Bỏ số đếm ngược đèn giao thông cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng, 'có thể chậm không sao cả'

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 05/07/2024 12:49 PM (GMT+7)
Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết cần có phương án nghiên cứu, đánh giá mặt tích cực và hạn chế kỹ càng trước khi thực hiện việc bỏ đếm số trên đèn tín hiệu giao thông.
Bình luận 0

TS Dương Như Hùng bày tỏ: “Cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng, có thể chậm không sao cả…”.

TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá có phương án hợp lý

Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết từ năm 2021, Sở GTVT đã có thí điểm bỏ đếm giây tại 4 vị trí đèn trên các giao lộ, gồm Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) và giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu (TP.Thủ Đức).

Bỏ số đếm ngược đèn giao thông cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng, 'có thể chậm không sao cả'- Ảnh 1.

Nút giao thông Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan thí điểm phương án đèn tín hiệu giao thông bỏ đếm ngược. Ảnh: B.C

Theo ông Giang, thời gian qua TP.HCM đã ứng dụng công nghệ trong giám sát và điều khiển giao thông, cho phép truyền tải dữ liệu thực tế từ các nút giao về Trung tâm Điều hành giao thông đô thị. Từ đó tính toán điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu sao cho phù hợp với lưu lượng phương tiện thực tế. 

Ông Giang nói: "Như vậy, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông cần thay đổi liên tục, ít nhất là theo từng khung giờ. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng chu kỳ đèn thực tế không tương thích thời gian hiển thị trên bộ đèn đếm lùi. Từ thực tiễn đó, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị đang đề xuất phương án thí điểm tắt đèn đếm lùi để theo dõi, vận hành hệ thống cho phù hợp thực tế".

Ông Giang cũng cho rằng, việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông sẽ được Sở GTVT thực hiện ở một số địa điểm, nhằm mục đích thí điểm và đánh giá hiệu quả. Qua thí điểm việc bỏ đèn đếm giây, Sở nhận thấy có cả ưu và nhược điểm.

Nhược điểm là nếu bỏ đếm giây ở pha đèn xanh, mà còn chỉ hiện 3-4 giây đèn vàng thì người tham gia giao thông không kịp dừng. Vì thế có thể thấy để đếm giây ở pha đèn xanh là thuận lợi nhất", ông Giang đánh giá.

"Trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các số liệu được ghi nhận qua hệ thống camera giám sát giao thông tại các giao lộ. Sở sẽ tiếp tục thí điểm để bỏ đếm giây pha đèn đỏ và mở lại đếm giây ở pha đèn xanh", ông Giang cho biết thêm.

Có thể chậm để có thời gian nghiên cứu rõ ràng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Dương Như Hùng cho biết cần có phương án nghiên cứu, đánh giá mặt tích cực và hạn chế kỹ càng trước khi thực hiện việc bỏ đếm số trên đèn tín hiệu giao thông.

Bỏ số đếm ngược đèn giao thông cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng, 'có thể chậm không sao cả'- Ảnh 3.

Nhiều người không đồng tình với thí điểm bỏ đếm số ngược tín hiệu đèn giao thông. Ảnh: B.C

Việc áp dụng thí điểm sẽ giúp các cơ quan có liên quan đưa ra đánh giá, so sánh là có nên tiếp tục thực hiện hay không. Nếu kết quả thí điểm tốt thì có thể cân nhắc mở rộng thí điểm hoặc triển khai. Tuy nhiên cũng cần tránh việc thí điểm đại trà, sai thì sửa vì hệ quả có thể dẫn đến tốn kém ngân sách không cần thiết.

Việc thí điểm nên triển khai ở nhiều giao lộ có tình hình giao thông khác nhau. Từ đó mới có dữ liệu toàn diện để áp dụng cho từng khu vực vì bộ đếm giây cũng rất cần thiết ở nhiều nơi.

"Tôi không phản đối việc bỏ đếm ngược trên đường giao thông, nhưng cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng. Chúng ta có thể làm chậm, không sao cả. Dẫu vậy cũng cần cẩn trọng. Chúng ta đang có rất nhiều phương án để làm, các chuyên gia sẽ cùng đánh giá xem cái nào phù hợp nhất với tình hình giao thông của TP.HCM hiện nay", ông Hòa nói.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng việc bỏ số đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông dẫn đến việc người đi đường không chủ động và không làm chủ được tốc độ.

Theo ông Nguyên, ngày xưa người ta chỉ đường thủ công bằng cách có người hướng dẫn trực tiếp, cách làm này khá linh hoạt, tức là thấy bên này đông người thì cho đi nhanh hơn, thời gian dừng lại cũng ít hơn. Còn bây giờ, ông Nguyên nói rằng, chúng ta đã cài đặt đếm số trên các cột đèn giao thông rồi thì đương nhiên không linh hoạt bằng việc chỉ đường thủ công. Tuy nhiên, thà không linh hoạt nhưng cách cài số đếm sẽ giúp người dân ước lượng thời gian dừng lại hay đi tiếp một cách tốt hơn.

Vẫn theo ông Nguyên, việc bỏ số đếm trên đèn giao thông không những không nâng cao được ý thức mà ngược lại còn làm cho người tham gia giao thông mất tính chủ động. Ông bày tỏ: "Khi có số đếm thì người dân sẽ chú ý để chuẩn bị dừng đỗ đúng vạch quy định. Theo tôi, phương án thay đổi số đếm một cách linh hoạt hoặc thay đổi số đếm ở các chiều lên - chiều xuống sẽ tốt hơn việc bỏ hẳn. Trong trường hợp muốn làm tốt, có thể nghiên cứu đưa trí tuệ nhân tạo vào thay thế".

Bàn luận về nhiều ý kiến cho rằng ở một số nước phát triển không sử dụng số đếm trên đèn giao thông, ông Nguyên cho rằng không nên áp dụng một cách rập khuôn vì điều kiện, văn hóa và ý thức tham gia giao thông hoàn toàn khác nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem