Đại biểu Quốc hội: "Kỳ họp thứ 8 quyết định những vấn đề quan trọng, mang tính lịch sử"

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 30/11/2024 19:04 PM (GMT+7)
Chiều nay (30/11), Quốc hội tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nhìn lại kỳ họp, nhiều đại biểu chia sẻ đây là kỳ họp đầy cảm xúc khi Quốc hội quyết tâm, nỗ lực cao độ và cuối cùng đưa ra những quyết định mang tính lịch sử.
Bình luận 0

Kỳ họp để lại dấu ấn rất lớn với nhiều vấn đề quan trọng 

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chia sẻ, đây không chỉ là kỳ họp kỷ lục về khối lượng nội dung mà còn là kỳ họp nhiều cảm xúc.

Theo đại biểu, kỳ họp nằm trong bối cảnh có sự vận động chung của cả hệ thống chính trị khi chúng ta thay đổi rất nhiều phương pháp, chủ trương và mang khí thế như tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu là "vừa chạy vừa xếp hàng" và không đợi chờ thời điểm quá độ. Bên cạnh đó, chủ trương, hành động và sản phẩm phải song hành.

Rất nhiều dự án luật được bổ sung mới vào kỳ họp và được thảo luận ngay như một luật sửa bốn luật, một luật sửa bảy luật, các dự luật thông qua ngay tại một kỳ họp… Điều này thể hiện quyết tâm, quyết liệt, đồng thời tăng trách nhiệm hoạt động Quốc hội trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Quốc hội: "Kỳ họp thứ 8 quyết định những vấn đề mang tính lịch sử"- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. Ảnh: Quốc hội

Chia sẻ về ấn tượng trong kỳ họp, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng đây là kỳ họp để lại dấu ấn rất lớn với nhiều vấn đề quan trọng. Đó là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Càng hàng không quốc tế Long Thành…

"Những nội dung này, khi được thông qua sẽ đi vào lịch sử của Việt Nam như là những quyết định mang tính thời đại và mang tầm vóc to lớn cả về quy mô tài chính, cơ chế, chính sách", ông Trịnh Xuân An bày tỏ.

Về chất vấn, giám sát, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, kỳ họp này khác so với những kỳ họp trước khi chỉ chọn 3 nhóm vấn đề: ngân hàng, y tế và thông tin truyền thông.

Dù giảm 1 nhóm vấn đề so với thường kỳ nhưng đó đều là những vấn đề nóng, có tác động lớn trong cuộc sống và phiên chất vấn không kém phần sôi động.

Kỳ họp thứ 8 này cũng như kỳ họp tiếp theo trong năm 2025 là hết sức quan trọng bởi đây là thời điểm bản lề cho việc triển khai Nghị quyết về kinh tế - xã hội cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thể xem như "hồn, cốt" của hoạt động Quốc hội. Đây là hình thức giám sát trực tiếp, được nhân dân và cử tri quan tâm, phản ánh không khí của nghị trường, đồng thời tác dụng của chất vấn mang đến hiệu quả tức thì.

Công tác chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An dánh giá ngày càng hiệu quả khi đã quy định rõ thời gian, thời lượng phải hoàn thành nhiệm vụ, ghi rõ mốc trong Nghị quyết, yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành phải triển khai…

Hoạt động chất vấn cũng thể hiện hiệu quả khi không còn tình trạng kể lể, nêu thành tích hay nêu chung chung. Các tư lệnh ngành nắm, hiểu vấn đề rất tốt. Những cam kết của các bộ trưởng cũng mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng hơn.

Đụng chạm đến nhiều vấn đề "nóng"

Đại biểu Quốc hội: "Kỳ họp thứ 8 quyết định những vấn đề mang tính lịch sử"- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định khối lượng công tác của kỳ họp thứ 8 khoá XV rất nặng.

Ở góc độ đại biểu chuyên trách, ông Huân chia sẻ: "Sau khi Quốc hội họp xong trên nghị trường, các đại biểu chuyên trách lại tiếp tục làm việc, có khi đến 9 giờ tối để hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt với các luật bấm nút thông qua kỳ này".

Về hoạt động chất vấn, giám sát, Quốc hội đã dành ra 2 ngày để chất vấn tại nghị trường và tiếp tục chất vấn các cơ quan của Chính phủ bằng văn bản với số lượng chất vấn không hề nhỏ. Tuy thời gian chất vấn ngắn nhưng đã có rất nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, nhiều ý kiến được giải đáp.

Trong quá trình đăng đàn chất vấn, Thống đốc ngân hàng Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đều trả lời rõ ràng, mạch lạc, không né tránh.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), đây là kỳ họp dài, với trong đó có nhiều nội dung bổ sung đột xuất vì vậy công tác chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu "rất vất vả".

"Dẫu vậy, tôi cho đó là việc cần làm, bởi đó là thích ứng theo thực tiễn thay đổi. Với sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như đại biểu Quốc hội, kỳ họp đã hoàn thành đầy đủ nội dung trong chương trình đề ra và cả chương trình bổ sung", đại biểu Trí cho biết.

Đặc biệt, ông Trí lưu ý các lãnh đạo cao cấp dù bận rất nhiều công việc, bao gồm cả công tác nước ngoài nhưng các đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước vừa nhận nhiệm vụ cũng sắp xếp tham gia, cho ý kiến rất nhiều.

"Sự có mặt của lãnh đạo cao cấp vừa là phương diện công việc vừa tạo không khí", ông Trí nói.

Nhìn lại các nội dung trong kỳ họp, đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ ấn tượng với những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục đào tạo và an sinh xã hội đã được mổ xẻ thảo luận thẳng thắn.

Đại biểu Quốc hội: "Kỳ họp thứ 8 quyết định những vấn đề mang tính lịch sử"- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Q.N

Ông Trí nêu ví dụ, trong vấn đề y tế có 2 luật rất cơ bản đó là Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) đụng chạm đến nhiều vấn đề hiện nay đang rất "nóng", rất bức xúc như chuyển tuyến, thuốc men… Những vấn đề này được thảo luận một cách sâu sắc và hiệu quả từ trong thảo luận tổ đến nghị trường rồi đến các phiên chất vấn…

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, kỳ họp có khối lượng công việc khổng lồ nhưng rất thành công và nhiều ý nghĩa. 

Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua được nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng có ảnh hướng lớn đến tình hình chung về kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế trong đầu tư công, quản lý tài sản công; liên quan về thuế có thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp… đã được chuẩn bị công phu và thảo luật sôi nổi trên nghị trường.

Về ý kiến cử tri, kỳ họp này Quốc hội đã có Báo cáo giám sát liên quan đến vấn đề về nhà ở, nhà ở xã hội. Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết liên quan đến nội dung này. 

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tháo gỡ và góp phần tăng thêm nguồn cung nhà ở thương mại cho thị trường. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét lại những quy định của Luật Giám sát Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát Quốc hội, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem