Những diễn biến trên Biển Đông ngày càng căng thẳng với việc Trung Quốc gia tăng sự hung hăng tấn công tàu của Việt Nam. Là nhà nghiên cứu về Biển Đông, theo ông cách phản ứng của Việt Nam hiện nay có mang lại hiệu quả?- Tôi cho rằng những phản ứng và hành động của Việt Nam đang mang lại hiệu quả và trên thực tế, cộng đồng thế giới đang hết sức chú ý đến vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, đồng thời hung hăng tấn công vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Có 2 lý do để Việt Nam kiên trì với những giải pháp ngoại giao hòa bình và kiên quyết phản đối, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ nhất, Trung Quốc là một thế lực siêu cường, thứ hai nữa là nếu đối đầu quân sự với Trung Quốc, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy của họ đã giăng ra từ lâu.
Dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam không dùng các biện pháp đối đầu quân sự để gây sức ép, mà chúng ta tiến hành trên cơ sở giải quyết bằng hòa bình, vận động dư luận quốc tế, và sự đoàn kết dân tộc thể hiện trong những ngày qua đó là hàng triệu người Việt Nam xuống đường, ủng hộ, sát cánh cùng chính phủ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
Chúng ta biết rằng, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam không chỉ để khai thác dầu, ẩn sau hành động này là những âm mưu khác của Trung Quốc về tham vọng xâm chiếm Biển Đông. Tôi cho rằng, động thái này của Trung Quốc là răn đe, dằn mặt Việt Nam, chẳng hạn như để dọa Việt Nam không được ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc vừa rồi, hay là quan điểm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Về quan điểm của chúng ta là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn phản đối, họ chỉ muốn giải quyết song phương. Khi Việt Nam đưa vấn đề ra trước thế giới, những lập luận chắc chắn, cứng rắn và có thế mạnh về pháp lý của Việt Nam sẽ làm Trung Quốc khó chịu, thậm chí Trung Quốc bị mất mặt và bị thế giới lên án…
Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ cho rằng, đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam không chỉ để đe dọa, nếu thăm dò thấy có dầu, Hải Dương 981 sẽ tiến hành khai thác trong thời gian dài và đó là bước đi để xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam?
- Tôi cho rằng, đó là động thái đe dọa Việt Nam. Trên thực tế, từ năm 2010, Trung Quốc đã để mắt và thăm dò khu vực này rồi. Ở vùng biển này, chỉ có mỏ Cá Voi Xanh là có trữ lượng về dầu khí, các mỏ khác có nhưng rất ít, trong đó 30% là khí CO2. Ngoài ra, chi phí khai thác ở những lô này rất cao. Trung Quốc ngoài việc tự ý thăm dò vùng biển này của Việt Nam, thậm chí còn đánh tiếng thuê một số công ty nước ngoài để đến vùng biển này khai thác dầu khí. Tất cả những tính toán của họ đều nằm trong âm mưu chiếm trọn Biển Đông, nhưng để thực hiện được không phải dễ.
Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, song vẫn có một số nước là đối tác chiến lược của Việt Nam như Nga chẳng hạn vẫn chưa nêu ra quan điểm về vấn đề này. Sự im lặng này nói lên điều gì, thưa ông?
"Tôi cho rằng, động thái của Trung Quốc là răn đe, dằn mặt Việt Nam, chẳng hạn như để dọa Việt Nam không được ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc vừa rồi, hay là quan điểm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”. Ông Phan Xuân Thu
|
- Nga và Việt Nam là mối quan hệ đối tác chiến lược. Nga và Trung Quốc cũng là mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay, Nga đang cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Crimea. Và riêng vấn đề Ukraine cũng đã chi phối sự quan tâm đặc biệt của Nga vào vấn đề này.
Theo tôi, hai nước mà chúng ta có thể nhờ vào sự ủng hộ của họ đó là Nhật Bản và Ấn Độ. Rất may mắn, hiện cả hai quốc gia này đều lên tiếng ủng hộ chúng ta. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, không chỉ trông chờ vào cộng đồng quốc tế, sức mạnh nội tại, sức mạnh từ sự đoàn kết dân tộc, đồng lòng của người dân sẽ giúp chúng ta nhanh chóng giải quyết được vấn đề và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta.
Chúng ta đang vững tin rằng, với sự quyết tâm cao và thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, Việt Nam sẽ buộc Trung Quốc phải lùi bước, rút Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ viện lý do gì để chống chế khi rút giàn khoan?- Theo tôi, vì là hành động gây hấn và đánh giá thái độ của Việt Nam nên Trung Quốc có nhiều lý do để rút giàn khoan Hải Dương 981. Trong đó, 3 lý do mà Trung Quốc dễ viện dẫn ra nhất để rút lui gồm: Tuyên bố, vùng biển đó không có dầu, cần phải rút giàn khoan; chi phí cho việc khai thác dầu ở khu vực đó quá cao; có một cơn bão lớn nào đó bất ngờ đổ bộ vào Biển Đông, Trung Quốc phải di chuyển gấp giàn khoan đó.
Xin cảm ơn ông!
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.