Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 4.

Ngày 8/6 – đúng vào ngày "Phát – Lộc" như các cụ nói, cách đây 10 năm, báo điện tử Dân Việt chính thức ra mắt bạn đọc. Sau 10 năm, ngay lúc này tại trụ sở mới của báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình? Điều gì đã thôi thúc Ban Biên tập báo Nông thôn Ngày nay khi ấy quyết định cho ra mắt độc giả báo điện tử Dân Việt?

- Ngay tại thời điểm này, đối với tôi thật lòng mà nói: Dù 10 năm đã trôi qua nhưng mọi thứ vẫn còn cảm xúc nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. Vào năm 2010, Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) khi đó so với bây giờ đều rất khác, cả về quy mô, tầm vóc, uy tín xã hội, con người, tài chính…

Cách đây 10 năm, nguồn doanh thu chủ lực của chúng tôi đến từ tờ báo giấy NTNN (80%). Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, Ban Biên tập Báo NTNN đã nhìn thấy rằng, xu thế tất yếu của báo chí hiện đại chính là báo điện tử.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 5.

Khi chúng tôi bắt đầu mày mò làm tờ báo điện tử, ngay trong cơ quan cũng có những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng việc gì phải vất vả! Báo giấy của ta có lượng phát hành khá ổn (khoảng 60.000 bản/ngày, là con số đáng mơ ước với nhiều cơ quan báo chí).

Cũng có người rằng nghĩ báo điện tử là "báo mạng, không chính thống…". Lại có người bảo: "Ôi dào, nông dân làm gì có Internet đâu mà đọc báo điện tử, các ông cứ viển vông…". Nhưng ngay tại thời điểm đó, chúng tôi hiểu rằng nhiệm vụ bức thiết của chúng tôi là phải có thêm 1 tờ điện tử, bởi đó là xu thế tất yếu của báo chí, của truyền thông và của xã hội. Nếu như không nhanh chóng bắt nhịp, làm quen và vận hành tốt một tờ báo điện tử thì nguy cơ tụt hậu sẽ đến rất nhanh.

Những năm đầu làm báo điện tử tuy có hào hứng nhưng mà… hao tiền tốn của. Mấy năm đầu lỗ triền miên. Chúng tôi phải lấy lãi của báo giấy đập sang nuôi báo điện tử. Nhưng tình hình mỗi năm cứ tốt dần lên. Đến bây giờ thì thật khó hình dung hình ảnh của báo NTNN sẽ ra sao nếu không có "đứa con" tuy sinh sau đẻ muộn nhưng phổng phao rất nhanh là Dân Việt.

Vào năm 2015 – sau 5 năm ra đời, lần đầu tiên doanh thu từ Dân Việt vượt lên trên "bầu sữa chính" báo giấy. Dân Việt đóng vai trò rất quan trọng vào sự tăng trưởng chung của cơ quan báo NTNN trong 10 năm qua: Tổng doanh thu tăng gấp 3 lần, tổng doanh số quảng cáo tăng trưởng bình quân 20 – 25%/năm, số lượng cán bộ, phóng viên tăng gấp đôi, thu nhập bình quân của người lao động hàng năm tăng trưởng 10-15% (đến hết năm 2019)…

Đến bây giờ nhìn lại sau 10 năm, ai đó có thể cho rằng những gì báo điện tử Dân Việt đã đạt được trong 1 thập kỷ qua không phải quá to tát. Chúng tôi biết có những tờ báo điện tử chỉ mới đi vào hoạt động sau Dân Việt nhiều, nhưng đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng…

Nhưng theo tôi đánh giá, 10 năm vừa qua báo điện tử Dân Việt tuy đi không nhanh nhưng đó là những bước đi bền vững, chắc chắn. Những bước đi cơ bản. Và chúng tôi cảm thấy tự hào với những gì Dân Việt đã đạt được hôm nay.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 6.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 7.

Nghĩ về những ngày đầu ấy, khi báo điện tử Dân Việt mới ra đời, những điều nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ông?

 - Nhớ lại ngày đầu mới thành lập, báo điện tử Dân Việt là một ban nhỏ nhất cơ quan với 6 thành viên. Chỗ ngồi là một phòng nhỏ mượn tạm nằm sâu trong 1 góc của khuôn viên trụ sở Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư (103 Quán Thánh). Khi trời mưa, nước nhỏ tong tỏng xuống sàn nhà. Máy tính chỉ có vài ba cái đã qua sử dụng...   

Trưởng Ban đầu tiên là nhà báo Phạm Hữu Quang – từ báo Tiền Phong chuyển về (nay là Phó Tổng Biên tập báo Ngày nay). Được một thời gian khi nhà báo Hữu Quang chuyển đi thì Trưởng Ban tiếp theo là nhà báo Đỗ Lê Thăng. Nói chung không có ai được đào tạo chuyên về báo điện tử. Chủ yếu là các bạn trẻ, vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm. Nhưng đổi lại, đó là những con người luôn đam mê, nhiệt huyết…

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 8.

Chúng tôi xây dựng báo điện tử Dân Việt hoàn toàn tự lực cánh sinh. Không có một nguồn ngân sách nào từ Nhà nước. Không có "đại gia" nào chống lưng, hậu thuẫn, cả về tài chính và công nghệ - hai yếu tố quan trọng nhất của một cơ quan báo điện tử.

Việc xây dựng một tờ báo điện tử trên nền một tờ báo giấy với hàng chục năm truyền thống có điều gì khác biệt và khó khăn hơn so với việc xây dựng một tờ báo điện tử hoàn toàn mới, thưa ông?

-  Xây dựng một từ báo điện tử mới hoàn toàn cũng có nhiều cái khó. Nhưng tôi cho rằng xây dựng một báo điện tử trên nền tảng một cơ quan báo in còn khó khăn, thách thức gấp bội.   

Mà cái khó nhất là thay đổi thói quen, cung cách làm báo. Tất cả phóng viên, biên tập viên của chúng tôi lúc đó đều chỉ quen làm báo giấy. Có người đã 20 – 30 năm làm báo giấy rồi. Phóng viên đi họp báo xong ra quán cà phê trò chuyện, trưa gặp gỡ bạn bè, chiều tà tà đến cơ quan viết một bản tin gửi cho báo giấy để đăng vào sáng mai. Nay chuyển sang làm điện tử, phải chạy đua từng phút. Tin lên sau báo bạn 5-10 phút là đã hỏng…

Có người bảo sao không tuyển hẳn một đội mới toanh về làm điện tử. Vâng, thế thì dễ quá! Nhưng tiền đâu để tuyển hẳn một đội mới? Và tuyển đội mới về thì đội cũ – những người đã từng gắn bó cả cuộc đời với tờ báo - sẽ đi đâu, làm gì?

Chính quá trình điều chỉnh, đào tạo lại, cả về kỹ năng lẫn nhận thức này mới đầy trăn trở, khắc khoải và đòi hỏi sự kiên trì nhất. Chúng tôi biết ở một số tờ báo khác, kể cả những cơ quan báo chí rất lớn, quá trình chuyển đổi này diễn ra rất khó khăn. Tờ "báo mẹ" (báo giấy) càng lớn, việc chuyển đổi sang báo điện tử lại càng khó khăn.

Mọi sự thay đổi đều phải có thời gian, lộ trình, không thể "dục tốc bất đạt". Suốt những năm đầu Dân Việt ra đời, chúng tôi bền bỉ xây dựng bộ máy tòa soạn theo hướng hội tụ dần, làm quen với việc vừa làm báo giấy, vừa làm điện tử. Bên cạnh thay đổi kỹ năng làm việc của phóng viên, biên tập viên, mô hình tổ chức của tòa soạn cũng phải cải tiến.

Đầu năm 2017, chúng tôi bắt đầu cuộc "cách mạng" hội tụ tòa soạn một cách triệt để, từ một đầu vào (tin bài của phóng viên) tạo ra nhiều đầu ra (tin bài cho cả báo giấy và điện tử).

img
img

Không gian làm việc thời kỳ đầu của báo Điện tử Dân Việt khá đơn sơ, giản dị chỉ là một căn phòng đi mượn của Ban thi đua khen thưởng TƯ tại 103 Quán Thánh, Hà Nội

Báo NTNN /Báo điện tử Dân Việt là một trong số ít những tờ báo ở Việt Nam đã áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ, để cùng lúc 1 Tòa soạn có thể điều hành hoạt động của cả báo giấy và báo điện tử một cách trơn tru, có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo nên hiệu quả tối đa trong hoạt động của phóng viên và tòa soạn? Việc xây dựng Tòa soạn hội tụ của báo Dân Việt dựa trên những căn cứ nào, thưa ông?

-  Khi bắt đầu xây dựng Dân Việt, chúng tôi tin rằng, báo điện tử sẽ ngày càng thắng thế so với báo giấy do sự phát triển của công nghệ. Báo giấy ngày càng khó cạnh tranh với báo điện tử, nhất là một tờ báo giấy được phát hành ở những vùng sâu, vùng xa như NTNN vì sẽ mất nhiều thời gian vận chuyển, chi phí cao và không đảm bảo tính thời sự. Do vậy, việc phát triển song song cả báo giấy và báo điện tử là điều tất yếu, và điều này đòi hỏi phải có một sự thống nhất trong nội dung, nhưng lại linh hoạt trong cách làm.  

Vì thế, bắt buộc phải có mô hình Tòa soạn hội tụ để từ một luồng thông tin đầu vào, bắt buộc phải có ít nhất hai đầu ra khác nhau cho báo điện tử và báo giấy. Với báo điện tử, thông tin phải đảm bảo nhanh nhạy tức thời, chính xác và đặc biệt phải có hỗ trợ đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, clip). Trong khi đó, với báo giấy, thông tin không cần quá nhanh, nhưng vẫn phải đảm bảo thời sự và nhất là có tính chuyên sâu, riêng biệt.

Từ đầu năm 2017, chúng tôi chính thức áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ theo hướng này, cũng vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, sau hơn 3 năm, có thể khẳng định mô hình Tòa soạn hội tụ này đã đạt được những thành quả bước đầu, vận hành ổn định cả báo giấy NTNN và báo điện tử Dân Việt.

img
img
img

Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới thăm và làm việc tại báo NTNN/Dân Việt nhân ngày báo Dân Việt sinh nhật 1 tuổi (8/6/2011).

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 11.

Rất nhiều bạn đọc hỏi vì sao khi ra báo điện tử, các ông lại chọn cái tên Dân Việt, ông có thể chia sẻ thêm về cái tên này?

 Từ những năm 2007-2008, Ban Biên tập báo NTNN, khi đó đứng đầu là nhà báo Võ Mai Nhung - Tổng Biên tập - đã có ý tưởng đổi tên báo giấy NTNN thành báo Dân Việt. Chúng tôi đã xin ý kiến cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, đã tổ chức mấy cuộc hội thảo, mọi việc đã hòm hòm…  

Nhiều người hỏi tại sao lại lấy tên là Dân Việt? Chúng tôi giải thích: Dân Việt nghĩa là người dân Việt Nam. Nông dân Việt Nam chiếm gần 70% dân số, nên tờ báo của nông dân Việt Nam lấy tên là Dân Việt cũng là hợp lý.

Cũng có vị thắc mắc: Sao cái tên này như báo hải ngoại? Hình như bên hải ngoại cũng có tờ Dân Việt? Chúng tôi lại phải thuyết phục: Nếu thế thì trong nước lại càng phải có tờ Dân Việt để khẳng định đây mới là Dân Việt "xịn".

Nhưng rồi, việc chuẩn bị đổi tên tờ báo giấy NTNN gần xong thì có một chút trục trặc kỹ thuật nên không thành.

