Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank

L. Anh Thứ ba, ngày 07/01/2025 15:34 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhà điều hành đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Bình luận 0

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15,08%, đã "bơm" ra nền kinh tế 2,1 triệu tỷ đồng

Ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Đại diện nhà điều hành cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm. Các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, lãi suất USD quốc tế giảm nhưng vẫn ở mặt bằng cao và tương quan kinh tế Mỹ với các nền kinh tế khiến đồng USD sẽ vẫn diễn biến phức tạp, tạo ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam.

Đối với điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Thống kê cho thấy, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã chủ động thực hiện 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024.

Kết quả, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng và đạt mục tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm (15%). Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

Trước đó, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.

Phó Thống đốc khẳng định: "Mục tiêu trên chỉ mang tính định hướng chứ không phải bắt buộc, tín dụng nền kinh tế có thể tăng 15%, 17%, thậm chí 18%. Con số đưa ra hướng đến mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, an toàn kinh tế.... Quan trọng là tín dụng đi vào lĩnh vực nào và tăng trưởng tín dụng vào toàn nền kinh tế.

Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng giúp NHNN điều hành cho phù hợp, cân đối dòng vốn giữa các lĩnh vực, phù hợp với mức độ kiểm soát lạm phát, quản lý ngân hàng thương mại, để đảm bảo không tăng trưởng nóng dẫn đến chất lượng tín dụng thấp".

Tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng

Đáng chú ý, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng CBBank và OceanBank cho 2 ông lớn Vietcombank và MB.

Theo đại diện nhà điều hành, đơn vị này đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Trước đó, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã công bố các quyết định chuyển giao. Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CBBank); Ngân hàng Quân đội (MBBank) nhận chuyển nhượng bắt buộc đối với Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Phó Thống đốc cho biết: "Nếu được thông qua, Ngân hàng Nhà nước mong muốn hoàn tất chuyển giao trước Tết Âm lịch để hoàn thành kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém đã đặt ra".

Ngoài ra, riêng với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định, duy trì ổn định đảm bảo tiền gửi, tiền tiết kiệm của người dân đến hạn. Đồng thời, xử lý những tồn tại, yếu kém; phối hợp cùng các cơ quan chức năng đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật để xử lý những sai phạm của các cá nhân gây ra những thiệt hại cho ngân hàng.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình phương án xây dựng tái cơ cấu tích cực đối với Ngân hàng SCB trong thời gian sớm nhất để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem