Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ngồi trong Phòng Bầu dục năm 1978. Ảnh HUM Images
Năm 2023, Trung tâm Carter tiết lộ rằng vị tổng thống thứ 39 của Mỹ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư da hắc tố ác tính. Ông là vị tổng thống sống lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Cha tôi là một anh hùng, không chỉ đối với tôi mà còn đối với tất cả những ai tin vào hòa bình, nhân quyền và tình yêu thương vị tha", con trai ông, James E. Carter III, cho biết trong một tuyên bố.
Sinh ngày 1/10/1924 tại Plains, ông Carter tốt nghiệp học viện hải quân và làm kỹ sư trên tàu ngầm. Ông được bầu làm thống đốc Georgia năm 1971 và cuối cùng giữ chức tổng thống từ năm 1977 đến năm 1981.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Carter ban đầu tìm cách tiếp tục chính sách hòa hoãn với Liên Xô, nhằm mục đích làm dịu căng thẳng địa chính trị của Chiến tranh Lạnh. Vào tháng 6/1979, ông và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký thỏa thuận Đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược II (SALT II), nhằm mục đích hạn chế cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, hiệp ước này đã gặp phải trở ngại tại Thượng viện Mỹ và không bao giờ được phê chuẩn, chủ yếu là do căng thẳng leo thang sau cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô vào cuối năm 1979.
Ông Carter coi cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan là mối đe dọa đến lợi ích của Mỹ trong khu vực và đã thực hiện một số biện pháp chống lại Liên Xô, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế và tẩy chay Thế vận hội Mùa hè 1980 tại Moscow.
Ông cho phép CIA bí mật giúp huấn luyện và trang bị vũ khí cho các chiến binh Hồi giáo Mujahideen chống Liên Xô. Sự hỗ trợ bí mật cho những người Hồi giáo này đã góp phần vào việc rút quân Liên Xô và sự trỗi dậy của Taliban.
Ông Carter là người làm trung gian cho Hiệp định Trại David năm 1978 giữa Israel và Ai Cập, đây là trường hợp đầu tiên một quốc gia Ả Rập chính thức công nhận nhà nước Do Thái.
Ông cũng mở đường cho việc bàn giao Kênh đào Panama cho chính quyền Panama vào năm 1999. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đã đe dọa sẽ đảo ngược quyết định này và khôi phục quyền kiểm soát của Mỹ đối với tuyến đường thủy quan trọng này.
Ở trong nước, ông Carter tập trung vào việc giảm lạm phát và ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường. Là một phần trong quá trình tái tổ chức chính phủ, ông đã thành lập Bộ Năng lượng và Bộ Giáo dục.
Năm cuối cùng tại nhiệm của ông bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, nơi những người ủng hộ Cách mạng Hồi giáo đã bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ trong 444 ngày. Các con tin được thả vào tháng 1/1981, chỉ vài phút sau khi ông Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ tiếp theo.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Carter đã cống hiến hết mình cho các nỗ lực nhân đạo, thành lập Trung tâm Carter vào năm 1982, tập trung vào việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Năm 2002, ông được trao giải Nobel Hòa bình cho công việc nhân đạo của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.