Thông tư 29 "siết" dạy thêm, học thêm: Giáo viên đồng tình nhưng băn khoăn về cơ chế quản lý

Tào Nga Thứ năm, ngày 16/01/2025 06:40 AM (GMT+7)
Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm ra đời đã tạo được sự quan tâm lớn dư luận và giáo viên khi quyết tâm đưa về đúng nhu cầu thực của học sinh, phụ huynh. Nhiều giáo viên cũng đồng tình với quy định mới.
Bình luận 0

"Dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ phải thay đổi rất nhiều"

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho hay: "Học thêm, dạy thêm trên thực tế đang là nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Người dạy thì nhằm mục tiêu tăng thêm thu nhập. Người học thì cải thiện khả năng thi. Đấy là nhu cầu của xã hội.

Khi thông tư 29 có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ phải thay đổi rất nhiều. Những thầy cô có năng lực chuyên môn tốt, có sức hút đối với người học thì không lo lắm. Các thầy cô sẽ liên hệ hoặc bằng cách nào đó nhờ người đứng tên mở các trung tâm và đăng ký kinh doanh, có thể, đây còn là cơ hội để thầy cô tạo ra đột phá về thu nhập.

Thông tư 29 "siết" dạy thêm, học thêm: Giáo viên đồng tình nhưng băn khoăn về cơ chế quản lý- Ảnh 1.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm nhận được quan tâm từ dư luận. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

Những thầy cô chưa tạo được thương hiệu, chưa có sức hút, có thể sẽ không được các trung tâm đón nhận, sẽ mất nguồn thu từ hoạt động này. Lợi nhất là học sinh, các em sẽ được lựa chọn học thêm với các thầy cô mà các em yêu thích, từ đó mà hiệu quả sẽ tăng lên. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến chi phí học thêm sẽ cao, thậm chí rất cao mà nhiều gia đình không gánh nổi.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến cách quản lý, điều hành hoạt động của các trung tâm, làm sao để tránh được tình trạng các em bị ép đăng ký ra trung tâm để học (tức là chỉ thay đổi địa điểm, trước đây phòng học thêm là lớp học trong trường, nay là phòng học ở trung tâm). Việc kiểm soát này giao cho cơ quan chức năng cụ thể nào? Cơ chế xử lý sai phạm ra sao hay chỉ kêu gọi sự tự giác của người lập trung tâm?

Tôi cho rằng: Gốc của vấn đề không nằm ở lớp dạy thêm do trường quản lý hay do trung tâm quản lý. Nếu lương của giáo viên đủ cao thì họ sẽ không cố đi dạy thêm nữa vì cũng cần có thời gian để đào sâu chuyên môn, chăm sóc gia đình, bản thân. Học sinh không chịu quá nhiều áp lực thi vượt cấp, vào đại học, các em cũng sẽ không ném bỏ tuổi thơ để vùi đầu ôn luyện trong các lớp, lò học thêm này. Các em sẽ có cơ hội để theo đuổi đam mê, khám phá năng lực bản thân…".

Thầy Nguyễn Minh Đạt, một giáo viên ở TP.HCM cho biết: "Quy định này rất đúng đắn ở chỗ cấm dạy thêm học sinh trong nhà trường có thu tiền và cấm dạy thêm ngoài nhà trường đối với những học sinh đã dạy trên lớp. Việc này sẽ chấm dứt chuyện không ít giáo viên o ép học sinh đi học thêm để thu tiền. Mọi học sinh được bình đẳng trong giáo dục khi học thêm trong nhà trường có thu tiền bị xóa sổ.

Thay vào đó, học sinh yếu được phụ đạo miễn phí; học sinh giỏi được bồi dưỡng. Nhà trường, giáo viên phải làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đối với học sinh. Giáo viên nào có tài năng thì đi dạy ở trung tâm, sẽ thu hút được học sinh khác, cũng là một cách vừa kiếm tiền chân chính vừa nâng vị thế của người thầy.

Tuy vậy, việc dạy ôn thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT không thu học phí là chưa thỏa đáng. Giáo viên cần tiền ăn sáng, đổ xăng xe, chi phí khác thì không mấy ai dạy miễn phí.

Điều băn khoăn tiếp, việc giáo viên dạy học sinh theo nhóm, lôi kéo học sinh trên lớp ra dạy ở trung tâm thì ai giám sát, giám sát cách nào? Ví dụ, ông A mở trung tâm thuê bà B dạy. Hiệu trưởng của bà B có đủ thẩm quyền vô kiểm tra trung tâm của ông A hay không?".

Một giáo viên khác cũng nêu ý kiến: "Thông tư 29 là đúng đắn nhưng hợp hơn với các khu vực trung tâm. Các vùng quê, vùng sâu vùng xa thì lại bất lợi cho cả học sinh và giáo viên. Giáo viên muốn dạy thêm lại khó mở trung tâm vì vừa phải nhờ người, vừa phải lo các thủ tục pháp lý liên quan. Học sinh nếu học thêm ngoài trường thì chi phí sẽ cao, nhiều gia đình không có điều kiện sẽ không cho con em mình đi học. Nhiều em không đi học sẽ ở nhà không ai quản lý dễ sa đà vào các tệ nạn".

Quản chứ không cấm

Trước lo lắng của dư luận, Bộ GDĐT cho biết: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người dạy lẫn người học. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì để bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Việc học thêm quá nhiều khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Việc một bộ phận giáo viên "ép" học sinh do mình dạy chính khóa phải học thêm cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội.

Xuất phát từ thực tế nêu trên và yêu cầu "Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm", Bộ GDĐT xây dựng Thông tư 29 trên tinh thần không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.

Thông tư phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả, thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là phát triển năng lực học sinh.

Như vậy, về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định có thể đảm bảo cho HS lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục. Ngoài giờ học theo chương trình, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT, nhấn mạnh, điểm mới trong Thông tư lần này là Bộ GDĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.

Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường.

Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả. Bộ GDĐT hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem