Đây là điều không hề dễ dàng khi thị trường điện ảnh Việt Nam dù sôi động, nhưng thói quen của khán giả khi tìm hiểu và đọc về phim còn quá ít. So với Hàn còn chưa thấm nói chi đến Hollywood… Thế Giới Tiếp Thị có cuộc phỏng vấn với anh Tuấn, CEO của Muzu (trang web: muzuco.com).
Nguyễn Thể Tuấn, giám đốc dự án điện ảnh Muzu.
Câu chuyện của Muzu làm tôi tò mò, những bài phê bình điện ảnh, và nói chung, lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật, hiện nay rất hiếm thậm chí không còn có “trao đổi học thuật” nghiêm túc nữa. Anh có thấy mình quá liều hay không?
Cách đây nhiều năm, khi mà thế giới đã thưởng thức những tác phẩm kinh điển như Pulp Fiction, Gladiator, In The Mood For Love thì khán giả Việt Nam chỉ có thể xem phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong trên màn ảnh nhỏ. Rất hiếm những người yêu phim và hiểu thế nào là điện ảnh có thể xem những bộ phim kinh điển, nhưng với số lượng rất hạn chế, ở những cụm rạp hiếm hoi như Fansland hay Fafim Cinema và sau này là Cinematheque do những cá nhân yêu điện ảnh mở ra, nhưng tất cả đã bị đóng cửa vì nhiều lý do.
Lúc đó, đồng hành cũng một số ít rạp chiếu phim kinh điển là những forum do những người yêu điện ảnh lập nên như Movieboom, Movie fan club… đó gần như là những nơi duy nhất mà người hâm mộ có thể vào và cùng nhau nói về một bộ phim họ yêu thích, nói với nhau nghe thế nào là điện ảnh, là truyền hình. Những forum đó gần như là những nơi đầu tiên lan truyền tình yêu điện ảnh dành cho người Việt, vốn dĩ rất thụ động với văn hoá phương Tây lúc bấy giờ. Nhưng với sự phát triển đến chóng mặt của Facebook, mạng xã hội, cách thức tiếp cận điện ảnh của giới trẻ đã khác, những forum không còn tồn tại, hoặc tồn tại nhỏ lẻ và không còn được chú ý nữa.
Tôi kể điều đó không phải để nói rằng điện ảnh đích thực rất khó sống ở Việt Nam. Mà tôi muốn nhìn ở khía cạnh tích cực là luôn luôn có một bộ phận những người trẻ, những người giàu nhiệt huyết họ đầu tư cho điện ảnh với tất cả khả năng của mình để mong sao, mở rộng thị hiếu xem phim, và đưa đến cho khán giả đại chúng thêm một phương tiện giải trí có chất lượng về mặt nhân văn trong đời sống. Điều đó áp dụng cho cả thời bây giờ, khi mà điện ảnh vốn rất dễ dàng tiếp cận khán giả qua nhiều nguồn như những rạp chiếu phim mọc lên khắp nơi, các nhà phát hành tư nhân Việt Nam nhập rất nhiều phim ngoại, và bản thân phim Việt cũng được sản xuất với số lượng rất lớn. Tuy nhiên, điều đó chỉ dừng lại ở việc, điện ảnh như một dịch vụ giải trí, chứ chưa thực sự tạo thành cộng đồng, điều mà những người yêu điện ảnh luôn hướng tới.
Nhưng dù vậy, điện ảnh vẫn là một món ăn phụ trong menu của các tờ báo giấy và báo mạng từ lớn đến nhỏ. Nó không thể lôi kéo người đọc như những chuyên mục về thời sự, hoặc về ngôi sao. Báo nào cũng có nó, nơi nào cũng nói đến nó, nhưng chưa bao giờ nó là nhân vật chính được đầu tư đúng mực. Cho đến khi những người yêu điện ảnh thực sự, muốn tạo nên sự khác biệt, và tạo ra danh tiếng cho bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam. Và đó là lý do tôi và một nhóm các bạn trẻ yêu điện ảnh đã thành lập Muzu – để có một tầm nhìn xa, và những hy vọng tốt đẹp cho điện ảnh, những bạn trẻ điều hành Muzu muốn tạo nên một nền phê bình chất lượng cho điện ảnh nói chung, và đặc biệt là theo chân những bậc đàn anh đi trước hòng tạo ra một cộng đồng những người yêu điện ảnh đích thực. Muzu, một cái tên đọc lên cho ta liên tưởng đến MovieZoom, một sự mổ xẻ vào điện ảnh từ góc nhìn của người phê bình và khán giả.
Cách Muzu sẽ tiếp cận với các bạn trẻ thế nào?
Có một nghịch lý là, vì thị trường điện ảnh của chúng ta đang manh nha phát triển, nên thói quen phê bình và tìm đọc phê bình còn rất hạn chế. Điều đó khiến cho nhiều dự án không thể đi được lâu và đã thất bại. Điều đó vừa là thử thách mà lại vừa là điểm có lợi cho chúng tôi, vì chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ các dự án khác và đặc biệt khi điện ảnh đi lên, thì cần nền phê bình đi lên, đó chính là cơ hội để tôi nắm bắt lấy. Có quá nhiều thứ để làm, và càng nhiều thứ để làm thì chúng tôi càng có nhiều cơ hội. Tôi luôn nghĩ đi một mình mặc dù đi nhanh nhưng sẽ sớm mệt và khó lòng đi xa, nhưng đi thành một cộng đồng thì chắc chắn sẽ đi xa và làm được nhiều điều tốt đẹp cho điện ảnh nước nhà. Nên tôi nghĩ điều tiên quyết ở đây là sự điềm tĩnh và kiên trì, để vừa tạo thói quen cho các bạn trẻ, và còn để hiểu rõ các bạn trẻ hòng mang đến một cộng đồng điện ảnh thực sự.
Những cảm nghĩ của bạn về điện ảnh Việt Nam đã được bạn nói rõ ở phần đầu câu chuyện, tuy nhiên, là một người tâm huyết với điện ảnh, bạn nhìn thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay ở mức nào, nó đem lại những giá trị văn hoá gì cho người Việt hay chủ yếu là giải trí?
Chúng ta đang giống như Hàn Quốc vài chục năm về trước. Và giờ bạn thấy nó đang ở đâu rồi đó. Nó có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi Hollywood cũng phải nể trọng. Nên tôi nghĩ, nếu đầu tư đúng cách, thì điện ảnh Việt khoảng vài chục năm nữa hoàn toàn sẽ thay đổi diện mạo. Quan trọng vẫn là có những người dám làm, cả về lĩnh vực làm phim lẫn phê bình. Vàng thau lẫn lộn là điều khó tránh, nhưng không thể phủ nhận, nhiều tác phẩm mang tính nhân văn và giàu chất nghệ thuật đã được làm ra, dù không chỉn chu nhưng rất đáng khích lệ.
“Thị trường điện ảnh Việt đang khởi sắc” luôn là lối nói động viên của truyền thông, tuy nhiên nếu văn hoá Việt đi xuống thì nền điện ảnh Việt có thể đi lên được không? Cảm nghĩ của bạn về điều này thế nào?
Vẫn là nếu có người đủ giỏi, và có những người thực sự mất ăn mất ngủ vì điện ảnh, vì đam mê, thì luôn luôn có chỗ cho sự phát triển. Có những loài cây mọc được trên đá cơ mà. Tôi rất lạc quan về điện ảnh Việt Nam, có lẽ đó cũng là động lực giúp tôi trở về đây làm việc. Bi quan sẽ giết chết động lực, nên tin tưởng là điều duy nhất tôi muốn nghĩ tới khi theo theo đuổi dự án Muzu.
Bạn hãy nói về đam mê điện ảnh của bạn. Vì sao bạn học ngành khác mà lại chọn điện ảnh để làm con đường “khởi nghiệp” sau khi về Việt Nam?
Tôi tiếp cận điện ảnh rất muộn, và lúc đó, dù đã năm thứ 2 đại học mà tôi vẫn không biết điện ảnh là gì. Điều đó khiến tôi luôn luôn trăn trở một điều, làm sao, phải làm mọi cách để từ một đứa trẻ cũng hiểu điện ảnh là gì, còn thanh thiếu niên sẽ biết đến những tác phẩm kinh điển như 12 Angry Men, Some Like It Hot và thưởng thức chúng một cách thích thú và yêu mến. Nên dù học xây dựng, tôi vẫn viết review phim hàng ngày, hầu như xem phim nào xong tôi cũng viết, lúc viết ngắn, lúc viết dài, chỉ để chia sẻ cảm nhận của mình, và giới thiệu cho mọi người biết phim này, phim kia hay lắm, nên xem lắm. Cứ vậy, tôi đi du học với chuyên ngành về bảo tồn đô thị. Nhưng rồi cuối cùng, đam mê dành cho điện ảnh quá lớn, lớn đến mức, tôi từ bỏ tất cả, tôi cố gắng thuyết phục ba mẹ tôi vốn đang mong đợi tôi trở thành một tiến sĩ, để về đây, về Việt Nam, và khởi nghiệp bằng Muzu – một startup về phê bình điện ảnh.
Ngân Hà (thực hiện) (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.