Đến năm 2010, khi Ban Biên tập báo NTNN có ý định xây dựng một tờ báo điện tử thì lúc này, cái tên Dân Việt lại quay trở lại trong suy nghĩ của chúng tôi. Thật may, lần này mọi việc ổn thỏa. Và rồi, báo điện tử Dân Việt được chính thức cấp phép, bấm nút hòa mạng Internet, ra mắt độc giả trong và ngoài nước vào ngày 8/6/2010.

Khách quan mà nói, Dân Việt là một cái tên đẹp, vừa ngắn gọn, bao quát, vừa thuận tiện về trình bày và cũng rất thuần Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu "cái áo không làm nên thầy tu", cái tên đẹp chỉ là điều kiện ban đầu. Tờ báo có phát triển được hay không, nó có chỗ đứng trong lòng bạn đọc không, có được bạn đọc gửi gắm niềm tin hay không lại phải trông chờ vào chất lượng nội dung, vào sự nỗ lực không ngừng của những người làm báo.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 12.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 13.

Trong một rừng báo chí điện tử đầy màu sắc, Dân Việt ra đời sau, vậy điều gì đảm bảo để Dân Việt có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, thưa nhà báo?

-  Xin được phép dài dòng một chút: Có một giai đoạn, Ban Biên tập báo NTNN có khát vọng xây dựng NTNN thành một tờ báo chính trị, xã hội toàn diện như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động… Chính vì thế trên măng-set tên tờ báo có lúc chữ Ngày nay được căng to lên, chữ Nông thôn bị bóp bé lại. Nhìn xa chỉ thấy đậm chữ Ngày nay mà nhạt chữ Nông thôn.  

Phải nói khát vọng trở thành một tờ báo chính trị xã hội hàng đầu là một khát vọng đẹp. Nhưng rồi trong quá trình làm, chúng tôi hiểu rằng, mỗi tờ báo có một sứ mệnh, có đối tượng bạn đọc riêng của mình. Trời cho chúng tôi được làm tờ báo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phục vụ bà con nông dân – những người nghèo nhất, yếu thế nhất nhưng lại là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, chiếm tới 70% dân số. Vậy thì chúng tôi trước hết hãy làm tốt công việc đó.

Đến khi Dân Việt ra đời, câu hỏi đó một lần nữa lại được đặt ra. Khi bàn về định hướng báo điện tử, trong BBT có người bảo: Báo điện tử phải khác báo giấy. Báo giấy NTNN thì bán về nông thôn là chính, làm toàn chuyện "trồng cây gì, nuôi con gì" là đúng rồi. Nhưng báo điện tử thì khác, đó là Internet, là công nghệ, là giải trí… không thể cứ "hạt lúa củ khoai" được. Vậy nên có người đề nghị lấy slogan "Dân Việt – báo của người Việt!" Nghe cũng oách đấy chứ!

Nhưng rồi bàn đi tính lại mãi, chúng tôi thấy không ổn. "Của người Việt" thì cũng có nghĩa chẳng là của ai cả. Nhà em là nông dân, vậy thì có bay lên vũ trụ em vẫn cứ phải là nông dân. Vậy là cuối cùng chúng tôi lại quyết định quay về với cái slogan chung như của báo giấy: "Sát cánh cùng nông dân Việt". Và thế là cái dòng chữ màu xanh lá đó vẫn hiên ngang đứng cạnh cái tên tờ báo cho đến bây giờ.

Có thể nói nông dân – nông nghiệp – nông thôn chính là bản sắc, là cái làm nên sự khác biệt của báo điện tử Dân Việt với các báo điện tử khác. Không có bản sắc Tam Nông, Dân Việt sẽ khó có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, thậm chí chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 14.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về "chất Tam Nông" được thể hiện trên Dân Việt?

Trong số gần 30 chuyên mục của Dân Việt, Nhà Nông là chuyên mục được đầu tư bài bản nhất, cũng là chuyên mục có tỉ lệ bạn đọc cao nhất (chiếm khoảng 15-20% lượng bạn đọc. Còn toàn bộ thông tin lĩnh vực Tam Nông chiếm tới 70-80% tổng dung lượng thông tin). Trong chuyên mục Nhà Nông lại được thiết kế rất nhiều tiểu mục, như: Muôn cách làm giàu, Ngon – Sạch – Lạ, Thị trường nông sản, Thịt lợn an toàn, Khuyến nông, Địa chỉ xanh, Nông thôn mới, Nông dân phố…

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 15.

