Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn chỉ huy quân đội Mãn Thanh đã thâm nhập được quan ải do tướng quân Ngô Tam Quế trấn giữ, khiến nhà Minh của người Hán bị mất nước. Tội lỗi đó bị quy về một mỹ nhân sắc nước hương trời: Trần Viên Viên.
Một trong giai đoạn lịch sử buồn của người Hán là bị nhà Thanh đô hộ trong gần 300 năm, chính xác là từ 1644 khi đến 1912. Quân đội của nhà Thanh dưới sự lãnh đạo của Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn đã thâm nhập được quan ải, khiến nhà Minh của người Hán bị mất nước. Tội lỗi đó bị quy về người đẹp Trần Viên Viên.
Trần Viên Viên người Hình Châu, mồ côi mẹ sớm, cha lại buôn bán xa nên gửi con cho người dì. Người dì nuôi dạy Viên Viên giỏi cả cầm kỳ thi họa rồi đem bán cho… kỹ viện. Sách Đinh Văn Lục chép"Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh".
Lúc đó trong triều, vua Sùng Trinh (vua cuối nhà Minh) đang sủng ái Điền Quý phi khiến Hoàng hậu không vui. Cha của Chu hoàng hậu thấy vậy bèn mua Viên Viên đưa vào cung tiến vua để dùng sắc trị sắc, khiến vua xa lìa Điền Quý phi, lấy lại quyền lực nơi hậu cung cho Chu hoàng hậu. Quả nhiên, Sùng Trinh có mới nới cũ chuyển sang sủng ái Trần Viên Viên.
Sau vì chính sự đảo lộn, giặc giã nổi như ong, vua Sùng Trinh nghe lời can gián các quan nên tự sửa mình bằng việc bỏ chốn phòng the, xa rời nữ sắc. Viên Viên vì thế bị đem trả lại cho cha của Hoàng hậu. Chu quốc trượng (cha hoàng hậu) sau đó đem Viên Viên gả cho viên kiêu tướng Ngô Tam Quế.
Dù Sùng Trinh đã chịu sửa sang chính sự nhưng đã quá muộn khi xã hội nhà Minh lúc ấy đã loạn to. Lý Tự Thành nổi lên khởi nghĩa xưng là Sấm vương với hàng chục vạn nông dân tham gia. Quân của Sấm vương đánh đến tận kinh thành nhà Minh khiến Sùng Trinh phải treo cổ tự vẫn.
Sấm vương nghe nói sắc đẹp của Trần Viên Viên nên rắp tâm chiếm đoạt. Ngô Tam Quế lúc này đang chỉ huy 10 vạn quân đang đóng ở Sơn Hải Quan đề chống quân Thanh. Khi nghe Bắc Kinh bị huy hiếp, Ngô Tam Quế liền dẫn binh về cứu nhưng giữa đường nghe tin kinh đô đã thất thủ, vua Sùng Trinh đã chết, lại nghe Lý Tự Thành dụ dỗ, nên Ngô Tam Quế đã định hàng.
Ngay cả khi nghe tin cha bị Lý Tự Thành giam thì Ngô Tam Quế vẫn cho rằng đó chỉ cách để Sấm vương ép mình hàng.Nhưng khi hay ái thiếp của mình là Trần Viên Viên bị Tự Thành chiếm đoạt, ông nổi giận đổi ý, đến đầu hàng quân Thanh. Chính Ngô Tam Quế đã mở toang quan ải đưa quân Thanh đánh thẳng vào Bắc Kinh. Từ đây, nhà Thanh áp đặt nền cai trị với người Hán mãi cho đến khi Phổ Nghi thoái vị năm 1912.
Cũng vì chuyện Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh nhập quan mà người Hán oán trách, căm thù, phỉ báng Trần Viên Viên, vì cho rằng nàng chính là nguyên nhân gây ra việc người Mãn đô hộ người Hán. Nhưng điều này là bất công vì nếu Sùng Trinh anh minh, Ngô Tam Quế tỉnh táo thì có 10 Trần Viên Viên cũng không giúp quân Thanh nhập quan được.
Kết cục sau đó của Trần Viên Viên không được rõ. Có tài liệu ghi là sau khi dẹp loạn Sấm vương, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế. Cũng có tài liệu ghi rằng nàng đã bị sát hại trong đám loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ.
Ngoài ra, còn có kết cục được nhiều người kể là sau khi trở thành vương gia của nhà Thanh, Ngô Tam Quế lo ngại bị điều tiếng lấy phải kỹ nữ, nên đưa nàng lên sống cô đơn trên một ngôi chùa vắng ở Côn Sơn – Vân Nam. Cuối đời, Trần Viên Viên trở thành một vị đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.