TP.HCM tìm cách nâng chất lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 06/12/2023 11:09 AM (GMT+7)
TP.HCM có khoảng 70 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển các thị trường mới, chưa có nguồn lao động hợp lý và chủ động...
Bình luận 0

Lao động xuất khẩu nhận lương chỉ 15-28 triệu đồng/tháng

Tại buổi đối thoại về công tác với Người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TP.HCM diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động, do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVNONN) TP.HCM vừa tổ chức, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, TP.HCM có khoảng 70 doanh nghiệp được Bộ LĐTBXH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu - Ảnh 1.

Hội nghị đối thoại về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TP.HCM. Ảnh: BTC

Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng Covid-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài nên số lượng lao động xuất khẩu giảm mạnh.

Về thu nhập, bình quân hàng tháng người lao động nhận được khoảng từ 15 - 28 triệu đồng.

Bà Trang nhận định người lao động đi xuất khẩu chủ yếu chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản.

Số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp.

Giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu - Ảnh 2.

Lao động Việt Nam làm việc tại một công trình ở Đài Loan. Ảnh: Phong Vân

Bên cạnh đó, ngoài những ưu điểm như tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh... thì lao động Việt đi xuất khẩu cũng có nhiều mặt hạn chế. Trong đó, chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu. Nhưng lao động chưa qua đào tạo cao chỉ có thể làm công việc đơn giản, không đáp ứng được các việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Đáng chú ý, tình trạng người lao động hết hợp đồng lao động không về nước đúng thời hạn, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, hoặc không thực hiện hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại, đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập của nhiều người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các doanh nghiệp cũng như hình ảnh của đất nước.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Sở LĐTBXH đánh giá, doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển các thị trường mới, chưa có nguồn lao động trong nước hợp lý và chủ động. 

Một số lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, dẫn đến việc người lao động làm những công việc giản đơn hoặc lao động phổ thông tại các nước tiếp nhận. Và đặc biệt việc  giải quyết việc làm cho người lao động sau khi về nước chưa được doanh nghiệp quan tâm. Rất ít doanh nghiệp giữ mối liên hệ với số lao động mà họ đã đưa đi làm việc ở nước ngoài hết hạn trở về nước.

TP.HCM: Giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu - Ảnh 4.

Lao động xuất khẩu đi làm việc chủ yếu chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông làm công việc đơn giản. Ảnh: A.X

Cách nào nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu lao động?

Lãnh đạo Sở LĐTBXH TP.HCM hướng tới 3 giải pháp quản lý và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Đầu tiên là tạo nguồn lao động chất lượng cao, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đào tạo nguồn lao động có trình độ, tay nghề để đưa đi làm việc ở nước ngoài; cần xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chương trình vay vốn ưu đãi cho người lao động, đào tạo tiếng, đào tạo nghề.

TP.HCM: Giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu - Ảnh 5.

Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: BTC

Tiếp theo là giám sát tuyển chọn, đào tạo lao động của doanh nghiệp. Và cần có cơ chế phối hợp đặc biệt để kết nối các doanh nghiệp với các trường nghề, để đào tạo nguồn lao động có chất lượng. 

Các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn học sinh tốt nghiệp các trường nghề, để tuyển chọn lao động có chuyên môn kỹ thuật, phù hợp yêu cầu của đối tác nước ngoài để hoàn chỉnh công tác tạo nguồn của doanh nghiệp.

Cuối cùng là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Sở LĐTBXH cho biết, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài trong lực lượng lao động rất lớn, việc người lao động không nắm bắt đầy đủ thông tin dẫn đến tình trạng bị lừa gạt, mất tiền cho các tổ chức, cá nhân khi có hứa hẹn đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp, cần thông tin đúng, chính xác các điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng thương hiệu uy tín cho đơn vị để tạo sự yên tâm cho người lao động khi tìm hiểu và đăng ký đi làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem