Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 1.

Trước hết, chúc mừng nhạc trưởng Lê Phi Phi bởi chuyến về nước thành công với ba đêm nhạc đầy cảm xúc tại cả Hà Nội và TP.HCM. Tâm trạng của anh thế nào trong lần trở về này?

- Về Việt Nam bao giờ cũng mang lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt, bởi tôi được trở về nhà. Nhiều năm nay, tôi đã luôn có những chuyến trở về kéo dài từ1 – 2 tháng, kết hợp thăm nhà và biểu diễn. Tôi muốn mỗi lần về quê hương sẽ không chỉ là một chuyến thăm gia đình, hay không đơn thuần là công việc. Kết hợp hai yếu tố đó lại để tôi có thể vừa ở bên mẹ, vừa có cơ hội gặp gỡ anh em bạn bè, đồng nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc. Chúng tôi đã cùng nhau tới trường, cùng học tập tại nước Nga, tuy đã qua mấy chục năm, song mỗi năm đều cố gắng gặp nhau một lần trong các chương trình lớn. Dù người làm nhạc trưởng, người làm nhạc công, nhưng đó chính là một lần được sum vầy, được tụ họp hàn huyên.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn gặp những khán giả của mình tại Việt Nam. Ở đây, tôi cũng có một lượng "fan" (người hâm mộ) nhất định. Họ rất yêu thích nhạc cổ điển và luôn đón chờ những chương trình có tôi tham dự.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 2.

Những ngày học tại trường THCS Trưng Vương, anh đã tỏ ra là một cậu học sinh toàn diện với nhiều môn học xuất sắc. Khi ấy, có khi nào anh nghĩ mình sẽ theo đuổi một công việc khác?

- Đúng là vào thời điểm học hết cấp 2, khi phải quyết định việc có theo con đường âm nhạc hay không, gia đình tôi đã có những phân vân nhất định. Chị gái tôi (Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh – PV) hơn tôi 3 tuổi, đã đi theo con đường của cha. Tôi học rất giỏi các môn như Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, những năm cấp 2 còn là một trong các thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp tại trường THCS Trưng Vương, bố mẹ đã nghĩ hay để thằng thứ hai theo nghiệp mẹ.

Thế nhưng, "cha mẹ sinh con trời sinh tính", tôi bày tỏ mong muốn theo ngành nhạc một cách nghiêm túc, và ông bà sau đó chấp nhận điều này. Có lẽ họ cũng nhìn thấy khả năng của con cái. Nghệ thuật không thể gò ép, cũng không thể giấu dốt được. Bạn hát hay mới có khán giả, bạn chơi đàn hay mới có người nghe, dù tất nhiên trong âm nhạc có nhiều phân khúc.

Lúc đó, Lê Phi Phi có mơ ước tới việc mình sẽ trở thành một người chỉ huy dàn nhạc như hiện tại?

- Có một câu nói rất hay mà chúng ta đều từng nghe: "Nghề chọn người, chứ người không chọn nghề". Khi đó, để tiếp tục con đường âm nhạc, tôi đã thi vào khoa "Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy". Tại hệ Trung cấp, tất cả các học sinh đều học những môn cơ bản, tuy vậy khi vào hệ Đại học, bạn sẽ phải chọn thi chỉ huy, sáng tác hay lý luận. Ban đầu tôi chọn thi vào khoa Lý luận, thế nhưng lúc đó thí sinh học Lý luận rất nhiều, trong khi suất đi nước ngoài cho mỗi ngành học chỉ có 1 - 2  người trong một năm. Những người đi trước khuyên tôi nên chọn ngành Chỉ huy dàn nhạc – một công việc rất khó và ít người theo đuổi. Tôi nghe theo và đúng như dự định, tôi đã trúng tuyển sang Nga sau đó.

