Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). Ảnh: DV.
2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo có sự tăng trưởng khá ngoạn mục ở nhiều thị trường, trong đó có việc Trung Quốc đột nhiên tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng. Theo ông, điều này có gì bất thường không?
- Thời kỳ cao điểm, Trung Quốc từng nhập tới 3 triệu tấn gạo từ Việt Nam nhưng sau đó giảm xuống còn 500.000 tấn.
Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sản xuất đình trệ, dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn, cộng với tâm lý tích trữ của người dân nên nhu cầu mua gạo tăng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tìm thêm các thị trường khác để bán được giá cao, nếu quá chú trọng vào thị trường Trung Quốc thì sẽ mất nhiều cơ hội khác, trong khi nhu cầu lương thực thế giới đang tăng do tâm lý tích trữ bởi dịch Covid-19.
Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là trong khi nhu cầu gạo của thế giới đang tăng đột biến dù dịch Covid-19 đang phức tạp, liệu sản xuất lúa gạo trong nước có đáp ứng được cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu không, thưa ông?
-Theo kế hoạch sản xuất lúa của Bộ NNPTNT, tổng lượng gạo xuất khẩu vẫn đảm bảo đủ khoảng 6 - 6,5 triệu tấn. Chỉ có điều vụ đông xuân do tác động của hạn mặn nên chỉ có 3 triệu tấn lúa hàng hóa.
Do đó, các doanh nghiệp phải cân đối ký hợp đồng xuất khẩu trong những tháng còn lại sao cho trùng với thời điểm thu hoạch lúa của nông dân, tránh việc ký hợp đồng xuất khẩu không đúng thời điểm sẽ khó có lượng gạo cung cấp cho đối tác.
Việc này, chúng ta đã làm rất tốt trong vụ đông xuân vừa qua nên xuất khẩu gạo khởi sắc, nông dân cũng được lợi vì giá lúa cao.
Hiện, một số nơi trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuẩn bị xuống giống lúa hè thu sớm, trong khi vụ đông xuân còn chưa thu hoạch xong.
Dự kiến, cuối tháng 3, Bộ NNPTNT sẽ có khung thời vụ cho vụ hè thu và thu đông, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó để đàm phán các hợp đồng xuất khẩu.
Nhu cầu gạo thế giới đúng là đang tăng mạnh nhưng trước khi đặt bút ký hợp đồng với đối tác, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ thời vụ xuống giống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm sao rải sản lượng xuất khẩu từ tháng 4 đến tháng 12.
Thu hoạch lúa đông xuân ở Long An. Ảnh: I.T
Trước nhu cầu gạo thế giới tăng cao, trong đó có việc Trung Quốc cũng tăng mua gạo từ Việt Nam và nhiều thị trường khác cũng xúc tiến tiêu thụ gạo Việt, Bộ NNPTNT đang có chủ trương tăng diện tích vụ lúa thu đông lên 50.000ha. Theo ông, điều này có khả thi?
- Hoàn toàn khả thi. Những năm trước diện tích lúa thu đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt khoảng 750.000ha, có năm tùy tình hình nguồn nước có thể tăng, giảm 50.000ha.
Năm nay, việc tăng diện tích lúa thu đông đã nằm trong kịch bản của Bộ, sao cho sản lượng lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 25 triệu tấn, cả nước là 43 triệu tấn.
Nếu kịch bản xấu nhất, những tác động của thời tiết thì sản lượng lúa cả nước cũng chỉ giảm khoảng 1 triệu tấn.
Cũng có ý kiến cho rằng, nhân nhu cầu thế giới đang tăng có thể tăng sản lượng xuất khẩu gạo lên trên 7 triệu tấn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Tôi e là khó tăng một cách đột biến sản lượng gạo xuất khẩu vì diện tích sản xuất đã đạt tối đa, Chính phủ cũng đã chốt mục tiêu xuất khẩu 6 - 6,7 triệu tấn gạo.
Hiện, chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu gạo cho bữa ăn hàng ngày, chế biến, làm giống,... đã lên đến 1 triệu tấn, có nghĩa là cần đến 12 triệu tấn/năm.
Vì vậy, việc đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu thụ trong nước là vô cùng quan trọng, để tránh rủi ro. Tôi khẳng định, với tình hình sản xuất như hiện nay, mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo là có thể đạt được bởi tổng sản lượng theo kế hoạch đề ra có thể đạt được.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là ngành chức năng phải nắm rõ được số lượng các doanh nghiệp đã tham gia ký hợp đồng xuất khẩu, bởi nếu không, dễ dẫn đến hiện tượng tranh mua, không có lợi cho thị trường, lúc đó, nông dân là đối tượng chịu thiệt.
Xin cảm ơn ông!
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nhân nhu cầu thế giới đang cao, có thể xem xét tăng sản lượng gạo xuất khẩu, bởi hiện tại, chúng ta đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ: chống dịch, chống suy thoái kinh tế, chống thất nghiệp, trong đó chống suy thoái kinh tế là nhiệm vụ khó khăn.
"Nếu có thị trường, được giá, nông dân, doanh nghiệp có lời thì có thể tăng lượng bán, để đảm bảo lương thực có thể tăng thêm diện tích lúa hè thu, thu đông. Bài học cách đây chục năm, Trung Quốc cần gạo số lượng lớn, chúng ta chần chừ không bán và đã mất 430 triệu USD" - ông Thủy nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.