Mạc Hiển Tích là ai?

Thứ sáu, ngày 10/01/2025 18:31 PM (GMT+7)
Những chi tiết viết về nhân vật Mạc Hiển Tích trong cuốn sách "Nghìn năm Vương triều" của tác giả Hoàng Đình Long không phải là nhân vật thường được nhắc đến trong lịch sử...
Bình luận 0

Thông tin không trùng khớp về nhân vật Mạc Hiển Tích

Theo cuốn "Nghìn năm Vương triều" do tác giả Hoàng Đình Long biên soạn, Nhà xuất bản Lao động in và phát hành năm 2006, tại trang 112, 113 viết: “Bấy giờ còn có việc Mạc Hiển Tích là người đỗ đầu khoa thi năm Bính Dần (1186), được vời vào làm thầy dạy văn học cho vua trẻ, lâu ngày thành ra có tình ý với Đỗ Thái hậu. Tháng 3 năm Canh Tuất (1190), chuyện lộ ra ngoài, vua sai lính ở Phụng Quốc vệ bắt Mạc Hiển Tích giam vào đại lao rồi sai Thái phó là Ngô Lý Tín và Đô quan lang trung là Lê Năng Trường xét xử vụ việc của thiếu sư... Vua Cao Tông biết các quan còn sợ Hiển Tích nên phải tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đi trại Quy Hoá”.

img

Phố Mạc Hiển Tích, phường Hải Tân (TP Hải Dương).

Về thân thế, sự nghiệp của Mạc Hiển Tích đã có rất nhiều công trình nghiên cứu. "Lịch triều hiến chương loại chí" tập 3 của sử gia Phan Huy Chú bản do Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội in năm 2014 (trang 59), "Từ điển nhân vật lịch sử" của các tác giả Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Trương Thâu, Bùi Tuyết Hương, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội xuất bản năm 1997 (bản điện tử, trang 510)... đều thống nhất nội dung: Mạc Hiển Tích quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh, đỗ đầu khoa thi năm Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086) đời vua Lý Nhân Tông. Ông được bổ chức Hàn lâm viện học sĩ, thăng đến chức Thượng thư, có tài chính trị và ngoại giao, được vua cử đi sứ Chiêm Thành.

Tại các cuốn sách và tài liệu của tỉnh như cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương" (1075-1919) của Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh, xuất bản năm 1999, do ông Tăng Bá Hoành chủ biên, "Hải Dương di tích và danh thắng" do Sở Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1999 (trang 216-218) và Hồ sơ di tích đền Long Động (xã Nam Tân, huyện Nam Sách) đều ghi: quê hương Mạc Hiển Tích làng Lũng Động (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách). Sau khi mất, ông được dân làng tôn làm Phúc thần, dựng đền thờ tự cùng với hai vị đại khoa họ Mạc là Mạc Kiến Quan (?-?) (là em ruột Mạc Hiển Tích, làm quan đến chức Thượng thư bộ Công) và Mạc Đĩnh Chi (1272 -1346) cháu của Mạc Hiển Tích, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tông. Đền Long Động đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.

Qua đối chiếu với các nguồn tư liệu chính sử thì các sự kiện viết về nhân vật Mạc Hiển Tích được nêu trong cuốn sách "Nghìn năm Vương triều" có những sai sót về niên đại và thời gian.

Các công trình nghiên cứu, sách đều ghi Mạc Hiển Tích thi đỗ năm Bính Dần (1086) còn cuốn "Nghìn năm Vương triều" ghi Mạc Hiển Tích thi đỗ năm Bính Dần (1186). Thực tế, năm 1186 là năm Bính Ngọ.

Cuốn "Nghìn năm Vương triều" ghi “Tháng 3 năm Canh Tuất (1190), chuyện lộ ra ngoài...”. Đối chiếu với năm Mạc Hiển Tích thi đỗ là năm Bính Dần (1086), thì vào năm 1190 Mạc Hiển Tích đã hơn 100 tuổi. Giả sử năm 20 tuổi, Mạc Hiển Tích thi đỗ, thì khi vụ án bị lộ ra ngoài, Mạc Hiển Tích đã 124 tuổi. Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" (trang 414) ghi “Canh Tuất, năm thứ 5 (1190), mùa xuân tháng giêng, Hoàng thái hậu Đỗ thị băng”. Năm vụ án bị lộ (1190) cũng là năm Đỗ Thái hậu mất và khi ấy Mạc Hiển Tích cũng đã trở thành người “xưa nay hiếm”.

Như vậy, những chi tiết viết về nhân vật Mạc Hiển Tích trong cuốn sách "Nghìn năm Vương triều" của tác giả Hoàng Đình Long không phải là nhân vật thường được nhắc đến trong lịch sử.

Thanh Hà (Theo Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem