ấy làm cửa thang máy mạ vàng. Sau đó, nhiều công trình khác do Tập đoàn Hoà Bình xây dựng đều có cửa thang máy mạ vàng. Nhưng mong muốn của tôi là có nhiều hơn sản phẩm được mạ vàng.
Năm 2017, tôi đã nghiên cứu và thí nghiệm để có gạch mạ vàng. Thực tế, nếu là gạch đơn thuần thì mạ vàng sẽ bị phai màu, vì vậy, tôi đã làm thí nghiệm cùng với chuyên gia ở nhiều lĩnh vực trên thế giới. Sau 3 năm thử nghiệm, tôi đã có gạch mạ vàng chịu được nắng mưa như lát ở ngoài khách sạn này. Lúc này tôi đã quyết định mạ vàng toàn bộ toà nhà này.
Ông có nói đến dự án nhà ở xã hội ở Lĩnh Nam của Tập đoàn Hoà Bình hiện vẫn chưa được cấp chủ trương. Ông có thể cho biết rõ hơn dự án này thế nào và vì sao đến nay Hà Nội lại chưa cấp chủ trương?
- Tập đoàn Hoà Bình hiện có 2 khu đất vàng xin làm nhà ở xã hội đó là khu 393 Lĩnh Nam, rộng 3.000m và 468 Vĩnh Hưng, rộng 9.000m.
Tôi nghĩ rằng, thời điểm này thị trường bất động sản đang khó khăn, các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại cần tính toán để giảm giá bán, như vậy mới kích cầu thị trường. Chứ với giá thành hiện tại, tôi nghĩ không nhiều người mua được nhà. Ví dụ, một căn nhà 70m2 mà 40 triệu đồng/m2 thì lương của Bộ trưởng cũng không đủ tiền mua nhà. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng thừa nhà, tồn hàng.
Hơn nữa, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho các công nhân xây dựng và hơn 40 ngành nghề liên quan đến bất động sản có việc làm. Trong bối cảnh hiện tại chỉ làm nhà ở xã hội thì người dân mới đủ tiền mua và xếp hàng để mua.
Tập đoàn Hoà Bình vốn nổi tiếng với việc xây dựng các công trình dát vàng nhưng vì lý do gì lại lựa chọn việc phát triển các dự án nhà ở xã hội? Mục tiêu của ông khi lựa chọn xây dựng các dự án nhà ở xã hội là gì?
- Chúng tôi quyết định làm nhà ở xã hội bởi vì những khó khăn về nhà ở của người công nhân. Nhà ở xã hội của chúng tôi cũng xây dựng bằng những công nghệ, nội thất hiện đại, thậm chí chúng tôi tặng công nhân vòi nước mạ vàng, để mang lại may mắn chứ không phải chờ đến ngày Thần tài.
Trước đó, Tập đoàn Hoà Bình cũng từng làm nhà ở thương mại, nhưng từ năm 2012 đến nay không làm nữa vì nhu cầu thật sự của nhà ở thương mại không cao bằng nhà ở xã hội. Đến một ngày nào đó, dự án không bán được thì doanh nghiệp khó mà gánh nổi lãi suất ngân hàng, lúc đó có thể sẽ phá sản.
Nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết làm nhà ở xã hội lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí. Ông thấy thế nào?
- Vấn đề làm nhà ở xã hội có thể nhìn thế này: Những đại gia chỉ kinh doanh bất động sản có đất thường không muốn làm dự án nhà ở xã hội, bởi nếu làm phải đi thuê công ty xây dựng. Và chi phí trả cho công ty xây dựng phải 20% lợi nhuận thì mới xây dựng được, trong khi lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội được quy định 10%. Đấy là lý do nhiều doanh nghiệp bất động sản có đất không thể làm được nhà ở xã hội, hoặc làm nhà ở xã hội nhưng phải bù đắp chi phí.
Còn những công ty xây dựng như chúng tôi thì bán mồ hôi để kiếm tiền. Tôi có đất và tự xây dựng được nên việc lãi 10% cộng với thanh khoản dự án tốt là thành công, hiệu quả cao.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng việc phát triển nhà ở xã hội rất quan trọng khi những dự án nhà ở thương mại "đóng băng", các công ty xây dựng cũng không có việc nên buộc phải thay đổi nếu không thì công nhân không có việc làm, thất nghiệp.