Đây có thể coi là kho kiến thức, cuốn bách khoa toàn thư về tam nông cho bạn đọc không chỉ ở nông thôn mà cả thành thị, luôn được trình bày dễ hiểu, sinh động, cập nhật kịp thời. Đây cũng là chuyên mục nhận được tương tác của độc giả lớn nhất, với sự tham gia, hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước…

Ngày 9/12 năm ngoái, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức tại Cần Thơ, người đứng đầu Chính phủ đã đích thân yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp các thông tin chuẩn xác nhất về thị trường, giá cả nông sản để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt. Đây là một minh chứng cho uy tín của báo điện tử Dân Việt trong lĩnh vực thông tin về Tam Nông.

Nhưng cũng như màu xanh lá là màu chủ đạo trên toàn bộ tờ báo, chất Tam Nông của Dân Việt không chỉ nằm ở mục Nhà nông mà còn thấm đẫm ở nhiều chuyên mục khác. Như mục Kể chuyện làng, là nơi mọi người có thể gửi gắm tâm tư tình cảm, những kỷ niệm không quên của mình với ngôi làng nơi mình sinh ra hay từng gắn bó. Hay mục Đọc sách cùng bạn, khi khai trương chuyên mục, cuốn sách đầu tiên được giới thiệu là cuốn "Tôi và làng tôi" của nhà văn Lê Bá Thự như một "tuyên ngôn" của chuyên mục.

Ngay như chuyên mục được coi là "đinh" của Dân Việt là Dân Việt Trò Chuyện, bên cạnh những chính trị gia, văn nghệ sĩ, anh hùng, doanh nhân… nổi tiếng, chúng tôi cũng trân trọng tìm đến và trò chuyện với rất nhiều nông dân thuần phác, những người trồng chanh, trồng chuối, nuôi tôm, nuôi bò…, những người tay trắng mà làm nên bao điều kỳ diệu trên khắp mọi miền đất nước.

Hiện nay báo Dân Việt điện tử đang tổ chức 2 cuộc thi khá đình đám. Một là cuộc thi "Làm nông nghiệp thông minh" và cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập". Đúng như tên gọi, cuộc thi "Làm nông nghiệp thông minh" (phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và Vinaphone) giới thiệu những dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn".

Còn cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" (phối hợp với Hội Nhà văn VN, Đài Tiếng nói VN và Công ty THACO tổ chức) phản ánh những thay đổi trong đời sống nông thôn hiện nay, bảo vệ các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của làng xã nghìn đời…

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 16.

Nhân ông nói về hai cuộc thi nói trên, có vẻ như những năm gần đây, các hoạt động ngoài mặt báo của Dân Việt/NTNN cũng rất mạnh. Dân Việt liên tục tổ chức rất nhiều sự kiện có uy tín…

 - Vâng, đúng vậy, mỗi năm bình quân báo NTNN/Dân Việt tổ chức trên dưới 20 sự kiện. Tổ chức sự kiện cũng là một mảng mới mà chúng tôi đánh giá báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt những năm qua đã làm rất tốt.   

"Tự hào Nông dân Việt Nam" là chuỗi sự kiện lớn nhất, nhằm tôn vinh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc nhất cả nước hàng năm. Việc bình chọn diễn ra công phu, từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 đúng vào ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10 và người trao giải bao giờ cũng là nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Sau 8 năm liên tiếp tổ chức, chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được coi như một ngày hội lớn của nông dân cả nước.

Diễn đàn Nông dân quốc gia hàng năm cũng là một sự kiện mang tính thương hiệu mà tổ chức T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giao cho chúng tôi tổ chức. Ba năm liên tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến chủ trì diễn đàn, với những chủ đề rất thời sự đối với người nông dân như: Hội nhập CPTPP và EVFTA; Thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 với nông dân…

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 17.

