Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam: Xinh tươi, yêu nghề giáo

Tào Nga Thứ bảy, ngày 23/03/2024 08:02 AM (GMT+7)
Nghiên cứu sinh Kiều Phương Thùy, khóa 39, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trở thành Tân tiến sĩ đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Tin học của Việt Nam.
Bình luận 0

Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam

Luôn đam mê, tâm huyết với nghề, nghiên cứu sinh Kiều Phương Thùy, khóa 39, khoa Công nghệ thông tin đã chính trở thành Tân tiến sĩ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điều đặc biệt, tính tới thời điểm hiện tại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đào tạo hơn 1.900 tiến sĩ nhưng với khoa Công nghệ thông tin thì cô Thùy là nghiên cứu sinh thứ 2 của khoa tốt nghiệp và là tiến sĩ đầu tiên cũng là duy nhất của chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Tin học của Việt Nam.

Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam: Xinh tươi, yêu nghề giáo- Ảnh 1.

Tiến sĩ Kiều Phương Thùy là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt ngay sau khi nhận tấm bằng Tân Tiến sĩ , Tiến sĩ Kiều Phương Thùy bày tỏ: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi trở thành tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Tin học của Việt Nam. Năm đầu tiên khoa đào tạo tiến sĩ mã ngành này nên các thầy cô dù còn bỡ ngỡ nhưng dành hết tâm huyết và chờ đợi sản phẩm đầu tiên. Tôi rất vui khi là người mở đường cho mã ngành này và hi vọng năm sau sẽ có thêm nhiều tiến sĩ hơn nữa".

Được biết, đề tài Tiến sĩ Thùy nghiên cứu là dạy học tin học theo hướng tự học cho học sinh THPT. Theo Tiến sĩ Thùy, tự học là đề tài được nghiên cứu từ lâu trong môi trường truyền thống, còn với môn tin học có đặc thù tự học trong môi trường số. Vì vậy học sinh cần có phương pháp học riêng, cần sự tương tác và đây là môn học cốt lõi để học trong môi trường số của thời đại số.

Kể về cơ duyên đến với lĩnh vực tin học, cô Thùy cho hay, với thế hệ sinh năm 1983, thời đi học phổ thông, tin học là một môn khá mới mẻ lúc bấy giờ. "Tôi thích chuyên Toán nhưng cuối cùng lại được học lớp chuyên Tin, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Qua quá trình học, tôi thấy tin học rất thú vị. Cùng với việc từ bé đã thích sư phạm nên tôi quyết định trở thành cử nhân Sư phạm Tin học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội", cô Thùy kể lại.

Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam: Xinh tươi, yêu nghề giáo- Ảnh 2.

Tiến sĩ Thùy luôn nhiệt huyết và đam mê với tin học từ năm cấp 3. Ảnh: Tào Nga

Ngành Sư phạm Tin học khi đó thuộc khoa Toán Tin. Sau 2 năm học, khoa Công nghệ Thông tin được thành lập, tách ra từ khoa Toán và cô Thùy trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của khoa.

Trong quá trình học tập tại đây, cô tham gia nhiều hoạt động phong trào, đoàn hội với những thành tích xuất sắc nên được giữ lại khoa. Năm 2007 cô học thạc sĩ ở Thái Lan và chính thức trở thành giảng viên của trường vào năm 2009.

"Mọi người thường nghĩ tin học dành cho con trai nhưng thực tế có rất nhiều bạn nữ học. Ngành của tôi là lý luận và phương pháp giảng dạy tin học nên là nữ càng được lợi thế bởi lợi thế từ sự mềm dẻo và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm", Tiến sĩ Thùy nói.

Hành trình học tập không ngừng nghỉ suốt đời

Công nghệ thông tin vẫn đang là xu hướng và là ngành hot những năm gần đây khiến mọi người lo ngại sẽ bị bão hòa trong tương lai vì tuyển sinh ồ ạt, tuy nhiên, nữ tiến sĩ cho rằng riêng ngành Sư phạm Tin học vẫn luôn phát triển bởi các trường hiện nay rất chú trọng và đang thiếu giáo viên, sinh viên ra trường được chào đón với mức lương hấp dẫn. 

Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam: Xinh tươi, yêu nghề giáo- Ảnh 3.

Tiến sĩ luôn được gia đình ủng hộ. Ảnh: Tào Nga

Tiết lộ về gia đình, Tiến sĩ Thùy cho hay: "Tôi nhận được hỗ trợ nhiều từ bố mẹ, chồng con nên có thời gian chuyên tâm vào công việc, học hành. Tôi có 3 người con, bạn lớn học cấp 3, bạn bé nhất chuẩn bị vào lớp 1. Con lớn thiên về xã hội, thích học tâm lý, văn học. Bạn thứ 2 thì theo ngoại ngữ. Các con rất tự hào khi có một chuyên gia tin học trong nhà. Tôi luôn khuyến khích các con học tập thật nhiều".

Trong lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa qua, cô Thùy là người đại diện cho hơn 830 tân tiến sĩ, thạc sĩ đã có bài phát biểu vô cùng ý nghĩa và xúc động. Cô chia sẻ: "Mỗi người đến với khoa học theo những con đường không giống nhau với những thuận lợi, khó khăn khác nhau. Đã có rất nhiều những đêm thức trắng, những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt, nhưng tựu chung lại chúng ta đều đã cùng đi đến đích.

Tiến sĩ đầu tiên ngành Lý luận và phương pháp dạy Tin học của Việt Nam: Xinh tươi, yêu nghề giáo- Ảnh 4.

Hơn 830 tiến sĩ, thạc sĩ đã nhận bằng tốt nghiệp trong năm 2023 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Giáo dục không phải là hoàn tất quá trình học tập mà là hành trình không ngừng học hỏi suốt đời. Tấm bằng chúng em đạt được hôm nay chỉ là sự đánh dấu cho một quãng thời gian học tập và nghiên cứu với sự dìu dắt, đồng hành của các thầy/cô hướng dẫn. 

Đây không phải là đích đến cuối cùng mà chỉ là một điểm dừng trong hành trình bồi dưỡng chuyên môn để bắt đầu cho hành trình tiếp theo. Có thể là tiếp tục học lên nghiên cứu sinh, có thể là tự độc lập nghiên cứu trên đôi chân của chính mình. Dù ở cương vị nào, chúng em xin hứa sẽ không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu để phát huy những kiến thức và kết quả đạt được, những năng lực vốn có của bản thân để tiếp tục cống hiến trong công việc nghiên cứu và giảng dạy sau này".

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhắn nhủ với các tân tiến sĩ, thạc sĩ: "Thầy không dám nói điều to tát, mà chỉ lưu ý rằng, dù giảng dạy môn học nào đi nữa thì trước hết và trên hết là giáo dục để trẻ trở thành một con người tử tế, biết yêu thương, sẻ chia, cảm thông, tha thứ với người thân và đồng loại; đồng thời giáo dục để trẻ biết được, hiểu được, dùng được cái đã học vào cuộc sống, trước khi mong muốn chúng trở thành những người sáng tạo.

Khi đã có một tầm tri thức, hi vọng rằng các bạn sẽ lan tỏa tri thức đó đến đồng nghiệp, người học và đại chúng bằng con đường dễ hiểu nhất. Khi nghiên cứu, nghĩa là các bạn khái quát hóa vấn đề để rút ra điều phổ quát; còn khi giảng giải, dạy học thì lưu ý là biến cái phức tạp thành cái đơn giản nhất...

... Một lưu ý với các bạn, hãy là người trung thực, khiêm tốn, bản lĩnh, đừng bao giờ tự thỏa mãn với chính mình và chỉ có thế mới không ngừng học hỏi, cập nhật cái hay, cái mới để công việc tốt hơn. Đừng bao giờ để ngọn lửa đam mê trong mình nguội lạnh và giữ lấy khát khao chân chính trong mỗi chúng ta để lan truyền cho đồng nghiệp, cho thế hệ sau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem