3 bài học đắt giá cho ĐT Việt Nam tại sân Rajamangala
3 bài học đắt giá cho ĐT Việt Nam tại sân Rajamangala
Trần Oánh
Thứ ba, ngày 07/01/2025 15:10 PM (GMT+7)
ĐT Việt Nam đã có 1 chiến thắng lịch sử trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 trên sân Rajamangala trước đội ĐT Thái Lan. Chúng ta đã vô địch, nhưng giống mọi trận đấu khác, chúng ta đều có thể tìm thấy bài học cho mình dù kết quả thua hay thắng.
Những bài học nào cho ĐT Việt Nam sau trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 kịch tính với ĐT Thái Lan?
ĐT Việt Nam đã có 1 chiến thắng lịch sử trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 trên sân Rajamangala trước đội ĐT Thái Lan. Kết cục cuối cùng là chiến thắng, chúng ta đã vô địch. Nhưng giống mọi trận đấu khác, chúng ta đều có thể tìm thấy bài học cho mình trong từng trận đấu dù thua hay thắng.
Tất nhiên, ở trận đấu này chúng ta sẽ xem lại bắt đầu từ những điểm chưa đạt của đội bóng. Đầu tiên đó là 2 bàn thua của đội. Bàn thua đầu tiên là sai lầm cá nhân của Doãn Ngọc Tân, cầu thủ đã thi đấu rất chắc chắn và hiệu quả trong những trận đấu trước đó. Có một lý do khách quan, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của Doãn Ngọc Tân là anh đang bị đau mắt. Nhưng dù thế nào thì tình huống sai lầm cá nhân dẫn đến bàn thua của ĐT Việt Nam thuộc trách nhiệm của Doãn Ngọc Tân, khi thực hiện một pha bóng không khác gì kiến thiết cho cầu thủ Ben Davis của ĐT Thái Lan tung một cú sút hạ gục thủ môn Đình Triệu.
Tình huống sai lầm cá nhân của các cầu thủ phòng ngự ĐT Việt Nam dẫn đến mất bóng nguy hiểm trước khung thành đội nhà vốn không hiếm. Nó từng xuất hiện lặp đi lặp lại, trước khi được hạn chế ở 2 trận bán kết gặp ĐT Singapore và trận chung kết lượt đi ở SVĐ Việt Trì trước ĐT Thái Lan.
Thực tế, việc để xảy ra mất bóng trong quá trình nỗ lực kiểm soát bóng, đặc biệt là trong khi đối phương pressing quyết liệt là rất dễ xảy ra. Nhưng không thể vì nguy cơ mất bóng mà đội bóng từ bỏ việc nỗ lực kiểm soát bóng ở hàng phòng ngự. Vì nếu để an toàn mà phá bóng ra xa cầu môn, thì đối phương sẽ tiếp tục lấy được bóng và lại nhanh chóng gây sức ép lên hàng phòng ngự. Điểm chung của các tình huống sai lầm cá nhân dẫn đến mất bóng của hàng thủ ĐT Việt Nam là hay xảy ra lúc thể lực các cầu thủ đã xuống. Sự tập trung giảm sút, khả năng di chuyển hỗ trợ đồng đội kém, động tác kỹ thuật không còn chính xác và dứt khoát…
Chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện mâu thuẫn ở đây khi nếu nỗ lực để kiểm soát bóng, không cho đối phương có nhiều bóng tổ chức tấn công thì gặp phải nguy cơ có thể mất bóng. Ở đây cảm nhận cá nhân cầu thủ là rất quan trọng. Chiến thuật chung của cả đội là phối hợp nhỏ thoát pressing, cầm bóng rối đưa dần bóng lên.
Nhưng trong những tình thế cụ thể, nhất là vào thời điểm thể lực chung của đội bóng giảm sút, trước sự săn bóng gắt gao của đối phương, cầu thủ cầm bóng ở hàng phòng ngự vẫn phải đưa ra các quyết định xử lý bóng an toàn, như đá bổng, dài lên trên để giải tỏa nguy hiểm. Đây chính là sự nhạy cảm chiến thuật của mỗi cá nhân, giúp cầu thủ đưa ra được các quyết định xử lý bóng hợp lý.
Nếu ở tình huống bàn thua đầu tiên đó, Doãn Ngọc Tân thay vì cố gắng cầm bóng phối hợp trong tình trạng không chắc bóng, anh phất bóng dài lên, hương về phía Nguyễn Xuân Son đứng ở trên thì đã không có bàn thua đó.
Bàn thua thứ 2 thì rõ ràng là 1 bài học về tinh thần cảnh giác. Chúng ta không thể hoàn toàn trông cậy vào tinh thần fair-play của đối phương được. Giả sử, trong trận chung kết lượt về với ĐT Thái Lan này, mà kết cục là ĐT Thái Lan thắng và lên ngôi vô địch, thì chắc chỉ có truyền thông Việt Nam than phiền và đổ lỗi cho thất bại chung cuộc vì bàn thắng thiếu fair-play kia của ĐT Thái Lan thôi, chứ chắc là truyền thông khu vực, truyền thông và NHM Thái Lan cũng không nhắc đến nó đâu, họ còn mải ăn mừng chiến thắng của họ.
Để tránh lặp lại sai lầm này, việc cảnh giác, bố trí đội hình sẵn sàng đối phó với các tình huống tương tự sau này phải được coi như là một nguyên tắc thi đấu khi đội bóng ra sân.
Có một bài học nữa, được rút ra từ đối thủ của chúng ta, đó là trận thua này của ĐT Thái Lan rất giống với trận thua lịch sử của họ trước chúng ta tại Tiger Cup 1998 trên SVĐ Hàng Đẫy. Ở trận này, việc cố tình kiếm bằng được một bàn thắng bất chấp tinh thần fair-play của ĐT Thái Lan thể hiện sự e sợ của họ trước ĐT Việt Nam, sợ bị thất bại ngay trên sân nhà. Còn ở Tiger Cup 1998, ĐT Thái Lan cũng e sợ ĐT Việt Nam, họ cùng ĐT Indonesia làm nên một vết nhơ cho bóng dá khu vực khi tự sút bóng vào lưới nhà để thua, nhằm tránh phải gặp chủ nhà Việt Nam ở bán kết. Bài học cho các cầu thủ Việt Nam là trong thể thao, khi ta e sợ đối thủ, đó là lúc ta bắt đầu thua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.