Để sang đó, phải trải qua hai vòng thi. Sau đó, với ngành Chỉ huy âm nhạc đòi hỏi sinh viên phải học 5 năm, trước đó là một năm dự bị. Trong năm dự bị đầu tiên, sinh viên khắp thế giới sẽ ôn luyện, rồi dự kỳ thi tuyển thêm một lần nữa. Nếu trúng tuyển, họ sẽ được học tại Học viện Tchaikovsky (nay là Học viện Âm nhạc Moskva), còn không thì chuyển tới các nhạc viện khác. Nói vậy không có nghĩa là các nhạc viện khác có chất lượng thấp hơn, sự khác biệt chỉ là bằng tốt nghiệp tại Học viện Tchaikovsky được công nhận trên toàn thế giới. Năm đó, khu vực châu Á chỉ có duy nhất một suất và may mắn thay, tôi đã trúng tuyển. Đó cũng là động lực khiến tôi tự tin rằng: "A, mình đã chọn đúng ngành".

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 4.

Tới giờ, anh đã trở thành "người cầm đũa" nổi tiếng, xuất hiện trên nhiều sân khấu tại Châu Âu cũng như châu Á. Không biết, trên hành trình đó, anh tự đánh giá nhạc trưởng Lê Phi Phi là một người như thế nào?

- Tôi không tự nhận xét về mình. Nhưng qua các cuộc trò chuyện, không chỉ khán thính giả Việt Nam mà khán thính giả quốc tế đều đánh giá rằng, nhạc trưởng Lê Phi Phi là một người có trình độ chuyên môn chuyên nghiệp. Lê Phi Phi rất khắt khe khi làm việc nhưng lại tâm lý và mềm mỏng trong cách ứng xử, là một người nghệ sỹ có hiểu biết về tâm lý, về sư phạm.

Công việc của một người nhạc trưởng không đơn thuần là mặc vest, đứng lên chỉ huy 1,2,3 rồi xong nhiệm vụ. Đó phải là người làm việc được với "nhạc cụ" của mình - chính là 80 con người trong dàn nhạc. 80 con người là 80 tính cách, cá tính. Nhạc trưởng phải quản lý, điều hành như một ông giám đốc của một công ty, ngoài những hiểu biết về âm nhạc, anh ta con phải có khả năng trong các lĩnh vực khác nhằm quản trị con người.

Chẳng ai thích gì một ông nhạc trưởng cứ đứng chỉ trỏ, ra lệnh "đánh sai rồi đánh lại cho tôi". Ngồi trong dàn nhạc, người nào cũng có bản nhạc trước mặt, đều có thể đánh đúng. Chỉ khi nhạc trưởng tạo ra hứng khởi, người ta mới có thể đánh hay, chứ không chỉ làm cho xong nhiệm vụ.

Tôi may mắn được giáo dục bởi môi trường châu Âu, nhưng lại có sự kiên nhẫn, mềm mỏng của người châu Á. Tôi cũng luôn dùng cái "phép" của người Việt Nam trong cuộc sống, công việc, đó là "lạt mềm buộc chặt". Bởi thế, nhạc trưởng Lê Phi Phi trong mắt đồng nghiệp là người không bao giờ cáu giận, dù nghiêm khắc nhưng luôn mềm mỏng để vẫn đạt được mục đích cuối cùng.

Bằng chứng mới đây thôi, ngay đêm 14/9, dàn nhạc quốc gia Việt Nam đã chơi một bản nhạc giao hưởng của tác giả người Pháp gốc Bỉ César Franck – "Symphony in D minor" vô cùng hay, hay tới mức tôi ngạc nhiên. Đó là một tác phẩm giao hưởng khó, cực kỳ lãng mạn, trữ tình nhưng cũng cao trào, mạnh mẽ. Họ phải tận hưởng trong lúc tập và lúc diễn thì mới làm được như vậy.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 5.

Nghe những chia sẻ của anh, tôi nhớ đến bộ phim "Nhạc trưởng" – một bộ phim của điện ảnh Hà Lan dựa trên cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Antonia Louisa Brico. Khi xem bộ phim đó, tôi đã vô cùng ấn tượng bởi những vất vả của người nghệ sĩ nhằm đạt được ước mơ trở thành người nhạc trưởng?

- Đúng vậy. Đó là một bộ phim hay, giúp mọi người phần nào hình dung ra công việc của một người nhạc trưởng. Người nghệ sĩ độc tấu biểu diễn có thể đóng cửa 10 tiếng, sau đó ở trong nhà luyện tập trước khi diễn ra chương trình. Ông nhạc trưởng thì khác, đó là một người đầu bếp, tỉ mỉ, tận tâm, với rất nhiều khâu phải sắp đặt, cân nhắc.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 6.

Cha anh, nhạc sĩ Hoàng Vân đã qua đời được 4 năm. Những tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng lớn tới nền âm nhạc Việt Nam qua nhiều thế hệ và vẫn còn ngân vang trên nhiều sân khấu. Vậy với các con, ông có ý nghĩa như thế nào?

- Với riêng tôi, ông là một tượng đài - một tượng đài về mọi khía cạnh. Về âm nhạc, sự nghiệp, phong cách sống cũng như văn hoá sống.

Đầu tiên, ở khía cạnh là một nhạc sĩ, dưới con mắt của một nhạc trưởng lành nghề đánh giá về một tác giả, với tôi, âm nhạc của Hoàng Vân vô cùng giá trị, nó gắn bó với chúng ta từ khi thơ ấu. Tất cả ca khúc thiếu nhi như Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Mùa xuân… đã thấm sâu vào trong tâm hồn tôi, cũng như nhiều thế hệ. Chúng đều có ca từ hay, giai điệu đẹp, ai nghe cũng rất dễ nhớ, mà nói về tính học thuật, lại không hề dễ dãi.

Ông cũng cho ra đời một loạt ca khúc cách mạng nổi tiếng, gắn liền với lịch sử dân tộc. Ngay từ kháng chiến chống Pháp, vào năm 1950, khi còn là một cậu thanh niên Hà Nội đi nhập ngũ, chưa có kiến thức về âm nhạc, Hoàng Vân đã cho ra mắt tác phẩm "Hò kéo pháo". Sau đó, ở mỗi thời kỳ, ông đều có những ca khúc hay, tinh tế ở cả ca từ và giai điệu. Dù chứa khẩu hiệu, ông cũng luôn lồng vào trong ca khúc của mình tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương. Ông viết "Quảng Bình quê ta ơi" năm 1964 - khi giặc Mỹ ném bom khốc liệt, viết "Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng" năm 1968 hừng hực khí thế đấu tranh, nhưng các ca khúc đó vẫn rất nhẹ nhàng, tình cảm.

Sau đó, tới thời hoà bình, xây dựng đất nước, hầu như với ngành nghề nào, ông cũng có bài, nó không dừng lại ở phạm vi ngành ca mà được công chúng yêu mến, hát ở khắp nơi. Đó là "Tôi là người thợ lò", "Tình ca người thợ mỏ", "Bài ca xây dựng"… Nhạc của ông lãng mạn, tình cảm, tươi mát, không hề có sự uỷ mị, buồn bã.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 7.

Chúng ta cũng không thể không kể tới kho tàng khí nhạc mà ông để lại…

- Đúng vậy, về khí nhạc, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng sở hữu một kho tàng rất đồ sộ. Giao hưởng thơ "Thành đồng tổ quốc" – tác phẩm khí nhạc đầu tiên của giao hưởng Việt Nam được ông viết khi đang là sinh viên tại Học viện Âm nhạc Trung ương Bắc Kinh, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ điển Tây phương với nét dân gian Việt Nam. Sau đó ông viết rất nhiều tác phẩm cho độc tấu, nhạc phim, nhạc kịch. Sau khi ông mất, gia đình tôi có làm công việc thống kê sưu tầm tác phẩm của ông, tới nay đã tìm thấy hơn 700 tác phẩm, chưa kể số thất lạc.

Với tài năng của mình, nhạc sĩ Hoàng Vân nhận được nhiều đãi ngộ của nhà nước, của Chính phủ, thế nhưng cuộc sống của ông dường như vẫn gắn bó với phố cổ, với ngôi nhà vỏn vẹn 40m2 này? Có bao giờ anh thấy cha thiệt thòi?

- Đúng vậy, ông hoàn toàn có thể tới những nơi rộng rãi hơn, nhưng ông chỉ muốn sống trong căn nhà này, ngôi nhà do ông nội tôi xây từ đầu thế kỷ để lại. Những năm ấy, các gia đình có nhà đều hiến tặng cho Cách mạng. Sau khi hiến tặng, gia đình cha tôi được phân lại 40m2, với hai vợ chồng, hai con nhỏ, khi đó, như thế đã là rộng rãi lắm rồi.

Đó cũng là điều mà tôi muốn nói về phong cách sống của cha. Trong tính cách, cha tôi luôn là chàng trai phố cổ Hà Nội, lịch lãm, tinh tế. Ở ông, không bao giờ có sự giáo điều "lên gân", dù có sự kiêu ngầm (do biết giá trị của mình), nhưng không bao giờ tỏ ra với mọi người, từ đồng nghiệp tới hàng xóm ông đều thân thiện. Thú vui của ông đơn giản là đi ăn sáng, dạo phố, uống cà phê.

Tôi ảnh hưởng nhiều từ cha. Hoặc có thể, những người phố cổ dù rời xa cũng luôn giữ những hoài vọng về một Hà Nội thời thơ ấu. Tôi cũng vậy thôi, về đây hoàn toàn có thể đi những nơi sang chảnh, rộng rãi hơn, nhưng cuối cùng luôn ở lại cái gác xép 14 Hàng Thùng này. Điều kiện không quan trọng, quan trọng là tôi đang nằm ở một ngôi nhà, nơi có hình bóng ông bà tôi, cha tôi, nơi có mẹ tôi đang ở đó.

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời, anh và chị gái (tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh) đã có nhiều hoạt động nhằm lưu giữ di sản của cha với công chúng. Còn điều gì anh muốn làm cho ông mà chưa làm được?

- Tôi còn nhiều ước muốn lắm. Với phương diện là người nghệ sĩ biểu diễn, tôi mong làm thêm nhiều đêm nhạc về âm nhạc Hoàng Vân, nhưng phải nói rõ rằng không phải tôi làm cho bố mình, mà làm cho nhân dân, cho xã hội. Bởi lượng người yêu âm nhạc Hoàng Vân rất nhiều, kể cả lớp trẻ họ vẫn yêu thích và ca hát. Số ca khúc của cha tôi mà mọi người biết tới và quen thuộc là khoảng 200 tác phẩm, còn khoảng 500 tác phẩm khác vẫn chưa được biết tới, trong đó có rất nhiều tác phẩm hay.

Bản thân tôi cũng đã từng mang bản giao hưởng "Thành đồng tổquốc" biểu diễn ở Macedonia, Serbia, Bulgaria, Albania, đặc biệt là chơi nhiều lần tại TP.HCM và Hà Nội. Tôi mong âm nhạc của ông vang lên càng nhiều nơi càng tốt, chúng sẽ tồn tại trường kỳ như lời bài hát của ông: "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau". Câu hát đó dường như cũng chứa quan điểm làm nghề của cha tôi, rằng: "Giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại mãi mãi, nếu đó thực sự là giá trị nghệ thuật".

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 6.

Hôm trước, trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, tôi được biết anh và anh Trung đã từng mong muốn làm một đêm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, nhưng sau đó chưa thực hiện được?

- Thật ra, khi cha còn sống, đã rất nhiều lần tôi đề nghị ông làm đêm nhạc, nhưng đều gạt đi: "Không, bố không muốn làm". Tôi hỏi bố tại sao, ông bảo tôi: "Những bài của bố vang khắp nơi, chỗ nào người ta cũng biết, tại sao lại cần làm đêm nhạc? Vả lại, ở tuổi này, bố không chịu được sức ép về tâm lý. Khi tất cả những ca khúc nổi tiếng của bố vang lên, nó không khác gì một thước phim quay lại cả cuộc đời mình". Ông không chịu được điều đó, có lẽ bởi mỗi tác phẩm viết ra đều gắn với một sự kiện trong cuộc đời ông, mà ông không muốn nhớ lại.

Đó cũng chính là nguyên nhân của vấn đề ông không viết hồi ký. Tôi từng bảo cha rằng ông viết hồi ký đi, khi ông còn tỉnh táo và minh mẫn. Nhưng ông bảo tôi rằng nhớ lại để làm gì, rất mệt…

Tôi muốn làm những đêm nhạc với những tác phẩm của cha, với cách phối mới, với những nghệ sĩ trẻ thể hiện. Điều đó sẽ giúp âm nhạc của ông tiếp cận với thế hệ tiếp nối nhiều hơn, nhưng vì nhiều lý do, tôi vẫn chưa làm được.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 7.

Trên trang cá nhân, anh chia sẻ với bạn bè nhiều khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình. Anh đã gặp người bạn đời của mình – chị Lydia Dobrevska như thế nào?

- Chúng tôi quen nhau khi tôi học năm nhất Đại học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Lydia từ Macedonia sang, theo học hệ Trung cấp với rất nhiều người bạn Việt Nam trong lớp: Hoàng Ngọc Long (hiện là Giám đốc nhạc viện TP.HCM), PGS.TS Cù Lệ Duyên (hiện là Giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia)… Tôi chơi thân với cả hội đó và ở cạnh phòng nhau trong ký túc xá. Hồi đó, trong ký túc xá của trường, học viên Việt Nam chiếm số lượng đông đảo nhất, sau đó tới các nước Nam Tư cũ. Chúng tôi quen, chơi, sau đó đến năm thứ 3 thì chẳng biết thế nào lại… yêu.

Ban đầu, Lydia không dám nói về tôi với bố mẹ. Sự quen biết một người nước ngoài không có gì tội lỗi, nhưng dù sao cũng có chút… không bình thường. Sau đó một vài năm, vào dịp nghỉ hè, cô ấy mới dẫn tôi về chơi, làm quen với ông bà.

Bố Lydia là luật sư, ông đảm nhiệm vai trò giám đốc nhân sự trong một công ty xuất nhập khẩu lớn nhất tại Nam Tư, mẹ là giáo sư dạy Sử. Đó là một gia đình có truyền thống văn hoá, rất cởi mở trong suy nghĩ. Khi con gái yêu một người Việt Nam, họ rất quý mến và tôn trọng. (Phải nói thêm là người Nam Tư rất yêu quý đất nước Việt Nam, họ vô cùng ngưỡng mộ việc người dân nước ta giành chiến thắng trong 3 cuộc chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ). Tuy vậy, bố Lydia có bảo: "Con yêu thì yêu, lấy thì phải suy nghĩ. Bạn trai con ở một đất nước rất xa đấy". Lúc đó, Lydia trả lời: "Bố yên tâm đi, bọn con đã hướng tới việc về đây làm việc rồi. Chúng con cũng đã nhận được lời mời từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia". Ông bà rất vui mừng.

Nói tới đây, tôi cũng muốn nhắc đến câu chuyện tại sao tôi lại về Macedonia, chứ không phải là vợ tôi về Việt Nam. Bởi vì trong cuộc sống, khi hai người yêu nhau và thuộc về hai đất nước, sẽ bắt buộc phải có một người hy sinh và lựa chọn. Tôi là đàn ông, đã chấp nhận hy sinh và xa Tổ quốc 30 năm nay. Tôi không muốn sau một chặng đường dài, lại bắt buộc cô ấy phải hy sinh như vậy. Đặt mình vào địa vị của cô ấy thôi, là một người ở tuổi trung niên, việc thay đổi môi trường sống đâu có dễ dàng, cộng đồng người Macedonia ở Việt Nam thì không có. Cũng như tôi, tôi đang là người Việt duy nhất tại đất nước có gần 2 triệu dân này. Sự hy sinh, có lẽ cứ để một bên là đủ.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 8.

Vậy còn về phía gia đình anh, ông bà có buồn khi cậu con trai duy nhất không về nước?

- Bố mẹ tôi thì lại tân tiến hơn cả Tây, họ luôn khẳng định: "Con ở đâu hạnh phúc thì bố mẹ hạnh phúc". Chị em tôi đều theo ngành nhạc cổ điển, những năm 80 của thế kỷ trước, ngành nhạc cổ điển của Việt Nam chưa phát triển, nếu về đây chúng tôi không thể phát huy hết khả năng, tài năng của mình. Ở thời điểm này lại khác. Nếu lúc này tôi 20 tuổi, chưa chắc tôi đã ở nước ngoài…

Mới đây, vợ chồng anh vừa kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Nói thật, tôi có rất nhiều người bạn lấy vợ ngoại quốc, thế nhưng, rất hiếm người đạt tới con số ấy. Lydia có phẩm chất, tính cách gì để giữ chân anh lâu như vậy?

- Đối với tôi, Lydia không khác gì một phụ nữ Việt Nam. Cô ấy luôn lo toan cho chồng con, cho gia đình, ngoài công việc của mình. Vợ tôi biết đứng đằng sau để hỗ trợ, quan sát, giúp đỡ nhưng không làm phiền. Bởi hơn 20 năm qua, tôi thường xuyên phải đi biểu diễn, cũng như trở về Việt Nam với gia đình. Nếu là một người phụ nữ khắt khe, họ sẽ luôn chất vấn ông về Việt Nam đi đâu, làm gì, hay ông đi biểu diễn có cô nào "quý" trong dàn nhạc không. Những câu hỏi đó, nghe thì đơn giản, nhưng lặp đi lặp lại thì cũng "mệt".

Lydia không bao giờ làm thế, cô ấy biết vị trí của mình trong trái tim chồng như thế nào.

Mới năm ngoái thôi, cả nhà tôi bị Covid-19 khi vaccine chưa hề có. Trong cả 3 người, duy nhất vợ tôi là người bị nhẹ. Suốt thời gian đó, cô ấy đi chợ, mua thuốc, đo nhiệt độ, Lydia vừa là y tá, vừa là giúp việc cho cả nhà. Khi tôi vào bệnh viện, ngày nào Lydia cũng nấu ăn mang vào để động viên chồng.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 11.

Sau 30 năm sống cùng, cô ấy có ảnh hưởng những tính cách hay thói quen của người Việt Nam?

- Tất nhiên là vợ chồng, khi đã sống với nhau phải nhiễm. Lydia nhiễm cách sống của người Việt - tế nhị, kín đáo, mềm mại. Cô ấy cũng là người phụ nữ phương Tây hiếm hoi ăn được các loại mắm: mắm tôm, mắm tép, mắm cá… Ở nhà tôi, nước mắm là thứ tiêu tốn nhiều nhất bởi cả ba người cùng thích thú.

Với nhiều người Việt Nam, Macedonia vẫn là một đất nước xa lạ. Anh đã sinh sống tại đó gần 30 năm, có thể chia sẻ những gì vềquốc gia này?

- Macedonia là một đất nước nhỏ, với diện tích chỉ hơn 25.000km2, thiên nhiên tươi đẹp, chứa cả sông, núi, hồ, rừng. Mật độ dân số tại đây khá thưa, cuộc sống yên bình, dễ chịu. Mùa đông ở Macedonia không quá lạnh như tại Nga, mùa hè nóng nhưng dễ chịu. Người dân quốc gia này yêu nghệ thuật, lĩnh vực âm nhạc - hội hoạ rất được yêu thích và tôn trọng.

Mặt khác, do từng bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ hơn 500 năm, Macedonia ảnh hưởng nhiều văn hoá châu Á, cho tới tận hôm nay. Ở đây, phụ nữ coi trọng công dung, ngôn hạnh. Các giá trị gia đình cổ xưa đều được gìn giữ, cuối tuần bố mẹcon cái gặp gỡ nhau, ông bà giúp con cái trông trẻ nhỏ. Có lẽ cũng vì điều đó khiến tôi thấy gắn bó và gần gũi.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 10.

Lúc nãy anh có nói, tình yêu với Việt Nam trong anh vẫn luôn mãnh liệt. Tại đây, anh có gia đình, có bạn bè, có người hâm mộ. Liệu có khi nào anh nghĩ tới việc sẽ chuyển về đây?

- Câu chuyện chuyển về Việt Nam, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi trong suốt 30 năm qua, từ lúc tôi tốt nghiệp Học viện Tchaikovsky, sau đó tới làm việc ở nước CH Macedonia như hiện tại.

