Ngược thời gian...
Cho tới tận khi lái xe ô tô vào khu đỗ xe phía trên của làng, Tố Lan- nữ lái xe người dân tộc Naxi (Nạp Tây) đưa chúng tôi vào làng mới… hoàn hồn bởi chị vừa trải qua con đường núi khủng khiếp. Dù sống ở Lệ Giang nhưng Tố Lan cũng chưa từng vào đây- nơi cách thành phố 7 giờ lái xe đường núi.
Giữa bốn bề núi dựng, dòng sông Kim Sa hiện ra với màu xanh ma mị rất khó gọi tên. Tận cuối cùng của một con đường núi cực kỳ hiểm trở, nơi cuối chót không gian của dòng sông Kim Sa, làng đá Bảo Sơn hiện ra với 2 khu được phân rõ: Khu làng trên núi có độ dốc thoai thoải và khu làng phía vách đá lởm chởm.
Khu làng được xây dựng trên mỏm đá cuội khổng lồ có chừng 200 nóc nhà với độ dốc lớn và xây tràn ra mép đá. ảnh: Huyền Lê
Cheo leo tít trên cao, các ngôi nhà trong làng đều có tầm nhìn hướng ra khoảng không gian khoáng đạt, rộng lớn phía trước. Sớm sớm, chiều chiều ánh mặt trời chan hòa trong thung sâu, dát vàng trên các mái nhà và các thửa ruộng bậc thang quanh làng tạo nên cảnh sắc vô cùng ấn tượng, đẹp mắt.
Theo một tài liệu tiếng Trung Quốc, ngôi làng này được xây dựng từ thời nhà Nguyên (khoảng năm 1277-1294). Đây cũng là nơi tổ tiên người Nạp Tây di cư đến vào thế kỷ thứ 5, 6. Tới ngôi làng này, thời gian dường như dừng lại bởi cách sống và cảnh vật dường như vẫn nguyên vẹn như xưa.
Cuộc sống hàng ngày của người dân làng Bảo Sơn, chiều chiều, nhiều người già ra ngồi trước cổng làng ngắm thời gian dần trôi. ảnh: Huyền Lê
Điểm đặc biệt ở ngôi làng này là không hề thấy bóng dáng các phương tiện cơ giới hiện đại. Không có cách nào vào được làng nếu đi xe đạp, xe máy. Cách duy nhất là đi bộ, đồ đạc được thồ vào bằng ngựa hoặc gùi. Chúng tôi vào làng qua những con đường đá vòng vèo. Nếu không được dẫn đường thì lần đi đầu tiên chắc chắn sẽ bị lạc.
Điểm đặc biệt thứ 2 là mùi… phân gà, lợn, ngựa. Ngôi nhà của người Nạp Tây trong làng khá rộng rãi và xây kín theo hình vuông gồm nơi ở, bếp, nơi để các loại rau củ quả thu hoạch được và khu chăn nuôi. Cuộc sống nơi đây diễn ra theo vòng tròn khép kín, người dân nuôi gà, lợn, ngựa trong nhà, lấy phân bón cho các thửa ruộng bậc thang để trồng các loại rau, đỗ, cao lương, đại mạch, tiểu mạch… Các loại ngũ cốc và gia cầm là nguồn thực phẩm chính nuôi sống con người và súc vật nơi đây hàng trăm năm qua.
Chốn bình yên để quay về
Địa hình chính là điểm đặc biệt cuốn hút nhất của làng đá Bảo Sơn. Bước chân trên con đường lát đá, tôi đi qua cổng làng phía Bắc- là điểm nối từ khu làng thoai thoải trên núi qua một cái sân rộng tới cổng làng- từ đó lại tiếp tục đi xuống dốc liên tục, qua những con đường làng quanh co để ra sông.
Trong suy nghĩ của tôi, dù đã nhìn thấy độ dốc lớn của ngôi làng – tôi vẫn nghĩ cổng sau của làng - cổng Nam sẽ chạy ra sát bờ sông. Nhưng tôi đã nhầm. Đi xuống những con dốc dựng đứng, trước mặt tôi là cổng làng trổ ra sông. Từ đó xuống sông vẫn phải chừng 400m nữa. Với độ dốc chóng mặt.
Toàn cảnh làng đá Bảo Sơn nhìn từ trên cao. Với độ dốc rất lớn, để đi được từ đầu làng tới cuối làng, du khách gần như phải đi từ đỉnh núi xuống điểm lơ lửng cách mép sông 400m. ảnh: Huyền Lê
Thời điểm này, con đường từ phía lưu vực sông Kim Sa nối với làng Bảo Sơn đang được xây dựng để đón du khách tới từ đường sông. Từ phía trên đi xuống, con đường chạy ngoằn nghèo nhìn như đường đi xuống địa ngục…
Với hơn 500 nóc nhà, làng đá Bảo Sơn có vẻ trù phú nhưng dân cư lại khá thưa thớt và hầu hết là người già, người lớn tuổi. Đêm xuống, tôi đi bộ ra khoảng sân giữa 2 khu làng - nơi có khoảng 50 người dân làng đang tập trung nhảy những điệu múa dân vũ. Người trẻ tuổi hầu như không có, còn trẻ em thì đếm được trên đầu ngón tay- chừng 4 đứa. Khá nhiều ngôi nhà khi đêm xuống hoàn toàn không có ánh đèn- có thể nhà đã vắng chủ, hoặc nơi đây không cần cả ánh đèn bởi các cư dân của nó vẫn giữ nếp sinh hoạt của hàng trăm năm qua, chìm vào giấc ngủ khi màn đêm buông xuống.
Cảnh sắc hiếm có của làng Bảo Sơn đã thu hút khá nhiều du khách ưa thích mạo hiểm. Trong làng có vài gia đình phát triển dịch vụ homestay. Nhưng thu nhập từ những vị khách và mùa màng vẫn còn ít ỏi không đủ để giữ chân người trẻ ở lại. Bà Lưu- chủ homestay nơi chúng tôi ở cho biết, bà có 3 con và cả 3 hiện đều sinh sống ở Lệ Giang, ít khi về làng. Bà sống một mình ở làng và vui vẻ, hạnh phúc với việc phục vụ du khách.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn với những ngôi làng đầy người già – trong đó có làng Bảo Sơn. Một thế hệ xưa cũ vẫn lưu giữ vẻ đẹp vẹn nguyên của ngôi làng, sự vẹn nguyên của một cuộc sống thong dong nhưng đầy màu sắc của người Nạp Tây, và nhờ đó đã giữ lại một phần di sản và truyền thống quý báu, để khi con cháu mệt mỏi với nơi đô hội phồn hoa vẫn có một chốn bình yên để quay về, an hưởng cuộc sống với người thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.