Thủ tướng đối thoại với nông dân là một sự kiện mới, đã 2 lần tổ chức thành công tại Hải Dương và Cần Thơ. Năm nay sự kiện dự kiến diễn ra tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Lần đầu tiên trong lịch sử chính thể này, người đứng đầu Chính phủ, cùng các vị Bộ trưởng, trực tiếp đối thoại, lắng nghe và trả lời những câu hỏi cụ thể của những người nông dân trước đây quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho giời"…

Tất cả những sự kiện này, như các bạn thấy, đều gắn chặt với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua các sự kiện, uy tín của Hội Nông dân Việt Nam được nâng lên, vị thế của người nông dân được khẳng định dõng dạc. Uy tín của báo điện tử Dân Việt cũng nhờ thế mà "thơm lây", chúng tôi có thêm nhiều bạn bè, đối tác từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân… 

Việc tổ chức sự kiện cũng góp phần mang lại những nguồn thu mới cho tờ báo. Hiện nay, doanh thu từ việc tổ chức sự kiện chiếm khoảng 20 – 25% tổng doanh thu. Hơn thế, qua quá trình tổ chức sự kiện, một "hệ sinh thái Dân Việt" dần được hình thành.

Ông có thể làm rõ hơn về khái niệm này. Và "hệ sinh thái Dân Việt" sẽ có vai trò thế nào trong sự phát triển của Dân Việt?

 - Đúng là chúng tôi đang từng bước thiết lập một "hệ sinh thái Dân Việt". Điều này nghe có vẻ hơi to tát, nhưng thực tế là trong tầm tay của Dân Việt.   

Thứ nhất, về các sản phẩm báo chí: Hiện chúng có báo giấy NTNN và các ấn phẩm Trang trại Việt, Làng Cười, Thế giới tiếp thị, NTNN Dân tộc và Miền núi. Về báo điện tử, chúng tôi có Dân Việt cùng một hệ thống các chuyên trang của Dân Việt như thegioitiepthi.onlinetrangtraiviet.onlinelangcuoi.vntaichinhnongnghiep.vn (tức Etime) và mới nhất (cấp phép tháng 4 năm nay) là media.danviet.vn. Trong tương lai sẽ còn là Dân Việt tiếng Anh và nhiều chuyên trang khác nữa…

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 18.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 19.

Các sản phẩm này làm dày dặn thêm, phong phú thêm nội dung của Dân Việt. Ngược lại, Dân Việt cũng sẽ hỗ trợ các sản phẩm này phát triển với sức bật tốt hơn. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái về nội dung số NTNN/Dân Việt, phục vụ bạn đọc đích là người nông dân.

Về xuất bản, từ mấy năm nay, chúng tôi năm nào cũng làm vài cuốn đặc san. Đều là các cuốn gắn chặt với đề tài tam nông như: "Nông nghiệp 4.0", "10 năm chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn Mới", "Nâng cao hiệu quả đầu tư nông nghiệp"… Và cuốn nào cũng có lãi.

Không chỉ dừng ở các sản phẩm báo chí, xuất bản, Dân Việt sẽ còn trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của thị trường nông dân, nông nghiệp, nông thôn – thị trường mà Đảng, Chính phủ đang kêu gọi các tổ chức, nhà đầu tư, các tầng lớp dân cư mạnh dạn tham gia.

Năm ngoái, chúng tôi cũng đã thành lập "Trung tâm tiêu thụ kết nối nông sản báo NTNN" và cho ra mắt một trang thương mại điện tử mang tên "Chợ nông sản Dân Việt". Trước đây chúng tôi chỉ hỗ trợ nông dân bằng hình ảnh, tin, bài thì nay chúng tôi trực tiếp tham gia công giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa, tìm thị trường cho nông dân.

Chúng tôi cũng dự kiến tổ chức một số hoạt động như thành lập Công ty du lịch nông nghiệp Dân Việt, đưa nông dân đi du lịch trong, ngoài nước. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có những trang trại mang tên Dân Việt, nơi không chỉ mang lại thêm thu nhập cho cán bộ, phóng viên của chúng tôi mà sẽ còn là những điểm đến thân thiện, xanh sạch đẹp, góp phần tạo nên những miền quê đáng sống…

Tất cả sẽ trở thành một "hệ sinh thái Dân Việt", nhằm tạo nên những giá trị gia tăng khác cho tờ báo.

Nhưng tất nhiên, chúng tôi cũng mong muốn sản phẩm chính của chúng tôi là Dân Việt sẽ phải sắc nét, đậm đà bản sắc hơn nữa, có nhiều bạn đọc hơn nữa. Hiện nay, bình quân mỗi ngày chúng tôi có từ 1-2 triệu lượt bạn đọc. So với chính chúng tôi trước kia thì đã tiến bộ rất nhiều, nhưng so với những "đại gia" của làng báo điện tử vẫn còn rất khiêm tốn.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 20.

Trong 10 năm qua, Dân Việt đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng chắc hẳn với ông và Ban Biên tập báo, vẫn còn có những điều nuối tiếc?

- Nói nuối tiếc thì cũng hơi quá, nhưng thực tế người ta ai cũng mong muốn những điều hoàn hảo, tốt đẹp hơn so với việc mình làm được. Cách đây 5-6 năm, có một đối tác đã thẳng thắn khuyên chúng tôi: "Với Dân Việt, các anh phải dũng cảm hơn nữa". 

Ý họ nói là chúng tôi phải mạnh dạn, triệt để hơn trong việc phất cao ngọn cờ tam nông, chỉ chú tâm, chuyên tâm vào đúng bản sắc của mình. Vì sức con người có hạn, việc gì cũng ôm đồm thì không thể phát huy cao nhất khả năng của mình. Ngẫm lại đến giờ, chúng tôi thấy mình đôi khi vẫn chưa đủ dũng cảm, vẫn hơi dàn trải. Có lẽ cần dũng cảm hơn nữa.

Để thực hiện được những kế hoạch tham vọng như nói ở trên, theo ông, tập thể những người làm báo Dân Việt cần phải chuẩn bị cho mình những gì?

- Đầu tiên, tôi nghĩ là luôn luôn phải học hỏi. Học hỏi về kỹ năng làm báo, kiến thức kinh doanh, cách thức tổ chức vận hành, triển khai các dự án. Chúng tôi rất mong muốn làm sao biến NTNN/Dân Việt thành một môi trường học tập liên tục, không ngừng.   

Thứ hai, tôi nghĩ chúng ta phải luôn sẵn sàng thay đổi, không ngại sự thay đổi, không ngại điều chỉnh. Tôi rất tâm đắc với một câu nói: "Điều duy nhất không thay đổi là không có gì không thể thay đổi".

Nếu như chúng ta luôn luôn chuẩn bị ý thức thay đổi, chúng ta sẽ không ngán ngại bất cứ thử thách, khó khăn nào, dù có là thiên tai địch họa bất thình lình như dịch Covid-19…

Xin cảm ơn nhà báo Lưu Quang Định và chúc cho Dân Việt ngày một phát triển, ngày một thành công hơn nữa.  

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 21.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 22.

Đâu là sức mạnh tập thể để đạt thành quả của Dân Việt hôm nay, thưa ông?

- Trong môi trường làm việc của chúng tôi có cụm từ Gia đình Dân Việt/NTNN. Tưởng như hơi sáo nhưng thực tế rất quan trọng. Con người NTNN của chúng tôi rất đoàn kết, coi nhau như anh em. Như đợt dịch Covid-19, mặc dù tình hình kinh tế vô cùng khó khăn khó khăn, doanh thu toàn cơ quan giảm sút nghiêm trọng, nhưng Đảng ủy, Ban Biên tập vẫn tuyên bố: Sẽ không có ai phải nghỉ việc. "Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Đã xem nhau là gia đình thì sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. 

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 23.

Nếu không có bản sắc, Dân Việt sẽ chỉ là con số 0 - Ảnh 24.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem