Bạn đọc chia sẻ về việc báo tin vi phạm trật tự giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng từ 1/1/2025

Việt Sáng Thứ năm, ngày 02/01/2025 19:05 PM (GMT+7)
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định rõ việc người dân báo tin vi phạm giao thông có thể được trả đến 5 triệu đồng/1 vụ việc.
Bình luận 0

Người dân ủng hộ việc cung cấp hình ảnh, video vi phạm cho CSGT

Những ngày đầu năm 2025, dư luận bàn nhiều về mức thưởng tối đa 5 triệu đồng/vụ việc cho người dân cung cấp hình ảnh, chứng cứ về hành vi vi phạm giao thông đường bộ.

Nghị định 176/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng nêu rõ thông tin trên.

Anh Nguyễn Viết Thành (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhiều người dân chủ động cung cấp hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông, không vì chờ khen thưởng.

Anh Thành từng xem nhiều clip đăng trên báo, mạng xã hội về một số người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, đe dọa đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác.

"Bởi vậy, người dân cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng với mong muốn làm căn cứ để xử lý vi phạm, đem lại môi trường tham gia giao thông an toàn. Tôi chỉ muốn cơ quan chức năng thông tin rộng rãi việc cung cấp thông tin thế nào, cung cấp cho ai, việc nhận và phản hồi thông tin trên thế nào? Nếu làm được việc trên, tôi tin người dân sẽ rất ủng hộ", anh Thành nói.

Còn anh Trương Hải Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, không phải tuyến đường nào cũng có sự túc trực thường xuyên của lực lượng chức năng, do vậy, việc khuyến khích người dân cung cấp hình ảnh vi phạm tới cảnh sát giao thông làm căn cứ xử phạt là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài ra, người dân cũng xe được xem như một camera "chạy bằng cơm" trong việc phát hiện vi phạm giao thông.

"Nhiều vụ việc tai nạn giao thông đã xảy ra với trường hợp ngược chiều trên đường cao tốc hay đi vào đường ưu tiên, làn khẩn cấp. Tôi rất ủng hộ camera hành trình của người dân ghi lại các clip vi phạm để gửi cho công an xử lý. Mọi người dân đều mong muốn khi tham gia giao thông cần nâng cao nhận thức của người dân và thể hiện văn hóa tham gia giao thông khi lưu thông trên đường", anh Quân nói.

Trog khi đó, anh Nguyễn Văn Điệp (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc báo tin về các vụ vi phạm giao thông, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, xả rác không đúng nơi quy định, xả chất thải không qua xử lý là hết sức cần thiết. Người dân cũng không quá quan trọng về việc được nhận thưởng sau khi gửi các clip vi phạm bởi cái mọi người mong muốn nhất chính là khi tham gia giao thông được an toàn, đúng quy định.

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho hay, Phòng CSGT công an TP.Hà Nội vẫn thường xuyên nhận được các clip của người dân gửi qua ứng dụng Zalo phản ánh về các vi phạm giao thông.

Sau khi nhận được thông này, phòng CSGT đã chuyển thông tin cho các đơn vị, đội CSGT phụ trách địa bàn rà soát, xác minh xử lý theo quy định. Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều người dân gửi các clip người dân gửi về cho lực lượng chức năng. Còn về việc thưởng tiền cho người cung cấp video, báo tin vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý theo quy định.

Luật sư Ma Văn Giang - Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, để xử lý vi phạm thông qua hình ảnh do người dân cung cấp, hoặc trả tiền cho người báo tin vi phạm giao thông, cần phải căn cứ trên các quy định của pháp luật, từ độ tin cậy của hình ảnh, đến trách nhiệm bảo đảm tính xác thực của người cung cấp thông tin.

"Tôi cho rằng cần có một cổng thông tin điện tử, hoặc một đường link nào đó để những người phát hiện ra hành vi vi phạm giao thông gửi vào đó và người dân chịu trách nhiệm về những thông tin đó, đảm bảo thông tin không bị cắt ghép và không vì mục đích khác. Trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ xác minh và lấy đó làm căn cứ để làm rõ những vụ việc vi phạm và xử lý vi phạm", luật sư Giang nói.

Bạn đọc chia sẻ về việc báo tin vi phạm trật tự giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng từ 1/1/2025- Ảnh 2.

Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh người dân cung cấp.

Tính từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm giao thông từ phản ánh của người dân thông qua mạng xã hội Zalo, xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng, tước 275 giấy phép lái xe, kịp thời xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến tổ chức giao thông. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh người dân cung cấp như Bình Dương, TP.HCM và đạt được những kết quả khả quan.

Người dân báo tin vi phạm giao thông có thể được trả đến 5 triệu đồng

Nghị định 176/2024/NĐ-CP  về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt giao thông và đấu giá biển số xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trong đó nêu rõ cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước bao gồm: Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác tại địa phương ngoài Bộ Công an tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

Bộ Công an được sử dụng kinh phí thu từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Nội dung chi của Bộ Công an cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:

Nghị định quy định rõ nội dung chi của Bộ Công an cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước:

Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; xây dựng, vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông.

Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình, trung tâm chỉ huy, trụ sở, nơi làm việc, nơi tạm giữ phương tiện; thuê tài sản (nhà, đất, phương tiện, trang thiết bị và tài sản khác) phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chi xăng, dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết vụ, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; khắc phục sự cố, phòng, chống ùn tắc, xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Chi công tác phí, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; vận hành đường dây nóng, các ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông; chi vật tư, văn phòng phẩm, in hồ sơ, tài liệu; điện duy trì hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông; cước phí bưu chính, thông tin liên lạc phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm; nhập dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hợp tác quốc tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...

Điều 7 Nghị định 176/2024/NĐ-CP nêu rõ mức chi cho nội dung quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này như sau:

Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), ½ ca (02 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca/tháng; đối với ca đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau), ½ ca (02 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc. Mức chi cho các nội dung chi khác thực hiện theo quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem