Nguyễn Bính là nhà thơ tài danh, được nhiều người yêu mến bởi giọng thơ trữ tình làng quê hiền hậu. Nhưng ít người biết, ông còn có vài tiểu thuyết từng đăng dài kỳ trên tuần báo "Trăm hoa" như "Ngậm miệng", "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" và nhiều truyện ngắn. Nhà xuất bản Văn học vừa tái bản cuốn tiểu thuyết "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" của nhà thơ Nguyễn Bính trong tủ sách Văn học tiền chiến.
Ảnh: bìa cuốn sách "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội".
Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương cho biết: "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" mang nhiều dấu ấn của tự truyện, một tự truyện đắt khách khi chao chát về tình yêu và lẽ sống. Hai người bạn thân trong tác phẩm-Tuấn và Điệp- là hai người thật ngoài đời. Điệp chính là nhà thơ Nguyễn Bính, còn Tuấn là rút từ tên thật của nhà thơ Thâm Tâm- Nguyễn Tuấn Trình. Nhân vật Hồng Hương ở sông Thương gợi đến nữ sĩ Anh Thơ, đào Dung ở Khâm Thiên đã đi vào bài thơ "Oan nghiệt", loài hoa ti gôn hai sắc trắng hồng gắn với câu chuyện về nữ sĩ T.T.K.H nổi tiếng một thời. Tất cả đều có thể tìm thấy trong tiểu thuyết này".
Câu chuyện bắt đầu khi một chiều Chủ nhật, Điệp- một văn sĩ từ tỉnh lẻ lên Hà Nội thuê trọ để sống và làm thơ, viết báo, đi dạo chơi ở Hồ Gươm, gặp Tuấn, một người bạn trẻ cũng trong hoàn cảnh tương tự. Họ trò chuyện, tâm tình cùng nhau và tìm thấy điểm chung: Chán ghét đàn bà, nhất là những người đàn bà không biết tình yêu thuần khiết. Họ quyết định dọn về sống cùng nhau, thuê một căn gác nhỏ phố Hàng Dầu. Nguyễn Bính viết: "Hai đứa chúng tôi sống âm thầm như hai chiếc bóng trên căn gác nhỏ phố Hàng Dầu. Chung quanh tường không hân hạnh treo một tấm ảnh đàn bà, cầu thang gác không được hân hạnh in một dấu giày đàn bà. Cũng như trong lòng hai đứa tôi, không được hân hạnh mơ tưởng một người đàn bà nào nữa. Bởi chưng chúng tôi đều ghê sợ đàn bà, ghê sợ yêu đương".
Chính bởi nỗi ghê sợ này, Tuấn và Điệp đã đi đến một quyết định điên rồ- yêu một cô gái đã nằm yên dưới mộ. Đó là cô gái tên Vương Thị Hoàng Lan, mất năm 17 tuổi vì bệnh nặng. Tuấn và Điệp đã làm bài vị thờ Hoàng Lan trong căn gác trọ của mình như một người vợ, và cả hai cùng yêu cô gái da diết như yêu một người tình trong mộng.
Nhưng khi cả hai được gia đình Hoàng Lan dọn về cùng ở, sự thật mới vỡ lở. Trong chiếc gối của Hoàng Lan có 1 lá thư tình-người mà cô gái trẻ từng nhận lời yêu. Trái tim của Điệp vỡ nát từ đó...
"Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" không có nhiều giá trị về văn chương, nhưng có giá trị về tư liệu vì qua đó, chúng ta có thể hiểu được suy nghĩ và đời sống tình cảm của những văn sĩ thời Nguyễn Bính đã sống. Cuốn sách cũng tạo không gian bảng lảng của một thời Hà Nội tiền chiến đã vĩnh viễn mất đi theo thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.