Ông có nói về tâm huyết của cuộc đời là xây dựng một trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á và sẽ miễn phí mặt bằng cho thuê. Ông có thể cho biết rõ hơn về dự án này không?
- Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới rồi, hầu như nước nào phát triển du lịch đều gắn với thương mại như: Singapore, Dubai… Tôi nghĩ, Việt Nam muốn thu hút du lịch thì phải có hàng hóa rẻ nhất, tốt nhất như vậy mới thu hút khách du lịch.
Vì vậy, tôi nghĩ nếu Việt Nam có một trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng cho doanh nghiệp thì giá bán hàng hoá sẽ rẻ hơn, hỗ trợ hàng Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác. Trong trung tâm thương mại sẽ có một khu Outlet để bán những hàng hết mốt. Nếu Việt Nam vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài về rồi bán thì sẽ đắt vì mất phí vận chuyển, còn nếu bán hàng Việt Nam thì sẽ rất rẻ.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu miễn phí mặt bằng thì doanh thu sẽ đến từ đâu. Thực tế, nếu doanh nghiệp bán hàng hoá rẻ thì người vào mua sẽ đông, lúc ấy chúng tôi sẽ phục vụ đồ ăn uống, sinh hoạt, bia, nước giải khát…Doanh thu từ đây sẽ dùng để trả lãi ngân hàng. Và tiền bán khách sạn dát vàng, tôi sẽ trích 1.000 – 2.000 tỷ để làm đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Tuy nhiên, dự án này vẫn đang gặp trục trặc vì đến nay đã 3 năm rồi nhưng UBND TP.Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời. Chính phủ đã có 10 văn bản nhắc Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.
Tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này vì dự án trung tâm thương mại giá rẻ và chất lượng tốt như vậy cần phải có. Những doanh nghiệp vào thuê tôi miễn phí mặt bằng nhưng phải mua bảo hiểm chất lượng hàng hóa, xuất xứ. Chính vì vậy đây là đề án tâm huyết của tôi. Thế giới nói rằng dự án trung tâm thương mại này mà xây dựng Việt Nam sẽ không còn người nghèo.
Trước khi trở thành một doanh nhân, ông từng đi bộ đội. Cơ duyên nào đã đưa ông trở thành một doanh nhân thành công như hiện nay?
- Thời gian đi bộ đội, tôi ở trong đơn vị công binh, không ở chiến trường nào cụ thể. Tôi ở Lữ đoàn 239 với nhiệm vụ đi bắc cầu phao nên có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu đã đi bộ đội, có lẽ ai cũng thấm thía được cái đói, cái rét ở chiến trường và kể cả hy sinh.
Năm 1979 tôi trở về và làm công nhân ở một nhà máy bao bì xuất khẩu. Nhưng với đồng lương ít ỏi nên tôi quyết tâm ra làm ngoài, tự kinh doanh.
Đầu tiên tôi đi buôn, cụ thể là đánh hàng về để bán và khi đó người ta hay gọi là "buôn lậu". Được chuyến đầu trót lọt, đến chuyến thứ 2 thì mất hết và tôi lại xin đi học lái xe và cơ duyên bắt đầu từ đây. Một lần tình cờ tôi biết được nếu đạp xích lô chở bia thuê mỗi ngày được trả công bằng 1 thùng bia, tương đương khoảng 60 đồng và nếu bán đi thì được tiền bằng 1 tháng lương của kỹ sư. Một tháng tôi làm 26 ngày và thu nhập bằng lương tháng của 26 kỹ sư.
Vậy là tôi đi làm công việc chở bia hơi từ năm 1981 – 1987. Đến năm 1987, tôi được mệnh danh là "vua bia", là người giàu nhất Hà Nội vì có rất nhiều bia để bán. Khi đó chúng tôi quyết định thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình, để lấy chỗ nương tựa nhau, mang lại những niềm vui. Sau này, dần dần cũng chọn được những ngành nghề sản xuất có lợi nhuận cao như: bia, nước giải khát… Sau đó phát triển thành Công ty TNHH thương binh nặng Hoà Bình và có hơn 100 nhân viên là thương binh nặng.
Công ty chúng tôi sản xuất rất nhiều loại bia như: Việt Pháp, Nhân sâm, Sức mạnh… nhưng đến bây giờ rất khó cạnh tranh với những hãng bia lớn. Trước đây, bia do công ty tôi sản xuất chiếm khoảng 40% thị trường Hà Nội nhưng bây giờ mất gần hết. Sau khi sản xuất bia không thành công, công ty lại chuyển sang làm malt bia để bán cho nhà máy bia, đây là sản phẩm mà thời điểm đó cả Đông Nam Á không ai làm.
Ông đã rẽ sang làm xây dựng, bất động sản như thế nào?
- Đến khi bùng nổ về xây dựng văn phòng, căn hộ, công ty chúng tôi lại chuyển hướng sang làm xây dựng cho đến bây giờ. Năm 2008, tôi được TP.Hà Nội tặng bằng khen với danh hiệu "Lãnh đạo đơn vị có giá trị công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng cao góp phần vào sự phát triển của TP.Hà Nội".
Vì là doanh nghiệp tiêu biểu nên tôi được Hà Nội cấp cho khu đất ở Hoàng Quốc Việt để xây dựng tòa nhà làm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê như hiện nay. Thời điểm đó làm nhà rất lãi, chi phí xây dựng chỉ mất 1 đồng nhưng thu được 3 đồng.
Đến năm 2012, thị trường bất động sản đóng băng, tôi thấy nguy hiểm vì khi đó ai ai cũng làm nhà, tôi sợ dư thừa sẽ không bán được nên chuyển sang làm khách sạn.
Trong mấy chục năm lăn lộn trên thương trường, đâu là những thời điểm khó khăn nhất của ông? Ông có thất bại nhiều không? Mỗi lần thất bại ông rút ra bài học gì?
- Các công việc kiếm tiền của tôi đều có đặc trưng vì tôi luôn đi trước. Để tránh thất bại, mình phải biết nhìn vào những bài học trên thế giới, nhiều tỷ phú bất động sản cũng có lúc phá sản.
Ví như khi làm công ty bia tôi đi nước ngoài rất nhiều, từ đó học hỏi và xem họ làm những gì để phát triển. Khi về Việt Nam, tôi tổ chức sản xuất thiết bị cơ khí, công nghiệp, thực phẩm. Như ở Đức họ làm quả cầu trong bồn vệ sinh và bán ở Việt Nam với giá 105 USD nhưng tôi làm với tổng chi phí chỉ hết 3 USD và bán giá 80 USD.
Là một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khách sạn, đại dịch Covid-19 khiến ông gặp khó khăn như thế nào?
- Nếu không có đại dịch Covid-19 trong 3 năm qua, thì công ty tôi đã không bị mất khoảng 5.000 tỷ đồng doanh thu, sau khi trừ chi phí thì còn khoảng 3.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Ví dụ, chỉ một khách sạn ở Đà Nẵng của tôi có doanh thu 100 tỷ đồng/tháng và trong 3 năm là 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận đạt khoảng 1.800 tỷ đồng. Năm 2019 là năm phát triển du lịch, các công ty lữ hành họ đặt hết phòng rồi.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu, khiến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021 chúng tôi vẫn có thể duy trì, nhưng đến năm thứ 2 thì chỉ duy trì được 50% nhân lực và những nhân viên còn lại cũng phải cắt giảm lương. Dự báo, năm 2023 chỉ bớt khó khăn hơn năm 2022 nên việc kinh doanh của khách sạn cũng chưa nhiều khả quan.
Ông có mong muốn đưa Tập đoàn Hoà Bình trở thành "Đại bàng" không? Theo ông, để trở thành "Đại bàng" doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
- Thực tế, các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam thường là vì giá nhân công rẻ và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Ví dụ, 1 công nhân Việt Nam làm tại nhà máy Samsung ở Hàn Quốc có mức lương 500 USD là tối thiểu nhưng sang Việt Nam chỉ phải trả 200 USD, giảm được 300 USD nên họ sang Việt Nam đầu tư.
Tuy nhiên, lợi thế dân số trẻ và giá rẻ cũng dần mất đi. Hiện nhiều tập đoàn bắt đầu dịch chuyển dần nhà máy của họ sang Ấn Độ vì mức lương trả cho nhân công rẻ hơn Việt Nam và thị trường Ấn Độ sắp thành đất nước đông dân nhất thế giới, số lượng người dùng điện thoại Samsung tăng lên.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng thế, khi ra nước ngoài đầu tư cũng tìm cách mang tiền về cho đất nước mình.
Do vậy, tôi nghĩ ngoài việc ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, cần quan tâm đến doanh nghiệp trong nước. Các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam đều muốn trở thành "Đại bàng", nhưng rất khó.
Ví dụ như mong muốn xây dựng trung tâm thương mại miễn phí cho thuê mặt bằng trở thành hiện thực, tôi tin Việt Nam sẽ có nhiều hơn 1, 2 con đại bàng.
Ông mong muốn Nhà nước có những ưu đãi gì với doanh nghiệp trong nước để phát triển lớn mạnh, giống như những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài để thu hút FDI?
- Doanh nghiệp không yêu cầu chính quyền hỗ trợ gì cả, chỉ yêu cầu chính quyền thực hiện đúng theo quy định của luật. Ví dụ những đề xuất về xây dựng nhà ở xã hội hay xây dựng trung tâm thương mại cho thuê mặt bằng miễn phí của tôi thì chính quyền nên trả lời theo đúng thời gian quy định trong luật, như vậy doanh nghiệp mới phát triển được. Đằng này, thời gian rất lâu rồi nhưng vẫn không có câu trả lời hoặc phản hồi lại với doanh nghiệp xem phương án thế nào. Điều này làm doanh nghiệp rất khó khăn.
Chỉ có thực hiện theo đúng quy định của luật doanh nghiệp mới phát triển được để có tiền đóng thuế, nếu không kinh tế sẽ khó khăn. Và việc phải chờ đợi như vậy, với doanh nghiệp rất lãng phí. Với Tập đoàn Hoà Bình, việc chờ đợi như vậy khiến chúng tôi mỗi tháng mất 10 tỷ đồng, một năm mất 120 tỷ đồng tiền lãng phí, lãng phí của doanh nghiệp và cả tiền thuế.
Tôi lấy một ví dụ, dự án Trung tâm thương mại Lotte ở đường Võ Chí Công, theo Luật Đầu tư, trong 35 ngày đã cấp chủ trương đầu tư, nhưng TP.Hà Nội chỉ 17 ngày đã cấp rồi. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chờ 900 ngày vẫn chưa được cấp chủ trương.
Ví dụ thế để thấy, chính quyền cần phải bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài, vì nếu ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài quá mức mà bỏ quên doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp trong nước rất khó phát triển. Tôi chỉ cần chính quyền làm theo đúng luật và bình đẳng.
Ngoài công việc kinh doanh, ông có sở thích nào khác không?
- Trước đây, tôi hay đá bóng và chúng tôi có hội đá bóng. Đến năm 1984, tôi chuyển sang chơi tennis. Tôi là Phó Chủ tịch CLB Tennis ở Hà Nội và chơi đến năm 2009.
Từ đó đến nay, tôi chuyển sang chơi golf, 2 buổi/tuần. Tôi thấy đây là môn thể thao trí tuệ, duy trì bản lĩnh của con người. Chơi golf là tự mình thắng mình vì luôn có thể phá vỡ giới hạn. Đặc biệt, chơi golf mang lại sức khỏe tốt cho chính bản thân, hạn chế bệnh tật.
Có thể nói, khởi nghiệp của ông cho đến nay được gọi là thành công. Ông có dự định "nghỉ hưu" như thế nào?
- Tôi đã muốn nghỉ rồi nhưng phải thực hiện tâm huyết lớn nhất của mình là xây dựng trung tâm thương mại outlet rồi mới nghỉ.
Hiện nay, con trai cả đang là Phó Tổng giám đốc công ty sau khi đi du học ở Anh về. Còn 2 người con gái và con rể cũng đều học nước ngoài và về công ty để tiếp quản sự nghiệp của tôi. Đây là đội ngũ kế cận có tri thức, được đào tạo bài bản và có thể tiếp nối kinh doanh công ty.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.