Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Họ là những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 10x, bỏ 4 năm trời vừa nghiên cứu thực địa, vừa dựng nên những hình ảnh amination (diễn họa) có phong cách ấn tượng và phù hợp với các nhân vật lịch sử. Độc đáo hơn, cả nhóm, từ trưởng dự án, đạo diễn đến các họa sĩ, biên kịch, truyền thông… đều bỏ hết công việc đang làm chỉ để theo đuổi dự án phi lợi nhuận này. Một số người làm thêm bên ngoài để có thêm kinh phí cho phim.
Rồi một sáng kiến nảy ra – họ kêu gọi quyên góp để làm phim, và trong vòng 3 năm, từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2020, họ đã gây quỹ được 2,5 tỷ đồng từ hơn 2.000 khán giả, hoàn thành 22 tập phim lớn nhỏ, bất ngờ thu hút hàng triệu lượt view và lượt xem dù đề tài lịch sử khó nhằn. Đặc biệt, khán giả vô cùng yêu thích "Bình Ngô đại chiến", series "Tử chiến thành Đa Bang", series "Lý Thường Kiệt". Cộng đồng trẻ bắt đầu lên tiếng "Tôi yêu sử Việt". Nhóm cũng đã dịch series "Tử chiến thành Đa Bang" sang tiếng Anh, Trung, Hàn, Tây Ban Nha… để lan tỏa niềm tự hào về sử Việt.
Xem "Bình Ngô đại chiến", nghệ sĩ tham gia lồng tiếng Thành Lộc hết sức xúc động và đánh giá cao quyết tâm làm phim của các bạn trẻ khiến người Việt không quay lưng với sử Việt. Và nói không ngoa, bộ phim có những tuyến nhân vật chính phụ, có sự phát triển tâm lý nhân vật và đỉnh điểm là binh pháp của cả hai bên tại trận huyết chiến Tốt Động - Chúc Động với nhiều tình tiết thú vị, sắc sảo.
Đặc biệt, tuyến nhân vật nhà Minh với các tướng soái cũng được tô vẽ ở một góc nhìn sòng phẳng và không phán xét, để người xem tự suy ngẫm. Kẻ địch rất hùng mạnh, vũ khí và quân binh tinh nhuệ, tướng soái chưa đánh thua trận nào khi sang Đại Việt, và những nghĩa quân của tướng Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí của nghĩa quân Lam Sơn cũng phải hao binh tổn tướng và suy nghĩ cơ mưu thế nào mới có thể đọ được quân giặc, cản bước tiến vào thành Đông Quan, làm nên chiến thắng Tốt Động - Chúc Động lẫy lừng đi vào "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi.
Làm phim quá tốn kém, hiện nhóm chuyển sang thực hiện series tiểu thuyết dã sử "Lam Mộc kỷ", nghiên cứu "vũ trụ" nhà Trần để chuẩn bị cho một tương lai xa hơn là làm phim hoạt hình 3D chiếu rạp.
Trong những ngày này, nhóm đã cạn sạch kinh phí làm phim nên quân số "đại bản doanh" đang thuê ở quận 12 (TP.HCM) thu hẹp, mọi người tự thu dọn chiến trường, nghỉ ngơi nạp lại năng lượng sau một thời gian vắt kiệt sức làm việc. Nhưng vẫn còn đó trên gương mặt của chàng kỹ sư 8x Trần Minh Tuấn - nhà sản xuất và là chủ sáng lập dự án - vẻ tự hào cùng niềm hạnh phúc mãn nguyện được cống hiến hết sức lực và đam mê cho một công việc có ý nghĩa như thế. Và hành trình làm phim, hành trình chạm vào cảm xúc của người xem để họ hiểu và yêu thêm sử Việt bắt đầu từ những núi khó khăn… không dễ vượt qua.
Trước đây, có một số phim điện ảnh vài chục tỷ cất kho, rồi các vở kịch lịch sử tốn kém song vẫn ít tác phẩm chạm được tới người xem. Ở lĩnh vực phim diễn họa, chưa ai dám thử sức vì quá mới ở Việt Nam. Vì đâu các anh chọn phần khó nhất như vậy?
- Tất cả đều là cơ duyên. Ban đầu, tôi sang nhờ nghệ sĩ Đạt Phi lồng tiếng cho một dự án phi lợi nhuận của mình, mới biết kênh Hùng Ca Sử Việt của thầy tạm ngưng vì không có kinh phí lẫn ê kíp. Sẵn hâm mộ kênh của thầy, tôi nói, "để tụi con thử xem sao"! Vậy là tôi lấy tập "Võ Tánh" mà thầy từng hoàn chỉnh phần âm thanh và rủ đạo diễn Kỷ Thế Vinh, họa sĩ Diệp Xương Vĩ làm demo ra 10 giây. Thấy ổn thì mừng lắm.
Amination (diễn họa) từ xưa tới giờ ở Việt Nam chỉ được làm cho con nít coi, màu sắc sặc sỡ, phong cách dễ thương… Chúng tôi muốn làm hình ảnh, nhân vật thật kiêu hùng, nên phải thử một loạt các phong cách. Từ demo đó, chúng tôi mời các bạn khác tham gia, trong đó có họa sĩ trẻ Lê Vũ Quang (sinh năm 1992, mới ra trường ĐH Mỹ Thuật) và với đam mê của mình, anh trở thành Giám đốc nghệ thuật của dự án.
Có được đội ngũ trẻ, yêu nghề, đầy đam mê sử Việt, chúng tôi yên tâm lao vào công việc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, thời gian thử nghiệm mày mò rất lâu cho dự án đầu tiên - series "Tử chiến thành Đa Bang". Chúng tôi chọn đề tài ít người biết, góc nhìn không quen thuộc, nhấn mạnh trận chiến thành Đa Bang là trận chiến cực kỳ quan trọng trong lịch sử.
Khó nữa là viết kịch bản xong mà vẽ không ra. Chúng tôi sửa tới sửa lui. Không giống như diễn viên chỉ cần phút xuất thần nhập vai đã ra thần thái, với tranh vẽ khó đạt, chúng tôi dùng hiệu ứng âm thanh để kể chuyện. Thậm chí, có nhiều cảnh "kể sử" vì không đủ kinh phí nên ban đầu định làm 3D, sau lại chuyển thành 2D.
Làm phim lịch sử khó khăn như vậy, nhưng không hiểu sao khi đã cuốn vào, chúng tôi không thể dứt ra nổi và ngày càng yêu thích công việc này.
Điều bất ngờ là trong điều kiện làm phim eo hẹp như vậy, giới trẻ lại rất yêu thích series "Tử chiến thành Đa Bang" với đầy đủ các nhân vật nam, nữ được nét bút sắt phác họa khá sinh động, rồi những bối cảnh giao chiến ác liệt… Tất cả là lịch sử sống dậy qua từng khung hình, từng ánh mắt, từng câu nói sắc sảo của nhân vật, cao trào âm nhạc, sự tiết chế của lời bình… để đọng lại cảm xúc hừng hực và tự hào cho người xem. Vì đâu các anh đạt được điều đó?
- Trên thực tế, sau khi làm thành công phim "Võ Tánh" 7 phút, chúng tôi dự định làm "Tử chiến thành Đa Bang" 15 phút. Vậy mà khi khai thác kịch bản, thấy hay quá nên viết thành 3 tập, mỗi tập dài 20 phút nhưng khi bắt tay vào thì làm không nổi. Chúng tôi định đặt tập đầu là "Giấy", tập thứ hai là "Sắt", tập thứ 3 là "Lửa" mà chưa có tiền làm tập thứ 3. "Sắt" và "Lửa" đành gom chung một tập.
Bên cạnh đó, để tìm ra quy trình làm việc tốt hơn, chúng tôi cũng thử nghiệm phim "Huyết mạch Trần gia" (tiền truyện của "Tử chiến thành Đa Bang"). Làm xong "Giấy" tập đầu tiên, được mọi người ủng hộ nhiệt liệt, cộng đồng đón nhận, nhiều người đóng góp chi phí cho tụi tôi làm tiếp. Trong 2 tuần, chúng tôi gây quỹ được 150 triệu đồng, nhìn vậy nhưng cũng chỉ đủ chi phí ăn ở, trả tiền chỗ làm việc, sửa chữa máy móc và một phần lớn chi phí sản xuất quà tặng tri ân, chứ không thể trả lương cho cả nhóm.
Vì không có tiền lệ ở Việt Nam để học hỏi, chủ yếu vừa mày mò, vừa làm nên phải thử nghiệm. Điển hình như có giai đoạn cả nhóm phải vừa sản xuất "Huyết mạch Trần gia", vừa sản xuất "Lý Thường Kiệt" theo quy trình làm việc hoàn toàn khác nhau. Tuy series "Lý Thường Kiệt" được sản xuất nhanh, ít tốn kém, lại view cao, nhưng nó cũng không phải là công thức chung để làm phim sau này, vì chất lượng có giới hạn, nên là một cách hiệu quả để tham khảo khi phù hợp thôi.
"Sắt" là tập phim đầu tư rất kỹ về chuyên môn, âm nhạc, để lại không chỉ hiệu ứng thị giác, thính giác mà cả hiệu ứng "rung chấn" về nội dung… Vì sao các anh chọn một thất bại đau đớn của quan quân Hồ Quý Ly làm nền tảng cho bộ phim này?
- Lịch sử là bài học quý của tiền nhân, mình học được nhiều nhất khi thua trận và thất bại để không lặp lại vết xe đổ đó nữa.
Tập "Sắt" có lồng ghép kỹ thuật 3D, được chiếu 3 buổi ở rạp. Tập đó có nghệ sĩ Thành Lộc đến xem, anh rất thích, bảo khi nào cần, chỉ cần gọi một tiếng sẽ tham gia. Anh rất quý tinh thần của người trẻ chúng tôi khi khơi mào phong trào người Việt yêu sử Việt.
Thừa thắng, chúng tôi dự tính làm phim về Lam Sơn nhiều tập, nhưng thấy chất lượng chưa tốt, đang làm phân nửa (5 tập) thì đành bỏ, chọn 1 tập duy nhất làm cho thật hay. Và đó là trận Tốt Động - Chúc Động làm nên "Bình Ngô đại chiến". Đầu tư hết công sức vào đó, và đây cũng là tập phim gây quỹ cuối cùng, sau này chúng tôi làm nữa cũng phải kêu gọi đầu tư.
Trước mắt trong 2021, để tiết kiệm kinh phí, chúng tôi dự định làm tiếp 4 cuốn sách còn lại của series tiểu thuyết "Lam Mộc kỷ". Cái tên Lam Mộc Kỷ là dựa trên câu sấm "Dị mộc tái sinh". Dị mộc ám chỉ nhà Lê khởi nguồn từ Lam Sơn, sách nói về kỷ nguyên của nhà Lê ở Lam Sơn.
Làm phim sử Việt, các anh sợ nhất điều gì? Một cuốn truyện viết ra đã bị tranh cãi, huống gì là một bộ phim…
- Mỗi người đều có nhu cầu tự thân đi tìm mình là ai, mình như thế nào, từ đâu tới… Con người là sinh vật luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Lịch sử là một phương tiện hay một con đường để mình hiểu chính mình, hiểu identity (bản thể) của chính mình.
Người nước ngoài viết sử Việt rất hay, vậy vì sao người mình không biết gì về lịch sử của dân tộc mình? Đó là do mình thiếu sản phẩm để truyền cảm hứng. Trên mạng có nhiều thứ, có thể tự nghiên cứu. Nhưng chúng ta dễ chán, hoặc suy nghĩ có những thông tin "húy kỵ" không được đụng tới… Điều đó dễ làm người trẻ nhụt chí. Càng tìm hiểu, các bạn sẽ càng thấy hay.
Mất 3 năm rưỡi, chúng tôi tập trung cho dự án. Là dân điện - điện tử ĐH Bách Khoa, ra trường tham gia một số start-up công nghệ nhưng tôi vẫn luôn muốn làm những điều có ý nghĩa. Do hữu duyên, thấy mình làm được dự án này cũng rất hào hứng.
Tôi nghĩ, mình làm với cái tâm trong sáng, không ý đồ thì không gì phải sợ! Mọi người sẽ thấy việc mình làm là nhiệt huyết. Dự án này làm sao kiếm tiền! Với tinh thần không vụ lợi đối với lịch sử, chúng tôi không sợ bị nghĩ xấu và tâm nguyện mình đang làm việc có ích…
Vì sao anh chọn góc nhìn Võ Tánh và tình bạn keo sơn với chúa Nguyễn khiến người xem cảm động? Lịch sử nếu có bên đúng bên sai, thì người ta sẽ nhớ mãi mối thâm thù của Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, một bên là anh hùng, một bên là "tội đồ", và phải mãi sau này Nguyễn Ánh mới được giải oan phần nào?
- Kịch bản "Võ Tánh" là của Phạm Vĩnh Lộc. Đơn giản, chúng tôi tiếp cận lịch sử, thấy cái gì hay, đẹp thì mô tả thôi, không thiên vị một ai. Lúc đầu làm lịch sử, chúng tôi đưa ra 3 nguyên tắc viết kịch bản: Tôn trọng sự thật lịch sử (tất nhiên có những tài liệu mâu thuẫn với nhau nhưng ít thôi, lúc đó phải suy luận). Tiếp đến là không biện bạch cho nhân vật, không "tẩy" trắng cho bất cứ ai, không bênh vực ai, cái gì hay thì đưa ra theo góc nhìn của mình để khán giả tự phán xét. Thứ ba, chúng tôi không làm phim tuyên truyền. Còn lại là phạm vi sáng tạo. Ví dụ, những gì lịch sử chưa nói tới, chúng tôi có thể phóng tác một cách thuyết phục chứ không quá fantasy (viễn tưởng). Muốn vậy, phải đưa ra kịch bản thuyết phục, thực tế.
Chẳng hạn trận Tốt Động – Chúc Động, Đại Việt Sử ký toàn thư chép là Đinh Lễ bắt được người đưa tin của Vương Thông. Song quân ta tương kế, tựu kế đánh bại quân giặc. Nhưng nếu chỉ có thế thì hơi vô lý, làm sao thuyết phục khán giả? Làm sao một ông tướng quyết định mang 6 vạn quân lính ra mặt trận chỉ căn cứ lá thư bắt được… Vậy nên chúng tôi buộc phải phóng tác cốt truyện theo hướng khác.
Trong mỗi khâu, chúng tôi cũng đều có sáng tạo. Ví dụ trong hình ảnh, vị tướng này có tính cách thế nào thì phải được tạo hình ra như vậy. Nhìn vào Đinh Lễ biết ngay là dũng tướng: Tay cầm đại đao, gương mặt chính trực, can đảm...
Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, hai nhân vật lịch sử anh nhìn nhận ra sao? Lâu nay xem sử, chỉ có trắng, đen, không có ở giữa…
- Ông nào cũng có tài. Nguyễn Huệ quá xuất sắc, chưa bao giờ thua khi lâm trận. Còn Nguyễn Ánh, riêng chuyện ông sống sót đã là ly kỳ rồi. Đời ông được nhiều người cứu chứng tỏ ông phải là con người thế nào, chưa kể thất bại liên tiếp mà quân tướng vẫn quyết theo ông đến cùng.
Chúng tôi không ưu tiên nhân vật nào cả; ai cũng có cái hay, cái dở. Nhân vật nào cũng là con người, không phải thần thánh. Họ cũng có những lúc là chiến thần, có lúc họ là những con người sân si, hỉ nộ, ái, ố bình thường.
Chúng tôi cố gắng khai thác góc độ con người gần gũi. Khi khai thác những câu chuyện như vậy, khán giả sẽ có cảm giác kết nối, vì vĩ nhân, người hùng cũng có khiếm khuyết, để khán giả càng muốn đồng hành cùng nhân vật hơn.
Có những góc nhìn mà mình thiếu tìm hiểu hoặc thiếu thông tin, như vua Lê Lợi xuất thân là "anh hùng áo vải", mà đâu phải, ông xuất thân từ người Mường, trong gia đình hào trưởng giàu có, đứng đầu các dân tộc miền núi (Thiên Nam động chủ). Nhưng đó sẽ là những khía cạnh khiến người xem cảm thấy vô cùng thú vị nếu được khai thác một cách khéo léo.
Chúng tôi tâm đắc với câu nói của nhà sử học Dương Trung Quốc: "Cảm xúc lịch sử quan trọng hơn thông tin lịch sử", bởi vì theo chúng tôi, cảm xúc là động lực, cảm hứng để mọi người hành động, còn thông tin thì không. Khi họ có cảm xúc, khi họ yêu văn hóa lịch sử nước mình, họ sẽ tìm hiểu, đi sâu hơn, sẽ bắt tay làm những dự án liên quan đến văn hóa, lịch sử chứ không phải chỉ mình chúng tôi tự làm.
Sử Việt có những góc khuất không rõ ràng, rành mạch. Vì sao các anh có cách xây dựng kịch bản rất riêng để tìm ra những câu chuyện rất thú vị từ cái khung nền cũ kỹ vốn dễ nhàm chán?
- Đó là nhờ team biên kịch (gồm 11 người). Anh Đỗ Minh Nhật làm trưởng nhóm kịch bản. Nhóm kịch bản đó do tôi xây dựng từ đầu, sau đó mời anh Nhật bồi dưỡng thêm. Bản thân anh ấy cũng rất thích chủ đề lịch sử. Trong nhóm có 3 cố vấn: Trần Hoàng Vũ, Võ Nam Du (trưởng nhóm Sử Talk) và Phạm Vĩnh Lộc. Ngoài ra còn có một bạn sinh năm 2001. Mỗi người có mỗi góc nhìn khác nhau, từ người trẻ, học sinh, đến người có kinh nghiệm. Chúng tôi xây dựng chuỗi Lam Mộc kỷ về Lam Sơn mất hơn 2 năm. Sau đó mới chọn ra trận chiến chính để làm. Mạch truyện đã có sẵn, vấn đề là làm sao kể ra câu chuyện ấy một cách hấp dẫn nhất.
Chúng tôi không cố gắng phản ánh sự chính xác của lịch sử, không phán xét đúng, sai mà làm sao để người ta yêu quý lịch sử. Chúng tôi đâu làm dự án kiểu dạy lịch sử! Làm để người ta muốn tìm hiểu nhân vật đó thêm mới là ý nghĩa của Đuốc Mồi - tên gọi trước đây của nhóm.
Là người quản lý dự án, anh can thiệp vào nội dung nhiều không?
- Tôi góp ý cho các bạn, các bạn phụ trách từng khâu quyết định. Thực ra các bạn còn khó tính hơn tôi. Tôi chỉ khó tính ở trọng tâm câu chuyện, làm sao để đạt được mục đích khơi gợi lòng tự hào như tiêu chí ban đầu đặt ra. Thế nên phải tìm cách cân bằng giữa hai bên.
Ngoài 11 người biên kịch, anh còn gặp may khi có trong tay đội ngũ họa sĩ giỏi, cùng đạo diễn vững tay nghề, cho ra những thước phim xúc động. Tuy nhiên, cũng có thể thấy có sự ảnh hưởng đâu đó ở nét vẽ, ở tạo hình dũng tướng, hay bối cảnh chung của một đoạn giao tranh…
- Bạn đạo diễn Kỷ Thế Vinh, người dựng phim và "gánh" team nhiều nhất, xử lý hình ảnh, tham gia cả vào kịch bản. Bạn học Arena – chương trình của Ấn Độ ở TP.HCM, cũng nằm trong nhóm học trò của thầy Trần Anh Hùng. Bạn họa sĩ Diệp Xương Vĩ có chất riêng, Lê Vũ Quang là giám đốc hình ảnh, xác định phong cách của dự án và kết nối các họa sĩ. Bạn theo đuổi phong cách vẽ mảng, mô tả tâm trạng, bầu không khí, bối cảnh… có chiều sâu, không thiên về thị trường.
Bạn Nguyễn Hoàng Hưng cũng là họa sĩ cùng phong cách với Lê Vũ Quang. Hồ Thanh Duy Đức còn rất trẻ mà có kiến thức rất tốt về trang phục cổ phong, về lịch sử. Bạn Hường Nguyễn làm truyền thông… đã bỏ hai công ty lớn để tập trung cho nhóm. Bạn Trúc Linh quản lý sản xuất, là sinh viên, chưa hề có kinh nghiệm, tự học tự làm. Và còn nhiều cộng tác viên khác.
Những chuyến đi thực địa, lấy tài liệu của cả nhóm vất vả ra sao?
- Để thực hiện tham vọng về một "vũ trụ" thời Lê, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng, nhóm Việt Sử Kiêu Hùng đã thực sự dấn thân vào hành trình vĩ đại của Bình Định Vương, để cảm nhận được nỗi gian khổ nếm mật, nằm gai phi thường của vua Lê Lợi. Chân đạp sâu xuống bùn lầy của cánh đồng Tốt Động, da thấu buốt cái lạnh của ải Chi Lăng, những cú té ngã đổ máu khi tìm đến đỉnh núi diễn ra hội thề Lũng Nhai, và hàng loạt những thử thách suốt dọc đường càng làm tăng thêm quyết tâm chinh phục. Làm sao để hiểu rõ tiền nhân nếu ta không theo dấu hành trình của họ?
Những chuyến đi thực địa khu vực thành Đa Bang, sông Như Nguyệt, núi Chí Linh, Côn Sơn xưa đã khiến chúng tôi càng quyết tâm làm phim sử Việt hơn, vì mở ra tầm nhìn, niềm tự hào và lòng yêu nước sâu đậm.
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi tìm kiếm tài liệu của nhà Nguyên, Minh, rồi từ người Pháp… Chúng tôi đã nghiên cứu và chuẩn bị suốt 3 năm qua với mong muốn làm phim tiếp về đời Lý Trần Lê, là 3 triều đại tương đối gần nhau.
3 năm trời, nhóm Việt Sử Kiêu Hùng bỏ công sức làm phim, không màng chút vật chất cho mình. Họ cũng không tính được giá thành một tập phim là bao nhiêu. Khi được hỏi vì sao quy tụ được những con người tâm huyết như thế, Tuấn đáp: "Dự án quy tụ chứ không phải tôi quy tụ được mọi người". Dự án hay, ý nghĩa, mọi người làm việc nghiêm túc. Những người khác thấy như vậy nên tham gia.
Về phía khán giả cũng đón nhận phim rất nhiệt tình. Những đối tác truyền thông, đạo diễn Charlie Nguyễn, Trần Thanh Huy (phim "Ròm") đánh giá sản phẩm của nhóm tâm huyết, tuy chưa xuất sắc nhưng cũng đã thể hiện được cảm xúc – mấu chốt cho một bộ phim.
Có thể nói gì về "Bình Ngô đại chiến" – bộ phim hay nhất của nhóm chạm được trái tim khán giả và khiến họ thực sự xúc động?
- Tôi nghĩ đó là do tình cảm của những người thực hiện. Khi làm cái gì mình thực sự yêu quý thì khán giả sẽ cảm nhận được. Giống như vở "Tiên Nga" của NSƯT Thành Lộc, người xem hiểu ngay anh ấy dựng vở này không phải vì tiền, mà vì yêu nước. Tôi nghĩ những gì chân thành thì sẽ chạm đến thẳm sâu của khán giả. Ngay cả khắc họa nhân vật, chúng tôi cũng không khiến ai cũng xấu. Như tướng giặc cũng có người này người kia. Thái Phúc chẳng hạn, tuy là tướng nhà Minh nhưng cũng phản đối cuộc chiến phi nghĩa của họ.
Anh nói sao khi trong phim có không ít cảnh bạo lực, đổ máu?
- Chúng tôi làm yếu tố bạo lực không phải để cổ súy bạo lực, mà khắc họa cái bi hùng, đau thương của chiến tranh. Không có nhân vật nào hả hê khi giết người. Dù quân ta thắng trận nhưng không khí vẫn rất bi thương. Một chiến thắng phải trả giá rất lớn. Đến cuối cùng, chẳng có ai mong muốn chiến tranh cả.
Mỗi nhân vật trong các bộ phim diễn họa của nhóm nói ít nhưng đều có một câu rất "đỉnh"...
- Mỗi câu nói sẽ thể hiện tính cách và lý tưởng của từng nhân vật. Chúng tôi cố gắng phác họa đặc trưng tính cách mỗi nhân vật, có mục tiêu, động cơ và lý tưởng, chứ không phải cứ nhân vật phản diện là ngu, là dở; ngược lại, phải xuất sắc hơn bình thường. Muốn chiến thắng của mình hay thì bên giặc phải giỏi. Trương Phụ đánh chưa thua bao giờ trên đất Đại Việt. Trần Hiệp không chỉ là quan văn mà còn là dũng tướng ra trận.
Những nhân vật phản diện phải được xây dựng kỹ lưỡng, họ có lý tưởng của họ. Đối với Trung Quốc, họ là trung thần, quyết chiến để giành đất của nước khác, nhưng đối với dân mình thì triết lý đó là hoàn toàn sai. Nếu xây dựng nhân vật phản diện mà vừa ngu vừa dở thì câu chuyện còn gì hấp dẫn nữa!
Mong ước của các anh là gì?
- Muốn nâng cao tinh thần yêu nước của người trẻ, thì chúng ta nên lắng nghe nhu cầu của người trẻ, và có cách tiếp cận mới hơn. Càng nhiều nhóm như Việt Sử Kiêu Hùng thì sẽ càng lan tỏa tới nhiều khán giả, hệ sinh thái sản xuất càng mạnh và thị trường càng lớn. Khi đó sẽ có người sẵn sàng đầu tư. Nếu cơ quan chính quyền có điều kiện, hãy kết nối các bạn, hỗ trợ cho họ không gian làm việc, hướng dẫn, giao lưu với các đơn vị công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để họ truyền kinh nghiệm làm phim cho Việt Nam.
Sẽ tốt biết bao nếu những cơ quan như Thành Đoàn có thể kết nối các doanh nghiệp với các nhà làm phim để hỗ trợ tài chính, đầu ra… Phải để cho người trẻ làm và biết lắng nghe khán giả. Sở dĩ "Bình Ngô đại chiến" lên top 15 trending vì khán giả thích cách thể hiện này, do đó, chúng ta muốn truyền tải văn hóa, lịch sử cũng phải tìm hiểu thị hiếu của họ. Làm phim đầu tư nhiều cách mấy đi nữa mà khán giả không coi thì có ích gì?
- Xin cảm ơn anh và chúc ê kíp ra nhiều series phim hay trong thời gian tới!
Đạo diễn Kỷ Thế Vinh: Để làm nên một tập phim thật hay, không vấp phải lỗi của người đi trước, thì sự thật là chúng tôi cần đầu tư nhiều hơn, kể cả về mặt thời gian để nghiên cứu sử liệu, lẫn nội dung câu chuyện lẫn kinh phí… cần được chỉn chu. Trước đây, có nhiều sản phẩm không chạm được đến cảm xúc của người xem vì chọn ngay những trận đánh lớn hoặc những nhân vật quá vĩ đại nhưng lại đầu tư chưa tương xứng. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn những trận chiến vừa chứ không phải những trận lớn.
Thời gian làm phim kéo dài vì chúng tôi muốn mọi thứ phải thật tốt trong khi vẫn thiếu thốn đủ đường. Đến tập phim "Bình Ngô Đại Chiến", dù được khen ngợi rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng, bởi vì chúng tôi có thể làm tốt hơn rất nhiều, nhưng đành phải chịu vì quá nhiều trở ngại.
Ban đầu, chúng tôi lăn xả vào làm vì mơ hồ thấy công việc khiến mình vui, sản phẩm có người xem thì thích. Nhưng dần dần thấy công việc thực sự có ý nghĩa với nhiều người. Nhiều thầy cô giáo lấy phim của chúng tôi để giảng dạy. Dần dần có sự chuyển biến ở trong xã hội một cách tích cực.
Việc mình làm dự án được nhiều người đón nhận đã tạo ra động lực và làn sóng để tất cả những người khác còn đang ngần ngại sẽ dũng cảm làm, cộng đồng hưởng ứng… Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử cao hơn những năm trước. Bằng chứng là hai năm qua, dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng nhiều dự án điện ảnh, lịch sử ra đời.
Tôi rất mong rằng những nhà đầu tư sẽ nhìn thấy tiềm năng trong mảng văn hóa lịch sử, nhìn thấy cách tiếp cận mới của người trẻ, nhìn thấy được sự cố gắng của chúng tôi, để mạnh dạn đồng hành. Chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có những bộ phim thật xuất sắc để giới thiệu sử Việt với bạn bè quốc tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.