Tập đoàn tín dụng xuất khẩu hàng đầu của Italy SACE hôm 14.11 công bố tài liệu có tựa đề "Cận cảnh Chào Việt Nam: một mục tiêu đáng để suy nghĩ" của tác giả John Salinaro; trong đó nhận định: Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2013 đạt 5.4%.
Tác giả này cho rằng, kết quả trên có được là nhờ vào sức bật của ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Các biện pháp khắc phục sự mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam cũng được chuyên gia Italy nhận xét là đem lại hiệu quả tích cực khi giúp giảm tình trạng lạm phát, còn dự trữ ngoại tệ tăng mạnh.
Nhà máy sản xuất xe máy của Piaggio Việt Nam. Ảnh VNP.
Còn trên trang trang tin điện tử về tài chính Firstonline, chuyên gia kinh tế của Italy, ông Ciro Caliandro nhận xét, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh cạnh tranh nhất châu Á. Chuyên gia này chỉ ra các thế mạnh của Việt Nam như có nguồn nhân công dồi dào, rẻ, chi phí kinh doanh thấp, mức độ tập trung các khu công nghiệp cao, các khu công nghiệp được tổ chức, quản lý tốt...
Từ năm 2000-2013, Việt Nam tiếp nhận khoảng 230 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa phải là tốt nhất nhưng đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Firstonline còn cho rằng, Việt Nam hiện đóng vai trò đầu tàu trong quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Nam Á khi vừa là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), cũng như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Tính đến cuối năm 2013, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Italy vào Việt Nam đạt khoảng 294.2 triệu USD, trong đó có nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như Eni, piaggio, Datalogic, ariston, Bonfiglioli, Perfetti Van Melle, Mapei...
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Italy năm 2014. Ảnh moit.gov.vn
Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ 5 của các doanh nghiệp Italy ở Đông Nam Á. Trong năm 2013, Italy xuất khẩu sang Việt Nam gần 850 triệu USD, trở thành đối tác xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 10 của Việt Nam và đứng thứ 3 trong khối các nước châu Âu (EU). Dự kiến con số này sẽ đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2018.
Hiện nay các doanh nghiệp Italy tại thị trường Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các ngành năng lượng (dầu mỏ, khí đốt), xây dựng hạ tầng, cơ khí và thời trang. Lĩnh vực xây dựng, kinh doanh nhà ở (bất động sản) sẽ rất có lợi bởi Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhu cầu lớn trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng đang dành nhiều ưu đãi về thuế và chi phí cho các doanh nghiệp nước ngoài ở những hạng mục trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.