Hai ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank?

L. Anh Thứ bảy, ngày 11/01/2025 10:27 AM (GMT+7)
Dù chưa công bố chính thức, nhưng giới tài chính dự đoán, nhiều khả năng 2 ngân hàng 0 đồng là GPBank và DongA Bank lần lượt sẽ 'về tay' VPBank và HDBank.
Bình luận 0

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau những biến cố, vụ việc xảy ra, hệ thống ngân hàng đã nhận diện được nhiều vấn đề, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đã đưa các quy định sửa đổi vào Luật TCTD sửa đổi theo hướng chủ động từ sớm, từ xa.

Năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng, cụ thể: Vietcombank nhận chuyển giao CB và MB nhận chuyển giao OceanBank. 

Hai ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank?- Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Còn 2 ngân hàng yếu kém, bao gồm 1 ngân hàng từng mua lại 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), Thống đốc thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết.

"Vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Hai ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank?

Hiện, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. 

Năm 2022, HDBank từng trình và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank cũng được cổ đông chấp thuận việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của NHNN. Đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.

Cụ thể, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, đại diện HDBank khẳng định, HDBank là một trong 4 ngân hàng được đánh giá có hoạt động lành mạnh và năng lực tài chính tốt được Chính phủ, NHNN lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. 

"Chương trình này là trách nhiệm, là cơ hội để M&A, bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn, năng lực quản trị, hiệu quả và chất lượng hoat động", đại diện HDBank nhấn mạnh.

Lãnh đạo HDBank nói thêm, trong lịch sử hoạt động, HDBank đã thực hiện tốt hoạt động M&A có kết quả thành công. 

Bằng chứng là khi nhận sáp nhập DaiAbank, có quy mô tương đối, mạng lưới khu vực Đông Nam bộ, hoạt động chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có thành tích đáng nể, đã tích hợp an toàn hệ thống corebank trong thời gian ngắn,.. khiến các đơn vị của DaiABank đã đạt kết quả hoạt động tốt trong toàn hệ thống HDBank, đem lại quyền lợi cao cho nhân sự khu vực DaiABank cũ. 

"Đó là cơ sở để HDBank tiếp tục thực hiện các giao dịch M&A, tái cơ cấu tổ chức tài chính", đại diện nhà băng này khẳng định. Tuy nhiên, tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ, HDBank vẫn chưa hé mở kế hoạch cụ thể.

Tương tự, việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông nhiều năm gần đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Gần đây nhất, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, VPBank cũng đã trình và được cổ đông phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém.

Hai ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank?- Ảnh 2.

VPBank đã trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc và đạt được sự đồng thuận rất cao. Nguồn: VPBank.

Theo nội dung được cổ đông thông qua, sau khi VPBank nhận chuyển giao bắt buộc TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập,

Đề cập đến lý do VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng thông tin, về năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vì các ngân hàng này có mức lỗ luỹ kế và nợ xấu lớn. Và VPBank "hơi đặc biệt" là với sự tham gia của SMBC đã giúp ngân hàng có nền tảng vốn lớn.

Theo ông Dũng, dưới góc độ tài chính, tham gia tái cơ cấu, VPBank không được lợi nhưng lại có những điểm hấp dẫn khác như: tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở room sở hữu nước ngoài bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng có mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu lên...

Với việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, các nhà băng có thể nhận được sự hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc. Điều này được đánh giá là tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới.

Đồng thời, theo quy định, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.

Ngoài việc được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định, với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem