Tối 6/1, hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà vỡ òa khi ĐT Việt Nam vượt qua Thái Lan trong trận lượt về chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, lên ngôi vô địch lần thứ 3. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn, ĐT Việt Nam cũng chịu tổn thất không nhỏ khi tiền đạo chủ lực Nguyễn Xuân Son bị chấn thương rất nặng, phải rời sân ngay khoảng nửa sau hiệp 1.
Cụ thể, ở phút 32, Nguyễn Xuân Son trong nỗ lực chuyền bóng cho đồng đội đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của Nguyễn Xuân Son bị gập.
Kết quả chụp phim tại đây cho thấy Nguyễn Xuân Son bị gãy xương ống đồng và gãy xương mác. Cầu thủ này buộc phải cố định chân phải trong một thời gian. Với chấn thương kể trên, Nguyễn Xuân Son sẽ không thể cùng ĐT Việt Nam về nước vào 12h30 ngày 6/1, anh tạm thời sẽ không tham dự lễ ăn mừng ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 tại Việt Nam trong ít ngày tới.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ y học thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, tốt nghiệp Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, chân là chi thể phải gánh vác trọng lượng cho cả cơ thể. Cho nên về nguyên tắc khi xương bị gãy sẽ phải chờ xương liền mới có thể đi lại được, ở người bình thường.
Còn với cầu thủ đá bóng có một thể chất sẽ tốt hơn với người bình thường như: mật độ xương, caxi tốt nên thời gian hồi phục sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, với chấn thương mà cầu thủ Nguyễn Xuân Son vừa gặp phải, anh ấy sẽ mất thời gian và cần có một ekip chuyên nghiệp sau mổ để phục hồi chức năng.
"Bản chất gãy xương sẽ nhẹ hơn đứt dây chằng, với thể trạng như Nguyễn Xuân Son tôi cho rằng quá trình bình phục không đến 1 năm. Xem qua chụp chiếu X-Quang vết gãy không lệch lắm, xương cần 3-4 tháng để lành, sau tập luyện hồi phục, còn lại tuỳ thể trạng, nhanh nhất 7-8 tháng mới có thể thi đấu trở lại", ông Anh Tuấn cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi, Chuyên khoa Cơ xương khớp – Phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình tại một bệnh viện lớn cho hay, thời gian để phục hồi chấn thương của cầu thủ Nguyễn Xuân Son cũng sẽ phải mất tối thiểu 6 tháng trở lên để có thể đá túc tắc trở lại được.
"Tuy nhiên, cầu thủ cũng chỉ đá được 60%, còn để thi đấu đỉnh cao trong thời gian dưới 1 năm là không thể", bác sĩ Thi nhận định và cho hay, đối với các môn thể thao như bóng đá ở tốc độ cao, mức độ xoắn vặn của các cầu thủ là rất lớn. Chấn thương thường hay gặp là đứt dây chằng, còn gãy xương thường ít hơn. Chấn thương gãy xương với các cầu thủ thường sẽ nghiêm trọng do sẽ liên quan tới vấn đề liền xương.
Theo các chuyên gia, với trường hợp của cầu thủ Nguyễn Xuân Son, nếu không có các tổn thương khác như dây chằng khớp gối, bệnh nhân vẫn có thể xoay, chuyển và phản xạ tốt. Tuy nhiên, nếu có tổn thương như đứt chằng, khả năng hồi phục sẽ kém hơn. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như nhiễm trùng, tai biến hoặc việc chủ quan trong quá trình dưỡng thương, tập vật lý trị liệu có thể ảnh hưởng đến kết quả hồi phục. Tùy thuộc vào vị trí gãy của xương cẳng chân, tiên lượng hồi phục sẽ khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.