Anh cũng biết, vợ tôi là người Macedonia, chúng tôi cùng học với nhau và sau đó về làm việc tại dàn nhạc. Cũng phải nói thêm rằng, với một cậu sinh viên mới ra trường khi ấy, nhận được lời mời của một dàn nhạc quốc gia với vị trí nhạc trưởng là một vận may hiếm có. Hơn thế nữa, châu Âu lại là cái nôi của âm nhạc, còn âm nhạc cổ điển tại Việt Nam những năm 80 chưa hề phát triển.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn không nghĩ là tôi đi hẳn. Tôi luôn nghĩ tôi là người Việt, chứ không nghĩ mình là một Việt kiều. Tôi chỉ đang đi công tác nước ngoài, nhưng thời hạn công tác của tôi nhiều hơn mọi người một chút, cũng như người làm ngoại giao đi 2,3 năm một nhiệm kỳ, còn nhiệm kỳ của tôi dài hơn. Tôi luôn hướng về đất nước, gia đình, nhưng về hẳn là một câu chuyện khác, bởi nó liên quan mật thiết tới tương lai gia đình nhỏ của tôi.

Con trai tôi đã 25 tuổi, cậu ấy sẽ xây dựng nghề nghiệp tại Việt Nam như thế nào. Liệu khi về hẳn, "đất dụng võ" có đủ cho hai vợ chồng tôi không?. Trước giờ, chúng tôi chỉquen làm chuyên môn, không làm những công việc khác. Ở bên kia, vợ chồng tôi kiếm đủ tiền sống bằng nghề nghiệp của mình.

Nói chung, câu trả lời về việc sống tại Việt Nam vẫn là một dấu chấm lửng mà tới giờ tôi để ngỏ. Tôi luôn tận dụng cơ hội để có thể về nhiều hơn, và sau này, khi về hưu, có thể tôi sẽ ở Việt Nam 6 tháng, ở Macedonia 6 tháng.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 11.

Sống tại Macedonia - một đất nước nhỏ với lượng dân số chỉ vỏn vẹn gần 2 triệu dân liệu có làm ảnh hưởng tới sự phát triển của anh? Có khi nào anh mong muốn mình sẽ chuyển tới một môi trường âm nhạc rộng lớn hơn, như Paris, Berlin hay New York chẳng hạn?

- "Thà làm đầu chuột còn hơn đuôi voi", tôi rất biết vị trí của mình. Ở Macedonia, tôi là đầu chuột, còn ở Paris, tôi sẽ chỉ là đuôi voi thôi. Nếu tôi sinh ra tại Paris, hay tại New York thì nó là câu chuyện khác, nhưng tôi không phải dân bản xứ. Ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ ưu tiên những người dân quốc tịch của mình.

Ở Macedonia, tôi rất bận rộn và hạnh phúc với vị trí của mình, bận đến độ quá bằng lòng với những gì mình đang có. Thời còn trẻ, một ngày tôi làm 3 việc, từ 9h sáng tới 9h tối. Buổi sáng tập với dàn nhạc giao hưởng quốc gia, chiều tới dạy Nhạc viện, tối tập với nhà hát opera. Tôi là nhạc trưởng thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, nhạc trưởng thường trực của Nhà hát nhạc vũ kịch, nhạc trưởng khách mời của các nước/ vùng lãnh th xung quanh như Serbia, Kosovo, từng đi Pháp, Đức, Nga biểu diễn. Công việc ngập đầu, cat-xê tốt. Đương nhiên, tôi cũng có ước mơ chỉ đạo dàn nhạc của Berlin, Viena, Amsterdam..., nhưng đó đơn thuần là những khao khát mà mỗi người nghệ sĩ đều chứa trong mình.

Vả lại, trong ngành nghề đặc thù này, tôi cũng còn rất trẻ. Mọi thứ còn rất dài phía trước. Chúng ta không bao giờ có thần đồng nhạc trưởng, người nhạc trưởng phải có tuổi nhất định bởi họ cần có vốn sống, có kinh nghiệm, cần có uy nữa…

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 12.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, chỉ đang đi công tác nước ngoài" - Ảnh 13.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem