Trung vệ Đỗ Duy Mạnh: Từ "kẻ gắt gỏng" thành "người đàm phán"
Trung vệ Đỗ Duy Mạnh: Từ "kẻ gắt gỏng" thành "người đàm phán"
Trần Oánh
Thứ sáu, ngày 10/01/2025 15:10 PM (GMT+7)
Đội trưởng của một đội bóng không chỉ là người đeo băng đội trưởng ở cánh tay, nhận và trao cờ lưu niệm với đội trưởng đối phương rồi làm thủ tục chọn sân, nhận bóng cùng tổ trọng tài đầu trận đấu.
Vai trò của một người đội trưởng trong đội bóng ngày càng trở nên quan trọng trong bóng đá hiện đại. Đội trưởng của 1 đội bóng không chỉ là người đeo băng đội trưởng ở cánh tay, nhận và trao cờ lưu niệm với đội trưởng đối phương rồi làm thủ tục chọn sân, nhận bóng cùng tổ trọng tài đầu trận đấu.
Vậy nếu chúng ta là một HLV, chúng ta sẽ chọn cho đội bóng của mình một người đội trưởng như thế nào? Đầu tiên, chắc chắn người đội trưởng phải có chuyên môn và chất lượng thi đấu vào loại tốt nhất trong đội bóng. Tiếp theo, anh ta phải là người có uy tín với số đông các cầu thủ trong tập thể đội bóng, phải gương mẫu không chỉ trong luyện tập và thi đấu mà còn phải gương mẫu cả trong sinh hoạt, đời sống, phải có phong thái chững chạc... Và đó cũng là cách HLV Kim Sang-sik và các cầu thủ ĐT Việt Nam chọn ra cho mình một người đội trưởng, đó là trung vệ Đỗ Duy Mạnh.
Trong những trận đấu trước đây, cả ở đội tuyển lẫn ở CLB, Đỗ Duy Mạnh đã có nhiều lần thể hiện sự thiếu kiểm soát trong thi đấu, đến mức nhiều NHM gọi anh là Mạnh "gắt". Nhưng càng ngày, cùng với sự già dặn trong thi đấu, cầu thủ này càng tiết chế cảm xúc và thái độ của mình tốt hơn. Có người nói việc anh được làm đội trưởng giúp anh gương mẫu hơn cả trong tinh thần lẫn trong thái độ thi đấu. Điều đó đúng, nhưng bản chất, Duy Mạnh đã phải có sẵn những phẩm chất xứng đáng để HLV và đồng đội tin tưởng giao phó chiếc băng đội trưởng.
Gần đây, theo quy định mới nhất của FIFA về vai trò của đội trưởng đội bóng ở trên sân, các khiếu nại của một đội bóng với trọng tài phải được thực hiện bởi đội trưởng. Đó là lý do mà chúng ta thấy trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong các trận đấu ở giải ASEAN Cup 2024, các trường hợp va chạm hay tranh cãi, trọng tài sẽ gọi đội trưởng đội bóng đến để trao đổi, hoặc đội trưởng chủ động chạy tới gặp trọng tài, đôi khi anh ta phải đẩy các đồng đội khác đang phản ứng với trọng tài ra để mình làm nhiệm vụ, đồng thời tránh cho đồng đội phải nhận thẻ vàng không cần thiết bởi sự thiếu kiểm soát thái độ đối với trọng tài. Và đó cũng là những gì chúng ta thường xuyên thấy ở đội trưởng ĐT Việt Nam Đỗ Duy Mạnh.
Như vậy, với ĐTQG, xuất hiện thêm một tiêu chí bắt buộc nữa phải có ở người đội trưởng, đó là khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Chúng ta đã không ít lần thấy ở giải đấu này, Đỗ Duy Mạnh trao đổi với các trọng tài quốc tế về các tình huống xảy ra trên sân bằng tiếng Anh. Anh cũng thường xuyên trao đổi với các cầu thủ đội bạn, đặc biệt là trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với ĐT Thái Lan. Và chúng ta chứng kiến cầu thủ này đã tỏ ra rất điềm đạm can thiệp vào các điểm nóng, trong các tình huống dễ gây ức chế, khi mà một số đồng đội của anh quanh đấy tỏ ra rất bức xúc. Điều này cho thấy khả năng kiểm soát cảm xúc thi đấu, giúp cầu thủ này điềm tĩnh thực hiện vai trò đội trưởng của mình ở các điểm nóng trên sân.
Và đương nhiên, để giao tiếp tốt, để trình bày các yêu cầu, khiếu nại hay giải thích các vấn đề trên sân, người ta cần có thêm tư duy ngôn ngữ tốt. Có vẻ cầu thủ này có khả năng đó và đây là ví dụ. Sau tình huống ĐT Thái Lan chơi không đẹp, thực hiện tấn công ghi bàn từ pha bóng lẽ ra nên ném biên trả bóng ở trận chung kết lượt về trên sân Rajamangala, đội trưởng Đỗ Duy Mạnh nói gì đó với cầu thủ số 7, Supachok của ĐT Thái Lan, truyền hình Thái Lan cho chúng ta xem cận cảnh khuôn mặt Supachok với vẻ vừa thất vọng, vừa xấu hổ.
Đương nhiên người xem hình dung câu nói của Duy Mạnh khi đó sẽ là: "Bạn chơi không đẹp". Sau này, trong 1 phỏng vấn, Duy Mạnh kể lại, khi đó anh nói với Supachok đại loại: "Bạn đang chơi bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản mà có thể xử sự như thế à?". Và như ta thấy, sau khi nghe vậy, cầu thủ Thái Lan này đã tỏ ra rất xấu hổ.
Tất cả những điều đó là lý do khiến nhiều người đã đặt cho trung vệ mang áo số 2, đội trưởng ĐT Việt Nam Đỗ Duy Mạnh biệt hiệu: "Người đàm phán".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.